Nhóm sản xuất âm nhạc DTAP: “Sáng tạo cũng cần Unique Selling Point”

Với sự lên ngôi của các hợp tác music marketing, ngày càng nhiều nhà sản xuất âm nhạc xuất hiện trước công chúng trong vai trò người sáng tạo. DTAP - nhóm sản xuất đứng sau hàng loạt dự án thương mại và nghệ thuật tạo tiếng vang như: Không Độ Chill (Trà Xanh Không Độ), Khi Tình Yêu Đủ Lớn (Prudential), Người Ơi Người Ở Đừng Về (Đức Phúc), See Tình (Hoàng Thuỳ Linh)... đang là cái tên nổi bật, thành công trong cả hai khía cạnh thương mại lẫn nghệ thuật. 


DTAP lần đầu ra mắt khán giả nghe nhạc vào năm 2019. Nhóm kết hợp cùng ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh trong dự án album Hoàng với bài hát “hiện tượng” Để Mị Nói Cho Mà Nghe. Tại thời điểm ấy, ba gương mặt non trẻ và mới mẻ với giới mainstream đã được xướng tên trong hầu hết các giải thưởng âm nhạc lớn nhỏ: Mai Vàng, Làn Sóng Xanh, MAMA,... trở thành cái tên được nhiều khán giả mong chờ, đón đợi. 


Không phụ sự kỳ vọng của người hâm mộ, 3 năm sau, DTAP tái hợp cùng Hoàng Thuỳ Linh trong sản phẩm âm nhạc mới: album LINK. Cùng với sự trở lại của nhóm trong các dự án thương mại khác như Hướng dẫn An toàn bay (Vietnam Airlines) hay vị trí Giám đốc âm nhạc tại cuộc thi Miss World Vietnam và chương trình Tiger Remix, vị trí Ban Giám Khảo & Nhà Đầu Tư của chương trình Big Song Big Deal (Bài hát hay nhất), khán giả thấy được phiên bản chín chắn, trưởng thành hơn của ba chàng trai DTAP. Các thành viên cho biết 3 năm vừa qua là thời gian để nhóm tái định hướng sáng tạo, vượt qua áp lực thành công và tìm lại niềm vui, sự bình thản trong công việc. 


Cùng Advertising Vietnam tìm hiểu những chia sẻ của DTAP về “áp lực” trong sáng tạo và những nhận định của nhóm về xu hướng âm nhạc trong dòng chảy thời đại mới. 




• Tại thời điểm mới thành lập năm 2019, nhóm sản xuất âm nhạc không phải là mô hình hoạt động phổ biến tại Việt Nam. Vì sao các thành viên của DTAP quyết định đồng hành cùng nhau?


Đôi nét về DTAP thì chúng tôi gồm ba thành viên: Thịnh Kainz (tên thật Nguyễn Trần Hoàng Thịnh, sinh năm 1996), Kata Trần (Trần Quốc Khánh, 1997) và Tùng Cedrus (Võ Thanh Tùng, 1998). Xuất phát điểm của cả ba thành viên đều là nhân sự trái ngành, chúng tôi học về kinh tế, marketing và có cơ duyên gặp gỡ nhau tại một công ty đào tạo nhạc sĩ bên ngoài. Nhận thấy mỗi thành viên đều có những thế mạnh và yếu điểm riêng, nếu hợp lực lại thì có thể bù trừ cho nhau để giải quyết nhanh chóng những vấn đề lớn nhỏ nên chúng tôi quyết định thành lập nhóm. 


• Teamwork trong sáng tạo vốn không phải là quá trình dễ dàng, nhất là đối với nhạc sĩ - những người có cái tôi cao, sẵn sàng bảo vệ ý tưởng của mình. Nhóm vượt qua thách thức này thế nào?


Thật ra, DTAP cũng gặp phải một số khó khăn trong quá trình teamwork. Thường gặp nhất là tình trạng bất đồng quan điểm, câu chuyện tranh luận và phản biện giữa các thành viên. 


