Toxic Productivity biến mỗi ngày đi làm bình thường của nhân sự thành một cuộc chiến

Những áp lực về việc không ngừng gia tăng hiệu suất làm việc trong một nền văn hoá hối hả (hustle culture) hiện nay đã vô tình khiến nhiều nhân sự luôn trong trạng thái làm việc không ngừng nghỉ. Đặc biệt ở một môi trường có nhịp độ nhanh như ngành Truyền thông - Quảng cáo, “cái bẫy” toxic productivity (năng suất độc hại) đang trở nên ngày càng phổ biến khi nhiều nhân sự agency có xu hướng dồn mọi nỗ lực vào công việc mà không để ý đến những tác động tiêu cực đến sức khoẻ và trạng thái tinh thần của bản thân.

 

Vậy đâu là những nguyên nhân hình thành nên trạng thái toxic productivity ở các nhân sự ngành Truyền thông - Quảng cáo? Và làm thế nào để các nhân sự có thể vạch rõ ranh giới giữa làm việc quá sức và thành công? Hãy cùng chia sẻ chi tiết qua góc nhìn của các nhân sự đến từ ZEE Agency, T&A Ogilvy, Interstellar, và Leo Burnett Vietnam.



Chỉ cần chữ “sợ” liên quan đến công việc nhưng lại không dám nghỉ ngơi, đó chính là Toxic Productivity


Một trong những dấu hiệu chính của Toxic Productivity là cảm giác không bao giờ đủ. Những người bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này luôn cảm thấy như mình không đạt được đủ mức độ năng suất và luôn cảm thấy không đủ thành công. Anh Nguyễn Trần Hoàng Quân, Senior Account Executive tại ZEE Agency chia sẻ về những gì đã trải qua: “Mình đã từng làm việc không ngơi nghỉ và có vài thành tích đáng kể trong năm nên tự tin nhảy qua công ty mới để khám phá nhiều dự án mới hơn nữa. Đôi khi, dù mình đã kiệt sức về năng lượng và tinh thần, nhưng khi nhìn xung quanh thấy mọi người vẫn làm việc ngay cả cuối tuần, mình cảm thấy bản thân không thể nghỉ ngơi. Thế nhưng, điều khiến mình cảm thấy hoang mang hơn cả là dù đã dồn mọi năng lượng và thậm chí hy sinh thời gian cá nhân, mình vẫn không thể đạt được mục tiêu hay năng suất như mong đợi, trong khi những đồng nghiệp xung quanh mình đang làm việc rất ổn. Từ đó, mình lại càng nghi hoặc về khả năng của bản thân, dù trước đó rất tự tin. Đó cũng chính là lúc mình nhận ra bản thân đang tiếp nhận toxic productivity.


Với nhiều nhân sự, cảm giác bản thân phải luôn sẵn sàng làm việc mà không có thời gian cho bản thân hoặc gia đình có thể là dấu hiệu rõ ràng của hiện tượng này. Chị Phương Phạm, Senior Planning Manager tại T&A Ogilvy cho biết: “Mình cho rằng mỗi người sẽ có những ưu tiên riêng trong công việc và cuộc sống. Sẽ có những bạn cần work life balance, sẽ có những bạn luôn muốn cống hiến 100% trong công việc. Với mình, cả hai lựa chọn nào cũng đều đáng trân trọng. Vì vậy, mình cho rằng dấu hiệu để biết mình đang đi qua toxic productivity là xem thử liệu cuộc sống của mình có đang đi đúng với những ưu tiên mình đặt ra hay không. Như một người luôn muốn hết mình vì công việc thì ít khi gặp dấu hiệu này. Nếu ưu tiên là cân bằng cuộc sống thì phải xem thử mọi thứ có đang đúng với những gì mình muốn không.” 



Bên cạnh đó, những yêu cầu khắt khe, áp lực từ cấp trên, hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong nhóm làm việc có thể tạo ra một môi trường đầy căng thẳng và dẫn đến Toxic Productivity. Đối với Hoàng Quân: “Đó là cảm giác cần được nghỉ ngơi nhưng không dám nghỉ ngơi vì: sợ FOMO, sợ dự án không theo đúng trình độ, sợ sếp đánh giá không đạt, sợ ảnh hưởng đến quá trình tăng lương,… chỉ cần là chữ ‘sợ’ liên quan đến công việc, nhưng lại không dám nghỉ ngơi, đó chính là toxic productivity.”


