CTA (call-to-action) thường là nội dung ngắn nhất được hiển thị trên website của thương hiệu. Thế nhưng, đây cũng là nội dung khiến nhiều marketer phải “đau đầu” và đầu tư nhiều thời gian để viết nhất. Không ngoa khi nói rằng, tạo nên nội dung cho nút CTA là một nghệ thuật đòi hỏi các marketer cần có sự thực hành, nghiên cứu và nhiều giờ nỗ lực tìm ra một thông điệp ngắn gọn, sắc sảo, thể hiện đúng giá trị doanh nghiệp và có sức mạnh tạo ra tỷ lệ chuyển đổi từ khách hàng.


Vậy cụ thể CTA là gì và làm thế nào để sáng tạo nội dung cho nút CTA hiệu quả? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.


CTA là gì?


CTA (Call-to-action) là một thuật ngữ thường được thể hiện dưới dạng văn bản hoặc hình ảnh, nhằm kêu gọi người xem tương tác với nội dung trên website của thương hiệu bằng việc click chuột để truy cập link, điền form khảo sát hoặc tiến hành thanh toán.


Nút CTA "Tìm hiểu thêm" được hiển thị trên trang chủ của Chanel, khuyến khích người dùng click vào để xem thông tin cụ thể của các sản phẩm thuộc bộ sưu tập


Khi nghĩ đến CTA, nhiều người có xu hướng tập trung về phần thiết kế nhằm thu hút khách hàng ngay từ khi họ truy cập website. Tuy nhiên, một CTA đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng cần phải đáp ứng đủ cả 2 yếu tố: thiết kế và nội dung. Một nút CTA có nội dung thu hút sẽ làm gia tăng khả năng khách hàng click vào và tương tác với website của thương hiệu. 


8 cách sáng tạo nội dung CTA hiệu quả


Sử dụng câu chủ động 


Câu chủ động giúp khách hàng cảm thấy mình là nhân vật chính mà nội dung này nhắm đến, từ đó khuyến khích họ hành động nhiều hơn. Chẳng hạn, thay vì sử dụng câu bị động như “Nội dung cần người dùng đăng nhập để xem toàn bộ”, các thương hiệu hoàn toàn có thể cắt giảm sự dài dòng trong nội dung bằng cách chủ động kêu gọi người dùng “Đăng nhập để xem toàn bộ”.


Câu chủ động giúp nội dung CTA ngắn gọn, thu hút và tạo ra tỷ lệ chuyển đổi tốt hơn cho website của thương hiệu. 


Cụ thể hoá thông điệp


Nút CTA trên website doanh nghiệp cần đảm bảo các tiêu chí: Đầy đủ, bắt mắt và có khả năng thúc đẩy hành động của khách hàng. Các thương hiệu cần cụ thể hoá thông điệp và tập trung vào một chủ đề duy nhất nếu muốn tối ưu tất cả các tiêu chí trên và đảm bảo độ ngắn gọn cho nút CTA. 


Hãy sử dụng những câu từ ngắn gọn, cụ thể, giúp người xem dễ dàng hình dung vấn đề họ đang gặp phải và cách mà thương hiệu có thể giúp họ giải quyết vấn đề đó chỉ bằng một cú click chuột.


Viết nội dung ngắn gọn và đơn giản


Một trong những điều quan trọng nhất mà marketer cần phải biết trước khi viết nội dung cho nút CTA đó chính là giữ cho nội dung ngắn gọn và súc tích. Một nội dung dài dòng và phức tạp sẽ khiến khách hàng truy cập website mất nhiều thời gian để đọc và giảm khả năng tương tác.


Theo báo cáo The Science of PR của Dan Zarrella, tiêu đề của những thông cáo báo chí có hiệu quả cao nhất thường chỉ chứa từ 90 đến 150 ký tự. Vì thế, hãy giới hạn nội dung của nút CTA ở độ dài tương tự để đảm bảo nó đạt được hiệu quả tốt nhất.


