Trong năm 2022, nhiều công ty đã và đang chịu nhiều tác động tiêu cực do khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng vọt, lãi suất leo thang,… Nhằm vượt qua khủng hoảng và giảm thiểu chi phí, nhiều doanh nghiệp đã quyết định cắt giảm nhân sự.


Gần đây, một trong những sự kiện nổi bật nhất là Facebook sa thải hơn 11,000 nhân viên, đánh dấu cột mốc cắt giảm nhân sự lớn nhất của gã khổng lồ công nghệ. Bên cạnh đó, tháng 9/2022, Sea Ltd. - công ty mẹ của sàn thương mại điện tử Shopee đã sa thải 3% nhân sự của Shopee tại Indonesia (Bloomberg). Theo Shopee, động thái này nhằm “tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, từ đó hướng tới mục tiêu đạt khả năng tự cung tự cấp trong toàn bộ hoạt động kinh doanh”.


Có thể nói, nền kinh tế biến động đã ảnh hưởng sâu sắc đến các công ty trên toàn thế giới. Điều này khiến nhiều nhân sự rơi vào tình trạng thất nghiệp cũng như rong ruổi tìm việc mới. Do đó, họ khó tránh phải các tình huống bị nhà tuyển dụng từ chối, hay thậm chí không nhận được cuộc hẹn phỏng vấn nào dù đã ứng tuyển nhiều công ty. Bài viết này sẽ đưa ra lời khuyên cho nhân sự củng cố lại tinh thần để lập một “chiến lược” ứng tuyển công việc hiệu quả hơn.


Cùng tham khảo 5 điều nhân sự nên thực hiện trước khi bắt tay vào ứng tuyển công việc mới.


1. Định hình lại tư duy


Bị sa thải không đồng nghĩa với việc kỹ năng chuyên môn của nhân sự có vấn đề. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc công ty cũ thiếu kế hoạch phát triển phù hợp trong thời kỳ kinh tế biến động hoặc thay đổi chiến lược kinh doanh. 


Tuy nhiên, các nhân sự sẽ khó tránh khỏi cảm giác hoang mang hay suy nghĩ tiêu cực về bản thân khi bị sa thải. Để vượt qua, nhân sự nên dành thời gian nghỉ ngơi, tạo điều kiện nâng cao tinh thần qua các hoạt động như tập thể dục, yoga, thiền, nấu ăn, vẽ tranh, nghe nhạc,... Việc có một sức khoẻ tinh thần khoẻ mạnh sẽ giúp nhân sự sớm phục hồi năng lượng và sự tự tin để đối mặt với những thử thách trong quá trình tìm việc gian nan.  


Nâng cao sức khoẻ tinh thần và thể chất là điều nên làm trong khoảng thời gian bắt đầu tìm việc mới


Nếu đã thực hành những điều trên mà nhân sự vẫn cảm thấy bản thân “mắc kẹt” trong những suy nghĩ tiêu cực thì họ nên tìm đến những sếp cũ, đặc biệt là những có đóng góp quan trọng trong sự thành công của những công việc trong quá khứ của nhân sự. Những người sếp cũ sẽ có một cái nhìn khách quan, thậm chí nghiêm khắc và hiểu rõ năng lực của người nhân sự để phân tích những điểm mạnh, điểm yếu và đưa ra những lời khuyên chân thành nhất. 


Một khi nhân sự đã bước vào hành trình tìm việc mới, họ cần làm mới lại bản thân và thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Điều này đóng vai trò quan trọng trong quá trình ứng tuyển. Không một nhà tuyển dụng nào muốn tuyển một nhân viên vẫn còn những vấn đề tồn đọng và luôn mang những ý nghĩ tiêu cực. 


