Trái với suy nghĩ của số đông về một thế hệ người trẻ năng động và sáng tạo, không ít Gen Z ngày nay chọn cho mình lối sống “lowkey” và gần như ẩn danh trên môi trường trực tuyến. Họ không cập nhật trạng thái trên mạng xã hội, không tương tác hay bình luận dưới các bài đăng của bạn bè, đồng nghiệp và thậm chí là không để ảnh đại diện. 


Từ đó, một nghịch lý dở khóc dở cười đã diễn ra nơi công sở, đặc biệt trong môi trường Truyền thông - Quảng cáo, khi cấp quản lý thuộc thế hệ Millennials lại là những người năng nổ nhất trên mạng xã hội, hiện diện trên mọi nền tảng và thường xuyên “bắt trend” giới trẻ, còn tài khoản cá nhân của các nhân viên Gen Z lại không khác gì một… “nick ảo”.


Mạng xã hội nào cũng có mặt: Cách Sếp Millennials tự tạo niềm vui tinh thần và xây dựng personal branding 


Chị Thy Huỳnh - Digital Marketing Manager tại một công ty truyền thông tự nhận bản thân là một người khá sôi nổi trên mạng xã hội, xuất hiện trên mọi nền tảng và nhiều nhất là Facebook và Instagram. Theo đó, chị dành 1 story/ngày và 2 post/tuần để cập nhật về cuộc sống cá nhân, công việc và bạn bè trên nền tảng Facebook. Tài khoản Instagram của chị thậm chí còn “nhộn nhịp” hơn, khi hầu như mỗi ngày chị đều chia sẻ trên nền tảng này. “Việc đăng bài thường xuyên trên mạng xã hội tạo ra niềm vui tinh thần cho mình, giúp mình chia sẻ cảm xúc và kết nối nhiều hơn với bạn bè lâu ngày chưa gặp. Đây cũng là một cách để mình xây dựng personal branding cho bản thân”, chị cho biết.


“Việc đăng bài thường xuyên gần như tạo ra niềm vui tinh thần cho mình, giúp mình có cơ hội chia sẻ cảm xúc và kết nối với người xung quanh”, chị Thy Huỳnh cho biết


Còn với anh Huy Huỳnh - Assistant Brand Manager, dù thuộc thế hệ Millennials nhưng anh không cảm thấy quá áp lực trong việc tỏ ra chững chạc hay trưởng thành trên mạng xã hội. “Mình nghĩ rằng sự chuyên nghiệp chỉ cần được thể hiện trong khía cạnh công việc là đủ, còn khi trở về với cuộc sống thường ngày, mỗi người nên được tự do làm những gì mà mình cảm thấy thoải mái. Và việc chia sẻ khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc sống thông qua những bức ảnh hay video clip Capcut ‘giật giật’ là cách hiệu quả để mình xả stress và sống đúng với sở thích của bản thân. Đôi khi mình cảm thấy hơi ngại vì sợ nhân sự cấp dưới cho rằng ‘sếp sống ảo’, nhưng thật may là các bạn trong team đều hiểu tính cách của mình và còn tỏ ra rất mong chờ các content giải trí do mình tạo ra”. 


Với quan điểm “mạng xã hội là để giải trí”, anh Huy Huỳnh cho biết tần suất đăng bài của anh theo đó cũng khá tuỳ hứng. Đôi khi, anh có thể đăng 3 - 4 post/ngày nếu bản thân có nhiều thời gian rảnh, nhiều hình ảnh đẹp muốn khoe hay CapCut có nhiều template hấp dẫn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều lúc anh chỉ có thời gian cập nhật 1 - 2 post/tuần do quá bận rộn và phải ưu tiên giải quyết công việc văn phòng. Thế nhưng nhìn chung, anh vẫn tự đánh giá mình là một “con nghiện” mạng xã hội, “sơ hở là đăng bài”.


