Ngày nay, bạn có thể dễ dàng nhận thấy, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều đang áp dụng digital marketing để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Tuy nhiên trên thực tế, không phải công ty nào cũng biết áp dụng đúng cách và khai thác triệt để tiềm năng của digital marketing. Thậm chí, nhiều chủ doanh nghiệp chỉ tập trung sử dụng các phương tiện truyền thông trả phí phổ biến như quảng cáo Facebook và Google. Một số doanh nghiệp khác với tư duy dài hạn hơn thì đầu tư thêm vào website và tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO).


Sau hơn một thập kỷ internet phổ biến tại Việt Nam, tôi nghĩ rằng đã đến lúc các chủ doanh nghiệp cũng như người quản lý bộ phận marketing cần nắm được những vấn đề cốt lõi nhất trong việc ứng dụng digital marketing cho bài toán tăng trưởng của công ty mình. Vì vậy, bài viết này là khuôn mẫu cơ bản nhất mà bạn có thể tìm thấy phương pháp triển khai digital marketing hiệu quả để phát triển doanh nghiệp của bạn.


Trước khi lập bất kỳ kế hoạch hay bắt tay thực hiện hoạt động digital marketing nào, chúng ta cần phân tích các yếu tố xung quanh doanh nghiệp. Bởi vì đó là nền tảng để xây dựng chiến lược marketing phù hợp với bối cảnh thực tế. Sau đây là những vấn đề bạn cần phân tích:


  • Đối tượng mục tiêu của bạn: Ngay bây giờ, khán giả và khách hàng tiềm năng của bạn đều đang hiện diện trên internet. Điều hiển nhiên, nếu họ không thể tìm thấy bạn một cách đơn giản, họ có khả năng chọn một người khác. Vì vậy, hiểu biết về đối tượng mục tiêu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thông tin về nhân khẩu học, sở thích, hành vi,... của họ giúp bạn đưa ra được những định hướng tốt nhất cho chiến lược marketing của mình.


  • Sản phẩm của bạn: Bạn phải rất rõ ràng về sản phẩm hoặc dịch vụ đang được cung cấp cho thị trường. Bởi vì sản phẩm là chìa khóa thúc đẩy việc tạo ra chiến lược marketing và kế hoạch marketing hỗn hợp. Bạn cũng cần quan tâm đến thang lợi ích tính năng (feature-benefit ladder) hoặc giá trị của sản phẩm/dịch vụ cung cấp ra thị trường. Khách hàng chi tiền mua sản phẩm bởi họ muốn nhận về một hoặc nhiều giá trị.


  • Đối thủ của bạn: Để doanh nghiệp của bạn đạt được thành công, bạn cần chú ý đến những gì đối thủ của bạn đang làm và học hỏi từ nó. Bạn có thể tìm hiểu xem họ là ai? Những gì họ đang cung cấp? Tốc độ tăng trưởng của họ và thị phần của họ (nếu có thể)? Ngày nay, bạn có thể tìm kiếm thông tin của những đối thủ lớn trên internet. Ví dụ: Bạn muốn tìm hiểu các đối thủ của bạn trên nền tảng Facebook, bạn có thể sử dụng Thư viện quảng cáo để bắt đầu nghiên cứu.


  • Nguồn lực của bạn: Bạn không thể nào đánh trận mà không biết quân mình còn bao nhiêu lính. Trong kinh doanh cũng vậy, nắm rõ các nguồn lực nội tại và lợi thế cạnh tranh sẽ giúp bạn có cơ hội thành công hơn. Các nguồn lực phổ biến như đội ngũ nhân sự, tài chính, hệ thống và quy trình, cơ sở vật chất,...


Bạn cũng biết rằng, với mỗi loại sản phẩm và từng đối tượng khách hàng, chúng ta cần áp dụng các kênh marketing khác nhau để đem lại hiệu quả. Vậy nên, trong phần tiếp theo của bài viết này, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách lựa chọn kênh digital marketing phù hợp cho doanh nghiệp của mình dựa trên các yếu tố đã được đề cập ở trên.


