Khái niệm, tính chất giữa Marketing và Advertising “tuy hai mà một, tuy một mà hai” khiến nhiều người không ít lần “bối rối” khi được hỏi về sự khác biệt giữa hai lĩnh vực này. Cùng tìm hiểu những điểm khác biệt giữa Marketing và Advertising qua bài viết sau!  


Tìm hiểu về Marketing 


Marketing là hoạt động quảng bá, bán sản phẩm hoặc dịch vụ. Chiến lược bao gồm mọi thứ từ nghiên cứu và phát triển sản phẩm đến tạo ra các chiến lược thu hút khách hàng tiềm năng. Về bản chất, Marketing đặt nền tảng cho mối quan hệ giữa thương hiệu với khách hàng. Điều quan trọng hơn hết là phải phân biệt được giữa việc Branding (tạm dịch: xây dựng thương hiệu) và Marketing để tránh bị nhập nhằng giữa hai khái niệm này. Mặc dù hai lĩnh vực này đan xen nhau nhưng chúng vẫn có những yếu tố riêng biệt mà mọi doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ. Branding chính là bước xác định “bạn là ai”, còn Marketing chính là công cụ để truyền tải định nghĩa đó ra ngoài thế giới.


Marketing đặt nền tảng cho mối quan hệ giữa thương hiệu với khách hàng


Các loại hình Marketing


1. Content Marketing


Chiến lược Content Marketing (tạm dịch: Tiếp thị Nội dung) xoay quanh việc tạo và chia sẻ nội dung có giá trị để thu hút và chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành người mua hàng. Nội dung được tạo ra phải phù hợp với đối tượng mục tiêu của thương hiệu và nhu cầu của họ: từ blog, video, infographic,... đến podcast. Mục đích của Content Marketing chính là cung cấp những giá trị hữu ích và thúc đẩy mối quan hệ lâu dài giữa doanh nghiệp - khách hàng. 


Content Marketing không chỉ thúc đẩy nhận thức về thương hiệu trên các nền tảng trực tuyến và SEO mà còn cung cấp nội dung, “nuôi dưỡng” niềm tin và xây dựng cộng đồng xung quanh thương hiệu.


Xét về content marketing, Red Bull đã thực hiện nhiều nội dung quảng bá sản phẩm thú vị, dí dỏm và gần gũi khách hàng: 

+ Chọn chủ đề khi đã nắm mục tiêu: Red Bull nắm bắt được những gì khán giả yêu thích. Thương hiệu thường lấy cảm hứng từ khoảnh khắc rất đời thường của khách hàng - việc họ có thể nhâm nhi một lon nước tăng lực Red Bull khi đang xem các môn thể thao mạo hiểm, buổi hòa nhạc cho đến lễ hội âm nhạc,... Từ đó, các quảng cáo của Red Bull đều được xây dựng xung quanh các ý tưởng này. 



+ Xây dựng thương hiệu tinh tế: Thay vì công khai “gượng ép” đưa đồ uống của mình vào trong các quảng cáo khiến khách hàng khó chịu, thương hiệu lại ưu tiên những nội dung chỉ nhằm mục đích giải trí cho khán giả. Cách tiếp cận một cách tinh tế này khiến khán giả luôn phấn khích và hồi hộp trước những nội dung với sản phẩm của Red Bull. 


+ Sản xuất chuyên nghiệp: Ngoài nội dung, các video, bài đăng được đăng tải trên các nền tảng xã hội của Red Bull đều rất chỉnh chu, bắt mắt, phù hợp với tiêu chuẩn chuyên nghiệp của một thương hiệu lớn. 



2. Social Media Marketing 


Chiến lược Social Media Marketing trên Facebook, Twitter, Instagram, LinkedIn, TikTok và các nền tảng khác thường được dùng để quảng bá, cập nhật thông tin từ thương hiệu đến với khách hàng. Mức độ tương tác giữa khách hàng và thương hiệu cũng là một trong những yếu tố mấu chốt giúp cho thương hiệu được đến gần hơn với công chúng. 