Để giải quyết vấn đề này, nhóm làm việc với tư duy result-oriented (hướng đến sản phẩm cuối cùng) nhằm đảm bảo những ý kiến đề xuất đều hợp lý, phục vụ cho chất lượng sản phẩm thay vì mang tính chủ quan của mỗi người. Đồng thời, cả ba thành viên đều tôn trọng ý kiến, đóng góp của những người còn lại. Quy trình sản xuất âm nhạc có thể bắt nguồn từ ý tưởng của bất kỳ thành viên nào: phần giai điệu của Thịnh, nhạc cụ của Tùng hay lời hát của Khánh. Dựa vào ý tưởng đó, cả nhóm linh hoạt phát triển và sáng tạo để có được thành phẩm cuối cùng. 


Có thể thấy, thách thức trong quá trình teamwork thì ít nhưng cơ hội lại rất nhiều. Có ba thành viên nghĩa là gấp ba nguồn ý tưởng, gấp ba cái đầu để kiểm soát chất lượng công việc và thẩm định sản phẩm. Trong teamwork, phép tính “một cộng một” đôi khi sẽ “lớn hơn hai”. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sức mạnh tổng hợp của tập thể và đó là lý do giúp DTAP thành công với mô hình nhóm sản xuất. 


So với thời điểm thành lập năm 2019, chúng tôi thấy thị trường đang xuất hiện ngày càng nhiều nhóm sản xuất âm nhạc. Thực tế này đã chứng minh tính hiệu quả của mô hình sáng tạo theo nhóm. 



• Trở lại thị trường nhạc Việt sau ba năm, DTAP nhận định xu hướng âm nhạc đã có những sự thay đổi gì, bên cạnh sự nhân rộng và phát triển của mô hình nhóm sản xuất?


Có hai điểm nổi bật:


Thứ nhất là thị trường chuyển động nhanh với tốc độ đào thải rất cao. Sân chơi âm nhạc ngày nay vô cùng cởi mở, rào cản gia nhập gần như bằng… không. Bất kỳ ai có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt đều có thể viết nhạc và trở thành nhạc sĩ. Thậm chí nếu may mắn, bài hát đó có thể thành hit, nhà sáng tạo trở thành tên tuổi được săn đón. Thế nhưng nếu muốn đi đường dài, họ phải trang bị nền tảng kiến thức cơ bản vững chắc cùng sức bền, sự đam mê với công việc sáng tạo.


Chính DTAP cũng là những cái tên “vụt sáng” trên thị trường ba năm trước. Tại thời điểm ra mắt Hoàng, nhóm chưa là ai trên bản đồ âm nhạc. Kỹ năng và bản lĩnh của chúng tôi chưa đủ vững vàng để đón nhận một thành công vượt ngoài mong đợi. Chúng tôi mất 2 năm sau đó để loay hoay, mông lung và mất định hướng: Nhóm phải làm gì tiếp theo? Liệu có đủ sức để vượt qua cái bóng quá lớn của sản phẩm cũ hay không? Những kiến thức, kỹ năng về nghề chính là chiếc “phao cứu sinh” giúp DTAP vượt qua thử thách mang tên “áp lực thành công” đó. Đến tận hôm nay, chúng tôi luôn tự hào vì đã không ngừng học hỏi, thực hành sáng tạo và cập nhật xu hướng mới để định hướng ngày một rõ ràng con đường phát triển trong tương lai. 


Để Mị Nói Cho Mà Nghe là sản phẩm đưa tên tuổi DTAP đến gần hơn với khán giả nghe nhạc


Thứ hai, nhà sáng tạo cần phải xác định cho riêng mình một Unique Selling Point (USP). Trước kia, mỗi bài hát viết ra có thể được trình bày bởi hàng chục nghệ sĩ. Thị trường âm nhạc ngày nay lại khắt khe và khó tính hơn rất nhiều. Mỗi khi bài hát cất lên, yêu cầu của khán giả là phải nhận được ra ngay ai là nhà sản xuất hay ca sĩ nào thể hiện bài hát. 


