Trong thế giới Influencer Marketing, những Momfluencer và Mommy Blogger đang dần trở thành một nhóm người có sức ảnh hưởng có khả năng thu hút số lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội thông qua các chia sẻ kinh nghiệm làm mẹ, chăm sóc nhà cửa, đề xuất sản phẩm cho những người mẹ mới sinh con hay đang mang thai. Không chỉ sở hữu tiềm năng khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả, Momfluencer cũng được các chuyên gia đánh giá là một ngành kinh doanh lớn có khả năng mang lại doanh thu “khủng” cho những nhà sáng tạo và cả các thương hiệu hợp tác. 


Chelsea Clark - Nhà sáng lập Momfluence.co (nền tảng marketing với thế mạnh về Momfluencer) cho biết: “Tôi nghĩ các Mom Creators đang phát triển thành một loại hình kinh doanh mới bởi vì nhiều phụ nữ thích sự linh hoạt và khả năng kiếm thu nhập tốt ngay tại nhà. Một số người nói rằng người dùng có thể kiếm được số tiền tương đương với số lượng người theo dõi của mình. Điều này có nghĩa là nếu có ai đó 20 nghìn người theo dõi, tức là họ có thể kiếm được 20 nghìn USD/năm.”


Bên cạnh đó, đây cũng là một “miền đất hứa” dành cho các nhà quảng cáo. Theo bà Hannah Ryan - Giám đốc Chiến dịch Cấp cao của công ty quản lý Influencer The Goat, những người theo dõi Momfluencers là những người hâm mộ trung thành nhất, vì thế họ có xu hướng tin tưởng những gì được Momfluencer chia sẻ. Qua đó, những bài đăng chia sẻ và review của những người mẹ làm Influencer có thể giúp các thương hiệu đạt được doanh số bán hàng như mong muốn. “Chúng tôi đã chạy nhiều chiến dịch FMCG cho các thương hiệu lớn trong các năm qua. Doanh số bán hàng do các Momfluencer mang lại luôn rất tốt. Trên thực tế, Momfluencer là những người có tiếng nói thuyết phục nhất trên mạng xã hội”, bà nói.


Các Momfluencer mang lại doanh thu khả quan cho các thương hiệu


Sức ảnh hưởng của những người mẹ đến quyết định mua hàng 


Từ lâu, các nhà tiếp thị đã xác định rằng phụ nữ là trung tâm của văn hoá tiêu dùng khi họ chính là người quyết định 70 - 80% các quyết định mua hàng trong gia đình. “Thậm chí, những nhà sử học của thế kỷ 20 còn sử dụng cách viết tắt ‘Mr. Breadwinner and Mrs. Consumerism’, tức là ‘Ông trụ cột gia đình và Bà chủ nghĩa tiêu dùng' nhằm thể hiện vai trò của đàn ông và phụ nữ trong gia đình. Mặc dù vấn đề bình đẳng giới đã thể hiện rõ rệt trong thế kỷ qua, song việc phụ nữ giữ vai trò mua sắm cho gia đình vẫn được xem là một điều không thể phủ nhận”, bà Brooke Erin Duffy - Phó Giáo sư tại Khoa Truyền thông tại Đại học Cornell, thành viên khoa Nghiên cứu Nữ quyền, Giới tính và Giáo dục chia sẻ.


Một cuộc khảo sát của Girl Power Marketing cho thấy, 85% việc mua hàng và ảnh hưởng đến việc mua hàng là do phụ nữ thực hiện. Cụ thể, 93% quyết định mua thực phẩm, 92% các kỳ nghỉ hay 91% quyết định mua nhà mới đều do những người phụ nữ thực hiện. 