Với các chiến dịch Social Media Marketing, các nền tảng mạng xã hội thường có những thuật toán giúp doanh nghiệp có thể tìm đúng tệp đối tượng mà thương hiệu đang tìm kiếm. Nếu các bài đăng hay quảng cáo có nội dung thú vị và thu hút, thương hiệu có thể biến những người theo dõi (followers) thành khách hàng. 


Ví dụ có thể kể đến là Nike, một thương hiệu không chỉ giới thiệu giày mà còn truyền cảm hứng bằng những câu chuyện, thông điệp và tương tác với người dùng. Instagram của họ không chỉ giới thiệu giày mà thương hiệu còn truyền cảm hứng bằng những câu chuyện, thông điệp và tương tác với followers. Điều này khiến họ cảm thấy mình là một “mảnh ghép” của thương hiệu. 



Nếu là người hâm mộ trung thành của Nike, chắc hẳn không thể không biết đến slogan nổi tiếng qua nhiều thập kỷ của thương hiệu “Just do it” (tạm dịch: Cứ làm đi). Xuất hiện vào năm 1988, “Just do it” là chiến dịch đưa Nike đến khắp nơi trên thế giới và cũng là câu slogan có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Dan Wieden, Giám đốc công ty Quảng cáo Wieden&Kennedy, đã chợt nãy ra được ý tưởng khi nghĩ đến câu chuyện về một kẻ sát nhân hàng loạt Gary Gilmore. Vào hôm cuối cùng ở bãi bắn, tên tử tù này được hỏi rằng: “Có muốn nói lời gì trước khi ra đi không?” và Gilmore không ngần ngại mà trả lời: “Cứ làm đi”. 


Câu slogan “Just do it” giúp mọi người vực dậy tinh thần, khuyến khích họ hãy đứng lên làm điều mình thích, chẳng cần phải e ngại. Và dù cho cuộc sống có gặp khó khăn đến mấy thì họ chỉ cần mạnh mẽ vượt qua nó. Video quảng cáo 30 giây với hình ảnh cựu vận động viên điền kinh Walt Stack 80 tuổi, mang giày Nike, đang chạy những bước chân chậm chạp qua cây cầu Golden Gate của nước Anh đã trở thành một “hiện tượng quảng cáo” trong suốt hơn 30 năm qua. 



3. Email Marketing 


Là một trong những chiến lược lâu đời nhưng hiệu quả nhất, Email Marketing (tạm dịch: tiếp thị bằng thư điện tử) mang lại lợi nhuận cao nhất là 16,2% cho doanh nghiệp. Khi thương hiệu gửi email thông báo về các sự kiện như giảm giá, ra mắt sản phẩm mới, sinh nhật,... điều này sẽ giúp thu hút sự chú ý đối với khách hàng và thúc đẩy doanh số bán hàng. Với nội dung được cá nhân hóa và phân khúc phù hợp, email có thể mang lại doanh thu đáng kể, đặc biệt là ROI (tỷ suất hoàn vốn - tỷ lệ thu hồi vốn đầu tư). 


Ví dụ có thể kể đến dịch vụ nhà ở, khách sạn Airbnb, thương hiệu này được xem là một minh chứng về thành công qua email marketing: 


  1. Phù hợp với tệp khách hàng: Dựa trên những dữ liệu mà họ đã từng tìm kiếm, Airbnb sẽ gửi email đề xuất nhiều ý kiến, lựa chọn khác nhau giúp người dùng tìm được địa điểm nghỉ ngơi phù hợp cho chuyến đi của mình. Điều này giúp khách hàng cảm thấy được quan tâm và thấu hiểu. 
  2. Thiết kế hấp dẫn: Email của Airbnb không chỉ mang tính truyền đạt thông tin mà còn được đầu tư thiết kế thu hút, hấp dẫn người xem. 
  3. Mục đích rõ ràng: Ở cuối mỗi email, Airbnb đính kèm một câu CTA (Call to action - lời kêu gọi hành động) nhằm thúc đẩy người dùng hoàn tất đặt phòng hay khám phá điểm đến mới. 