Thông thường, chúng ta hay chạy theo xu hướng của thị trường, tức là thấy mọi người đang sử dụng kênh nào thì nhanh chóng ra quyết định đầu tư vào kênh đó. Tuy nhiên, có thể bạn chưa biết tất cả các kênh marketing sẵn có để đưa ra phương án triển khai tối ưu nhất.


Trong thực tế, theo mô hình POGLE của Chad S. White (Giám đốc nghiên cứu tại Litmus và tác giả cuốn sách “Email Marketing Rules”), chúng ta có tới hơn 11 kênh digital marketing để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ. Chúng được xếp vào 5 loại phương tiện truyền thông: Paid (trả phí), Owned (thuộc sở hữu), Granted (được cấp), Leased (cho thuê), Earned (kiếm được).



  • Truyền thông trả phí (Paid): Nội dung được tạo bởi thương hiệu được phân phối cho một đối tượng được phát triển bởi bên thứ ba thông qua nền tảng đóng do bên thứ ba kiểm soát. Về cơ bản, nó bao gồm tất cả các kênh mà bạn sẽ cần trả phí để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.


Ví dụ: Bạn chạy quảng cáo TikTok để phân phối nội dung (của bạn) cho khán giả. Bản thân TikTok là một nền tảng đóng và đối tượng của bạn được phát triển trong đó.


  • Truyền thông sở hữu (Owned): Nội dung được tạo bởi thương hiệu được phân phối cho một đối tượng được phát triển bởi thương hiệu thông qua một nền tảng khép kín được kiểm soát bởi thương hiệu.


Ví dụ: Bạn thiết lập một website, sau đó tạo nội dung và khán giả trực tiếp truy cập nội dung của bạn. Điều hiển nhiên, nội dung trên website thuộc sở hữu của bạn. Đối tượng khán giả và nền tảng website cũng thuộc sở hữu của bạn.


  • Truyền thông được cấp (Granted): Nội dung được tạo bởi thương hiệu được phân phối cho đối tượng được phát triển bởi thương hiệu thông qua một nền tảng mở được kiểm soát bởi nhiều bên thứ ba. Bao gồm: email marketing, SMS/MMS, SEO.


Ví dụ: Bạn phân phối nội dung (của bạn) cho một danh sách email (của bạn) thông qua dịch vụ email marketing; và quá trình phân phối nội dung cũng được kiểm soát bởi nhiều bên thứ ba khác như Nhà cung cấp dịch vụ Internet (Gmail/Yahoo/Outlook…).


  • Truyền thông cho thuê (Leased): Nội dung được tạo bởi thương hiệu được phân phối cho đối tượng được phát triển bởi thương hiệu thông qua một nền tảng khép kín được kiểm soát bởi một bên thứ ba duy nhất. Bao gồm: Social media marketing, ứng dụng di động.


Ví dụ: Bạn phân phối nội dung (của bạn) cho những người đang theo dõi fanpage trên Facebook. Điều đó có nghĩa là Facebook có quyền thay đổi các quy tắc bất cứ khi nào họ muốn vì họ sở hữu toàn bộ nền tảng. Facebook chỉ đang cho bạn thuê không gian để tạo nội dung và phân phối đến đối tượng của bạn.


  • Truyền thông kiếm được (Earned): Nội dung được tạo bởi những người khác được phân phối cho đối tượng được phát triển bởi bất kỳ ai thông qua bất kỳ nền tảng nào.


Ví dụ: Một người dùng truy cập vào trang web của bạn. Họ đọc thấy nội dung hay, họ chia sẻ lên Facebook cho những người khác có thể thấy.


