Người tiêu dùng hiện đại ngày càng trở nên "khó chiều" và nhiều người trong số đó còn mất lòng tin vào quảng cáo truyền thống. Doanh nghiệp phải liên tục thay đổi chiến lược Marketing để đáp ứng nhu cầu và mong muốn ngày một cao của khách hàng. Trong đó, UGC được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng khi mang đến những lợi ích to lớn. Hãy cùng tìm hiểu về khái niệm này.


Khi người dùng là những Content Creator tiềm năng


User-Generated Content (UGC) hiểu đơn giản là nội dung do người dùng tạo ra. UGC được xem là một dạng của Word-of-mouth (Marketing truyền miệng). Ra đời trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, UGC xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ trang cá nhân đến các phần bình luận đều có thể trở thành không gian cho người dùng “sáng tạo” content: bình luận, chia sẻ, đánh giá.


UGC xuất hiện ở khắp mọi nơi


Dù kinh doanh bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ nào, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của các doanh nghiệp vẫn là tạo ra những khách hàng tiềm năng. Khi cộng đồng có thiên hướng gia tăng sự tương tác với những dạng nội dung mang tính “kết hợp” giữa thương hiệu và người dùng, UGC là hình thức Marketing hiện đại mà doanh nghiệp cần ứng dụng vào trong chiến lược nếu muốn thu hút khách hàng.


Các loại User-Generated Content phổ biến trên mạng xã hội


1. Đánh giá (Review)

Người dùng có xu hướng đăng caption và hình ảnh/ video khi họ đánh giá một sản phẩm nào đó. Bạn bè, gia đình, những người theo dõi của họ sẽ xem những đánh giá này là "bằng chứng" xác thực về chất lượng của sản phẩm. Đây là nguồn tài nguyên UGC quý giá cho doanh nghiệp.


2. Ảnh và video tag tên thương hiệu (Tagged photos and videos)

Khi đánh giá một sản phẩm hay dịch vụ, nhiều người dùng sẽ gắn thẻ (tag) tài khoản cũng như sử dụng các từ khóa (hashtag) liên quan đến thương hiệu. Một số khách hàng sẽ làm điều này một cách tự nhiên hoặc được thương hiệu tài trợ. Những nội dung này mang đến sự nhận diện và ảnh hưởng truyền thông to lớn.


Người dùng sẽ gắn thẻ (tag) tài khoản thương hiệu vào hình ảnh (Nguồn: @mia.soya)


3. Thử thách sáng tạo (Creation challenges)


Khi các thương hiệu tạo ra thử thách sáng tạo, họ sẽ thu hút được một lượng lớn người dùng tham gia. Đa phần các thử thách này đều đi kèm các từ khóa (hashtag) gắn liền với thương hiệu và các xu hướng mới đang được quan tâm trên mạng xã hội. Giới trẻ là những người thích theo đuổi trào lưu và không muốn bị "lỗi thời", họ sẽ chú ý và tham gia. Đây là lúc User-Generated Content xuất hiện!


Chiến dịch “Nhà là nơi ta ghiền suốt đời” của Fami mang về lượt xem “khủng” 


Vào tháng 6/2020, thương hiệu Fami đã tạo nên một challenge với hashtag #NhaLaNoi khuyến khích người dùng chia sẻ những video thể hiện tình yêu và sự trân trọng dành cho gia đình thân yêu. Đến nay, chiến dịch đã thu về hơn 400 triệu lượt xem trên mạng xã hội TikTok, góp phần quảng bá hình ảnh hộp sữa Fami rộng rãi đến công chúng.


4. "Đập hộp” (Unboxing)


Video “đập hộp" là một trong những loại nội dung được xem nhiều nhất trên YouTube. YouTube cho biết thời lượng người dùng xem các video này trên điện thoại tương đương với việc xem bộ phim "Love Actually" hơn 20 triệu lần, tức 2,5 tỷ phút. Nội dung “khui quà” kích thích sự tò mò và tạo cảm giác ham muốn ở người xem, góp phần chuyển đổi họ thành người mua hàng của doanh nghiệp.


Video “đập hộp” là một trong những loại video được xem nhiều nhất trên Youtube (Nguồn: Unbox Therapy)


Những lợi ích to lớn từ UGC


Tiếp cận người dùng mới

UGC có thể mở rộng tệp khách hàng tiềm năng khi người dùng chia sẻ về sản phẩm hoặc dịch vụ của mình trên các mạng xã hội. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Nielsen, 92% người dùng tin rằng nội dung do bạn bè và người thân của họ chia sẻ có ý nghĩa hơn bất kỳ thông điệp nào khác từ chính thương hiệu. 


Tạo niềm tin và thúc đẩy người tiêu dùng mua hàng

Nếu sản phẩm từng được sử dụng và có những đánh giá tích cực, thậm chí là những đánh giá từ người quen, điều này sẽ tác động rất nhiều tới quyết định lựa chọn sản phẩm của khách hàng. Theo cMetric, một social listening agency tại Việt Nam, các marketer đồng ý rằng 93% người tiêu dùng tin tưởng nội dung do khách hàng tạo ra hơn so với nội dung do thương hiệu tạo ra (People trust People), 75% tin rằng việc thêm UGC làm cho nội dung thương hiệu trở nên chân thực hơn.


UGC ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng


Gắn kết thương hiệu và khách hàng

Tiếp thị và truyền thông từ lâu đã không dừng lại ở việc tương tác một chiều. Sự tương tác hai chiều diễn ra thường xuyên giữa doanh nghiệp và khách hàng sẽ giúp củng cố lòng tin vào thương hiệu, thúc đẩy doanh thu và tạo sự trung thành với thương nghiệp.


"Giải quyết" bài toán sáng tạo của Marketer

Khi mạng xã hội ngày càng phát triển, người dùng dần thông minh hơn và ngày càng trở nên khó tính hơn. Do đó, người sáng tạo cần phải liên tục mang đến những TVC, hình ảnh, quảng cáo sáng tạo và thú vị hơn.


Đứng trước các bài toán khó trên, bộ phận marketing đã và đang "hao tâm tốn sức" với những ý tưởng mới. Theo báo cáo trạng thái UGC của TINT năm 2021, 72,2% các marketer cho biết hiện tại họ phải gồng gánh nhiều trách nhiệm rất nhiều so với năm 2019. 52% marketer tin rằng thời gian là một thách thức khi nói đến sản xuất visual content và social media content.


UGC không phải là một hình thức marketing quá mới mẻ, nhưng do sự tác động từ đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy xu hướng này tăng trưởng mạnh mẽ. Trong bối cảnh thời đại số hiện nay, các nền tảng mạng xã hội sẽ tiếp tục phát triển nhiều công cụ và chức năng mới nhằm tạo điều kiện cho sự cộng tác giữa thương hiệu và người dùng. Do đó, UGC được xem là một chiến thuật sáng tạo đầy tiềm năng


Kim Ngọc / Advertising Vietnam