2. Liệt kê những thành tích đã đạt được


Bên cạnh tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài, nhân sự cũng nên thực hành một số “bài tập” nhìn nhận lại bản thân để hiểu hơn về thế mạnh của mình trong công việc. Việc mô tả những thành tích đã đạt được sẽ giúp nhân sự hiểu rõ những kỹ năng và năng lực của mình. Nhân sự cần liệt kê ra những điểm mạnh của bản thân như họ đã giải quyết vấn đề như thế nào, hoàn thành mục tiêu ra sao, cách họ hoàn thành một dự án phức tạp hoặc đã có những phương án gì để vượt qua những thử thách và áp lực trong công việc. Điều này sẽ giúp nhân sự có một tâm thế tự tin, thoải mái và sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào của nhà tuyển dụng khi tham gia phỏng vấn.


Liệt kê những thành tích đạt được giúp nhân sự tự tin hơn và trả lời được các câu hỏi phỏng vấn dễ dàng


Để có thể liệt kê thành tích đầy đủ và rõ ràng nhất, đây là hai phương pháp mà các nhân sự có thể tham khảo: CARLSTART.


Cụ thể, CARL là mô hình phản ảnh quá trình đạt được thành tích của một người. Trong đó, CARL là viết tắt của:

  • C - Context (Tình huống): Cung cấp những thông tin cơ bản về bối cảnh xảy ra
  • A - Action (Hành động): Giải thích những hành động và giải pháp đã áp dụng để đạt được thành công
  • R - Result (Kết quả): Nói về kết quả đã đạt được dựa trên mục tiêu đã đề ra và mức độ hài lòng của nhân sự
  • L - Learning (Bài học): Chia sẻ bài học đã rút ra từ sự việc đó cũng như những đề xuất mới nếu được thực hiện lại một lần nữa


Tương tự như CARL, START cũng là mô hình giúp bản thân tự phản chiếu (self-reflection) những hành động đã làm. START là viết tắt của:

  • S - Situation (Tình huống): Diễn giải bối cảnh diễn ra sự việc
  • T - Task (Công việc): Liệt kê những công việc đã làm để hoàn thành công việc
  • A - Action (Hành động): Giải thích cụ thể những công việc đã được thực hiện như thế nào
  • R - Result (Kết quả): Kết quả mà nhân sự đã đạt được 
  • T - Takeaways (Bài học): Giải thích bài học rút ra được từ quá trình làm việc trên


3. Xác định rõ những nguyện vọng của bản thân 


Sau khi đã thấu hiểu những điểm mạnh của bản thân, nhân sự phải xác định mong muốn đối với công ty tiếp theo của mình như quy mô công ty, địa điểm làm việc, vị trí công việc,… Viết ra chính xác những dự định và mong muốn sẽ giúp nhân sự xác định được những bước đi kế tiếp trong quá trình tìm việc. 


Một số câu hỏi nhân sự có thể đặt ra cho bản thân như: 

  • Tôi muốn làm việc ở công ty lớn hay nhỏ?
  • Tôi muốn theo đuổi con đường sự nghiệp này hay chuyển hướng sang một lĩnh vực khác?
  • Tôi có cần phải thay đổi vị trí làm việc hay không?
  • Những yêu cầu của tôi đối với môi trường làm việc là gì?
  • Sếp và đồng nghiệp nên là những người như thế nào?


Liệt kê những mong muốn của bản thân giúp nhân sự có định hướng công ty rõ ràng


Những nguyện vọng nhân sự theo đuổi không chỉ liên quan đến mong muốn của họ mà còn là động lực phát triển bản thân và con đường sự nghiệp. Nếu như tiêu chí tìm việc của nhân sự là có lương cố định và được làm việc trong giờ hành chính thì thị trường có rất nhiều công việc để họ lựa chọn. Thế nhưng các nguyện vọng của nhân sự luôn có tiêu chuẩn cao hơn: “Tôi muốn mình tạo ra được những giá trị cho cộng đồng”, “Tôi muốn mình được coi trọng”, “Tôi cần làm việc trong một công ty mà tại đó tôi có thể góp phần giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn"... Phần lớn các nhân sự vẫn có thể “cam chịu” làm việc tại môi trường không đáp ứng được những nguyện vọng của họ. Nhưng ngày qua ngày, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến tinh thần của nhân sự đồng thời tác động tiêu cực đến quy trình làm việc của đồng nghiệp xung quanh.


