Chị Hà An là nhà sáng lập của Veene, studio chuyên tạo ra các sản phẩm thủ công mang đậm màu sắc cổ truyền. Năm 2020, mô hình đồ ăn siêu nhỏ có tên Vietnamese Food của chị Hà An đã được hãng thông tấn Pháp AFP đăng lên trang chủ, ca ngợi rằng đây là “kỳ quan thu nhỏ của Việt Nam”. Sau đó, chị cũng được tờ Channel News Asia (CNA) vinh danh bằng một bài báo, kèm dòng giới thiệu “nữ nghệ nhân Việt Nam tạo ra các mô hình đồ ăn tí hon đặc biệt”.
Thế nhưng, chị Hà An tiết lộ rằng miniature (mô hình tí hon) lại không phải là định hướng duy nhất của chị. Chị không gọi mình là Miniature Artist, mà thay vào đó là nghệ sĩ tạo tác thủ công. Với vai trò này, chị được tự do sáng tạo trên mọi chất liệu, mọi kích cỡ và mọi concept khác nhau. Hãy cùng đọc bài viết sau đây để khám phá hành trình sáng tạo của nghệ sĩ tạo tác thủ công Hà An.
Được nhiều người biết tới qua các mô hình miniature tinh xảo, chị Hà An cho biết mình lại không theo đuổi con đường này ngay từ đầu. Chị không nung nấu giấc mơ từ bé hay có tài năng thiên bẩm sinh ra đã giỏi. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, chị Hà An bước vào thị trường lao động với tâm thế “không biết đam mê của mình là gì”. “Thứ tôi có lúc ấy là sự kiên trì. Tôi dành 2 năm để thử hết tất cả mọi thứ từ làm bánh, thêu dệt, làm búp bê. Rốt cuộc, tôi chọn nghề phù hợp nhất với mình lúc đấy là tạo tác thủ công", chị Hà An nhớ lại.
Ở thời điểm đó, tạo tác thủ công là một nghề vừa lạ vừa quen. Khi nói về sáng tạo, người ta chỉ nghĩ tới hoặc là nhà thiết kế hoặc là nghệ nhân. Chị Hà An lại chia sẻ rằng mình không tách bạch nghề nghiệp như thế, mà chỉ đơn giản bước vào sân chơi thủ công với tư duy của một nghệ sĩ thiết kế. “Nghệ sĩ (Artist) là những người sáng tác nghệ thuật. Tạo tác thì là người tạo hình cho ý tưởng, để chúng có thể trở thành vật có thể sờ nắn được. Theo đó, nghệ sĩ tạo tác thủ công là người làm từ A-Z, từ việc nghĩ ý tưởng sáng tạo cho đến lúc thực thi thành sản phẩm hoàn chỉnh”, chị nói.
Theo chị, có một lầm tưởng rằng người làm thủ công thì không có tư duy thiết kế. Ngược lại, người làm thiết kế thì không có khả năng thực thi ý tưởng. Chính vì vậy, chị muốn trở thành một nghệ sĩ tạo tác và vận dụng các kiến thức tích luỹ được ở Đại học Kiến trúc Hà Nội để bước vào sân chơi thủ công. “Tôi không sao chép đồ thật thành mô hình thu nhỏ. Thay vào đó, tôi lên ý tưởng, nghĩ concept và sử dụng các công cụ thiết kế để phác thảo trước khi bắt tay vào làm mô hình", chị Hà An cho biết.
Theo đó, một mô hình dù có kích cỡ như thế nào, chị cũng thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Lên concept ý tưởng. Ví dụ: Đêm Trung Thu sẽ bao gồm những mô hình gì? Lễ hội Tết sẽ gồm những sản phẩm như thế nào?
Bước 2: Phân tích kết cấu và lên bảng vẽ
Bước 3: Rập khung và trình chiếu dưới dạng bảng vẽ 3D
Bước 4: Tìm kiếm chất liệu
Bước 5: Tiến hành dựng mô hình
Chị cho rằng, nếu một người nghệ sĩ có thể sáng tạo từ A-Z, từ giai đoạn nghĩ ý tưởng đến khi tạo hình ngoài đời thật thì có thể truyền tải được chính xác tinh thần/thông điệp đến khán giả. “Ngoài ra, nếu mình không sáng tạo ra cái gì mà chỉ làm việc dựa trên ý tưởng của người khác, thì dù sản phẩm làm ra có đẹp đẽ thế nào thì cũng chỉ là người gia công”, chị Hà An cho biết.
“Dù không sở hữu đèn pin thu nhỏ của Doraemon, cô gái trẻ Hà An vẫn có cách để thu nhỏ tất cả những đồ vật, bao gồm các món ăn mang đậm văn hoá Việt Nam", đó là dòng mô tả về công việc chế tác miniature (mô hình tí hon) của chị Hà An.
