Trước thềm Tết nguyên đán, nhiều doanh nghiệp đã triển khai các chính sách khuyến mại, giảm giá hàng bán nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng và tối ưu doanh số bán hàng trong mùa cao điểm. Các đợt khuyến mại giảm giá được tổ chức nhiều hình thức với mức giá trị khác nhau như 30%, 50%, 70%, 100%,...


Như vậy, sản phẩm được áp dụng tối đa hạn mức giảm giá nào theo quy định của pháp luật Việt Nam? Doanh nghiệp có được khuyến mại đến 100% giá trị hàng hoá hay không? Cùng tìm hiểu qua những phân tích của luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco.


Có được khuyến mại đến 100% giá trị hàng hoá hay không?


Theo luật sư Hà Huy Phong, pháp luật Việt Nam có quy định cụ thể ở khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Nghị định 81/2018/NĐ-CP về hạn mức giảm giá: mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước khi khuyến mại. 


Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp sẽ được áp dụng mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100%, bao gồm:

(1) Chương trình khuyến mại tập trung, gồm:

  • Chương trình do cơ quan nhà nước (cấp trung ương, cấp tỉnh) chủ trì tổ chức, trong một khoảng thời gian xác định, theo hình thức giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại nhằm thực hiện các chính sách phát triển kinh tế có mục tiêu của Quốc gia, của địa phương. 
  • Các đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết theo quy định của pháp luật lao động, gồm: 
  • Đợt Tết Âm lịch: 30 ngày ngay trước ngày đầu tiên của năm Âm lịch;
  • Các ngày nghỉ lễ, tết khác: thời hạn khuyến mại không được vượt quá thời gian nghỉ của các dịp lễ, tết theo quy định của pháp luật lao động.

(2) Trong các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.


Ảnh minh hoạ

Đối với hàng hoá, dịch vụ thông thường, thương nhân chỉ được khuyến mại giảm giá ở mức dưới 50%


Như vậy theo luật định, có hai hạn mức khuyến mại khác nhau dành cho các loại hàng hoá, dịch vụ khác nhau. Cụ thể:

  • Tối đa 50% giá trị: Đối với các hàng hoá, dịch vụ thông thường
  • Tối đa 100% giá trị: Đối với các hàng hoá, dịch vụ được bày bán trong chương trình khuyến mại tập trung; hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định. 


Ngoài ra khi thực hiện chương trình khuyến mại giảm giá, câu hỏi thường gặp là: “Có phải thông báo hay đăng ký với cơ quan nhà nước hay không?”. Điều này được luật sư Hà Huy Phong giải đáp và dẫn luật khoản 2 Điều 17 Nghị định 81/2018/NĐ-CP. Theo đó, các trường hợp không phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo thực hiện khuyến mại khi khuyến mại bao gồm:

  • Khi thực hiện các chương trình khuyến mại giảm giá trên kênh bán hàng offline có tổng giá trị giải thưởng, quà tặng dưới 100 triệu đồng;
  • Khi triển khai hoạt động khuyến mại giảm giá trên kênh bán hàng online, doanh nghiệp không cần thực hiện thủ tục thông báo khuyến mại. 


Những trường hợp vi phạm quy định


Nâng giá để hạ giá


Khi thực hiện chương trình khuyến mại giảm giá, nhiều khách hàng phát hiện doanh nghiệp thường nâng mức giá lên sau đó áp dụng khuyến mại để vừa kích thích nhu cầu vừa duy trì doanh thu. 


Hành vi này được luật sư Hà Huy Phong đánh giá là không trung thực, trái với nguyên tắc thực hiện khuyến mại. “Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 81/2018/NĐ-CP, một trong những nguyên tắc thực hiện khuyến mại là ‘Chương trình khuyến mại phải được thực hiện hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của các thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác.’ Hành vi nâng giá lên sau đó áp dụng khuyến mại là hành vi không trung thực, trái với nguyên tắc thực hiện khuyến mại. Doanh nghiệp có hành vi vi phạm này sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu 40 triệu đồng theo quy định tại điểm o khoản 2 Điều 33 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.”


“Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP, việc nâng giá bán hàng hóa, dịch vụ trước đợt khuyến mại được xem là hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý nếu thuộc một trong các trường hợp: (1) Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; (2) Tăng giá theo giá ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá. Trường hợp này, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 2 – 120 triệu đồng tùy thuộc vào tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá (Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP)” - luật sư Hà Huy Phong chia sẻ thêm. 


Như vậy, trường hợp nâng giá để giảm giá được xem là trái với quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có hành vi vi phạm có thể chịu các khoản phạt hành chính. 


Ảnh minh hoạ

Trường hợp nâng giá trước khuyến mại để giảm giá được xem là trái với quy định của pháp luật


Phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng đối với các hành vi


Ngoài ra, những trường hợp khuyến mại giảm giá vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 98/2020/NĐ-CP cũng chịu mức phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng, bao gồm:

  • Không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định khi thực hiện khuyến mại hoặc thông báo không đúng với thực tế;
  • Thực hiện khuyến mại bằng hình thức giảm giá có mức giảm giá hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ vượt quá mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại theo quy định;
  • Thực hiện khuyến mại bằng hình thức giảm giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ xuống thấp hơn mức giá tối thiểu trong trường hợp giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ thuộc diện nhà nước có quy định khung giá hoặc quy định giá tối thiểu; giảm giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện nhà nước định giá cụ thể;
  • Thực hiện chương trình khuyến mại bằng hình thức giảm giá không đúng theo quy định về thời gian được phép thực hiện khuyến mại.


Lý Tú Nhã