Nếu chỉ nhìn từ bên ngoài, không ít người cho rằng Truyền thông - Quảng cáo là một ngành đại diện cho sự hào nhoáng nơi nhân sự lúc nào cũng được ăn ngon, mặc đẹp và sống "fancy".


Thế nhưng cuộc sống ngành Quảng cáo đối với nhiều người không phải lúc nào cũng màu hồng như vậy. Nhiều nhân sự agency đã phải kêu trời vì thường xuyên bị gia đình, người thân soi mói, gắn mác "nhiều tiền" dù bản thân đang phải chật vật với mức lương chỉ vừa đủ sống.


Khổ sở vì bị người thân soi mói thu nhập, gắn mác “làm Quảng cáo auto... giàu”


Với đặc thù công việc của một Account thường xuyên ra ngoài gặp gỡ khách hàng, chị Thuỷ Tiên - Senior Account Executive thường trích ra một khoản tiền lương nhỏ mỗi tháng để đầu tư vào trang phục và chăm chút cho vẻ bề ngoài. Đặc biệt với môi trường đòi hỏi sự chuyên nghiệp như ngành Truyền thông - Quảng cáo, việc xuất hiện một cách chỉn chu cũng giúp chị tạo ấn tượng tốt trong mắt khách hàng, đồng thời dễ dàng kết nối với những người xung quanh cho mục tiêu công việc.


Thế nhưng, việc đầu tư vào khoản ăn mặc đôi khi cũng khiến chị Thuỷ Tiên đau đầu với những lời soi mói xung quanh: “Mình thường xuyên nhận được những câu hỏi (hoặc có thể là mỉa mai) từ họ hàng như ‘Đi làm gì mà suốt ngày mặc đồ đẹp, đi trễ về khuya, lúc nào hỏi thăm cũng thấy bận rộn công việc?' hay 'Tiền nhiều vậy để đâu cho hết?’. Thời gian đầu, mình cảm thấy vô cùng khó chịu vì công việc của mình bị người ngoài phán xét quá dễ dàng. Nhưng rồi sau này mình quyết định… bỏ ngoài tai những lời soi mói lương bổng đó”.


Nhắc đến chi tiêu hàng tháng, chị cho biết mức lương hiện tại vừa đủ để chị chi trả cho nhu cầu cá nhân, đồng thời có cho riêng mình một khoản tiết kiệm nho nhỏ chứ không đến mức “tiền nhiều xài không hết” như mọi người vẫn truyền tai nhau.


"Đi làm như đi trẩy hội", "Tiền nhiều xài không hết" là những lời soi mói chị Thuỷ Tiên thường phải đối mặt khi làm việc trong môi trường agency (ảnh minh hoạ)


Trong khi đó, hoàn cảnh của chị Như H. - Video Editor lại có phần tréo ngoe hơn khi liên tục bị người thân hỏi han về công việc và soi mói về công ty: “Công ty nơi mình làm việc khá nổi tiếng với các chương trình truyền hình, gameshow quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng với khán giả thành thị lẫn vùng nông thôn. Vì thế mà khi biết mình làm việc tại đây, họ hàng và người thân ai nấy cũng đều vui mừng. Họ cho rằng làm việc tại công ty lớn, ‘gặp celeb nhiều như đi chợ’ cũng đồng nghĩa với việc thu nhập của mình cũng rất cao và lối sống của mình cũng sẽ sang chảnh như vậy. Tuy nghe có vẻ tự hào nhưng thực tế bản thân mình cũng khá chật vật với cuộc sống hàng ngày”


Cụ thể, chị Như H. cho biết lương hiện tại của bản thân khá thấp và vị trí công việc của chị cũng ít có cơ hội thăng tiến. Bên cạnh việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho cuộc sống cá nhân, chị còn phải vun vén cho gia đình và con nhỏ với chi phí hàng tháng gần bằng mức lương nhận tại công ty. Vì thế nên hầu hết mỗi tháng chị đều không dư dả và luôn phải tìm công việc freelance để đa dạng hóa nguồn thu nhập. 


“Không phải nhân sự ngành Quảng cáo nào cũng giống như Emily in Paris”


Không thể phủ nhận rằng những bộ phim như Emily in Paris hay Agency đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình trong việc khắc hoạ những khía cạnh màu hồng, đầy hào nhoáng của thế giới Truyền thông - Quảng cáo. Hình ảnh nữ chính Emily lần đầu đến một đất nước xa lạ để làm việc nhưng vẫn dư dả thời gian, tiền bạc để “càn quét” mọi nẻo đường của Kinh đô Thời trang hay Giám đốc Sáng tạo Go Ah In mỗi khi xuất hiện đều mang đến cảm giác quyền lực, giàu có với những bộ trang phục cao cấp từ Dior, Fendi, Bottega Veneta… có thể nói là những bức chân dung nổi tiếng nhất khi nhắc đến dân ngành. Vô hình trung, những hình tượng đẹp đẽ kể trên đã tạo ra một lầm tưởng phổ biến: “Làm Quảng cáo luôn được ăn ngon, mặc đẹp”.