Các email thường được Airbnb gửi cho khách hàng sau khi họ trải nghiệm dịch vụ tại ứng dụng này 


4. Influencer marketing 


Các thương hiệu thường sử dụng Influencer Marketing (tạm dịch: tiếp thị bằng người có sức ảnh hưởng) để quảng bá sản phẩm đến những người theo dõi của những người nổi tiếng mạng xã hội. Những người có ảnh hưởng này có thể tác động đến quyết định mua hàng của khách hàng.


Sự hợp tác giữa Daniel Wellington và nhiều người có ảnh hưởng trên Instagram là một ví dụ điển hình về sự thành công của chiến lược Influencer Marketing. Thương hiệu đã tiếp cận được với nhiều tệp khách hàng hơn chỉ thông qua việc sử dụng một nhân vật nổi tiếng làm “cầu nối trung gian” giữa doanh nghiệp và khách hàng. 


Người mẫu Hailey Bieber quảng bá đồng hồ Daniel Wellington trên nền tảng Instagram


5. Affiliate Marketing


Các doanh nghiệp hợp tác với nhiều cộng tác viên hoặc chi nhánh và chia hoa hồng với các đối tác này để họ có thể quảng bá sản phẩm thương hiệu rộng hơn đến với mọi người. Affiliate marketing (tạm dịch: tiếp thị liên kết) có hiệu quả về mặt chi phí vì doanh nghiệp chỉ cần trả tiền cho doanh số bán hàng của chi nhánh hoặc cộng tác viên và tìm ra được một số khách hàng tiềm năng. Chiến lược này mở rộng phạm vi tiếp cận thương hiệu và sử dụng một đối tượng khác để quảng bá sản phẩm. 


Một ví dụ điển hình của cách tiếp cận này có thể kế đến là các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Taobao,... 


6. Paid, Owned, and Earned Media 


 Dù là những phương tiện truyền thông có chức năng riêng biệt, Paid Media (Truyền thông trả phí), Owned Media (Truyền thông sở hữu) và Earned Media (Truyền thông lan truyền) lại có sự gắn kết, góp phần tối đa hóa khâu phân phối nội dung trong các chiến dịch marketing của thương hiệu


+ Paid Media là các công cụ mà thương hiệu cần chi trả một khoản tiền để quảng bá sản phẩm của mình gồm các hoạt động: Quảng cáo truyền hình, quảng cáo hiển thị, quảng cáo tìm kiếm hoặc tài trợ. Khi sử dụng Paid Media, thương hiệu có thể tiếp cận được thị trường và người tiêu dùng mà thương hiệu đang hướng đến. 


Milo tài trợ cho chương trình “Chiến binh tí hon”


+ Owned Media là tập hợp tất cả các công cụ, kênh thuộc quyền sở hữu và kiểm soát của thương hiệu, chẳng hạn như trang web, cộng đồng, blog, fanpage, ứng dụng,... Điểm mạnh của hình thức này là rủi ro thấp và mang đến lợi ích lâu dài. Tương tự như Paid Media, quyền kiểm soát nội dung cũng là một lợi ích quan trọng của Owned Media. Theo đó, nội dung trên website hoặc cộng đồng có thể điều chỉnh linh hoạt và không tốn chi phí. 


Tài khoản YouTube của Vinamilk thu hút hơn 2 triệu người đăng ký


+ Earned Media là những kênh thúc đẩy thảo luận, phản hồi của khách hàng hoặc các bên liên quan về thương hiệu như các bài đăng trên Facebook. Thương hiệu có thể chủ động sáng tạo hoặc đóng góp nội dung để được báo chí thông tin đến độc giả như tổ chức cuộc thi, phong trào với giải thưởng hấp dẫn,... 


Tìm hiểu chung về Advertising


Advertising (quảng cáo) là một hoạt động nằm trong marketing. Advertising là hình thức quảng bá trả phí hoặc không để thực hiện việc giới thiệu thông tin về sản phẩm, dịch vụ, đến với khách hàng thông qua nhiều hình thức khác nhau. 