4. Lập kế hoạch tìm việc


Trước tình huống bị sa thải, hầu hết các nhân sự sẽ dành toàn bộ thời gian để tìm công việc tiếp theo.Tuy nhiên, rải CV khắp nơi mà không có kế hoạch cụ thể và điều chỉnh thích hợp khiến tỷ lệ ứng tuyển thành công bị giảm.  


Vì vậy, các nhân sự cần tạo một lịch trình cụ thể cho mỗi ngày để đảm bảo bản thân đang tìm việc đúng hướng. Kế hoạch tìm việc cần đảm bảo những thông tin sau:

  • Xác định khoảng thời gian nhân sự sẽ dành ra để tìm việc
  • Xác định được những công ty muốn ứng tuyển dựa trên những thông tin đã liệt kê ở mục 3 
  • Lập kế hoạch điều chỉnh CV cho từng công ty
  • Lập kế hoạch luyện tập trả lời phỏng vấn


Lập kế hoạch cụ thể làm tăng tỷ lệ ứng tuyển thành công


5. Sử dụng những từ khóa trong miêu tả công việc


Trước khi cập nhật CV, các nhân sự cần liệt kê những từ khoá của công việc mà họ muốn ứng tuyển. Những từ khoá sẽ giúp nhân sự so sánh được liệu kinh nghiệm hiện tại của bản thân có đáp ứng được yêu cầu của công ty hay không. Mặt khác, khi xác định được những yêu cầu của vị trí ứng tuyển, nhân sự có thể bổ sung chúng trong CV để tăng tỷ lệ thành công và phù hợp với bản mô tả công việc (JD) của nhà tuyển dụng.  


Một bản CV tốt sẽ chỉ gồm những thành tích và kinh nghiệm liên quan đến công việc ứng tuyển. Nếu bản CV có quá nhiều thông tin nhưng lại không sở hữu những từ khoá tương đồng với mô tả công việc thì nhân sự có thể bị loại ngay lập tức. Ví dụ trong miêu tả công việc, nhà tuyển dụng đề cập đến “Có khả năng lãnh đạo và hướng dẫn các thành viên trong nhóm hoàn thành mục tiêu”. Lúc này, nhân sự phải chọn ra những từ khoá có liên quan đến khả năng lãnh đạo" như “hướng dẫn”, “lãnh đạo”, “dẫn dắt”...để thể hiện trong phần kỹ năng hoặc mô tả công việc đã từng làm.


Hiện nay, một số công ty lớn sử dụng phần mềm lọc hồ sơ tự động Applicant Tracking Systems – ATS. Hệ thống sàng lọc CV này không thể nhận diện những tiêu đề và miêu tả không có những từ khóa trong cơ sở dữ liệu. Vì vậy, thay vì tùy biến theo ý thích cá nhân, các nhân sự cần tuân theo những nguyên tắc đã được tiêu chuẩn hoá như cách trình bày, lỗi chính tả,... cũng như các từ khoá chỉ liên quan đến công việc. 


CV nên sở hữu những từ khoá liên quan đến công việc ứng tuyển


Tóm lại, các nhân sự nên dành thời gian để nghỉ ngơi thay vì vội gửi đơn xin việc với một bản CV không hoàn thiện. Bên cạnh kỹ năng, thái độ nhân sự trả lời phỏng vấn cũng như mạng lưới network cũng rất quan trọng. Vì vậy, các nhân sự nên tạo một kế hoạch “chậm mà chắc" vì điều đó không chỉ giúp họ có cơ hội việc làm mà còn cảm thấy tự tin về giá trị của bản thân.


Theo Havard Business Review

Thanh Thảo