Đối với DTAP, chúng tôi định vị mình là những “nghệ sĩ Việt Nam làm nhạc Việt Nam”. Chất liệu văn hoá dân tộc trong âm nhạc chính là USP (Unique Selling Point) của nhóm. Trong quá trình sáng tạo, chúng tôi cũng kết hợp những âm hưởng âm nhạc truyền thống với xu hướng âm nhạc hiện đại. Mọi yếu tố được cân bằng để đảm bảo bài hát là sản phẩm âm nhạc của Việt Nam, không bị lai căng bởi bất kì nền văn hoá nào trên thế giới. 


• Phải chăng màu sắc và cá tính sáng tạo chỉ có “đất dụng võ” trong các dự án nghệ thuật thông thường? Đối với các sản phẩm thương mại yêu cầu cao về nhận diện thương hiệu và thông điệp sản phẩm, yếu tố này có được ưu tiên? 


Có quan điểm cho rằng, các hợp tác thương mại thường gò bó, khuôn thước, không có nhiều không gian sáng tạo. Tuy nhiên với DTAP, quá trình làm việc cùng nghệ sĩ hay nhãn hàng là giống nhau. Mỗi sản phẩm đều là một bài toán mà nhóm phải đi tìm lời giải. Đối với nhãn hàng, nhạc sĩ cần truyền tải hiệu quả thông điệp sản phẩm, thương hiệu qua nội dung bài hát. Tương tự với nghệ sĩ, sản phẩm cần làm nổi bật màu sắc, cá tính của người nghệ sĩ đó. 



Công thức chung luôn là sự hoà hợp giữa thế mạnh của nhạc sĩ và yêu cầu từ nghệ sĩ, nhãn hàng. Trong một số trường hợp, việc hợp tác với nhãn hàng lại suôn sẻ và dễ dàng hơn nhiều bởi đã có sẵn quy trình dự án, các mốc thời gian (timeline) và phân chia công việc rõ ràng, cụ thể. 


• Phim hướng dẫn an toàn bay 2022 với phần âm nhạc được sản xuất bởi DTAP đã nhận được những phản hồi tích cực. Trong hợp tác cùng Vietnam Airlines, quy trình dự án mà nhóm đề cập được “hiện thực hoá” ra sao? 


Với dự án hướng dẫn an toàn bay 2022 của Vietnam Airlines, đề bài đặt ra cho DTAP là làm nổi bật văn hoá truyền thống đa dạng của các dân tộc Việt Nam, đồng thời kết hợp hài hoà với giai điệu hiphop hiện đại.


Phim hướng dẫn an toàn bay 2022 của Vietnam Airlines được thực hiện trên nền nhạc dân tộc hiện đại sản xuất bởi DTAP


Bản brief đầy thử thách này đã được triển khai thành quy trình sản xuất với các bước phối hợp chặt chẽ: 


- Bước 1: Thống nhất hướng triển khai


Khi bắt đầu một dự án, DTAP sẽ họp với các đối tác (nhãn hàng, nghệ sĩ) có liên quan. Ở dự án của Vietnam Airlines, nhóm chịu trách nhiệm sản xuất một bài hát kết hợp bản sắc văn hoá đa dạng của Việt Nam: Tây Nguyên, Tây Bắc, Bắc Bộ, Chăm Pa, Khơ Me,...


- Bước 2: Phân chia công việc từng thành viên


Sau khi thống nhất được hướng triển khai dự án, nhóm phân chia công việc cụ thể cho từng thành viên. Đối với hợp tác lần này, DTAP chọn phát triển bài hát theo hướng hiện đại, mới mẻ. Trước khi kết hợp những nhạc cụ và giai điệu khác nhau vào tổng thể chung, chúng tôi thực hiện nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo bài hát phản ánh đúng đặc trưng của từng vùng miền. 