Apple luôn trung thành với thủ thuật copywriting ngắn gọn, dễ hiểu và bắt đầu bằng một động từ thúc đẩy hành động như "Learn" và "Buy"


Ngoài ra, một lời khuyên hữu ích giúp các thương hiệu tạo ra nội dung ngắn gọn và thu hút là sử dụng động từ ở đầu câu. Một nghiên cứu của Hubspot cũng chỉ ra rằng đây là cách giúp các thương hiệu tạo ra số lượt chia sẻ “khổng lồ” trên Twitter. 


Tránh sáo rỗng và chạy theo xu hướng


Những nội dung sáo rỗng có thể dễ nhớ bởi người tiêu dùng đã nghe rất nhiều lần. Thế nhưng, sao chép những nội dung sáo rỗng từ đối thủ cạnh tranh sẽ khiến khách hàng nghĩ rằng thương hiệu thiếu tính sáng tạo.


Hãy sử dụng CTA để kể một câu chuyện xác thực và thú vị về thương hiệu. Điều này sẽ khơi gợi sự tò mò và khuyến khích khán giả tương tác với thương hiệu nhiều hơn.


Tập trung vào giá trị thực tế 


Các độc giả trực tuyến thường tìm kiếm những nội dung hoặc sản phẩm có thể giải quyết vấn đề của họ. Do đó, hãy tập trung vào giá trị mà thương hiệu có thể mang đến cho khách hàng và thể hiện nó trên nội dung nút CTA. 


Starbucks tập trung vào những nội dung kêu gọi khách hàng thưởng thức sản phẩm của thương hiệu


Có nhiều cách để lôi kéo người đọc thực hiện hành động, nhưng đề cập trực tiếp đến giải pháp mà thương hiệu đem đến cho khách hàng có thể mang lại một hiệu quả đáng ngạc nhiên.


Kết hợp với các nội dung khác của thương hiệu


Hành trình mua hàng của khách hàng thường bao gồm nhiều bước, từ nhận thức, đánh giá cho đến ra quyết định mua hàng. Vì thế, để đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc thúc đẩy khách truy cập hành động, hãy thống nhất các nội dung trên website và nội dung CTA, đồng thời, đảm bảo rằng nó cung cấp cho khách hàng những thông tin cần thiết nhất theo từng giai đoạn trong hành trình mua hàng.


Nhắm mục tiêu đến nhóm đối tượng cụ thể


Thương hiệu có thể có nhiều nhóm đối tượng mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, các thương hiệu cần xác định rõ khách hàng cụ thể mà mình muốn truyền tải thông điệp và kêu gọi hành động. Bằng việc xác định mục tiêu truy cập website của nhóm đối tượng này, các thương hiệu có thể cân nhắc và lựa chọn nội dung phù hợp, giải quyết đúng nhu cầu của họ, truyền tải nó vào đúng thời điểm khi họ quyết định tương tác và mua hàng.


Trang chủ của H&M giới thiệu các bộ sưu tập theo mùa nhắm đến các nhóm đối tượng cụ thể như nam, nữ, thanh thiếu niên, trẻ em,...


Kiểm tra và đối chiếu hiệu quả CTA


Một trong những cách phổ biến nhất để kiểm tra hiệu quả của các nội dung CTA khác nhau là sử dụng phương pháp thử nghiệm A/B (A/B Testing). Theo đó, thương hiệu có thể kiểm tra hiệu suất của CTA trên các landing page với các thiết kế và nội dung khác nhau, từ đó đo lường mức độ hiệu quả và thực hiện tối ưu hoá nội dung nút CTA trên website thương hiệu. 


Các thương hiệu lớn đang tối ưu nội dung CTA trên website như thế nào để tăng tỷ lệ chuyển đổi?


Kate Spade



Trên website của KateSpade, thương hiệu đã thể hiện nút CTA với nội dung “Shop Self-gifting” (tạm dịch: Tự mua quà tặng bản thân). Khác với những nội dung thường thấy trong ngày lễ Valentine khi mà người dùng thường được khuyến khích mua quà tặng cho “nửa kia”, nội dung độc đáo trên nút CTA đã làm cho thương hiệu thời trang này trở nên nổi bật hơn so với đối thủ cạnh tranh. Đồng thời, Kate Spade cũng thành công trong việc thu hút và đánh trúng tâm lý của nhóm đối tượng cụ thể thường bị “lãng quên” trong ngày lễ này và khuyến khích họ đối xử tốt với chính mình.


