Từ lâu, bằng cấp được xem là yếu tố tiên quyết trong việc tuyển dụng nhân sự của nhiều doanh nghiệp. Đây là thước đo về kiến thức, chuyên môn của một cá nhân đối với nhà tuyển dụng, và còn là sự bảo đảm về việc liệu một ứng viên có đủ khả năng đáp ứng những yêu cầu của công việc trong tương lai hay không.


Tuy nhiên, bức tranh thị trường lao động ngày nay đang dần thay đổi với sự xuất hiện của thuật ngữ mới - “New Collar Workers” - chỉ những người lao động không nhất thiết phải có bằng Đại học, nhưng có kỹ năng và chuyên môn cần thiết trong lĩnh vực, ngành nghề nhất định. 


Làn sóng nhân sự mới ưu tiên kỹ năng hơn bằng cấp, tạo cơ hội việc làm cho giới trẻ


“New Collar Workers” là thuật ngữ mới nổi mô tả những người lao động sở hữu kỹ năng chuyên môn cao trong lĩnh vực cụ thể, nhưng không nhất thiết phải có bằng Đại học. Vào năm 2016, trong lá thư gửi đến vị Tổng thống mới đắc cử, bà Ginni Rometty, Cựu Giám đốc điều hành của IBM đã đề xuất sáng kiến về "New Collar Workers", nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực sở hữu kỹ năng thực tế và kinh nghiệm liên quan. Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Mỹ, bà Rometty kêu gọi chính phủ tích cực hỗ trợ tạo cơ hội việc làm cho nhóm lao động "New Collar", từ đó thuật ngữ này ra đời và phổ biến đến ngày nay. 


Khác với “Blue Collar Workers” (Tạm dịch: Lao động chân tay) và “White Collar Workers” (Tạm dịch: Lao động trí óc), “New Collar Workers” không bị gò bó bởi khuôn khổ truyền thống về bằng Đại học. Thay vào đó, họ trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn, tập trung vào những lĩnh vực thiết yếu của thị trường lao động hiện đại như công nghệ thông tin, kỹ thuật số, marketing, thiết kế,... 


Trước khi bà Ginni Rometty “chỉ mặt đặt tên” cho xu hướng nhân sự này vào năm 2016, những người như Bill Gates, Jack Dorsey, Steve Jobs có thể được xem là “New Collar Workers”. 


Khái niệm "New Collar Workers" được bà Ginni Rometty, Cựu Giám đốc Điều hành của IBM giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2016


Đặc điểm của “New Collar Workers” là những người có tính cách trẻ trung, năng động, luôn học hỏi và tiếp thu kiến thức mới để nâng cao năng lực bản thân. Ngoài ra, việc không ngại thử thách, sẵn sàng đưa ra những ý tưởng mới giúp “New Collar Workers” có tinh thần làm việc độc lập và khả năng chuyển đổi giữa các vai trò trong môi trường làm việc đa dạng. “New Collar Workers” được xem là làn sóng nhân sự mới, có khả năng đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động hiện nay. 


Sự xuất hiện của “New Collar Workers” đáp ứng nhu cầu của “thời đại” trí tuệ nhân tạo (AI) 


Thuật ngữ "New Collar Workers" không được nhiều người biết cho đến gần đây, khi sự phát triển của công nghệ trở nên nhanh chóng, cụ thể là trí tuệ nhân tạo (AI). Mặc dù trí tuệ nhân tạo có khả năng tự động hóa nhiều công việc thông thường, song cũng tạo ra nhiều lĩnh vực mới đòi hỏi chuyên môn cao - vốn không thể đáp ứng được bởi các mô hình giáo dục truyền thống. Tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ đang tạo ra nhiều vai trò mới mẻ và đầy tiềm năng. 


Đầu năm 2024, theo Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn nguồn từ các công ty công nghệ thông tin (IT) lớn của Nga, sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới trí tuệ nhân tạo (AI) đã cho ra đời một số ngành nghề mới liên quan đến lĩnh vực này. Các ngành nghề mới nổi bật bao gồm huấn luyện viên AI, nhà nghiên cứu phát triển và prompt engineer - một thuật ngữ mới mô tả công việc bao gồm việc tìm kiếm, lựa chọn và sắp xếp các từ, cụm từ hoặc câu văn để hướng dẫn mô hình AI tạo ra các đầu ra hữu ích và phù hợp với mục đích và yêu cầu của người dùng.