- Bước 3: Thực hiện và hoàn thiện


Trong quá trình hoàn thiện dự án, nhiệm vụ tối quan trọng là các thành viên trong nhóm phải hiểu được mạch sản xuất chung. Từ phần âm nhạc đến khâu dựng vũ đạo và sản xuất hình ảnh phải thống nhất, đồng bộ. Nhờ việc liên tục cập nhật, trao đổi thông tin, bức tranh lớn mà Vietnam Airlines vẽ ra đã được hoàn thiện chỉn chu bởi sự góp sức của cả đội ngũ.




• Văn hoá và bản sắc dân tộc đã trở thành chất liệu sáng tạo phổ biến trong những năm gần đây. Nhà sáng tạo cần lưu ý những gì?


Đầu tiên là phải làm đúng. Nghĩa là bạn phải hiểu rõ về chất liệu văn hoá, tôn trọng những đặc trưng của vùng miền đó. Ví như khi nói nhạc cụ truyền thống ở vùng núi phía Bắc, bạn phải dùng khèn thay vì đàn tranh, đàn bầu, đàn cò. Muốn như vậy, nhà sáng tạo phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thật sự trải nghiệm và thấm nhuần nền văn hoá đó, tránh lối tiếp cận chộp giật “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.


Đồng thời, việc thương hiệu tích cực khai thác yếu tố văn hoá như một chiến lược sáng tạo cũng góp phần bảo tồn, giữ gìn và truyền bá những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bằng chứng là không chỉ riêng doanh nghiệp trong nước như Vietnam Airlines, các doanh nghiệp quốc tế như Prudential cũng từng hợp tác với DTAP để “bản địa hoá” thông điệp, hình ảnh thương hiệu. Vì vậy, nhà sáng tạo phải có trách nhiệm truyền tải đúng đắn và trọn vẹn những giá trị văn hoá đó đến khán giả, khách hàng mục tiêu. 


Hợp tác của DTAP cùng Prudential trong "Khi Tình Yêu Đủ Lớn"


• Lời khuyên dành cho nhân sự mới muốn gia nhập vào thị trường sản xuất âm nhạc? 


Bằng cấp không phải là thước đo thực tế nhất trong âm nhạc. Bởi môi trường đào tạo tại Việt Nam vẫn còn khá “cổ điển”, chưa cập nhật kịp với tốc độ thay đổi của thị trường. Nhân sự mới có thể không theo học ở những môi trường đào tạo chính quy nhưng cần trang bị thông tin, kiến thức, kỹ năng cần thiết để thích nghi và đáp ứng: 


- Tìm hiểu kỹ về ngành: Nhân sự cần có sự phân biệt rõ ràng giữa “việc mình thích” và “việc mình thích làm”, đồng thời tìm hiểu kĩ càng để không bị choáng ngợp khi dấn thân vào thị trường âm nhạc. 


- Chuyên môn giỏi: Trang bị những kiến thức nền tảng về nhạc lý cùng những hiểu biết nhất định về thị trường. Thiếu kiến thức nền tảng, nhà sáng tạo dễ loay hoay, mất định hướng. Chính nền tảng kiến thức vững chắc sẽ giúp nhân sự đi đường dài, có những định hướng đúng đắn cho con đường nghề nghiệp. 


- Kiến thức về những lĩnh vực có liên quan: Phát hành một sản phẩm âm nhạc cũng giống như việc ra mắt một sản phẩm mới. Những nhân sự hiểu biết về thị trường, tư duy truyền thông vững, tư duy thẩm mỹ tốt,... sẽ có nhiều lợi thế.  


- Không ngừng học hỏi: Thị trường chuyển động nhanh với tốc độ đào thải rất cao. Thay vì chạy theo “trend”, nhà sáng tạo nên trở thành những “trendsetter”. Việc không ngừng học hỏi giúp nhân sự liên tục làm mới mình, nâng cấp bản thân và cởi mở với những xu hướng mới. 


Credits hình ảnh:

Stylist: Hoàng Ku

Photographer: Tang Tang


Nhóm sản xuất âm nhạc DTAP: “Sáng tạo cũng cần Unique Selling Point”

Lý Tú Nhã

Lý Tú Nhã

Senior Content | Advertising Vietnam

06 Thg 10 2022

Lưu

Cùng chuyên mục