Giữa kỷ nguyên số đầy biến động, Philip Kotler – "cha đẻ" của tiếp thị hiện đại – đã giới thiệu một khái niệm mới mang tính đột phá: metamarketing (tiếp thị siêu kênh). Philip Kotler, trong cuốn Marketing 6.0: Tương lai là toàn nhập (được dịch bởi Nguyễn Khoa Hồng Thành), giúp người đọc hình dung được một tương lai nơi trải nghiệm khách hàng không chỉ đa kênh, mà còn hòa quyện mọi giác quan trong thế giới thực và ảo.
Trong bối cảnh thế giới ngày càng được kết nối và công nghệ trở thành lực đẩy quan trọng, metamarketing mở ra một góc nhìn sâu sắc về cách con người và thương hiệu tương tác trong một thế giới số không ngừng biến động. Metamarketing, theo tác giả Philip Kotler không chỉ giúp các nhà tiếp thị hiểu rõ sự chuyển mình của lĩnh vực này trong thời đại kỹ thuật số, mà còn khai phá những xu hướng công nghệ tiên tiến sẽ định hình cuộc chơi tương lai.
Tiếp thị siêu kênh là hướng đi mới trong kỷ nguyên số
Metamarketing là mô hình mới nhấn mạnh sự tích hợp của các công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra những trải nghiệm khách hàng nhập vai, chạm đến cảm xúc sâu sắc của người tiêu dùng hiện đại. Khi các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau tìm cách thích ứng với những kỳ vọng thay đổi của khách hàng, việc hiểu rõ tác động của những xu hướng công nghệ này trở nên thiết yếu để xây dựng chiến lược tiếp thị hiệu quả. Khái niệm vạch ra sự tiến hóa rõ rệt trong các chiến lược tiếp thị:
“Từ Đa Kênh (Multi) đến Hợp Kênh (Omni) rồi đến Siêu Kênh (Meta).”
Tiến trình này phản ánh sự chuyển dịch từ tiếp thị đa kênh, nơi các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng qua nhiều nền tảng khác nhau, sang chiến lược hợp kênh mang đến trải nghiệm liền mạch trên tất cả các kênh. Cuối cùng, nó đạt đến siêu kênh - metamarketing, sử dụng các công nghệ nhập vai để tạo ra những tương tác toàn diện với người tiêu dùng.
Metamarketing được tác giả mô tả là một sự dịch chuyển từ các phương pháp tiếp thị truyền thống sang tiếp thị ưu tiên trải nghiệm nhập vai. Philip Kotler nhận định rằng:
“Kết hợp trải nghiệm vật lý (physical) và kỹ thuật số (digital) có thể tạo nên những trải nghiệm khách hàng đáng nhớ và lôi cuốn hơn so với việc chỉ sử dụng một hình thức đơn lẻ.”
Cách tiếp cận lai này còn gọi là Phygital, cho phép các thương hiệu kết nối với người tiêu dùng ở cấp độ cảm xúc sâu sắc hơn thông qua việc kích thích cả năm giác quan. Khái niệm này mở ra cơ hội cho các thương hiệu không chỉ thu hút sự chú ý mà còn xây dựng kết nối cảm xúc sâu sắc, nơi người tiêu dùng thực sự cảm thấy được thấu hiểu và đồng hành.
Đặc biệt, với thế hệ Gen Z và Gen Alpha – những người tiêu dùng sinh ra trong môi trường kỹ thuật số, được gọi là Phygital Natives – metamarketing tạo nên một sân chơi lý tưởng. Họ tìm kiếm những trải nghiệm kích thích cả năm giác quan, nơi công nghệ không chỉ nâng cao trải nghiệm mà còn định hình cách họ tương tác với thế giới. Các thương hiệu, nếu muốn thành công, phải hiểu rõ rằng đáp ứng nhu cầu này không còn là sự lựa chọn, mà là một điều kiện tiên quyết trong hành trình tiếp thị hiện đại.