Nhân sự Gen Z trở nên “vô hình” vì ngại bị soi mói


Trái với sự năng nổ và thoải mái của cấp quản lý thuộc thế hệ Millennials khi hoạt động trên mạng xã hội, với nhiều Gen Z, việc hiện diện công khai trên môi trường trực tuyến dường như là một áp lực. Là một Gen Z hướng nội, chị T.Đ - PR Account Executive chia sẻ: “Trên thực tế, mình không hoàn toàn ‘ở ẩn’ hay ‘biến mất’ khỏi các mạng xã hội. Mình vẫn tải app, vẫn sử dụng và dành phần lớn thời gian trong ngày để lướt Facebook, Instagram và TikTok. Mình hiếm khi bày tỏ quan điểm cá nhân hay cập nhật trạng thái về cuộc sống trên mạng xã hội. Có lẽ một phần do tính cách có phần overthinking mà mình luôn cảm thấy lo sợ về việc đột nhiên vướng vào một drama nào đó khi đi bình luận dạo, khiến bản thân tiêu tốn nhiều thời gian và cảm xúc không đáng cho các cuộc tranh luận không cần thiết.”


“Ngoài giờ làm việc, mình dành nhiều thời gian để nhắn tin, đi chơi với bạn bè và điều này khiến mình cảm thấy kết nối với nhiều giá trị ‘thật’ hơn so với kết nối qua mạng xã hội”


Lúc này, hạn chế xuất hiện và tương tác trên mạng xã hội là phương án được chị T.Đ lựa chọn để bảo vệ bản thân trước những ánh mắt soi xét và bàn tán từ người ngoài. Tuy nhiên, chị cũng cho biết rằng dù không năng nổ trên mạng xã hội, bản thân chị vẫn dành nhiều thời gian để chia sẻ và kết nối trực tiếp với bạn bè và người thân. “Đối với mình, một mối quan hệ chất lượng không nhất thiết phải thể hiện qua mạng xã hội. Ngoài giờ làm việc, mình vẫn dành nhiều thời gian để nhắn tin, đi chơi với bạn bè và điều này khiến mình cảm thấy kết nối với nhiều giá trị ‘thật’ hơn”, chị nói thêm.

 

Trên thực tế, không chỉ có những nhân sự hướng nội mới sống lowkey trên mạng xã hội. Dù sở hữu tính cách hoà đồng và vui vẻ ngoài đời thực, Facebook cá nhân của chị M.A - Social Media Executive lại không có ảnh đại diện và bài đăng gần nhất là vào năm 2020. Chia sẻ về lý do sống khép kín trên mạng xã hội, chị bày tỏ: “Trong quá khứ, mình đã từng hoạt động rất năng nổ trên mạng xã hội. Thế nhưng vào năm 3 Đại học, mình trải qua một đợt peer pressure vô cùng căng thẳng khi nhìn thấy bạn bè đồng trang lứa đi thực tập sớm và bắt đầu tạo ra những dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp. Thời điểm đó, mỗi lần lướt mạng xã hội là mỗi lần mình cảm thấy áp lực và choáng ngợp vì cho rằng bản thân thua kém trước bạn bè xung quanh. Mình quyết định khoá facebook trong vòng 1 tháng để tránh năng lượng tiêu cực. Đến khi bình tâm và hoạt động trở lại, mình cũng mất dần hứng thú với việc đăng bài. Và Facebook của mình giống như một ‘nick clone’ kể từ đó”.


Sống lowkey trên mạng xã hội là cách nhiều người trẻ lựa chọn để tránh xa sự “ồn ào” và “phức tạp” của môi trường trực tuyến (ảnh minh hoạ)


“Không năng nổ trên mạng xã hội không đồng nghĩa với việc Gen Z thiếu năng động trong công việc”


Với các nhà quản lý, việc nhân sự Gen Z sống lowkey trên mạng xã hội dường như không phải là một hiện tượng quá hiếm. Tuy nhiên, với tính chất năng động và sáng tạo của ngành Truyền thông - Quảng cáo, câu hỏi được đặt ra là: “Liệu sống lowkey có phải là một điểm trừ đối với các nhân sự Gen Z?”