Ở một góc nhìn khác, Thu Hương - Senior Account Executive, chia sẻ về trải nghiệm của bản thân: 


 “Dấu hiệu đầu tiên khiến mình tin rằng bản thân đang có toxic productivity chính là cảm giác tội lỗi khi một ngày chỉ nghỉ ngơi mà không làm việc, dù cho đó là ngày nghỉ hoặc cuối tuần. Ngoài ra, nếu một ngày mình không thể hoàn thành những task trong to do list đã đặt ra vào đầu ngày thì mình cũng sẽ cảm thấy rất áp lực, dù cho những task đó không gấp và nếu mình không hoàn thành trong ngày cũng sẽ không có ảnh hưởng nào đáng kể.


Lúc trước, có một khoảng thời gian dài mình chỉ đi làm từ sáng đến tối mà không có thời gian học thêm bất kỳ kỹ năng, kiến thức nào. Điều đó cũng khiến mình cảm thấy rất áp lực. Do đặc thù công việc của account thường sẽ bao gồm nhiều task liên quan đến kỹ năng mềm, mình luôn trong trạng thái lo sợ rằng nếu bản thân chỉ sở hữu những kỹ năng đó thì chỉ trong vòng 3 – 6 tháng, mình có thể bị người khác thay thế. Nhưng nếu bản thân mình có một kiến thức nền vững thì mình sẽ trở thành một người đặc biệt và khó bị thay thế trong công việc”


Khi việc tôn vinh văn hoá hối hả vô tình khiến nhân sự trở thành nạn nhân của “cái bẫy” của toxic productivity 


Trong một văn hóa công ty tập trung vào việc làm việc không ngừng, thúc đẩy sự cạnh tranh và đặt mục tiêu không bao giờ đủ cao, nhiều nhân sự cảm thấy bắt buộc phải vượt qua giới hạn để đáp ứng yêu cầu. 



Chị Trịnh Tuyết Ngân, Creative Planning Executive tại Interstellar, nói rằng: “Theo mình, toxic productivity được tạo nên thứ nhất từ văn hoá có sẵn của công ty, khi một nhân sự mới vào, nhìn vào guồng quay sẵn có của công ty cũng kỳ vọng bản thân thích nghi theo, khi thấy mọi người đều làm việc với tốc độ nhanh chóng, bản thân cũng có áp lực và sẽ cảm thấy vô dụng nếu mình dừng lại quá lâu. Lý do thứ hai là từ deadline gấp hoặc khối lượng công việc lớn so với năng lực và tốc độ làm việc của nhân sự đó. Thứ ba là từ chính áp lực bản thân, muốn mình phát triển thật nhanh, không soi chiếu rõ ràng với khả năng của mình, dẫn đến burn out và không hình thành thói quen phát triển bản thân đúng cách.



Toxic Productivity có thể xoay quanh cách nhân sự cảm nhận về công việc. Đối với những người bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này, công việc không còn là niềm vui và đem lại sự hài lòng. Thậm chí những nhiệm vụ thú vị nhất cũng trở thành một hình phạt đau đớn vì áp lực tự trừng phạt bản thân. Toxic Productivity biến công việc trở thành một cuộc chiến và nhân sự cảm thấy không bao giờ đủ, dù đã làm việc với tất cả tâm huyết. Chị Nguyễn Phương Khanh, Senior Creative Designer tại Leo Burnett Vietnam, cho biết: “Thực ra đôi lúc ‘team nhà’ cũng tự tạo áp lực cho nhau. Ví dụ như đôi khi cái khách hàng cần không hề phức tạp và họ chỉ cần đến tiêu chuẩn ở mức độ nhất định. Thế nhưng, ‘team nhà’ lại muốn đưa ra các đề xuất khác ngoài yêu cầu vì nhiều nguyên nhân, như muốn tạo ấn tượng với khách hàng hoặc các leader muốn thử sức sáng tạo của mình.


Tuy nhiên, không phải tất cả các quan điểm và trải nghiệm về toxic productivity đều tiêu cực. Đôi khi, nguyên nhân tạo ra năng suất độc hại lại đến từ việc muốn phát triển và hoàn thiện bản thân. Chị Thu Hương, Senior Account Executive, chia sẻ quan điểm tích cực của mình về vấn đề này:


Mình thường xuyên rơi vào trạng thái toxic productivity khi cảm thấy không có sự tiến bộ nào trong cuộc sống và công việc. Mình không nghĩ bản thân mình là một người cầu toàn. Với mình, mỗi ngày chỉ cần tốt lên 1%, thậm chí 0.5%, miễn đừng là con số 0 thì ngày hôm đó không phải là một ngày thất bại. Mình tin rằng “every small steps make better”.


