Kể từ khi ra mắt và trở nên bùng nổ từ cuối 2022, ChatGPT đã không còn là một công cụ xa lạ đối với người dùng Internet, đặc biệt là những nhân sự làm việc trong lĩnh vực sáng tạo. ChatGPT đã chứng tỏ khả năng vượt trội của mình trong việc xử lý và sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt, tự nhiên để hỗ trợ cho quá trình viết nội dung, trả lời câu hỏi của người dùng hay thay thế công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên, công cụ chatbot này vẫn gây ra nhiều lo ngại bởi các mặt hạn chế liên quan đến lỗi sử dụng từ ngữ, tạo ý tưởng mới hay những tranh cãi về quyền sở hữu hợp pháp đối với các tài nguyên do AI tạo ra. 


Các marketer vẫn đang nỗ lực nhằm xác định cách tiếp cận và khai thác ChatGPT hiệu quả nhất để ứng dụng vào quy trình sáng tạo. Hãy cùng điểm danh các thương hiệu và cách họ tích hợp ChatGPT vào chiến lược truyền thông của mình qua bài viết dưới đây!


Sáng tạo các video quảng cáo


Storied là một website tổng hợp thông tin giúp khách hàng dễ dàng tra cứu lịch sử của gia đình, tạo nên gia phả dưới dạng kỹ thuật số và kết nối khách hàng với những người thân mà bạn chưa từng biết. Thương hiệu này đã kết hợp nhóm sáng tạo thuộc OpenAI - cha đẻ của ChatGPT để tạo ra một chuỗi các câu chuyện cho các video quảng cáo của mình. Ý tưởng ban đầu được tạo ra bởi đội ngũ sáng tạo nội dung của Storied. Sau đó, các công cụ AI sẽ phát triển những câu chuyện xoay quanh các nhân vật trong gia đình để làm nền tảng cho video quảng cáo thương hiệu này. Brandon Camp - Giám đốc Marketing của Storied cho biết: “Tận dụng sức mạnh của AI không chỉ cắt giảm đáng kể lượng thời gian tạo ra kịch bản mà còn hỗ trợ đội ngũ nội dung của chúng tôi trong việc đưa ra những ý tưởng và quyết định sáng tạo”


Storied đã tận dụng ChatGPT đã tạo nên những câu chuyện khác nhau xoay quanh các nhân vật trong đoạn quảng cáo


Trong một ví dụ khác, Ryan Reynolds - chủ sở hữu nhà mạng điện thoại Mint Mobile vừa qua đã có một thử nghiệm sáng tạo với công cụ này. Cụ thể, anh đã yêu cầu ChatGPT viết một đoạn quảng cáo cho chương trình khuyến mãi ngày lễ của Mint Mobile đáp ứng những yêu cầu cụ thể về nội dung và từ ngữ. Kết quả cho thấy, nội dung tạo ra bởi AI được Ryan Reynolds đánh giá là “thu hút” và “khá đáng sợ”.

ChatGPT có thể tạo ra một kịch bản hấp dẫn thoả mãn tất cả các yêu cầu được đưa ra bởi người dùng


Xây dựng nội dung website


Công ty Avocados (Mexico) đã ứng dụng ChatGPT vào một phần trong hoạt động quảng cáo cho chiến dịch Super Bowl. Cụ thể, Avocados đã tạo ra một mã QR liên kết với website được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo. Sau đó, dựa trên thông tin người dùng cung cấp, ChatGPT sẽ tạo ra những nội dung văn bản dưới dạng tweet và khuyến khích người dùng tương tác liên tục với thương hiệu trong thời gian diễn ra sự kiện. “Là một thương hiệu tập trung vào hiệu suất kinh doanh và sáng tạo, chúng tôi đã tận dụng sức mạnh của AI thông qua ChatGPT dưới dạng tích hợp API để tăng mức độ tương tác với khách hàng vào giai đoạn cao nhất của marketing.”, Ivonne Kinser - Phó Giám đốc Marketing của Avocados chia sẻ.


Mã QR xuất hiện trên billboard của Avocados sẽ dẫn khách hàng đến trên web có nội dung được tạo ra bởi ChatGPT


Giao tiếp qua email với khách hàng


6sense - công ty marketing cho các doanh nghiệp B2B đã dành hơn một năm để cải thiện công cụ giao tiếp từ OpenAI để xử lý các email marketing trò chuyện với các khách hàng của mình, đơn cử như Cisco, Marathon Health và Vendavo. Theo Viral Bajaria - Giám đốc công nghệ và đồng sáng lập 6sense, công cụ này hiện có thể hoàn thành công việc tương đương 400 đến 500 giờ mỗi ngày so với việc thực hiện thủ công các tác vụ đơn giản như gửi và trả lời email. Tuy nhiên, việc đào tạo hệ thống GPT đến mức đủ kỷ luật để tương tác với khách hàng và người dùng đòi hỏi các nguồn lực kỹ thuật quan trọng. Vì thế, sự can thiệp của con người trong việc kiểm soát nội dung được tạo ra bởi AI vẫn rất cần thiết nhằm bảo vệ thương hiệu khỏi những tranh cãi có thể xảy ra.


Với khả năng sử dụng ngôn ngữ trôi chảy, ChatGPT có thể tiết kiệm thời gian của nhân sự trong việc soạn thảo và thực hiện các tác vụ email marketing


Hỗ trợ quy trình nội bộ


Trước những lo ngại về pháp lý của khách hàng, agency R/GA tại Mỹ đã ứng dụng ChatGPT vào các mục đích sử dụng nội bộ, chẳng hạn như xây dựng storyboard, hỗ trợ quá trình lên ý tưởng hoặc thiết kế bản thuyết trình. Ví dụ, agency này vừa thực hiện một chiến dịch Pride gắn liền với sự hiện diện của cộng đồng LGBTQ+ trong lĩnh vực thể thao. Matt Jakob, Giám đốc sáng tạo của R/GA, đã yêu cầu AI cung cấp một danh sách bao gồm những sáng kiến khả thi. “Mặc dù kết quả được đưa ra không mang tính đột phá, nhưng chúng đã cung cấp cho chúng tôi một nền tảng vững chắc hỗ trợ cho quá trình tạo ra ý tưởng” - ông nhận xét.


Không công nghệ nào là hoàn hảo, kể cả ChatGPT. Vì thế, điều quan trọng làm nên sự thành công của một chiến dịch truyền thông nằm ở cách các marketer khai thác công nghệ đó như thế nào để hỗ trợ cho quá trình lên ý tưởng và thực thi một cách hiệu quả. Trong tương lai, ChatGPT sẽ tiếp tục là một công cụ hữu ích cho các nhà sáng tạo, giúp họ tiết kiệm thời gian trong các hoạt động marketing và giao tiếp tốt hơn với khách hàng. 


Thảo Vy