Theo Ad Age, Gen Z là khách hàng tiềm năng của hầu hết mọi ngành hàng. Họ được xếp vào nhóm thế hệ phát triển tài chính nhanh nhất thế giới. Thế nhưng, những người trẻ này lại mong đợi nhiều hơn, họ muốn trở thành người đồng sáng tạo nội dung với chính thương hiệu thay vì dừng lại ở một người dùng. 


“Gen Z đang trên đà trở thành thế hệ phát triển mạnh mẽ nhất. Họ có nền tảng giáo dục, tiềm năng tài chính lớn, cởi mở với thông tin và sở hữu tư duy đa dạng", theo bà Lizzy Eisenberg, Giám đốc phát triển thị trường tại Afterpay, sau khi xem xét số liệu của phân khúc người tiêu dùng từ 4 đến 24 tuổi.


Chính vì khác biệt trong đặc tính xã hội, cách tiếp cận cũ của các thương hiệu không còn hiệu quả với Gen Z. “Thế hệ này rất coi trọng sự tương tác hai chiều. Nghĩa là thay vì chỉ là người dùng thụ động tiếp nhận thông tin từ thương hiệu, họ muốn được lắng nghe và trực tiếp ảnh hưởng đến những gì mà thương hiệu đó đang làm”, bà Lizzy Eisenberg nói. Theo đó, có 44% Gen Z muốn tham gia vào thiết kế sản phẩm và 66% nói rằng điều quan trọng là các thương hiệu phải coi trọng ý kiến của họ.


Đứng trước nhu cầu của Gen Z, chuyên gia tư vấn Reid Litman tại Ogilvy Consulting chỉ ra một cách tiếp cận hiệu quả cho thương hiệu: Hợp tác với các nhà sáng tạo Gen Z. 


“Gen Z là cộng đồng sáng tạo lý tưởng để hợp tác với thương hiệu”


Gần đây, các thương hiệu có xu hướng hợp tác với Gen Z trong vai trò KOLs, Influencer hoặc thậm chí là contributor (cộng tác viên) trong các hoạt động quảng cáo. Cụ thể, thế hệ này sẽ là người trực tiếp tham gia sáng tạo content để đăng tải trên kênh truyền thông, kỹ thuật số.  


Theo một nghiên cứu gần đây của Snap hợp tác với JWT Intelligence, Gen Z là cộng đồng sáng tạo lý tưởng để cộng tác với các thương hiệu. Hơn một nửa (51%) người tham gia khảo sát cho rằng các thương hiệu nên khai thác “tiềm năng sáng tạo” của Gen Z thay vì độc lập tạo nội dung mà không tham khảo ý kiến của họ.


Các thương hiệu nên khai thác “tiềm năng sáng tạo” của Gen Z thay vì độc lập tạo nội dung mà không tham khảo ý kiến của họ


Khi hợp tác với thế hệ này, thương hiệu có thể kỳ vọng về những cách kể chuyện mới lạ, nội dung phù hợp với xu hướng, các định dạng mới nhất như video ngắn. “Gen Z tháo vát trong cách triển khai câu chuyện trong video, emoji (biểu tượng cảm xúc), meme - thứ mà các thương hiệu không phải lúc nào cũng hiểu được”, Lizzy Eisenberg cho biết. 


Theo Ad Age, việc tiếp cận Gen Z trong vai trò một nhà đồng sáng tạo sẽ đem lại 4 lợi ích sau cho thương hiệu. 


1. Xây dựng được niềm tin thương hiệu (Brand Trust)


Theo Reid Litman, niềm tin là yếu tố quan trọng nhưng rất khó xây dựng ở Gen Z. Vì được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin mở, thế hệ này có thói quen đánh giá mọi thứ từ nhiều góc khác nhau, ở những thời điểm khác nhau và dễ dàng thay đổi tuỳ vào bối cảnh. “Điều này đồng nghĩa, các thương hiệu sẽ nỗ lực hơn để xây dựng lòng tin, cộng đồng người dùng Gen Z. Muốn làm được thế, thương hiệu phải sẵn sàng chia sẻ - chia sẻ thương hiệu, chia sẻ nguồn lực và chia sẻ tương lai của họ”. 


Muốn chiếm được lòng tin Gen Z, thương hiệu phải sẵn sàng chia sẻ - chia sẻ thương hiệu, chia sẻ nguồn lực và chia sẻ tương lai của họ


2. Tận dụng nguồn lực sáng tạo


Bắt tay với Gen Z ở vị trí đồng sáng lập nội dung sẽ giúp thương hiệu tinh giản nguồn lực mà vẫn có content chất lượng. Theo Ad Age, không có ai thấu hiểu Gen Z hơn chính bản thân họ. Chưa kể, đây còn là những cá nhân rất thạo các công cụ sáng tạo kỹ thuật số. “Định nghĩa của Gen Z khác nhiều so với trước đây. Họ không coi sự sáng tạo là một lối thoát phụ mà là một thuộc tính cốt lõi của cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy, họ biết cách tạo ra những nội dung thỏa mãn được cả tính thương mại lẫn sáng tạo”, Ad Age viết. 


Gen Z không coi sự sáng tạo là một lối thoát phụ mà là một thuộc tính cốt lõi của cuộc sống hàng ngày


3. Gắn thương hiệu vào hệ sinh thái Gen Z


Ông Reid Litman đưa ra quan điểm rằng thương hiệu sẽ có hướng phát triển tốt hơn nếu chúng gắn vào hệ sinh thái của Gen Z - Tệp người dùng mục tiêu. “Điều này đòi hỏi Gen Z phải hợp tác để định hình thương hiệu. Đồng sáng lập nội dung sẽ là cơ hội tốt để Gen Z nhìn vào bên trong một tổ chức thương mại, trao đổi giá trị để cả hai bên đều nhận lại những ích lợi tốt nhất. Gen Z được sống trong môi trường nội dung chất lượng, đúng insight. Thương hiệu xây dựng được cộng đồng với tệp người dùng mục tiêu". 


Thương hiệu sẽ có hướng phát triển tốt hơn nếu được gắn vào hệ sinh thái của Gen Z


4. Gắn bó sâu sắc với người dùng mục tiêu


Hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây, Gen Z muốn tham gia vào việc quản lý và vận hành của các thương hiệu. Để xây dựng một mối quan hệ lâu dài với Gen Z, thương hiệu phải đáp ứng nhu cầu này của họ. Giải pháp ở đây chính là trở thành một thương hiệu không chỉ đổi chác thương mại mà còn khuyến khích giới trẻ đồng sáng tạo và giúp định hướng của doanh nghiệp ở tất cả các cấp.


Hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây, Gen Z muốn tham gia vào việc quản lý và vận hành của các thương hiệu


Hằng Trần