Khi đã hiểu được cách hoạt động của hầu hết các kênh digital marketing, việc lựa chọn kênh tiếp thị phù hợp sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều. Theo đó, kết hợp với phần thông tin đã phân tích ở trên, quy trình lựa chọn kênh digital marketing nên được thực hiện như sau:



Rõ ràng, lựa chọn kênh digital marketing đúng đắn chính là mấu chốt quan trọng giúp doanh nghiệp của bạn giảm bớt được nhiều rủi ro về mặt chi phí cho việc tiếp cận đối tượng khách hàng không phù hợp. Điều này đồng nghĩa rằng, để quá trình hiện thực hóa chiến lược digital marketing đạt hiệu suất như kỳ vọng, chúng ta cần một bản kế hoạch triển khai chi tiết.


Ví dụ về kế hoạch thực thi và đo lường nội dung trên Trang Facebook


Theo dõi và đo lường là khâu cực kỳ quan trọng trong quá trình làm digital marketing. Nó giúp chúng ta biết được những gì hoạt động và những gì không. Đo lường cũng giúp bạn dễ dàng điều chỉnh kế hoạch thông qua kiểm soát. Nhưng trong một thế giới có quá nhiều dữ liệu, việc xác định được số liệu nào thực sự quan trọng có thể trở nên khó khăn. Về chi tiết, mỗi kênh tiếp thị mà bạn sử dụng sẽ có cách đo lường khác nhau. Tuy nhiên, từ góc độ của chủ doanh nghiệp và người quản lý marketing, bạn cần quan tâm đến 5 số liệu sau:


  • Lợi tức đầu tư (ROI)
  • Chi phí trên mỗi khách hàng tiềm năng / khách hàng (CPS)
  • Tỷ lệ chuyển đổi (CR)
  • Giá trị trọn đời của khách hàng (CLV)
  • Chỉ số đánh giá nhận thức về thương hiệu


Kết quả đo lường không chỉ được dùng để xem, nó còn đóng vai trò làm kim chỉ nam cho quá trình tiếp theo, tối ưu hóa. Dưới đây là 3 bước cơ bản của quá trình này:


  1. Thu thập và phân tích dữ liệu: Khi bạn có dữ liệu tuyệt vời, bạn có thể sử dụng nó để đưa ra quyết định kinh doanh đúng đắn. Nếu bạn đang thu thập đủ dữ liệu phù hợp, các quyết định tiếp thị của bạn sẽ trở nên rõ ràng.
  2. Tinh chỉnh quy trình & hành động: Tinh chỉnh sẽ dẫn đến các mục tiêu và trách nhiệm hợp lý. Dữ liệu mà bạn đã phân tích sẽ làm sáng tỏ những thay đổi nào nên được thực hiện.
  3. Lặp lại hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng: Tối ưu hóa có thể gây bực bội, khó hiểu và đôi khi tốn kém. Tuy nhiên, nếu bạn kiên trì và coi đó là một công việc phải làm thường xuyên thì bạn sẽ nhận được những kết quả xứng đáng.


Nói tóm lại, tối ưu hóa marketing cần khả năng thu thập dữ liệu, sau đó phân tích để tìm ra nguyên nhân dẫn tới kết quả chưa tốt và phương án nhằm cải thiện hiệu suất. Cuối cùng, thực hiện các hành động cần thiết trên các kênh digital marketing của bạn để tăng ROI.


Trên đây, tôi đã chia sẻ đến bạn phương pháp triển khai digital marketing hiệu quả bao gồm 5 bước chính:


Bước 1: Phân tích doanh nghiệp


Bước 2: Lựa chọn kênh digital marketing phù hợp


Bước 3: Lập kế hoạch chi tiết và thực thi


Bước 4: Theo dõi và đo lường


Bước 5: Tối ưu hóa


Tôi cũng xin nhấn mạnh, phương pháp này không đại diện cho bất kỳ nguyên lý nào, nó dựa trên các vấn đề xảy ra trong thực tiễn. Vì vậy, nếu bạn cho rằng nó phù hợp với doanh nghiệp của bạn, bạn có thể xem xét và áp dụng.