Có một niềm tin cố hữu giữa các nhân viên rằng “Sếp của mình thì chắc chắn phải giỏi hơn mình". Nhưng trên thực tế, liệu chân dung một người sếp giỏi thì có cần chuyên môn cao hơn cấp dưới của họ không?


Trong cuộc họp thống nhất proposal cho một dự án, chỉ cần sếp ậm ừ và đưa ra những lời giải thích không thỏa đáng thì sẽ ngay lập tức vấp phải nghi ngờ của nhân viên. “Chưa cần biết đúng hay sai, thấy sếp chưa nắm rõ thông tin hay không tìm hiểu về dự án thì cấp dưới phải hoài nghi về năng lực trước đã”, chị Nguyễn Hoàng Yến Vy, Account Executive tại Anymind Group nói. 


Không ai nghi ngờ về kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của Elon Musk, nhưng vị sếp này vẫn không tránh khỏi việc bị nhân viên “chê" là “cư xử tuỳ tiện trên truyền thông”. 


Theo chị Trần Nữ Hoàng Nhi, Associate Manager tại SwanCity cho biết, sẽ có 3 tình huống phổ biến khiến nhân viên không “phục" cấp trên: 


1. Sếp không định hướng cho nhân viên: Lúc này, nhân viên không hiểu được mục đích công việc mình đang làm. Vai trò của một người sếp giỏi là phát hiện vấn đề của nhân viên và có mặt đúng lúc, cho họ những lời khuyên thiết thực để có định hướng phát triển rõ ràng.


2. Sếp không có năng lực giải quyết vấn đề: Nếu sếp không thể hỗ trợ giải quyết các phát sinh hay những thắc mắc khi cần thiết, thì người sếp đó sẽ không còn là điểm tựa đáng tin cậy đối với nhân viên.


3. Sếp thiếu tầm nhìn: Thông thường, kết quả công việc của nhân viên và cả team không đạt kỳ vọng vì khả năng cao người sếp không có nhiều kinh nghiệm và tầm nhìn, quản lý và phân bổ công việc cho nhân viên chưa hợp lý.


Dựa vào 3 kiểu tình huống trên, có vẻ làm “sếp" thì cần phải giỏi hơn nhân viên về mọi mặt. Liệu thực tế có đúng như vậy không? Hãy cùng các nhân sự làm việc trong ngành tiếp thị - quảng cáo bàn luận về vấn đề này. 


Sếp có thể không giỏi bằng cấp dưới trong chuyên môn 


Chị Yến Vy cho rằng, việc cấp trên không giỏi bằng cấp dưới trong một công việc nào đó là chuyện hoàn toàn bình thường. “Nếu xét ở khía cạnh chuyên môn thì sếp không nhất thiết phải giỏi hơn nhân viên. Họ chỉ cần từng có kinh nghiệm và kiến thức cơ bản trong lĩnh vực đó", chị Yến Vy nói. 


Chị Yến Vy, Account Executive tại Anymind Group cho rằng việc cấp trên không giỏi bằng cấp dưới trong một công việc nào đó là hoàn toàn bình thường.


Lý giải điều này, chị Hoàng Nhi nêu quan điểm rằng phẩm chất cần thiết của một người lãnh đạo và một nhân viên là hoàn toàn khác nhau. “Nhân viên là những người thường xuyên rèn luyện và trực tiếp thực hiện công việc hằng ngày nên họ là người hiểu rõ nhất quy trình, chuyên môn công việc đó. Ở vai trò quản lý, người làm sếp sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát, đánh giá hiệu quả công việc và vẽ ra bức tranh tổng thể cho nhân viên, nhìn thấy những lỗ hổng để phân bổ nguồn lực lấp đầy nó. Vì vậy, sếp không mạnh về công việc mà nhân sự đang làm là điều vô cùng bình thường”, chị Hoàng Nhi cho biết. Theo chị, sếp không nhất thiết phải giỏi hơn nhân viên về chuyên môn, nhưng bắt buộc phải tốt hơn trong tầm nhìn, khả năng quản lý và định hướng nguồn lực. 


Theo chị Trần Nữ Hoàng Nhi, Associate Manager tại SwanCity, sếp không nhất thiết phải giỏi hơn nhân viên về chuyên môn, nhưng bắt buộc phải tốt hơn trong quản lý. 


Đồng ý với quan điểm trên, anh Nguyễn Hoàng Anh, Media Manager tại TBWA\Group Vietnam lại cho rằng nhân viên nên có góc nhìn khách quan hơn khi đánh giá sếp của họ. Ở vị trí manager, anh Hoàng Anh chỉ ra một số “nỗi khổ” của người ngồi ở vị trí quản lý người khác: “Các vị trí cấp quản lý đòi hỏi nhiều nhóm kỹ năng khác nhau và khả năng nhìn một bức tranh lớn. Lúc này sếp đóng vai trò là người điều hành, quan sát và đưa ra những quyết định có lợi cho tổ chức. Họ bắt đầu trao quyền và dành sự tin tưởng cho nhân viên. Điều này khiến đôi lúc nhân viên nghĩ sếp không giỏi bằng mình, nhưng trên thực tế là sếp chỉ đang cố gắng cân bằng nhiều vấn đề lớn hơn, áp lực cao hơn mà cấp dưới không hề biết".  