Khi những người phụ nữ này trở thành mẹ và bắt đầu chia sẻ những quan điểm, ý kiến, lời khuyên xoay quanh vấn đề chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái, họ trở thành những Influencer có lượng người theo dõi cao ngất ngưỡng và những mối quan hệ đối tác sinh lời. Nội dung của họ thường xoay quanh trải nghiệm của chính họ với tư cách là những người mẹ, do đó những lời khuyên và sản phẩm mà họ đề xuất có sức thuyết phục cao hơn với người tiêu dùng. 


Các sản phẩm do Momfluencer giới thiệu có độ tin cậy cao


Cuộc sống tuyệt vời của Momfluencer khiến những người mẹ khác chịu áp lực


Lối sống và những lời khuyên hoàn hảo trong việc nuôi dạy con trẻ của các Momfluencer được đánh giá là đã truyền cảm hứng cho nhiều người mẹ khác. Thế nhưng, khi sức ảnh hưởng và tên tuổi của những người làm mẹ trở nên phổ biến trên mạng xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ không chịu nổi sức hút độc hại của những so sánh, những kỳ vọng vô lý và áp lực phải trở nên "hoàn hảo". Những ngôi nhà được chăm sóc cẩn thận, các món quà sang trọng được những thương hiệu lớn gửi đến, trẻ con được khoác lên mình những bộ trang phục chỉnh tề và đắt đỏ,... của Momfluencer có thể khiến những người mẹ khác cảm thấy không thỏa đáng, bởi họ đang phải vật lộn để có thể sống theo những tiêu chuẩn cao tương tự.


Sara Petersen - một nhà văn và là mẹ của ba đứa con sống tại Mỹ cho biết đã theo dõi sự phát triển nhanh chóng của Momfluencer trong 10 năm qua, từ đó xuất bản quyển sách “Momfluenced: Inside the maddening, picture-perfect world of Mommy Influencer culture” đã chia sẻ rằng: “Tôi nghĩ rằng nền văn hoá Momfluencer đã vô tình tạo nên một tiêu chuẩn nhất định về vẻ ngoài và phong cách trang điểm cho những người mẹ, khiến họ tiếp thu một thông điệp độc hại rằng đấy là tiêu chuẩn của một người mẹ và họ phải làm được như thế: luôn ở nhà để nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc bản thân và thích thú làm những công việc không tên khác.”


Bà Sara Petersen và quyển sách về Momfluencer


Hơn nữa, những Momfluencer thường chia sẻ những triết lý và cách họ nuôi dạy con cái trên mạng xã hội. Điều này có thể vô tình tạo ra quan niệm rằng chỉ có những phương pháp nuôi dạy con cái này mới là “đúng”, khiến những người mẹ không đồng ý hoặc không tuân theo phương án này có cảm giác tội lỗi và nghi ngờ bản thân.


Trước đại dịch, nhiều người mẹ trên mạng xã hội thường thể hiện hình ảnh một cuộc sống hoàn mỹ, sung túc. Song, khi nền văn hoá và kinh tế thay đổi mạnh mẽ sau đại dịch, nhu cầu về những mô tả chân thực và dễ hiểu ngày càng tăng cao. Bà Chelsea Clark bày tỏ, cộng đồng Momfluencer luôn được chia ra thành hai trường phái: một nhóm người theo đuổi chủ nghĩa lý tưởng, tức là luôn tập trung thể hiện hình ảnh những điều tuyệt vời trong cuộc sống của một người làm mẹ. Trong khi đó, những Influencer khác lại muốn thể hiện những gì thực tế nhất. “Ngày càng có nhiều tài khoản Momfluencer phát triển vì họ miêu tả một phiên bản rất thật về vai trò của các bậc phụ huynh cũng như cuộc sống của một người phụ nữ. Điều này cũng tạo cho người xem cảm giác gần gũi và được lắng nghe”, bà nói. Trong khi đó, những người luôn cố gắng “tô điểm” một cuộc đời hạnh phúc, mỹ mãn trên mạng xã hội có thể đứng trước nguy cơ mất người xem. 