Với 99% team member là những Gen Z sống lowkey trên mạng xã hội, chị Thy Huỳnh cho biết bản thân đã quen với việc sở hữu những nhân sự nói ít, làm nhiều. Chị chia sẻ từ quan sát cá nhân: “Các bạn không update mạng xã hội không có nghĩa là các bạn ít nói hay thiếu năng động ngoài đời. Mình cho rằng lợi ích của việc sở hữu một team member sống lowkey trong team chính là họ có nhiều cách nhìn nhận sự việc theo cách ‘thật’ hơn, và người quản lý cũng không phải lo sợ quá nhiều về việc nhân viên đăng tải nội dung bất lợi đến công ty lên mạng xã hội. ‘Điểm trừ’ duy nhất của việc ít xuất hiện trên mạng xã hội chính là team có thể sẽ khá ‘thua thiệt’ trong các hoạt động thi đua nội bộ cần nhân sự chia sẻ về công ty trên trang cá nhân”.


Đồng tình với ý kiến trên, anh Huy Huỳnh cho rằng dù là Gen Z hay Millennials, mỗi người đều có cuộc sống cá nhân và làm những gì mình cảm thấy thoải mái. “Không phải cứ đăng bài thường xuyên trên mạng xã hội là sẽ trở thành người năng động hay có hiệu suất cao trong công việc. Ngoài những bài đăng về cuộc sống đời thường, đôi khi, việc nhân sự thường xuyên đăng bài ‘flex’ về bản thân ngay cả khi họ không có đóng góp nhiều cho hiệu suất công việc chung của cả team là một ‘red flag’ với mình, cho thấy tình trạng Loud Labourer đang diễn ra trong team. Với mối quan hệ đồng nghiệp nói chung và nhân sự cấp dưới nói riêng, điều mình quan tâm hơn cả Facebook cá nhân của họ là tư duy, kỹ năng và thái độ của họ trong công việc”, anh nói. 


Mức độ hoạt động trên mạng xã hội không phải là một thước đo để đánh giá hiệu suất làm việc của nhân sự


Từ góc nhìn của một người trẻ, chị M.A cho biết khi nhắc đến Gen Z, nhiều người sẽ nhanh chóng liên kết thế hệ này với những tính từ như “năng động”, “sáng tạo”, “giỏi bắt trend” hay “đam mê TikTok”. Thế nhưng, không nhất thiết lúc nào cũng phải tỏ ra năng nổ hay theo kịp mạng xã hội thì mới có thể là Gen Z. 


“Mình tin rằng người quản lý tốt sẽ đánh giá nhân viên dựa trên performance và thái độ làm việc của nhân sự, chứ không phải dựa trên việc người đó có lowkey trên mạng xã hội hay không. Còn đối với mình, chân thành với cảm xúc và sống đúng với cá tính thật của bản thân đã là một điều tốt rồi. Tại sao cứ phải ‘gồng mình’ để chứng minh cho sếp thấy mình năng động, trong khi những giá trị ‘ảo’ đó không phải là những gì mà họ quan tâm?”. Chính vì thế mà trong công việc, chị M.A tự nhận bản thân là một người “năng động khi cần thiết”: luôn hoàn thành công việc được giao, cố gắng đóng góp ý kiến trong mỗi buổi họp và nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp, quản lý nếu khả năng cho phép. 


“Tại sao cứ phải ‘gồng mình’ để chứng minh cho sếp thấy mình năng động, trong khi những giá trị ‘ảo’ đó không phải là những gì mà sếp quan tâm?” (ảnh minh hoạ)


“Mỗi người đều có một cuộc sống riêng, các bạn có quyền sống theo ý bạn thích dù là hoạt động năng nổ hay ẩn mình trên mạng xã hội. Điều quan trọng là dù sống lowkey nhưng các bạn vẫn không ngừng trau dồi tư duy, kỹ năng nghề nghiệp và năng nổ trong việc “bắt trend” để phục vụ cho hiệu quả công việc. Lúc này, Gen Z hoàn toàn xứng đáng có được sự công nhận”, chị Thy Huỳnh đúc kết.


Nội dung: Thảo Vy

Minh hoạ: Huy Mai