Theo bà Marina Kvasova, Đối tác kinh doanh nhân sự của công ty MTS AI cho biết, sự xuất hiện của các ứng dụng AI như ChatGPT và hoạt động tích cực với mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) chính là yếu tố thúc đẩy hình thành các ngành nghề mới đầy tiềm năng này.


Tại VNG Digital Business Việt Nam, công việc "Huấn luyện viên AI" được thực hiện bởi nhóm chuyên gia AI Lab, máy móc đảm nhận việc tính toán, con người đảm nhận việc giám sát, điều chỉnh và đánh giá kết quả


Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về kỹ năng chuyên môn trên, các mô hình giáo dục đang nhanh chóng thay đổi hướng tiếp cận. Thay vì tập trung vào bằng cấp như trước đây, xu hướng hiện nay hướng đến mô hình giáo dục lấy kỹ năng làm trọng tâm. Các nền tảng học tập trực tuyến, chứng chỉ chuyên ngành,... đang dần trở nên phổ biến, mang đến sự linh hoạt và đào tạo chuyên sâu mà các chương trình học truyền thống thường không đáp ứng được. Đây không chỉ là một xu hướng mà còn là sự thích ứng thiết yếu với nhu cầu thực tế của thị trường lao động, điều mà các doanh nghiệp phải nỗ lực theo kịp tốc độ đổi mới không ngừng.


Hơn hết, các doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm những chiến lược tiết kiệm chi phí để phát triển nguồn nhân lực, và ngày càng ưu tiên các chương trình đào tạo nội bộ có thể giúp nhân viên nhanh chóng cập nhật và thích ứng những công nghệ mới nhất. Cách tiếp cận này mang lại giải pháp thay thế thực tế và hiệu quả về mặt tài chính so với việc đầu tư mạnh vào giáo dục truyền thống, vốn từ lâu đã trở thành tiêu chuẩn tuyển dụng mặc định.


Tiềm năng của “New Collar Workers” tại Việt Nam và câu chuyện bằng cấp trong tuyển dụng


Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang trải qua quá trình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa nhanh chóng. Trong một nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa, nhu cầu về nhân lực có trình độ cao và có kỹ năng đặc biệt là rất quan trọng. Do đó, nhận thức về sự cần thiết của việc duy trì và phát triển kỹ năng thông qua việc học tập liên tục tăng lên trong cộng đồng lao động Việt Nam.


Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình lao động việc làm quý I/2024 tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 27,8%, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng vẫn còn cao, lên đến 4,4% (tương ứng 2,3 triệu người). Đa số nhóm lao động này trong độ tuổi từ 15-34 (chiếm 49%), cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng lao động nhóm tuổi này trong lực lượng lao động là 31,3%. Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ. 


Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng theo quý, giai đoạn 2020-2024 (Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)


Trên thị trường lao động hiện nay, việc yêu cầu bằng cấp trong tuyển dụng từ lâu đã trở thành một quy tắc bất thành văn cho cả nhà tuyển dụng và ứng viên. Giấy tờ chứng nhận trình độ học vấn được xem như thước đo năng lực, kiến thức và là lợi thế cạnh tranh của ứng viên khi nộp hồ sơ xin việc. Sự xuất hiện của lực lượng lao động "New Collar” đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan niệm về tuyển dụng. Thay vì chỉ tập trung vào bằng cấp, nhà tuyển dụng ngày càng chú trọng vào khả năng thích ứng, kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm thực tế của ứng viên. Những số liệu trên cũng cho thấy tiềm năng to lớn của lực lượng "New Collar Workers" tại Việt Nam.


Vào năm 2019, ông Tim Cook, CEO Apple chia sẻ rằng khoảng nửa số nhân viên Apple tại Mỹ vào năm ngoái không hề có bằng đại học, vì nhiều trường không dạy những kỹ năng làm việc mà các lãnh đạo cần, như viết mã (code) chẳng hạn


Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giảm thiểu tầm quan trọng của bằng cấp. Kiến thức nền tảng và kỹ năng học thuật thu thập được từ trường Đại học vẫn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của mỗi cá nhân. Hơn hết, bằng cấp chỉ là một trong nhiều yếu tố đánh giá năng lực của ứng viên. Nỗ lực, cố gắng, kinh nghiệm thực tế và khả năng thích ứng với môi trường mới cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Do đó, việc tuyển dụng nên dựa trên đánh giá toàn diện về năng lực của ứng viên, thay vì chỉ dựa vào bằng cấp. 


Như Quỳnh


Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.