Những xu hướng vi mô ảnh hưởng đến tiếp thị siêu kênh
Trong kỷ nguyên kỹ thuật số ngày càng thịnh hành, lối sống số đã gắn bó mật thiết với thế hệ Gen Z và Gen Alpha, buộc các doanh nghiệp phải nhanh chóng thích nghi để duy trì sức hút. Theo Philip Kotler, có năm thành phần thiết yếu cho chiến lược tiếp thị hiệu quả trong thế giới số hiện nay.
Ông nhấn mạnh rằng trọng tâm của các chiến lược này phải xoay quanh nội dung được tối ưu hóa để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng. Nội dung này có thể rất đa dạng, từ dạng văn bản như tin nhắn ngắn, thông cáo báo chí, bài báo, bản tin, sách trắng, nghiên cứu điển hình, đến hình thức trực quan hơn như hình ảnh, đồ họa thông tin, video, phim ngắn, và thậm chí là phim truyện.
Phương tiện truyền thông xã hội là thành phần thứ hai, vốn đã trở thành kênh chủ lực để phân phối và khuếch đại nội dung. Theo thống kê của Bộ Công Thương vào năm 2022, có đến 75% Gen Z tại Việt Nam sử dụng 4 mạng xã hội cùng một lúc, và dành hơn ba giờ mỗi ngày trên các nền tảng như Instagram, TikTok, Facebook và YouTube. Con số này cho thấy đây không chỉ là nơi giao tiếp mà còn là sân chơi để tạo dựng và lan tỏa ảnh hưởng của thương hiệu.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử – thành phần thứ ba – đã khẳng định vai trò quan trọng như một kênh bán hàng mạnh mẽ. Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam, đã đạt doanh số chiếm 19,6% tổng doanh thu bán lẻ toàn cầu vào năm 2024. Sự bùng nổ này cho thấy sức mạnh của hành vi mua sắm trực tuyến và khả năng tiếp cận khách hàng qua nền tảng số.
Hai thành phần còn lại là những yếu tố hỗ trợ cốt lõi, giúp tiếp thị kỹ thuật số vận hành trơn tru. Trí tuệ nhân tạo (AI) là yếu tố thứ tư hoạt động âm thầm phía sau, đảm bảo nội dung đến đúng đối tượng và tối ưu hóa các chiến dịch. AI phân tích hành vi và sở thích người dùng, từ đó phân phối nội dung và sản phẩm phù hợp đến từng phân khúc khách hàng. Ví dụ, AI giúp các nền tảng thương mại điện tử đưa ra các gợi ý sản phẩm được cá nhân hóa, gia tăng trải nghiệm người dùng và thúc đẩy doanh số.
Cuối cùng, thiết bị di động đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp quyền truy cập không giới hạn vào các ứng dụng và nội dung kỹ thuật số. Theo báo cáo của Bộ Thông Tin và Truyền Thông, 84% người Việt Nam sở hữu điện thoại thông minh, cho phép họ thực hiện vô số hoạt động số từ mua sắm trực tuyến đến sử dụng mạng xã hội. Với sự bùng nổ của các ứng dụng, người dùng dễ dàng hòa nhập vào thế giới kỹ thuật số, tạo điều kiện cho các thương hiệu tiếp cận họ ở mọi nơi, mọi lúc.
Những thay đổi tinh tế trong năm thành phần này đang dần định hình cách tiếp thị hiện đại trở nên tương tác và nhập vai hơn. Mỗi xu hướng vi mô không chỉ là một tín hiệu nhỏ mà còn báo hiệu sự dịch chuyển lớn, thúc đẩy tiếp thị siêu kênh trở thành con đường tất yếu để doanh nghiệp chinh phục khách hàng trong kỷ nguyên số.
Ứng dụng những công nghệ quan trọng để tạo trải nghiệm nhập vai
Trong Marketing 6.0, Kotler cũng nêu bật một số công nghệ giúp các thương hiệu xây dựng trải nghiệm nhập vai. Bằng cách khai thác các công nghệ nhập vai này và ứng dụng chúng vào các chiến lược tiếp thị, thương hiệu có thể xây dựng mối quan hệ bền vững với người tiêu dùng, tạo ra những trải nghiệm vượt trội và thích nghi với những biến động của thế giới số.
