Sau khi đi qua các khía cạnh của Smart Campaign, cụm từ “tối ưu quảng cáo” đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần xuyên suốt chuỗi bài viết này. Tuy nhiên, cụm từ này nên được hiểu như thế nào và cần tuân thủ những quy tắc gì để quảng cáo được tối ưu, cùng PMAX giải mã qua bài viết!


Tối ưu quảng cáo là gì?


Dựa trên quan điểm của các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm tại PMAX, tối ưu quảng cáo không nói về một chiến thuật trong Marketing mà được xem như một lối tư duy trong vận hành quảng cáo. Trong đó, tư duy này có mục tiêu chính là mang lại kết quả tốt hơn trong các chiến dịch quảng cáo (Performance Marketing Campaign).


Quay ngược lại Performance Marketing, thuật ngữ này là lối tư duy bao gồm 3 thành tố chính:

  • Xác định rõ ràng mục tiêu và KPIs (những chỉ số giúp đo lường mục tiêu).
  • Xây dựng hệ thống đo lường KPIs và các yếu tố ảnh hưởng đến KPIs.
  • Tối ưu các yếu tố ảnh hưởng đến KPIs.


Qua đó có thể thấy được, để tối ưu các quảng cáo hiệu quả, cần thực hiện điều chỉnh các yếu tố ảnh hưởng đến KPIs, đồng thời hoàn thành các mục tiêu đã đề ra ban đầu.


Tư duy tối ưu quảng cáo.


Vì sao cần tối ưu quảng cáo?

Tối ưu quảng cáo được thực hiện để hướng đến 2 mục tiêu chính sau đây:

  • Đạt được mục tiêu Marketing với ngân sách thấp nhất;
  • Duy trì hiệu quả chiến dịch quảng cáo luôn tốt hơn theo thời gian.


Vậy quá trình tối ưu này có phải yếu tố quyền năng - chỉ cần thực hiện sẽ luôn có chuyển đổi? Có thể thấy rằng việc thần thánh hóa vai trò của tối ưu quảng cáo hay cho rằng chỉ cần biết cách tối ưu sẽ chắc chắn mang về hiệu quả tốt cho chiến dịch là một nhận định sai lầm. Điều quyết định thành bại của chiến dịch vẫn là những yếu tố cốt lõi của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có thương hiệu tốt, có sản phẩm tốt, có chiến lược Marketing chỉn chu thì mới đạt được đầy đủ các mục tiêu Marketing ban đầu.


Nói một cách đơn giản hơn, hãy xem việc này như bước cuối cùng của công việc nấu ăn, đó chính là bước trang trí món ăn. Việc trang trí sẽ giúp cho món ăn của bạn trở nên hấp dẫn hơn, thu hút được sự quan tâm của khách hàng tốt hơn, tuy nhiên nó sẽ không giúp món ăn của bản trở nên ngon hơn nếu như hương vị không hề ngon trên thực tế.


Đối với một món ăn, chất lượng (hương vị) của nó luôn cần đặt lên hàng đầu để mang đến trải nghiệm tốt cho khách hàng, còn trang trí món ăn sẽ giúp sản phẩm ấn tượng hơn, tăng khả năng mua hàng của khách hàng ở những lần đầu tiên.


Tương tự, việc tập trung đầu tư vào việc hoàn thiện sản phẩm, quy trình vận hành của thương hiệu là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp mang lại kết quả kinh doanh tốt nhất, còn việc tối ưu sẽ giúp hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp trở nên hiệu quả hơn với chi phí tiết kiệm hơn.


Tối ưu quảng cáo cần được thực hiện như thế nào?


Khi bước vào quá trình tối ưu, để đạt được hiệu quả cao cần tuân thủ 3 quy tắc chính sau đây:


3 quy tắc cần tuân thủ để tối ưu quảng cáo hiệu quả.


Phân bổ ngân sách

Để tối ưu hiệu quả, ngân sách cần được phân bổ tối đa cho những yếu tố đang mang lại hiệu quả tốt về mặt KPIs. Thoạt đầu, quy tắc này có thể bị xem nhẹ bởi khi triển khai chiến dịch quảng cáo không phải cứ quảng cáo nào tốt thì chỉ cần đầu tư hết ngân sách là đúng.


Việc này sẽ ảnh hưởng đến hệ thống máy học (Machine learning), khiến cho chiến lược không mang lại hiệu quả như lúc trước nữa. Ngoài ra, những yếu tố hiệu quả ở thời điểm hiện tại không phải lúc nào cũng luôn hiệu quả như ban đầu.


Vì vậy, làm thế nào để phân bổ ngân sách một cách linh hoạt nhất dựa trên tình hình thực tế cũng là một bài toán khó khăn.


Thử nghiệm nhiều yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến KPIs

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến KPIs như Khách hàng mục tiêu, Định dạng quảng cáo, Loại chiến dịch, Kênh,... Để chọn ra đâu là yếu tố quan trọng nhất thì sẽ phải cần đến đội ngũ vận hành có kinh nghiệm và nó phụ thuộc vào ngành hàng đang được triển khai quảng cáo.


Ví dụ, với ngành giáo dục, yếu tố quan trọng nhất là những yếu tố Creative trong quảng cáo, với ngành bán lẻ là việc chọn kênh quảng cáo đúng đắn,... Ngoài ra mỗi kênh cũng sẽ có yếu tố ảnh hưởng KPIs khác nhau, và cần dựa trên kinh nghiệm thì mới xác định được một cách hiệu quả. Trong những bài tiếp theo của chuỗi bài về tối ưu, PMAX sẽ phân tích chuyên sâu hơn về các yếu tố quan trọng đối với từng kênh quảng cáo.


Đào sâu để xác định nguyên nhân cốt lõi

Nếu việc tối ưu chỉ đơn giản là thử nghiệm và phân bổ ngân sách vào những yếu tố tốt nhất thì doanh nghiệp có nguy cơ mất rất nhiều nguồn lực, chi phí để thử và sai. Con đường ngắn nhất chính là phải tìm ra lý do cốt lõi của những thất bại, thành công để những thử nghiệm tiếp theo đạt tỷ lệ thành công cao hơn.


Vì vậy, kỹ năng tối ưu khi vận hành quảng cáo có thể sẽ được tiếp cận dễ dàng, tuy nhiên để trở nên thành thạo thì cần có kinh nghiệm và khả năng điều chỉnh từ những thử nghiệm sai lầm với hướng đi đúng đắn hơn.


Tóm lại, tối ưu quảng cáo là quy trình tạo ra rất nhiều thử nghiệm và phân bổ ngân sách để đảm bảo những thứ tốt nhất luôn dành ngân sách tối đa chi tiêu cho nó. Tuy nhiên, để tối ưu hiệu quả hơn, các nhà vận hành quảng cáo cần có nhiều kinh nghiệm, vì vậy để có thể tích lũy những kinh nghiệm phù hợp và hiệu quả, đừng quên tiếp tục theo dõi các bài viết và cập nhật tiếp theo từ PMAX.


Bài viết được thực hiện bởi Khiêm Quách - Media Manager.