Mình không bị toxic productivity bởi peer pressure và không bị áp lực bởi những thành công của những người xung quanh mà chủ yếu nó xuất phát từ chính động lực làm việc của bản thân mình. Với vị trí là một Account, nếu muốn feedback cho những công việc chuyên môn của các team khác, mình bắt buộc phải học. Tuy không thể học hay hiểu hết những kiến thức chuyên môn chỉ trong một ngày, mình sẽ ép bản thân mỗi ngày phải hiểu từng chút một để có thể bắt kịp với các anh chị. Mình nghĩ đó cũng có thể là một phần của hustle culture.” 


Hiểu bản thân mình muốn gì, xác định rõ ưu tiên trong công việc để giải quyết Toxic Productivity


Theo tạp chí Forbes, Toxic Productivity thường tác động đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống, gồm cả sức khỏe và các mối quan hệ. Những hậu quả tiêu cực của toxic productivity có thể là sự kiệt sức, lo âu, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Chị Phương Khanh chia sẻ: “Mình từng đã nhiều lần làm thâu đêm suốt sáng cho một nhãn hàng vì lúc đó mình phải làm visual cho pitching. Idea cho các pitch hầu như lúc nào cũng đến vào phút cuối hạn deadline và rồi phần thời gian để thực hiện visual chỉ còn vỏn vẹn 10% trên tổng số thời gian mà khách hàng đưa ra. Khi đó, áp lực lớn nhất đè lên vai các Art Director hoặc Designer là làm sao để có đc visual đẹp ‘lung linh’, chuẩn idea nhưng có trong tíc tắc. Và hãy tưởng tượng xem, có những thời điểm bạn sẽ phải chạy 1 đến 2 pitching cùng lúc, vậy thì tinh thần và sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng ra sao?”. 


Giảm thiểu vấn đề toxic productivity trong môi trường agency vốn không phải là một việc dễ dàng và có thể giải quyết trong thời gian ngắn. Với các nhân sự, việc giảm thiểu năng suất độc hại cần bắt đầu từ những thay đổi nhỏ trong cách tiếp cận công việc và cuộc sống. Đầu tiên, nhân sự cần xác định rõ những việc thực sự quan trọng và cần thiết trong công việc của mình, và đặt những mục tiêu dựa trên sự cân nhắc đến nguồn lực và thời gian có sẵn. Điều này giúp họ tránh việc tự đặt áp lực quá cao và chấp nhận rằng không thể hoàn thành tất cả mọi việc. Anh Hoàng Quân cho biết: “Làm việc hiệu quả nhất là khi bản thân mình đang làm nó trong khả năng và trong sự mong muốn, kỳ vọng của mình. Không thể nói ‘work smarter’ sẽ không dẫn đến ‘Toxic Productivity’, vì bản thân nhân sự làm việc ‘smarter’ sẽ có thể làm nhanh hơn, nhiều hơn, nhưng bản thân họ vẫn thấy thiếu, vẫn thấy chưa đủ thì vẫn dẫn đến Toxic Productivity. Qua nhiều trải nghiệm, mình luôn tâm niệm, sức khỏe tinh thần của mình rất quan trọng. Dù công việc có dễ dàng hơn, hay bản thân mình đang có nhiều khả năng hơn, thì vẫn nên cân bằng để không dẫn đến việc bản thân bị Toxic, bị Burn-out. Thay vì nghĩ ‘Work smarter, not harder’ thì mình thích suy nghĩ ‘Work hard, play hard’ hơn, vì bản thân câu đó đã cân bằng được cả làm việc và giải trí. Mình sẽ để chính mình được làm hết khả năng, hết sức sau đó tận hưởng bằng tất cả những gì có thể, quên hết công việc.”