1. Digital Advertising 


Trong thời đại không gian số, Digital Advertising (tạm dịch: quảng cáo trực tuyến) trở nên quan trọng và hiệu quả đối với các doanh nghiệp. Nếu các thương hiệu càng “chi mạnh tay” để thúc đẩy PPC để đạt được vị trí đầu tiên kết quả trên Google, thì sẽ giúp thương hiệu đó trở thành gợi ý hàng đầu khi khách hàng tìm kiếm. 


Nâng cao nhận thức về thương hiệu thông qua đồ họa cũng là một trong những cách giúp cho thương hiệu đến gần hơn với khán giả. Các quảng cáo sản phẩm như giày Nike, áo vest Ralph Lauren, gà rán KFC,... luôn được thiết kế bắt mắt và nổi bật trên các trang web của họ để củng cố hình ảnh thương hiệu trước khách hàng. Đặc biệt, doanh nghiệp còn ưu tiên và đầu tư nhiều vào các quảng cáo video. Các khoản đầu tư này thường bao gồm cả nội dung, hình ảnh, câu chuyện, ý nghĩa, thông điệp,... Nếu quảng cáo đó chạm được đến trái tim khán giả cũng là một trong những cách giúp thương hiệu nổi tiếng hơn.



2. Quảng cáo qua các nền tảng thông dụng như truyền hình, radio,... 


Đây là các quảng cáo được phát tới người xem thông qua radio, chương trình truyền hình, chương trình ca nhạc trên TV, tạp chí,... Quảng cáo trên truyền hình như TV sẽ thu hút nhiều khán giả như gà rán KFC luôn làm người xem “bỗng dưng thèm gà” khi quảng cáo của thương hiệu thức ăn nhanh này xuất hiện trên TV. 


3. Out-of-home Advertising


Quảng cáo ngoài trời (hay còn được gọi là OOH) cũng là một trong những quảng cáo được các doanh nghiệp đầu tư. Biển quảng cáo với cấu trúc lớn, được đặt ở ngoài trời, dễ tìm thấy ở các khu vực có mật độ giao thông cao hay trên các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm và taxi,... OOH thường giúp thương hiệu tiếp cận “thật” hơn với khách hàng so với trên các nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt các biển quảng cáo ngoài trời với kích thước lớn sẽ giúp cho thương hiệu trông “bắt mắt” hơn. 


Biển quảng cáo ngoài trời của Popeyes


4. Native Advertising


Native Advertising (tạm dịch: quảng cáo tự nhiên) là một loại quảng cáo luôn được gắn nhãn "được tài trợ". Một sự kiện âm nhạc, một chương trình truyền hình, một cuộc thi,... được tổ chức và diễn ra luôn có ít nhất từ 1-2 thương hiệu là “nhà tài trợ”. Các thương hiệu này sẽ “len lỏi” trong tâm trí của khán giả thông qua các quảng cáo giữa giờ hay trong các lời phát biểu của người dẫn chương trình, logo trên các poster,... 


Thương hiệu Acecook thường tài trợ cho các giải chạy marathon tại Việt Nam 


5. Social Media Advertising


Ngoài ra, việc tận dụng các nền tảng mạng xã hội quảng bá sản phẩm cũng là một trong những phương thức phổ biến đối với doanh nghiệp. Các nền tảng như Facebook, Instagram, LinkedIn… chính là “sân chơi” của thương hiệu. Đối với các quảng cáo trên mạng, doanh nghiệp có thể thoải mái điều chỉnh thông tin sao cho phù hợp với định hướng khách hàng của họ từ nhân khẩu học như độ tuổi, vị trí, sở thích... 


Với các nền tảng như Facebook hoặc Instagram, thương hiệu có thể xác định chính xác đối tượng của mình, từ đó đưa ra nhiều phương án để cải tiến, đổi mới sản phẩm hay hình thức quảng cáo của doanh nghiệp. 