1. AR và VR:
AR (Thực tế tăng cường) phủ lớp thông tin số lên thế giới thực, nâng cao trải nghiệm mua sắm bằng cách giúp người tiêu dùng hình dung sản phẩm ngay trong không gian của họ. Các nhà bán lẻ có thể ứng dụng AR cho khách hàng thử đồ ảo hoặc trình diễn sản phẩm tương tác, tạo ra trải nghiệm mua sắm cuốn hút hơn.
Mặt khác, VR (thực tế ảo) đưa người dùng vào các môi trường hoàn toàn ảo, cho phép thương hiệu tạo nên “trải nghiệm đào tạo thực tế". Ví dụ, các hãng xe hơi có thể tổ chức lái thử mô phỏng, cho phép khách hàng thực hành khám phá xe ngay tại nhà.
2. Trí Tuệ Nhân Tạo (AI):
Kotler nhấn mạnh rằng: “Điểm mạnh nổi bật của trí tuệ nhân tạo (AI) chính là khả năng xử lý dữ liệu theo thời gian thực, liên tục tiếp cận và phân tích thông tin từ các nguồn thuộc Internet vạn vật (IoT) để thấu hiểu sâu sắc sở thích và hành vi của khách hàng.”
Thực tế chứng minh, AI đã thay đổi cách tiếp cận của doanh nghiệp với khách hàng. Từ các chatbot thông minh có thể hỗ trợ khách hàng ngay lập tức, cho đến công cụ phân tích dự đoán để tối ưu hóa chiến lược tiếp thị, AI cho phép các nhà tiếp thị không chỉ cung cấp sản phẩm hay nội dung phù hợp mà còn có thể tùy chỉnh từng trải nghiệm một cách chính xác theo nhu cầu riêng biệt của từng cá nhân. Điều này giúp nâng cao mức độ tương tác và tăng cường khả năng chuyển đổi, tạo nên sự khác biệt mạnh mẽ trong hành trình khách hàng.
3. Công Nghệ Chuỗi Khối (Blockchain):
Theo tác giả: “Blockchain là một công nghệ đột phá mở đường cho mạng Internet phi tập trung. Nó trao cho người sáng tạo nội dung quyền sở hữu đối với nội dung họ tạo ra, loại bỏ sự phụ thuộc vào các nền tảng MXH tập trung."
Công nghệ này sẽ trở thành nền tảng cốt lõi cho một metaverse vận hành bởi cộng đồng, nơi mà mọi nội dung và quyền quản trị đều do người dùng sở hữu và kiểm soát. Trong thế giới ảo này, blockchain giúp thiết lập một hệ sinh thái kinh tế bền vững, đảm bảo các giao dịch minh bạch và an toàn, từ đó củng cố lòng tin giữa người tiêu dùng và thương hiệu. Việc xác thực nguồn gốc sản phẩm và cung cấp các phương thức thanh toán an toàn không chỉ xóa tan những lo ngại về bảo mật mà còn tạo ra sự minh bạch tuyệt đối, góp phần thúc đẩy niềm tin và sự gắn kết của người dùng với thương hiệu.
4. Điện toán không gian (Spatial Computing):
Máy tính không gian cho phép người dùng tương tác với nội dung số trong không gian vật lý. Xu hướng này đang cách mạng hóa bán lẻ, “đóng vai trò then chốt trong việc cho phép sự kết hợp độc đáo giữa trải nghiệm kỹ thuật số và vật lý” và cho phép khách hàng tương tác với sản phẩm theo những cách sáng tạo.
Kotler gợi ý áp dụng các chiến lược như các chiến dịch đồng sáng tạo, nơi người tiêu dùng tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển sản phẩm hoặc sáng tạo nội dung, chẳng hạn như triển khai phòng thử đồ thông minh, nâng cao trải nghiệm mua sắm bằng cách cung cấp cho khách hàng sự tương tác và nhập vai. Các phòng thay đồ thông minh này có thể ngay lập tức các mặt hàng quần áo mà khách hàng mang vào, đưa ra các đề xuất về phong cách được cá nhân hoá và cho phép thử đồ áo. Bằng cách khai thác tiềm năng của điện toán không gian, các thương hiệu có thể xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với nhóm khán giả trẻ.
Diệu Anh
Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.