Tại Cannes Lions 2023 vừa qua, danh hiệu Grand Prix danh giá cho hạng mục Glass: The Lion for Change đã gọi tên chiến dịch Knock Knock, hướng đến mục tiêu cung cấp giải pháp bền vững cho các nạn nhân của bạo lực gia đình.


Bạo lực gia đình vốn là một trong những vấn nạn nhức nhối của xã hội hiện đại, gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng cho cả sức khoẻ lẫn tinh thần của các nạn nhân, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ. Tại Hàn Quốc, số liệu cho thấy số lượng các cuộc bạo lực gia đình trong giai đoạn 2011 - 2019 đã tăng lên 718%. Điều bất ngờ là chỉ 2% trong số đó được báo cáo với cảnh sát.


Một báo cáo khác cũng cho thấy Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia hiếm hoi có số lượng báo cáo về bạo lực gia đình giảm trong giai đoạn COVID-19 diễn ra trên toàn cầu. Cụ thể, so với 49.873 vụ bắt giữ vì bạo lực gia đình trong năm 2019, số liệu này vào năm 2020 tại Hàn Quốc đã giảm đáng kể 10,8%. Ngoài ra, tổng số vụ tư vấn bạo lực gia đình cũng chứng kiến mức sụt giảm đáng kể, từ 421.916 vụ vào năm 2019 còn 396.951 vụ trong năm 2020.


"Đại dịch trong bóng tối" là cách mà Liên Hợp Quốc gọi để nói về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ


Theo các chuyên gia, điều này không đồng nghĩa với việc tình trạng bạo lực gia đình tại quốc gia này suy giảm mà ngược lại, vấn nạn này còn đang trở nên trầm trọng hơn khi ngày càng có nhiều nạn nhân không thể thực hiện các cuộc gọi khẩn cấp để báo cáo về việc bị lạm dụng bởi họ đang ở cùng trong một không gian với những kẻ bạo hành. "Số liệu sụt giảm về vấn nạn bạo lực gia đình có thể không nói lên toàn bộ câu chuyện. Chúng ta phải xem xét các yếu tố khác, chẳng hạn như thực tế là nạn nhân của bạo lực gia đình khó khai báo hành vi lạm dụng hơn trong thời gian phong toả", Kim Hyo-jung tại Viện Phát triển Phụ Nữ Hàn Quốc cho biết.


Từ thực tế đó, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc đã hợp tác cùng Cheil Worldwide triển khai chiến dịch Knock Knock, cho phép nạn nhân của bạo lực gia đình tại Hàn Quốc kêu cứu khi bị xâm hại mà không cần dùng đến lời nói, từ đó giúp họ giành lại quyền kiểm soát tình huống mà lẽ ra họ không bao giờ nên gặp phải.



Nguồn cảm hứng cho chiến dịch “A silent emergency call: Knock Knock” (tạm dịch: Cuộc gọi khẩn cấp trong im lặng: Knock Knock) đến từ mã Morse - một hệ thống ký tự được chuẩn hoá theo cách đặc biệt và đặc biệt hữu ích trong tình huống yêu cầu cứu hộ. Bằng cách quay số 112 và nhấn hai lần vào một con số bất kì, một liên kết sẽ được gửi đến những nạn nhân của bạo lực gia đình, cho phép cảnh sát theo dõi tình hình thông qua camera của người gọi và theo dõi vị trí của họ.


Cảnh sát có thể quan sát tình hình theo thời gian thực thông qua camera của các nạn nhân


Bên cạnh đó, nạn nhân cũng có thể liên lạc và cung cấp thông tin trực tiếp với cảnh sát thông qua một ứng dụng được ngụy trang thành một Trang tìm kiếm Google để tránh gây chú ý cho thủ phạm. Nhờ đó, cảnh sát có thể đánh giá tình hình dựa trên thời gian thực và có những hành động kịp thời để ngăn chặn và xử lý tình trạng bạo lực gia đình tại quốc gia này.


Hệ thống cuộc gọi khẩn cấp này đã được giới thiệu tới 4.800 nhân viên xử lý cuộc gọi của cảnh sát trên toàn quốc. Đồng thời, sáng kiến này cũng được công bố trên nhiều nền tảng như blog, YouTube chính thức của chính phủ Hàn Quốc hay các hoạt động truyền thông OOH trên đường phố, đồn cảnh sát và văn phòng chính phủ để nâng cao nhận thức của công chúng về vấn nạn bạo lực gia đình. Để tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả hơn đến đối tượng nữ giới - những người có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình tại Hàn Quốc, chiến dịch đã thực hiện dán poster, tờ rơi tại các hệ thống làm đẹp hay kết hợp cùng các Beauty Vlogger và diễn viên khiếm thính Lee So Byul để tuyên truyền về giải pháp.


Chiến dịch Knock Knock thu về 237 triệu lượt tiếp cận trên các kênh truyền thông 


Sau khi chiến dịch được khởi động, tổng cộng 5.749 liên kết đã được gửi đến các cá nhân trong những tình huống khẩn cấp, giúp cảnh sát Hàn Quốc xử lý hơn 112 trường hợp bạo lực gia đình. Tỷ lệ báo cáo hàng tháng về số vụ tấn công và xâm hại cũng tăng lên con số kỷ lục 42%, cho thấy những nỗ lực của lực lượng cảnh sát Hàn Quốc trong vấn đề nâng cao nhận thức và cổ vũ nạn nhân lên tiếng đã có hiệu quả tích cực. “Knock Knock” cũng được chính thức công nhận là một hệ thống cuộc gọi khẩn cấp ở Hàn Quốc.


“Thông qua chiến dịch Knock Knock, chúng tôi hy vọng hệ thống gọi khẩn cấp thầm lặng 112 của cảnh sát sẽ trở thành một giải pháp bền vững mà bất kỳ người dân nào gặp nguy hiểm đều có thể tiếp cận và bất kỳ cảnh sát nào cũng có thể nhanh chóng ứng phó”, một quan chức của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc cho biết .


Bên cạnh giải thưởng Grand Prix danh giá trong hạng mục Glass: The Lion for Change, chiến dịch cũng giành được giải Vàng cho hạng mục Brand Experience & Activation và giải Bạc cho hạng mục Direct - Not-for-profit/Charity/Government. Trước đó, Knock Knock cũng thành công chinh phục nhiều giải thưởng lớn như Clio Awards 2022, D&AD Awards 2023 hay ADFEST 2023.


Kể từ khi chính thức được giới thiệu vào năm 2015, hạng mục Glass: The Lion for Change thuộc sự kiện Cannes Lions luôn giành được sự chú ý của đông đảo công chúng. Đây là hạng mục được lập ra để vinh danh các chiến dịch truyền thông có tác động tích cực đến xã hội, góp phần phá vỡ định kiến tiêu cực và những khuôn mẫu đã hằn sâu trong thông điệp tiếp thị. Trước đó, tại Cannes Lions 2022, chủ nhân của giải thưởng Grand Prix của hạng mục này đã được trao cho chiến dịch "Morning After Island" góp phần thay đổi đạo luật cấm thuốc ngừa thai tại quốc gia Mỹ La tinh Honduras.



Thảo Vy