Phân biệt Marketing và Advertising 


Thực chất, nhiều người thường hay nhầm lẫn giữa Marketing và Advertising nhưng hai lĩnh vực này lại có bản chất khác nhau: 


1. Về Marketing 


Marketing là chiến lược tổng thể nhằm xác định đối tượng mục tiêu và tìm cách mang lại giá trị cho đối tượng đó. Chiến lược sẽ xây dựng các mối quan hệ lâu dài giữa thương hiệu và khách hàng bao gồm mọi từ nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu đến dịch vụ khách hàng. 


Đây còn là một quá trình liên tục, lâu dài, phát triển và thay đổi khi thương hiệu, thị trường hoặc đối tượng thay đổi. Marketing cũng thường sẽ bao gồm một tập hợp nền tảng rộng từ nền tảng mạng xã hội, tạo nội dung, dịch vụ khách hàng và quan hệ công chúng. Marketing sẽ thiên về các số liệu có thể bao gồm sự hài lòng của khách hàng, nhận diện thương hiệu hoặc mức độ tương tác tổng thể.


2. Về Advertising 


Đối với Advertising, đây là một tập hợp nằm trong Marketing và tập trung chủ yếu vào việc thu hút sự chú ý và thuyết phục khách hàng mua sản phẩm. Đó là hành động được cụ thể hoá nhằm qua các hình thức quảng cáo. Advertising thường có thời hạn ngắn hơn Marketing. Các chiến dịch có ngày bắt đầu và ngày kết thúc cụ thể. 


Về phần Advertising, hoạt động này thường dựa trên các nền tảng trả phí cụ thể như Google Ads, quảng cáo truyền hình, bảng quảng cáo hoặc quảng cáo trên mạng xã hội. Hoạt động này thường tập trung vào các số liệu trực tiếp như tỷ lệ click chuột, chuyển đổi hoặc truy cập quảng cáo. 



Làm thế nào để kết hợp Marketing và Advertising mà không “gượng ép”? 


  • Đầu tiên, thương hiệu cần xác định mục tiêu rõ ràng. Trước khi xem xét quảng cáo, hãy xác định rõ ràng những gì mà thương hiệu muốn đạt được. Việc xác định được mục tiêu sẽ giúp các bước tiếp theo được tối ưu hoá. 
  • Thứ hai, doanh nghiệp cần hiểu đối tượng mà mình muốn tiếp cận. Việc sử dụng những hiểu biết sâu sắc về khách hàng và áp dụng chúng vào các chiến lược tiếp thị sẽ giúp thúc đẩy doanh thu và hiệu quả truyền thông tăng mạnh. 
  • Tiếp đến, hãy đặt ngân sách cho các hoạt động tiếp thị và quảng cáo. Xác định số tiền sẵn sàng chi trả và phân bổ tiền trên các nền tảng quảng cáo khác nhau cũng là cách giúp thương hiệu quảng bá đạt hiệu quả hơn. 
  • Thứ tư, tích hợp với nội dung. Quảng cáo phải là phần mở rộng cho nội dung tiếp thị sản phẩm doanh nghiệp. Giả dụ, nếu thương hiệu đăng một bài đăng trên blog về 10 xu hướng thời trang mùa hè, hãy “đính kèm” các quảng cáo làm nổi bật một trong những xu hướng đó.
  • Thứ năm, giám sát và điều chỉnh. Giống như mọi hoạt động tiếp thị, hãy theo dõi các số liệu các hoạt động. Quảng cáo đó có giúp thương hiệu mang lại kết quả mong muốn không? Nếu không, hãy điều chỉnh và cân nhắc cho đến khi thành công.
  • Cuối cùng, hãy đảm bảo tính gắn kết. Quảng cáo doanh nghiệp phải phù hợp và liền mạch với thông điệp mà marketing muốn truyền tải. Sự nhất quán giữa các yếu tố này mới giúp cho thương hiệu và khách hàng liên kết chặt chẽ với nhau. 


Tú Như


Cùng cập nhật các thông tin hữu ích về ngành qua Newsletter!