Đồng ý với việc này, chị Tuyết Ngân chia sẻ: “Mình cho rằng để đạt được sự cân bằng và hiệu quả trong công việc, nhân sự cần thấu hiểu bản thân mình và nhận biết khả năng của mình. Đồng thời, họ cần có sự định hướng rõ ràng cho từng giai đoạn trong cuộc sống và công việc, tức là tự đặt những câu hỏi như 'Ở thời điểm này, tôi đang cần gì?' hoặc 'Làm việc vì mục tiêu gì: là kiến thức, kinh nghiệm hay thu nhập?' Qua việc xác định mục tiêu và lên kế hoạch thời gian cụ thể, nhân sự có thể tận dụng tối đa năng lượng và tập trung vào công việc hiện tại, trong khi biết rõ rằng sau khi hoàn thành, sẽ có những mốc tiếp theo chờ đợi. Ngoài ra, họ cũng cần nhận ra ưu tiên của mình trong công việc và cuộc sống để từ đó quản lý thời gian tốt hơn bằng cách loại bỏ những yếu tố không cần thiết trong lúc này và dành thời gian cho chúng ở thời điểm thích hợp khác.


Chị Thu Hương chia sẻ về cách bản thân đối diện với áp lực phát triển từng ngày “Hãy chia thành những mục tiêu nhỏ và từng bước đạt được nó. Chẳng hạn, thay vì đặt mục tiêu là có thể hiểu hết những công việc của team chuyên môn, mình sẽ chia nhỏ nó ra thành từng ngày như hôm nay phải hiểu khái niệm concept là gì, xác định đâu là concept của một dự án sáng tạo trong một proposal,… Sau đó, mình sẽ đi hỏi các anh chị lớn hơn liệu cách tiếp cận đó của mình đã đúng hay chưa. Dù việc học hỏi từng bước có thể không mang lại khả năng feedback ngay lập tức, nhưng xác định đúng vấn đề và biết bản thân cần học gì, phát triển như thế nào sẽ giúp mình cảm thấy tự tin, yên tâm hơn.



Đặt ra giới hạn về thời gian và công việc là một yếu tố quan trọng trong việc giảm thiểu Toxic Productivity. Nhân sự cần biết khi nào nên dừng lại và dành thời gian cho các hoạt động khác ngoài công việc. Đồng thời, họ cũng cần học cách từ chối và không cảm thấy áp lực khi phải đồng ý làm việc ngoài khả năng của mình. Việc biết đặt giới hạn sẽ giúp họ tạo ra sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.


Chị Phương Phạm chia sẻ rằng: “Mình nghĩ vấn đề ở đây là cách mình chọn thứ tự ưu tiên. Để đạt được những gì mình mong đợi về sự cân bằng, mình cần có những priority nhất định. Trong những giai đoạn nhất định, mình sẽ có những thứ cần ưu tiên hơn so với những thứ khác. Trong những dự án quan trọng, dĩ nhiên mình sẽ ưu tiên công việc hơn. Khi công việc bước vào giai đoạn dễ chịu hơn, bản thân cần nghỉ ngơi hơn thì mình sẽ ưu tiên việc nghỉ ngơi hơn.” 



Bên cạnh đó, chị Phương Phạm cho biết thêm, văn hóa công ty đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu và giải quyết toxic productivity. Nếu văn hóa công ty tạo ra một môi trường làm việc căng thẳng, khuyến khích mọi người làm việc không ngừng nghỉ và không tôn trọng giới hạn cá nhân, thì sẽ gây hại đến sức khỏe và hiệu suất làm việc của nhân viên. Tuy nhiên, mỗi cá nhân cũng phải tự nhận trách nhiệm và nhận ra điểm dừng của bản thân. Họ phải biết đánh giá khả năng và sẵn lòng chia sẻ với đồng nghiệp hoặc cấp trên về những giới hạn và khó khăn mà họ đang gặp phải. 


Ngoài ra, công ty cũng cần tạo động lực cho nhân viên bằng cách đưa ra mục tiêu làm việc hợp lý và ý nghĩa. Khi nhân viên có động lực và cảm thấy công việc có ý nghĩa đối với bản thân, họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi toxic productivity. Đây là kết quả của việc trao đổi ý kiến thẳng thắn và xây dựng một môi trường làm việc hiệu quả. Điều quan trọng nữa là người lãnh đạo và cấp quản lý cần hiểu rõ từng thế mạnh và khả năng của từng thành viên. Khi nhân viên được thể hiện và sử dụng thế mạnh của mình, họ sẽ cống hiến tự nhiên và đóng góp nhiều cho công ty. Điều này cũng giúp nhân viên cảm thấy có ý nghĩa với công việc của mình.



Toxic Productivity biến mỗi ngày đi làm bình thường của nhân sự thành một cuộc chiến

Quan Dinh H.

Quan Dinh H.

Advertising Vietnam

30 Thg 05 2023

Lưu

Cùng chuyên mục