Hình ảnh nhân sự agency trong các phim truyền hình thường được khắc hoạ với vẻ ngoài chỉn chu, đẹp mắt (ảnh minh hoạ)


Cho rằng tính chất công việc và môi trường làm việc đề cao cái đẹp là lý do lớn nhất tạo ra lầm tưởng về thu nhập của nhân sự ngành Quảng cáo, chị H.Mỹ - PR Executive chia sẻ: “Nếu nhìn từ bên ngoài, mọi người sẽ thấy công việc của một PR Executive thường xuyên được đi công tác trong và ngoài nước, được ở khách sạn 5 sao, ăn ở các nhà hàng sang trọng… Vì thế, việc họ mặc định làm quảng cáo lương cao cũng là điều dễ hiểu. Nhưng không phải nhân sự nào trong ngành cũng giống như Emily in Paris. Mình và đồng nghiệp vẫn có nhiều khó khăn riêng trong công việc, và không phải lúc nào cũng sang chảnh như vẻ bề ngoài”.


Bên cạnh đó, chị cũng cho rằng mindset phổ biến của nhiều người lớn trong xã hội hiện nay là “làm nhiều, hưởng nhiều”. Vì thế nên khi chứng kiến một nhân sự ngành Quảng cáo thường xuyên OT và bận rộn với công việc, họ dễ dàng nghĩ rằng mức lương tăng ca theo đó cũng sẽ cao vút. 


Còn đối với chị Như H., sự ra đời của thẻ tín dụng, các dịch vụ tài chính và trào lưu Buy Now, Pay Later (mua trước, trả sau) trong những năm gần đây đã góp phần giúp cho cuộc sống của các nhân sự trẻ trở nên “dễ thở” hơn trong mắt thế hệ trước. Số liệu từ Research and Markets cho thấy thị trường Buy Now, Pay Later tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng 45.2% mỗi năm, từ 496.4 triệu USD năm 2021 dự kiến sẽ lên đến 10528.1 triệu USD năm 2028, tạo điều kiện cho người tiêu dùng thoải mái chi tiêu mà không phải áp lực về mặt tâm lý.


Hình thức Buy Now, Pay Later giúp cuộc sống của người trẻ trở nên “dễ thở” hơn trong mắt thế hệ trước (ảnh minh hoạ)


“Tầm 1-2 tháng, ba mẹ mình sẽ từ quê lên Sài Gòn để thăm cháu và trông nom nhà cửa. Những lần đó, mình thường dẫn ba mẹ đi ăn ngon và tạo cho họ cảm giác an tâm khi thấy con mình dư giả. Sau khi ba mẹ về, mình lại đau đầu với bài toán chi tiêu,” chị chia sẻ. Dù sau những lần “vung tay quá trán” là áp lực cắt giảm chi tiêu và để dành tiền trả nợ, chị Như H. cũng như nhiều người trẻ hiện nay vẫn cảm thấy hài lòng với hình thức chi tiêu này bởi nhiều lợi ích mà nó mang lại.


Dù không có một mức lương cao chót vót như lời đồn, chị Thuỷ Tiên cho biết yếu tố quan trọng nhất để nhân sự không lâm vào cảnh “cháy túi” mỗi tháng và phải tỏ ra dư dả với người thân chính là khả năng quản lý chi tiêu. “Không phải cứ làm Marketing, xuất hiện chỉn chu và ‘fancy’ thì đồng nghĩa với việc nhân sự ngành này sẽ giàu. Dù làm việc ở ngành nào, lương thấp hay cao thì quan trọng vẫn là bản thân phải có kế hoạch chi tiêu thông minh và tiết kiệm. 


"Dù làm việc ở ngành nào, lương thấp hay cao thì quan trọng vẫn là bản thân phải có kế hoạch chi tiêu thông minh và tiết kiệm" (ảnh minh hoạ)


Mình không cho rằng phải ‘flex’ về sự sang chảnh, giàu có hay lao đầu vào kiếm tiền thì ba mẹ mới yên tâm. Thay vào đó, hãy cho họ thấy rằng bản thân có khả năng cân bằng giữa công việc và sức khoẻ, có khả năng chi trả những chi phí cần thiết và nghiêm túc tiết kiệm cho tương lai sau này. Mình nghĩ đó mới là những gì khiến ba mẹ vui, chứ không phải chuyện lương cao hay không. Còn với những người quan tâm lương bổng chỉ để soi mói, mình đơn thuần chỉ nở nụ cười thật tươi rồi trả lời ‘dạ, lương con vừa đủ sống’ là xong”, chị đúc kết. 


Nội dung: Thảo Vy

Minh hoạ: Huy Mai