Mặc dù sử dụng nhiều chất liệu khác nhau từ giấy kính, vải, gốm, giấy, điểm chung của các tác phẩm miniature của chị Hà An là mang đậm màu sắc cổ truyền. Trong bộ sản phẩm “Giấc mơ đêm trăng” đầu tiên ra đời vào mùa Trung thu 2020, chị Hà An mang đến những quả bưởi, cặp lồng đèn ông sao, mâm ngũ quả nhỏ xíu nhưng tinh xảo từng chi tiết. Hay trong campaign Tết của Tomato mart, chị Hà An gây ấn tượng với bộ sản phẩm có tên “Tết gọn trong tay”, bao gồm Con gà luộc, đĩa lươn xào, bắp bò, cành đào với kích thước chỉ bằng một đốt tay cái nhưng lại chân thực như đồ ăn ngoài đời thật.
Chị cho biết mình là một nghệ sĩ chơi theo hệ hoài niệm, càng lớn càng thích nhớ về những điều bình dị đã thành kỷ niệm. Công việc tạo mô hình tí hon của chị cũng chính là để giúp những “người lớn” lưu giữ kỷ niệm trong tay. “Với mình, sản phẩm không còn đơn thuần chỉ là mô hình mà sau nó là cả một câu chuyện, cả một kỷ niệm muốn nhớ về”, chị Hà An chia sẻ.
Nói về tiềm năng của nghề “tạo tác thủ công” trên thị trường, chị Hà An thừa nhận rằng các bạn trẻ thời gian đầu sẽ chật vật để kiếm sống được với nghề. “Ở giai đoạn đầu khi mới thành lập Veene Studio, tôi phải đi làm nhiều công việc khác để duy trì nghề. Khi không có lịch sử mua hàng, không có ai để review, bạn sẽ khó thuyết phục một vị khách xa lạ mua sản phẩm của bạn thay vì một đồ mỹ nghệ khác có mặt trên thị trường", chị Hà An cho biết.
Theo chị Hà An, giá tiền của mỗi sản phẩm sáng tạo thường tính bằng thời gian và độ độc đáo. Một sản phẩm mà chỉ mình nghệ sĩ đó làm được thì sẽ có giá cao hơn. Còn một sản phẩm ai cũng làm được thì đương nhiên giá niêm yết sẽ giảm xuống. “Với những bạn trẻ muốn theo nghề chế tác thủ công, lời khuyên đầu tiên của tôi có lẽ là đừng định giá thấp sản phẩm của mình. Mỗi sản phẩm sáng tạo có những mức độ độc đáo và thời gian bỏ ra khác nhau. Vì vậy, người làm tạo tác thủ công nên định giá sản phẩm sáng tạo dựa vào công sức thay vì thị trường”, chị Hà An nói.
Ngược lại, sản phẩm của họ phải có tính độc đáo. “Mình làm sản phẩm mà để ngày mai nó copy rất dễ, thì chắc chắn không thể định giá cao được. Thậm chí người ta không mua của mình mà sẽ tự đi làm lấy", chị cho biết.
Không định hướng làm thủ công ngay từ đầu, chị Hà An cho rằng có những việc phải thử và kiên trì một hành trình dài thì mới biết đấy chính là đam mê. “Nếu đam mê chỉ đơn giản là bạn thích làm một cái gì đó, vậy thì khi bạn không thích nữa cũng sẽ rất dễ bỏ đi. Tôi nghĩ đam mê là cái mình làm tốt nhất, phù hợp với khả năng và có thể nuôi sống mình được. Đam mê cũng là một công việc. Và mình cần làm việc một cách nghiêm túc thì nó mới bắt đầu thành đường thành lối để đi theo", chị Hà An chia sẻ.
Với nghề tạo tác thủ công hay bất kì công việc sáng tạo nào khác, chị Hà An cho biết sẽ có lúc người nghệ sĩ bị chững lại và không còn nhiều cảm hứng. Lúc ấy, chị Hà An nghĩ tốt nhất người làm sáng tạo nên cách ly với công việc một thời gian, cho phép bản thân có những trải nghiệm mới, kiến thức mới và thử thách mới. Sau khi quay lại, nhà sáng tạo sẽ có một tư duy cởi mở hơn để nhìn nhận lại công việc của mình. “Với tôi, khi làm công việc sáng tạo giống như mỗi ngày thức dậy là một ngày mới. Ở đó, nhà sáng tạo luôn giữ tâm thế như mình là một người mới học việc và phải học hỏi mọi thứ lại từ đầu”, - chị Hà An nói.
© Advertising Vietnam - All rights reserved