Thậm chí, một số thương hiệu cũng mắc phải sai lầm trong việc đảm bảo sự hoà nhập và đa dạng của những người sáng tạo nội dung mà họ hợp tác. Ông Ryan làm việc tại The Goat Agency khuyên rằng các thương hiệu nên cẩn thận xem xét lại những Creator mà họ hợp tác, đảm bảo rằng đây là những người đại diện cho cuộc sống thật, có mối liên hệ gần gũi với nhóm khách hàng mục tiêu.


Trên thực tế, các Momfluencer nổi tiếng trên mạng xã hội đến từ đa dạng tầng lớp xã hội. Điều này đã phần nào phá vỡ được định kiến “người mẹ lý tưởng” trong mắt công chúng. Bà Sara Petersen chia sẻ: “Hiện nay, có rất nhiều Momfluencer sử dụng trang cá nhân của họ để thu hút sự chú ý đến những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến những người mẹ, đơn cử như nghỉ phép có lương, quyền tự chủ về cơ thể khi sinh con, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những người phụ nữ thừa cân và khuyết tật. Thậm chí, các Momfluencer còn đứng lên đại diện cho những người mẹ đồng tính hoặc chuyển giới, mong muốn họ được chăm sóc y tế đặc biệt, đồng thời yêu cầu các vợ chồng phân chia công việc dọn dẹp, chăm sóc nhà ở hợp lý,...”


Đó là lý do mà những tài khoản Momfluencer như bà Gwenna Laithland (mommacusses) và Jacquelin Alwill (brownpapernutrition) thu hút hàng trăm lượt theo dõi của người dùng trên Instagram bởi họ luôn chia sẻ những gì chân thực nhất trong cuộc sống cá nhân. Bà Gwenna Laithland với những video hoặc bài đăng hài hước về cuộc sống gia đình đã thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác và bình luận. Trong đó, người dùng luôn bày tỏ sự thích thú và mong chờ những nội dung sắp tới.

 

Một bài đăng trên Instagram của bà Gwenna thu hút hàng loạt lượt tương tác và bình luận từ người dùng


Dù mang đến nhiều lời khuyên, đánh giá hữu ích trên mạng xã hội nhưng Momfluencer vẫn có nhiều khía cạnh không mấy tích cực. Khi hình ảnh của những đứa trẻ liên tục được cập nhật trên các trang mạng xã hội của Momfluencer và có khả năng tiếp cận đến hàng triệu người trên khắp thế giới, câu hỏi được đặt ra là “liệu điều này có gây ảnh hưởng gì đến trẻ em, cụ thể là con của họ hay không?”“liệu việc thương mại hoá hình ảnh trẻ em như thế có được xem là vi phạm đạo đức, gây ảnh hưởng đến trẻ vị thành niên hay không?”


Chia sẻ về vấn đề này, bà Petersen cho biết: “Việc các bậc phụ huynh kiếm tiền từ hình ảnh của trẻ em trên mạng xã hội cần được xem xét cẩn thận. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên có nhiều hướng dẫn và quy định minh bạch hơn, đơn cử như Pháp có những luật lao động bảo vệ quyền lợi con cái của các Influencer. Một phần doanh thu của Momfluencer sẽ được chuyển vào quỹ của trẻ em là một quy định hữu ích.”


Ngoài ra, bà cũng nói thêm rằng Momfluencer nói riêng và Influencer Marketing nói chung là ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD. Hầu hết người dùng đều có xu hướng mua sắm trực tuyến hơn là thông qua các nguồn quảng cáo truyền thống như tạp chí phụ nữ, quảng cáo truyền hình,... Do đó, việc hình thành mối quan hệ gần gũi với những người mẹ thông qua Momfluencer sẽ khiến họ tin tưởng về đề xuất sản phẩm, từ đó thúc đẩy quá trình quyết định mua hàng diễn ra nhanh chóng hơn.


Theo Campaign Asia

Kim Ngọc