Duolingo



Duolingo vốn được biết đến như một ứng dụng học ngoại ngữ có cách tiếp cận người dùng vô cùng thú vị với những thông điệp ngắn gọn và mang tính kêu gọi hành động cao. Nút CTA trên website của Duolingo được thiết kế trực quan, ngắn gọn với nội dung “Bắt đầu” và “Tôi đã có tài khoản”. Nhờ đó, khách hàng khi truy cập website có thể biết chính xác làm thế nào để tiếp tục sử dụng ứng dụng này và chuyển đổi sang hành động ngay lập tức. 


Eventbrite 



Bên cạnh nút CTA kêu gọi “Find your next event” (Tạm dịch: Tìm kiếm sự kiện tiếp theo), dòng chữ “Now is your time” (Tạm dịch: Đây là thời điểm tốt nhất) được thiết kế trên giao diện của Eventbrite cũng đóng vai trò như một thông điệp tạo động lực mạnh mẽ và thúc đẩy hành động của khách truy cập. Mặc dù Eventbrite vốn nổi tiếng với việc tạo ra những sự kiện trực tuyến, cách thiết kế và sáng tạo nội dung nút CTA cũng cho thấy ứng dụng này cũng đầu tư vào việc quảng bá các sự kiện có sẵn, tạo ra nhiều lý do hơn để người dùng gia nhập và sử dụng nền tảng.


American Red Cross



Với dòng thông điệp “You Can Make a Difference” (Tạm dịch: Bạn có thể tạo ra sự khác biệt), Hội chữ thập đỏ Mỹ đã truyền cảm hứng đến nhiều đối tượng tiềm năng về khả năng đóng góp về mặt tài chính của họ cho những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Bên cạnh đó, dòng chữ “Donate now” (Tạm dịch: Quyên góp ngay) cũng được thiết kế nổi bật, giúp người dùng dễ dàng chuyển đổi sang hành động chỉ bằng một cú click chuột.  


Fitbit



Fitbit là một công ty cung cấp các sản phẩm điện tử tiêu dùng và dụng cụ thể thao tại Mỹ. Trong khi nhiều thương hiệu khác trên thị trường thường sử dụng nút CTA để so sánh sản phẩm với đối thủ cạnh tranh, Fitbit lại có sự sáng tạo trong cách tiếp cận và đặt vấn đề, từ đó thúc đẩy quyết định mua hàng của người dùng.


Cụ thể, nội dung trên website của thương hiệu này bắt đầu với dòng chữ “Bạn gặp khó khăn trong việc lựa chọn sản phẩm? Chúng tôi ở đây để hỗ trợ bạn”. Sau đó, Fitbit lập tức đưa ra giải pháp cho khách hàng bằng nút CTA với nội dung “Bắt đầu bài quiz”, giúp họ nhận được những gợi ý sản phẩm từ chính thương hiệu dựa trên những mong muốn và yêu cầu của mình.


Upwork



Nút CTA trên website của nền tảng tìm kiếm việc làm trực tuyến nổi tiếng Upwork bắt đầu với một thông điệp tạo động lực “How work should work. Forget the old rules. You can have the best people. Right now. Right here” (Tạm dịch: Bản chất của công việc là gì? Quên những nguyên tắc cũ đi! Bạn có thể tìm kiếm được những nhân tài ưu tú nhất ngay bây giờ và ngay trên nền tảng này).


Cùng với đó, các nút CTA được hiển thị cũng cung cấp cho người dùng 2 lựa chọn khác nhau để tương tác. Trong khi nút CTA đầu tiên - “Get started” khuyến khích khách truy cập bắt đầu tuyển dụng, nút CTA còn lại được thiết kế dành cho những người chưa hiểu rõ về nền tảng và cần cung cấp thông tin sâu hơn trước khi thực hiện tuyển dụng trên Upwork. 


Theo Hubspot

Thảo Vy