Thế nào là một người sếp giỏi?


Tiêu chí đánh giá sếp sẽ có sự khác nhau ở mỗi người, tuỳ thuộc vào cách họ định nghĩa “giỏi”. Giỏi ở đây có thể là về kỹ năng chuyên môn, mặt quản lý, kinh nghiệm, tầm nhìn,... Theo CNBC, mặt bằng chung sẽ có 4 kiểu sếp chính (những người từ cấp manager trở lên): 


1. Sếp giàu kinh nghiệm: Đặc điểm của người sếp này là thường xuyên đưa ra lời khuyên cho nhân viên dựa trên chuyên môn và kinh nghiệm của họ. Châm ngôn làm “sếp" của họ thường là “Tôi đã trải qua. Tôi đã thử nghiệm. Đây là lời khuyên rút ra từ kinh nghiệm xương máu của tôi. Vậy nên bạn hãy làm theo nó". Những vị sếp này có thể không phải là nhà quản lý tài ba, lý do thăng tiến của họ là nhờ kinh nghiệm dày dạn và kiến thức uyên sâu hơn cấp dưới. 


2. Sếp luôn có mặt: Cách nhận diện kiểu sếp này là họ luôn luôn có mặt để kịp thời hỗ trợ, điều chỉnh và đưa ra đánh giá về công việc. Họ muốn theo sát mọi quy trình để giảm thiểu sai sót, cũng như định hướng nhân viên cách tiếp cận công việc tốt hơn. 


Jeff Bezos, giám đốc điều hành Amazon được Harvard Business Review đánh giá là vị sếp tốt nhất thế giới nhờ những quan tâm của ông về mặt đời sống, sự phát triển của nhân viên. 


3. Sếp để nhân viên thử nghiệm: Với kiểu sếp này, họ sẽ cố gắng đẩy nhân viên ra khỏi vùng an toàn (comfort zone). Kết quả dù tốt hay xấu, miễn nó có thể kiểm soát và chấp nhận được thì người sếp này sẽ không nhát tay trong việc trao quyền cho nhân viên, đặt họ ở thế chịu trách nhiệm cho công việc của mình.  


4. Sếp giỏi xây dựng tinh thần nhóm: Bên cạnh việc quản lý và hướng dẫn nhân viên, kiểu sếp này còn giỏi gắn kết các thành viên trong nhóm để tạo ra môi trường làm việc hỗ trợ lẫn nhau. 


Như vậy, dựa vào mỗi đặc điểm mà sẽ có những cách đánh giá sếp khác nhau. Nhưng có những trường hợp, nhân viên sẽ kỳ vọng một người sếp thỏa mãn cả 4 điều kiện trên. Theo anh Hoàng Anh, chân dung một người sếp giỏi là người phải có 5 đức tính: 


1. Phong thái như một người thầy: Luôn xuất hiện đúng lúc - đúng thời điểm để hỗ trợ nhân sự. “Một người sếp giỏi là người không chỉ ‘đứng mũi chịu sào’ giải quyết vấn đề mà còn dạy cấp dưới cách đương đầu với chúng”, anh Hoàng Anh nói. 


2. Kết nối mọi người: Mấu chốt của một nhóm gắn bó với nhau nằm ở “cảm giác an toàn về mặt tâm lý”, hay cụ thể hơn là sự kết nối - đồng điệu về tinh thần và mục tiêu chung. “Dung môi hoàn hảo nhất để kết dính mối quan hệ này chính là sếp - leader thực thụ, người có thể nhận thấy và thúc đẩy để đem lại giá trị lợi ích cho đội của mình”.


3. Gợi mở những câu hỏi hay: Một câu hỏi hay sẽ giúp người trả lời nhận ra bản chất của sự việc và khơi gợi trí tưởng tượng, hơn thế nữa còn giúp nhân sự kết nối được toàn bộ thông tin để trở thành bài học cá nhân. “Tôi đã có cơ hội gặp được những người sếp hay đặt câu hỏi. Qua mỗi lần được hỏi, tôi có thời gian để nhìn nhận và đúc kết được nhiều bài học cho mình dù đôi lúc ngay cả sếp cũng không có đáp án. Thế nên đừng ngại khi bị sếp hỏi!” 


Chân dung sếp giỏi đối với anh Nguyễn Hoàng Anh, Media Manager tại TBWA\Group Vietnam gồm 5 đức tính: Biết kết nối, biết lắng nghe và giao tiếp tốt, trao quyền cho nhân viên, gợi mở bằng cách đặt câu hỏi và có phong thái như một người thầy. 


