Bài được viết bởi Ông Lars Voedisch - Giám đốc Điều hành PRecious Communications.


Chỉ trong vài năm trở lại đây, thế giới đã chứng kiến sự chuyển mình và trỗi dậy của Đông Nam Á, với những cái tên nổi bật như Singapore, Thái Lan, Việt Nam,… đặc biệt trên phương diện chuyển đổi số, phát triển các ngành công nghiệp mới dựa trên nền tảng công nghệ và xây dựng kinh tế số. Dự đoán chỉ trong vòng 8 năm tới, Đông Nam Á sẽ vươn lên trở thành khu vực kinh tế lớn thứ 4 toàn cầu, với khoản đóng góp dự đoán lên tới 1 nghìn tỷ đô la Mỹ đến từ các khối ngành số hóa, theo một nghiên cứu của Google. 


Trong bối cảnh thương mại điện tử trên nền tảng di động bùng nổ, các siêu ứng dụng đã xuất hiện và từng ngày khẳng định tầm ảnh hưởng sâu - rộng tới cuộc sống con người, tiêu biểu như Grab hay Gojek. Đông Nam Á nhiều khả năng trở thành “thung lũng Silicon” thứ 2 của thế giới, và các thương hiệu nắm rõ luật chơi sẽ có khả năng bắt kịp những vận hội vàng trong “thập kỷ số hóa”. 


Cơ hội lớn thì cạnh tranh cũng lớn, và đó là lý do các thương hiệu cần có chiến lược tiếp thị, truyền thông thông minh để định vị và trụ vững trong lòng công chúng và khách hàng. Dưới đây là 3 “gạch đầu dòng” quan trọng: 




Ông Lars Voedisch - Giám đốc Điều hành PRecious Communications


1. Thúc đẩy hiểu biết - hợp tác đa văn hóa


Dù mang những nét văn hóa Á Đông tương đồng, Đông Nam Á vẫn là một địa bàn cực kỳ đa dạng với những nét khác biệt riêng của mỗi quốc gia. Những sắc thái bản địa riêng biệt như chuẩn mực văn hóa hay tôn giáo cũng góp phần định hình thẩm mỹ và thái độ tiếp nhận thông tin của công chúng. Các sáng kiến truyền thông có tác động phải bắt nguồn từ việc hiểu biết sâu sắc các nhóm đối tượng, và đảm bảo các thông điệp có liên quan, thỏa đáng và phù hợp với họ. 


Việc xây dựng nên một đội ngũ đa văn hóa sẽ xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp vững chắc, phát triển dựa trên hiểu biết về giao thoa văn hóa và tôn trọng lẫn nhau. Điều này đòi hỏi tất cả các team phải vượt qua rào cản ngôn ngữ, văn hóa và sắc tộc để cùng nhau chinh phục mục tiêu chung. Tính minh bạch và sự cởi mở trong giao tiếp thực sự là chìa khóa thành công của các chiến dịch PR đa quốc gia. 


Cùng với đó, cần có những nhà lãnh đạo giỏi giúp nuôi dưỡng môi trường làm việc hòa nhập, nâng cao nhận thức cho từng thành viên để giải quyết các thành kiến ​​về văn hóa, thúc đẩy đa dạng văn hóa trong doanh nghiệp.


2. Xác lập mô hình Hub-and-Spoke để thành công trên một địa bàn không đồng nhất


Để đạt được “độ phủ” tối ưu, một chiến dịch truyền thông liên khu vực đòi hỏi không chỉ những ý tưởng tốt, sự sáng tạo, thấu hiểu văn hóa bản địa, mà còn cần đến sự hiểu biết và đánh giá khách quan về bối cảnh truyền thông (media landscape) tại mỗi thị trường. Một sản phẩm, dịch vụ mang những thuộc tính đặc trưng về giá trị, song lan tỏa những thông điệp đó như thế nào, tần suất và kênh tiếp cận ra sao, phụ thuộc rất nhiều vào cái mà công chúng muốn nghe, và cách mà hệ thống truyền thông sẵn sàng truyền tải, tại mỗi thị trường. 


Ví dụ, Indonesia có mạng lưới kênh truyền thông (media pool) lớn, nhưng “độ chín” còn thấp, trái ngược hoàn toàn với Singapore là một thị trường truyền thông tương đối nhỏ nhưng khả năng tiếp cận dễ dàng, có độ chuyên nghiệp cao. Do đó, khi phát đi một thông tin thì cách tiếp cận báo giới ở hai thị trường là hoàn toàn khác biệt. 


Chính ở đây, mô hình quản lý và vận hành Hub-and-spoke sẽ phát huy tác dụng, với team “vùng” đóng vai trò “trục bánh xe” - điều phối và dẫn dắt hoạt động của các “nan hoa” - là các team ở thị trường bản địa. Đối với ngành PR, mô hình hub-and-spoke tạo điều kiện để team vùng tập trung xây dựng nên định hướng phát triển thông điệp chung, đồng thời đảm bảo tính linh hoạt để các team địa phương tiến hành bản địa hóa, điều chỉnh nội dung chiến dịch phù hợp, tạo nên các thông điệp nhánh có sức nặng hơn tại các thị trường.  


3. Truyền thông minh bạch, chủ động để đón đầu xu thế


Rõ ràng trong thập kỷ số, truyền thông xã hội là một xu thế tất yếu buộc mọi doanh nghiệp phải nắm bắt và làm tốt, nếu không muốn bị tụt lại phía sau. Facebook, YouTube, Instagram và LinkedIn sẽ tiếp tục là những nền tảng mạng xã hội nổi bật được doanh nghiệp sử dụng để chia sẻ những hiểu biết sâu sắc, định vị vị thế lãnh đạo tư duy (thought-leadership) và tương tác với công chúng mục tiêu, bên cạnh các mục tiêu kinh doanh, thương mại. Các công cụ mới phát triển ngay trên hoặc bên ngoài các nền tảng này, tiêu biểu như chat bots, hiệu ứng tin nhắn, phim ngắn hay podcasts, đã và đang được khai phá để giúp đa dạng hóa kênh truyền thông và khả năng tiếp cận thông tin, thấu hiểu lẫn nhau giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. 


Xu thế này không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp B2C, mà còn với cả các doanh nghiệp B2B, các nhà cung cấp hay đơn vị thuê ngoài. Khi thị trường khu vực ngày càng số hóa, các đơn vị cũng chủ động hơn trên các kênh truyền thông số để giúp các bên liên quan hiểu hơn về mình. Ta có thể thấy xu thế này qua cách các doanh nhân, các công ty công nghệ thiết lập các trang YouTube riêng chuyên để chia sẻ kiến thức ngành nghề, tổ chức các talkshow, các webinars, các buổi trò chuyện bàn tròn để tổng hợp ý kiến, đúc rút kinh nghiệm và đưa ra những quan điểm, số liệu quan trọng dưới dạng báo cáo định kỳ hay sách trắng.  


Thập kỷ vàng của Đông Nam Á đang nằm trong tay chúng ta, và đây cũng chính là cơ hội để các chiến lược truyền thông đúng đắn phát huy giá trị và tầm ảnh hưởng cần có của mình, đóng vai trò như một động lực thúc đẩy hơn nữa sự đổi mới và kết nối các ngành công nghiệp trong khu vực, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế.