Sáng 2/9, Apollo Global Management ra thông báo đã hoàn tất việc mua lại Yahoo (tên cũ là Verizon Media Group hay Oath) từ Verizon với giá 5 tỷ USD. Không ít người đã đặt ra câu hỏi “Tại sao đế chế công nghệ một thời lại rớt giá đến vậy?”


Cùng xem lại câu chuyện phát triển cùng lý do thất bại của tập đoàn Internet từng lớn nhất hành tinh trong bài viết dưới đây. 


Khởi đầu thuận lợi với những lợi thế dẫn đầu


Đối với nhiều người dùng những năm 1990, công ty khởi nghiệp nhỏ bé với cái tên ngộ nghĩnh này là “siêu sao” đầu tiên của kỷ nguyên Internet. Được thành lập vào năm 1994 bởi Jerry Yang và David Filo, Yahoo bắt đầu hoạt động như một thư mục web chứa các trang web yêu thích của 2 nhà sáng lập như tin tức, thể thao và tài chính. 


Hình ảnh Jerry Yang và David Filo


Vào đầu năm 1998, Yahoo đã thêm các danh mục mới như email, mua sắm, rao vặt, trò chơi, du lịch, thời tiết, bản đồ, tìm kiếm người, trò chuyện với người nổi tiếng, tạp chí trực tuyến và một phiên bản dành cho trẻ em mang tên Yahooligans. Vào thời điểm đó, công ty cạnh tranh với các cổng tìm kiếm như Excite, InfoSeek và Lycos để cung cấp mọi thứ ở bất kỳ nơi nào có mạng.


Bên cạnh đó, đối với công chúng, Yahoo còn là công ty có những quảng cáo TV vui nhộn với yodel nổi tiếng - âm thanh “Ya-HOOOooo” quen thuộc của bất kỳ người dùng Yahoo nào. Yodel là dấu ngoặc lớn mang lại mức độ nhận diện cực cao cho thương hiệu. Nhiều chuyên gia nhận định Yahoo đã cho thấy khả năng xây dựng cá tính thương hiệu, từ đó tạo ra sự khác biệt với các công ty công nghệ trong thập niên 90.


Quảng cáo năm 1998 của Yahoo chứa Yodel mang lại sự thích thú cho khách hàng


Nhờ bản năng kinh doanh và chiến lược mua lại, Yahoo đã đứng đầu trong hầu hết các lĩnh vực Internet. Yahoo sở hữu Yahoo Briefcase - nơi lưu trữ dữ liệu đám mây từ rất lâu trước khi thế giới có Dropbox, Box và Google Drive. Hay trước khi có YouTube, công ty đã có Broadcast.com. Đặc biệt, Yahoo còn tiên phong trong mô hình quảng cáo trả tiền cho mỗi lần nhấp chuột. 


Yahoo Briefcase


Vậy đâu là lý do của một công ty được yêu thích, dẫn đầu xu thế với định giá 125 tỷ USD ở thời kỳ đỉnh cao đến chỉ còn 5 tỷ USD như hiện nay? Câu trả lời có lẽ bắt nguồn từ những thương vụ mua lại của Yahoo.


Các thương vụ mua lại không thành công


Một trong những thương vụ thành công nhất của Yahoo chính là mua lại công ty Four11. Yahoo đã mua dịch vụ webmail này với giá 92 triệu USD vào tháng 3/1997 và cuối cùng nó đã trở thành nền tảng để tạo ra Yahoo Mail - hiện tại là dịch vụ mail lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Gmail của Google và Outlook của Microsoft.


Tháng 1/1999, Yahoo mua GeoCities - một dịch vụ lưu trữ và duy trì website. Thời điểm đó, GeoCities là website được ghé thăm nhiều thứ 3 thế giới chỉ sau AOL và Yahoo. Tuy vậy, nó đã nhanh chóng rơi vào quên lãng khi những trang mạng xã hội như MySpace và Facebook ra đời. Năm 2009, Yahoo đã chính thức khai tử GeoCities.


Yahoo GeoCities


Công ty này cũng mua website Broadcast.com của tỷ phú Mark Cuban với giá 5,7 tỷ USD vào tháng 4/1999. Dịch vụ này cung cấp các chương trình TV và radio trên Internet, đồng thời là đơn vị dẫn đầu thị trường trong giai đoạn đó. Mặc dù không xuất hiện nhiều nhưng Broadcast.com có thể được công nhận là YouTube của thời bấy giờ.


Năm 2001, Yahoo mua lại một công ty khởi nghiệp có tên Launchcast và biến nó thành nền tảng dịch vụ phát nhạc trực tuyến của riêng mình. Trước khi có Spotify hoặc Pandora, Yahoo Music đã thu hút nhiều người dùng nhờ cung cấp miễn phí tới 1.000 bài hát mỗi tháng, không có quảng cáo và bỏ qua không giới hạn.


Năm 2005, Flickr - nền tảng đầu tiên để chia sẻ ảnh trên mạng được Yahoo mua lại. Khi đó, Flickr nhanh chóng trở thành dịch vụ chia sẻ ảnh được ưa chuộng giống như Instagram hiện nay.


Yahoo Flickr


Tuy nhiên, công ty lại thất bại trong việc tận dụng những lợi thế dẫn đầu của mình, khiến cho các lĩnh vực này bị thống trị bởi những người đến sau. Chỉ ít năm, không còn dịch vụ nào của Yahoo đứng đầu xu hướng tiêu dùng. Yahoo cũng mất khả năng phục hồi vì những khó khăn chồng chất và sự cạnh tranh gay gắt của thị trường. Giờ đây, điều mọi người nhớ nhất khi nhắc đến Yahoo là những cơ hội bị bỏ lỡ.


Hối tiếc về những cơ hội bị bỏ lỡ


Vào năm 1998, Yahoo đã có cơ hội cấp phép cho Google - một công nghệ tìm kiếm mới do cặp sinh viên tốt nghiệp Stanford tạo ra với giá 1 triệu USD. Tuy nhiên, Yahoo đã thuyết phục hai nhà đồng sáng lập Google tự thành lập công ty, đồng thời giới thiệu họ cho một trong những nhà đầu tư sớm nhất của Google, Michael Moritz của Sequoia Capital.


Yahoo đã từ chối hai nhà đồng sáng lập Sergey Brin và Larry Page và bỏ lỡ cơ hội đầu tiền sở hữu Google


Jeremy Ring - Giám đốc kinh doanh của Yahoo từ năm 1996 đến năm 2001 tiếc nuối: “Mức giá 1 triệu USD cho Google vào thời điểm đó có lẽ là hợp đồng tốt nhất trong lịch sử của Thung lũng Silicon, California, Hoa Kỳ, Trái đất và cả Dải ngân hà”. Không may, Yahoo đã vụt mất cơ hội sở hữu Google với mức giá hời.


Năm 2002, Yahoo có dịp thứ hai để mua lại Google. Lần này, Giám đốc điều hành Terry Semel đã đề nghị 3 tỷ USD cho công ty nhưng Page và Brin đã từ chối. Họ đưa ra mức giá là 5 tỷ USD. Tuy nhiên, Yahoo đã không thỏa hiệp với con số này.


Nhưng đó không phải là cơ hội bị bỏ lỡ nổi tiếng nhất của Yahoo. Điều đó xảy ra vào tháng 7/2006, Yahoo cố gắng mua Facebook khi còn là một mạng dành cho trường đại học có khoảng 7 triệu thành viên với giá 1,1 tỷ USD. Mark Zuckerberg đã rời bỏ thỏa thuận khi Semel cắt giảm đề nghị xuống còn 800 triệu USD với lý do giá cổ phiếu của Yahoo giảm. 


Tỷ phú Mark Zuckerberg từng từ chối lời đề nghị của Yahoo


Theo Gary Flake - nhà nghiên cứu dữ liệu chính của Yahoo từ năm 2003 đến 2005, Yahoo cũng có cơ hội mua lại eBay và YouTube, thậm chí còn đưa ra lời đề nghị cho Apple hai năm trước khi iPhone ra mắt.


Và chính Yahoo cũng từ chối những lời đề nghị. Nổi tiếng nhất là khi Giám đốc điều hành Jerry Yang lúc bấy giờ đã quyết liệt từ chối nỗ lực của Microsoft để mua lại Yahoo với giá 44,6 tỷ USD vào năm 2008.


Đến năm 2011, Yahoo có giá trị vốn hóa thị trường là 22,24 tỷ USD (tức chỉ bằng một nửa so với lời đề nghị của Microsoft ba năm trước đó). Trong giai đoạn khó khăn này, công ty đã bổ nhiệm bà Marissa Meyer và mua lại Tumblr với giá 1,1 tỷ USD nhằm vực dậy công ty. Thời gian đầu, việc cải cách tỏ ra có phần hiệu quả. Tuy nhiên việc kinh doanh của công ty ngày một đi xuống. 


Tháng 7/2016, Verizon Communications đã đồng ý mua lại mảng kinh doanh cốt lõi của Yahoo với giá 4,83 tỷ USD, chỉ bằng 1/10 so với lời đề nghị 8 năm trước đó từ Microsoft. Điều này cho thấy thương hiệu của Yahoo đã suy yếu đến mức như thế nào. 


Yahoo lần đầu được mua lại với giá 4,83 tỷ USD


Tháng 9/2021, Verizon đã bán AOL và Yahoo cho Apollo Global Management trong một thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD, rẻ hơn so với con số gần 9 tỷ USD mà Verizon đã trả ban đầu để mua hai công ty này. Công ty mới được thành lập sẽ có tên là Yahoo. Ngoài ra, Verizon sẽ duy trì 10% cổ phần trong công ty mới này. 


Nếu không nhiều lần bỏ lỡ cơ hội, có thể Yahoo đã trở thành tập đoàn giá trị nhất thế giới. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác về những thương vụ mua lại của Yahoo, gần như không có dịch vụ nào thành công mà chỉ thất bại và thậm chí biến mất khỏi thị trường. Vì vậy, một số chuyên gia chia sẻ không chắc Google hay Facebook sẽ là những người khổng lồ như ngày nay nếu họ trở thành một phần của Yahoo.


