Không chỉ phải đối mặt với áp lực công việc, nhân sự Gen Z còn phải xoay sở để ứng phó với muôn kiểu drama từ “trên trời rơi xuống” khi dấn thân vào thị trường lao động. Khác với những lời đồn đại về một thế hệ bốc đồng, hay “bật sếp”, đa số các bạn được hỏi lựa chọn cách giải quyết mềm mỏng nhưng đồng thời vẫn đặt ra những nguyên tắc, giới hạn nhất định.


Nguyên tắc hàng đầu: Hiểu vấn đề đến từ đâu


Dù là thế hệ nhân sự mới nhưng Gen Z vẫn là những bạn trẻ bản lĩnh và có đủ kỹ năng cần thiết khi đứng trước các tình huống không mong muốn. Bình tĩnh và ngồi xuống xác định rõ ràng gốc rễ thị phi là bước đầu tiên mà tất cả các nhân vật phỏng vấn lựa chọn thực hiện. Việc nhìn nhận được nguyên nhân vấn đề giúp cho nhân sự tìm đúng công thức để giải “bài toán” khó.


Trong hơn 2 năm làm việc tại môi trường agency, N.T.L. (2000, Senior Account) từng gặp qua đủ loại drama, từ việc bị bàn tán sau lưng, body-shaming đến bị nhân sự khác đổ oan. “Đầu tiên mình sẽ xác định vấn đề có xuất phát từ mình hay không. Nếu mình sai, mình sẽ nhận lỗi nhưng nếu không phải do mình, mình sẽ làm rõ trách nhiệm” - N.T.L. chia sẻ. Dù vậy, bạn vẫn sẽ luôn đặt “dĩ hoà vi quý” lên trên hết để sau khi mọi chuyện được giải quyết, đội nhóm vẫn có thể làm việc thoải mái với nhau. Điều bạn ưu tiên hàng đầu luôn là hiệu quả công việc.


Xác định đúng nguyên nhân là bước đầu tiên giúp cho nhân sự tránh hoang mang mà giải quyết “sai công thức” 


Dù ban đầu cảm thấy khó chịu nhưng đến hiện tại, N.T.L đã khá thoải mái và không e ngại chuyện thị phi, drama xảy ra trong môi trường công sở nữa. Theo bạn, đó là điều bình thường trong công việc lẫn cuộc sống và bạn chọn cách làm quen với nó. Mặc khác, nếu thay đổi góc nhìn, N.T.L. xem đây là một cách để bản thân rèn luyện khả năng giải quyết tình huống.


Trong trường hợp những thị phi đó chỉ xoay quanh những nhân sự khác, câu trả lời đơn giản hơn nhiều: Kệ! Không bàn tán, không góp thêm gió vào bão, N.T.L lựa chọn chỉ tập trung vào bản thân mình để tránh những hệ luỵ về sau. 


K.N. (2001) cũng đồng tình với quan điểm trên. Với bạn trẻ này, văn phòng là nơi để làm việc, nếu drama không tìm đến mình thì mình cũng không “dại” mà dính vào. Chất lượng công việc và khả năng học hỏi, thăng tiến mới là điều K.N. đang nỗ lực tập trung vào.


Ưu tiên sức khỏe tinh thần


Nhìn nhận ở một góc độ khác, bên cạnh sự năng động, nhiệt huyết, sáng tạo thường gặp, Gen Z cũng là một thế hệ nhạy cảm, dễ bị tác động tâm lý và cảm thấy “bất ổn”. Nhiều nhân sự trẻ cảm thấy choáng ngợp vì những thị phi gặp phải trong quá trình đi làm. Họ có chút ngần ngại và cảm thấy những vấn đề này đang cản trợ họ tập trung hoàn toàn vào việc phát triển bản thân.


T.U.L (2002, Marketing Executive) hài hước chia sẻ rằng dù đi làm chưa đến một năm nhưng bạn đã gặp “đủ thứ chuyện trên đời” và cảm thấy bản thân có thể viết được một cuốn tự truyện “Ký sự văn phòng”! 


Khác với những tình huống của N.T.L., vấn đề hiện tại của T.U.L nằm ở mâu thuẫn giữa các trưởng nhóm khiến nội bộ bị chia làm các phe khác nhau. Điều đó dẫn đến việc trong quá trình làm việc giữa các nhóm, T.U.L bị các nhóm khác chèn ép và làm khó.


Nhìn nhận được việc bản thân không thể thay đổi được vấn đề, T.U.L chỉ cố gắng làm việc tốt nhất trong khả năng của bản thân và học cách “sống chung với lũ”. Giống như nhiều bạn trẻ cùng thế hệ, thỉnh thoảng, cô nàng cũng tìm đến những điểm tựa tâm linh như Tarot để xin lời khuyên và thông điệp từ vũ trụ. Đó là một trong những cách giúp T.U.L vơi bớt những áp lực mình gặp phải.


Với nhiều bạn trẻ Gen Z, “bốc một tụ bài” là phương án tuyệt vời để xoa dịu cảm xúc


T.U.L bộc bạch: “Nếu tình huống căng thẳng hơn thì mình sẽ cân nhắc chuyện nghỉ việc. Mình ưu tiên sức khỏe tinh thần của bản thân hơn, mình có thể chịu được áp lực công việc nhưng những vấn đề thị phi này khiến mình tốn thời gian và công sức rất nhiều.” Trong quá khứ, bạn cũng từng rời công ty cũ trước thời điểm nhận tiền thưởng vì sự mệt mỏi mà môi trường làm việc này đem lại và cảm thấy không có không gian để bạn học hỏi, phát triển thêm.


Với H.H.T (2001, Junior Copywriter), dù ưu tiên công việc và khả năng thăng tiến lên hàng đầu nhưng bạn cũng sẽ lựa chọn thôi việc nếu cảm thấy những diễn biến đi quá giới hạn của bản thân. Theo quan điểm của H.H.T., bạn không ngại chuyện nhảy việc vì tin rằng thị trường không thiếu cơ hội cho người trẻ và bạn hoàn toàn có thể tìm được vị trí công việc tốt ở môi trường lành mạnh hơn.


Khả năng phát triển trong công việc là ưu tiên số 1 của Gen Z


Nhìn chung, tuỳ vào vị trí công việc và tính cách cá nhân mà các bạn trẻ Gen Z có cách nhìn nhận và giải quyết khác nhau khi gặp những vấn đề “trời ơi đất hỡi”. Tuy nhiên, có thể thấy, họ bình tĩnh và lý trí hơn nhiều so với những định kiến mà xã hội đang áp đặt vào họ. Đồng thời, đang giai đoạn học hỏi và phát triển, hiệu quả công việc và mức độ thăng tiến cá nhân là những điều các bạn trẻ này luôn đặt lên hàng đầu.

Hà Duyên

Hoạ sĩ: Huy Mai


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!