4. Trao quyền và chịu trách nhiệm: Một tín hiệu xanh giúp nhận biết sếp giỏi đó là sự trao quyền. Điều này được thể hiện ở việc sếp cho nhân viên một không gian đủ lớn để tự do phát triển. Họ được thoải mái làm việc, khám phá và sáng tạo dựa trên quan điểm của bản thân và quan trọng là quyền được làm sai. “Tuy nhiên, đi kèm theo đó cũng là việc nhân sự phải chủ động chịu trách nhiệm về những quyết định của mình”. 


5. Giao tiếp tốt và biết lắng nghe: Lãnh đạo cần biết lắng nghe để hiểu được tâm tư tình cảm của nhân viên. Từ đó cũng có được sợi dây kết nối và đồng cảm hơn với câu chuyện của họ. “Giao tiếp tốt cũng là chìa khóa gỡ bỏ cánh cửa phòng vệ của nhân viên, không phải tự nhiên mà người ta truyền tai nhau câu “khéo ăn nói sẽ có được lòng thiên hạ”.


“Chê sếp" trên mạng xã hội là không khôn ngoan


Trên mạng xã hội, các chủ đề “chê sếp” luôn nhận nhiều thảo luận sôi nổi từ người dùng là nhân sự ở các công ty. Thế nhưng, không phải trường hợp nào nhân viên “chê” sếp cũng có nghĩa là người sếp đó… dở thật. Theo chị Yến Vy, sẽ có hai trường hợp khách quan xảy ra: Một là người sếp có năng lực nhưng chưa đạt tới mức kỳ vọng của nhân viên; Hai là chính năng lực của nhân viên đó có vấn đề, luôn cảm thấy bất mãn với những lời góp ý do sếp đưa ra. 


Các thảo luận xã hội kể trên có thể được tính như một loại “gossip” (Tạm dịch: Chuyện phiếm). Chia sẻ với người khác giúp sự bất mãn của nhân sự “xẹp" xuống đôi phần. Thế nhưng, đây hoàn toàn không phải là một câu chuyện phiếm vô thưởng vô phạt, vì Internet có kí ức và những tán gẫu sau giờ làm của nhân sự có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp sau này. “Tôi không đồng tình với việc chê bai hay chỉ trích sếp lắm. Nếu là về mặt công việc hay teamwork thì tại sao không ngồi lại nói chuyện với nhau để hiểu cách làm việc nhau hơn? Nếu đó là vấn đề nghiêm trọng thì cùng nhau đưa ra hướng giải quyết sẽ tốt hơn là chỉ nhìn vào một mặt của vấn đề và đánh giá năng lực của sếp mình”, chị An Vương, Trainee tại TMF Vietnam cho biết. 


Chị An Vương, Trainee tại TMF Vietnam cho rằng chỉ trích sếp là một cách xử lý không hay. 


Theo CNN, nói xấu đồng nghiệp, sếp hoặc công ty hiện tại một cách công khai trên mạng xã hội là điều nhân sự không nên làm. Nó sẽ vô tình tước đi các cơ hội nghề nghiệp khác nếu một nhà tuyển dụng vô tình bắt gặp những bình luận đó. “Chưa biết đúng hay sai, nhưng nói xấu người khác sẽ là một trong những lý do khiến nhà tuyển dụng chau mày trước hồ sơ của bạn", tờ The Guardian viết trong bài Những điều doanh nghiệp không muốn thấy ở một ứng cử viên


Sẽ có phản đối cho rằng mỗi cá nhân đều có quyền tự do ngôn luận, bày tỏ quan điểm miễn là nó đúng sự thật. Thế nhưng, trừ những việc phạm pháp, vi phạm đạo đức cần phải vạch trần cho người khác biết, thì những ý kiến chê bai khác đều có khả năng làm xấu hồ sơ nhân sự. Chưa kể, trong cơn bất mãn, chính nhân sự cũng không thể kiểm chứng được những gì mình nói có đúng hay không.


Thay vì chê bai, Harvard Business Review cho rằng nhân sự có thể trực tiếp bày tỏ quan điểm của mình đối với sếp. “Hãy nói với thái độ thành thật, tôn trọng và tất nhiên có dẫn chứng cụ thể để lời góp ý không trở thành công kích", Harvard Business Review viết. 


Trong khi đó, anh Hoàng Anh cho rằng trước khi có bất cứ chỉ trích nào, nhân sự nên nhắc nhớ chính mình rằng “Sếp cũng là con người, cũng sẽ có những sở trường - sở đoản riêng. Hiểu được điều này nhân viên sẽ thôi đặt những kỳ vọng quá lớn về một người sếp trong mơ và không lâm vào hoàn cảnh “vỡ mộng”.



Hằng Trần/Advertising Vietnam