Vì sao Yahoo lại thất bại?


Có nhiều giả thuyết khác nhau về lý do tại sao Yahoo thất bại. Theo đó, Ring cho rằng sai lầm lớn nhất của Yahoo là không cho phép quảng cáo tìm kiếm có trả tiền cùng tồn tại với các kết quả tìm kiếm không phải trả tiền. Trong những năm đầu tiên ra đời, kết quả tìm kiếm được coi là nội dung biên tập, không được dùng quảng cáo. Đến khi Yahoo nhận ra sai lầm của mình và mua lại Overture - công ty phát minh ra quảng cáo tìm kiếm có trả tiền với giá 1,6 tỷ USD vào năm 2003 thì Google đã dẫn đầu thị trường.


Yahoo mua lại Overture nhằm giành lại thị phần

quảng cáo tìm kiếm từ Google


Ngoài ra, thay vì tinh chỉnh Overture để cạnh tranh với hệ thống phức tạp hơn của Google, Yahoo đã quyết định xây dựng từ đầu nền tảng quảng cáo của riêng mình, khiến nền tảng mới này mất gần ba năm để hoàn thiện. Đến lúc đó, cuộc chiến tìm kiếm đã kết thúc, Google đã là người chiến thắng.


Một quan điểm thuyết phục hơn cho sự thất bại của Yahoo là thương hiệu chưa bao giờ thực sự quyết định mình muốn trở thành gì. Đó có phải là một công ty công nghệ? Một mạng xã hội? Hay nền tảng quảng cáo tìm kiếm? 


Qua nhiều lần thay đổi bộ máy lãnh đạo, Yahoo vẫn không thể định vị thương hiệu. Giám đốc điều hành thứ hai của công ty Terry Semel đã cố gắng biến Yahoo thành một gã khổng lồ truyền thông mới. Trong khi đó, Giám đốc điều hành thứ tám và cuối cùng Marissa Mayer lại muốn chuyển nó thành một công ty công nghệ di động. Cả hai đều không sẵn sàng loại bỏ các mảng kinh doanh tạo ra doanh thu phụ của Yahoo và cuối cùng mọi chiến lược đều thất bại.


Giám đốc điều hành cuối cùng Marissa Mayer muốn chuyển Yahoo thành một công ty công nghệ di động


Có thể nói, sự sụp đổ của Yahoo bắt nguồn từ việc cố gắng trở thành mọi thứ cho tất cả mọi người. Nếu có sự lãnh đạo đúng đắn, Yahoo có thể đã phát triển thành sự kết hợp của Google, Facebook và Netflix ngày nay. 


Dấu ấn của Yahoo hiện nay


Tuy không còn vị thế như ở thập kỷ trước, DNA của Yahoo vẫn có thể được tìm thấy trên khắp Thung lũng Silicon và nhiều nơi trên thế giới. 


Danh sách các công ty khởi nghiệp xuất thân từ Yahoo cũ bao gồm WhatsApp, Y Combinator, NextDoor, Slack, Cloudera, Bandcamp và Polyvore. Nguyên các giám đốc điều hành của Yahoo hầu như đều trở thành các lãnh đạo cấp cao tại LinkedIn, Facebook, Google, Microsoft, Twitter, Airbnb, Dropbox, Etsy, IndieGogo, Kleiner Perkins và Sequoia Capital.


WhatsApp là một trong những công ty khởi nghiệp xuất thân từ Yahoo cũ


Bên cạnh đó, nhiều người còn tranh luận rằng gã khổng lồ công nghệ Alibaba của Trung Quốc có thể không trở thành một công ty trị giá 160 tỷ USD ngày nay nếu không có khoản đầu tư 1 tỷ USD của Yahoo vào năm 2005.


Các nhân viên cũ của Yahoo chia sẻ họ vẫn còn mang “dòng máu tím” của Yahoo. Họ cảm thấy có một mối liên hệ sâu sắc với Yahoo, xen lẫn sự hoài nghi và những hối tiếc mà lẽ ra Yahoo có thể đạt được.


Hiện tại, Yahoo vẫn là trang web được truy cập nhiều thứ 10 trên toàn cầu. Với thương vụ mua lại mới nhất, Apollo Global Management hứa hẹn đây sẽ là kỷ nguyên mới của Yahoo với sự đầu tư cho sự phát triển toàn diện của doanh nghiệp bao gồm tăng tốc các dịch vụ hướng tới khách hàng và nâng cao trải nghiệm người dùng. 


Dù vậy, nhìn vào quá khứ hào hùng của Yahoo với giá trị khổng lồ, công chúng vẫn tiếc nuối đối với tập đoàn công nghệ này. Bài học rút ra cho các doanh nghiệp có lẽ là việc biết nắm bắt cơ hội và hiểu thị trường, tận dụng lợi thế cạnh tranh một cách hiệu quả để luôn là người dẫn đầu xu hướng. 


Theo Fast Company (Lược dịch)

Linh Hà | Advertising Vietnam