Chuyên gia truyền thông quốc tế kiêm Giám đốc điều hành PRecious Communications, ông Lars Voedisch, chỉ ra 3 xu hướng truyền thông xã hội nổi bật cần chú ý trong năm 2023.


Tiếp thị qua người có tầm ảnh hưởng (Influencer Marketing): Người dùng “thật” mới cho ảnh hưởng “thật” 


Một khảo sát năm 2020 cho thấy niềm tin của người tiêu dùng dành cho những nội dung review trực tuyến đã giảm tới 11%, và các mạng xã hội đang theo sát các công cụ tìm kiếm trong cuộc đua trở thành nền tảng khám phá hàng đầu - riêng với đối tượng khách hàng GenZ, mạng xã hội đã thực sự soán ngôi! Người dùng ngày càng tin tưởng vào những chia sẻ của những người dùng có tầm ảnh hưởng, hơn là những lời quảng bá của chính nhãn hàng. Trong năm 2023, câu thần chú “người thật – việc thật – trải nghiệm thật” chắc chắn sẽ tiếp tục linh nghiệm! 


Ông Lars Voedisch, Giám đốc điều hành PRecious Communications


Hiện nay, Instagram, TikTok và YouTube vẫn là những nền tảng trọng yếu cho influencer marketing, nơi vô vàn người tiêu dùng đã trở thành những reviewer công tâm và đem đến trải nghiệm chân thực. Đã qua rồi những thời mà celebs (người nổi tiếng) hay những reviewer triệu like “thống trị” kênh tiếp thị này, ngoài số lượng người theo dõi và lượng tương tác hiển thị trên mỗi nội dung, cái mà người tiêu dùng thực sự quan tâm là lượng người theo dõi “thật”, lượng tương tác “thật” – chứ không phải những bình luận tung hứng “ảo” của các seeder. Vì thế, việc đầu tiên bạn cần làm là kiểm tra kĩ càng xem tập người theo dõi của influencer có thực sự phù hợp với nhãn hàng, và làm việc chặt chẽ với họ để đảm bảo nội dung đem đến giá trị thực sự cho người theo dõi – những khách hàng tiềm năng. 


Giá trị của thị trường tiếp thị qua người có tầm ảnh hưởng tại Đông Nam Á dự kiến sẽ cán mốc 2,59 tỷ đôla Mỹ trong năm 2024, và do đó, đây chính là thời cơ để các nhãn hàng khai phá các cách thức mới để hợp tác hiệu quả với những người có tầm ảnh hưởng, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đem lại sự minh bạch và cả niềm tin bền vững.


Võ Hà Linh, một beauty blogger có lượng theo dõi lớn trên các nền tảng mạng xã hội


Chiến lược nội dung (Content Strategy): Dám phá cách!


Năm 2022, từ khóa thúc đẩy lượng theo dõi cho các nhãn hàng chính là “Đam mê – Tin tưởng – Sự hài lòng”. Với hai tiêu chí đầu tiên, bài toán đặt ra chính là tạo ra các nội dung thực sự đột phá trong bối cảnh người dùng đã quá ngán ngẩm những nội dung xào xáo, nhạt nhòa đầy rẫy trên các trang mạng xã hội. Nội dung tiếp thị, truyền thông hay và độc đáo mới có thể thúc đẩy sự hài lòng của người tiêu dùng, khuyến khích và duy trì lượng người đồng hành dài lâu.  


Để trở nên nổi bật giữa “rừng” nội dung trên mạng, các chiến lược gia nên mạnh dạn thử nghiệm các loại hình nội dung phá cách, mang chút tinh quái, láu lỉnh, gây cười, thậm chí, có thể xen chút yếu tố “giật gân”. Hãy xem cách BEAMIN tri ân khách hàng đã đồng hành cùng mình trong suốt 3 năm gia nhập thị trường Việt hồi giữa năm ngoái, với chiến dịch “Cảm ơn” bằng chữ viết tay cực kỳ dễ thương, độc lạ, và trên hết là làm nổi bật sự chân thành của thương hiệu – hướng đến người dùng. Hay chiến dịch “tình yêu” làm dậy sóng cộng đồng mạng và phủ sóng các mặt báo Việt Nam giữa MoMo và Gojek trước thềm Valentine trắng (14/3) năm 2022, qua những màn thả thính đẩy đưa đã trở thành “kinh điển” như “Tớ thanh toán, cậu đón đưa, chẳng cần cưa cũng đổ”, hay “Vì đang yêu nhau nên ưu đãi cực nhiều”. 


Đầu tư chất xám cho những nội dung độc, lạ, giàu ý nghĩa, đó vẫn sẽ là chiến lược đem đến thành công cho các nhãn hàng trong năm 2023.  


Chiến dịch Hợp tác giữa Gojek với ví điện tử MoMo “phủ sóng” mạng xã hội Facebook Việt Nam năm 2022


Chiến lược nền tảng (Social strategy): Đa nền tảng – Điều chỉnh linh hoạt


Thực tế cho thấy, có hơn một nửa số nhãn hàng duy trì thói quen đăng tải cùng một nội dung giống hệt nhau – từ câu chữ cho tới hình ảnh, trên các nền tảng khác nhau mà mình sở hữu. Tuy nhiên, mỗi nền tảng lại đáp ứng những nhu cầu thông tin rất khác nhau của người dùng, đặc biệt là người dùng trẻ. 


Ví dụ, Twitter được xem là kênh cập nhật thông tin, trong khi TikTok lại là nền tảng quan trọng để khám phá và giải trí. Cùng là nội dung video, nhưng tính giải trí của TikTok rõ rệt hơn YouTube, nơi người dùng có thể bỏ ra nhiều phút, thậm chí hàng giờ, để tìm hiểu sâu hơn về nhãn hiệu. Trong khi đó, Instagram vẫn là kho tàng hình ảnh cực chất cho những nhãn hàng muốn bật lên về khía cạnh thẩm mỹ, “để thị giác cất lời”. 


McDonald’s Philippines đem đến câu chuyện thành công của riêng mình nhờ vào việc “tùy chỉnh” các nội dung đăng tải trên các kênh tiếp thị khác nhau. Ví dụ, trang Instagram của hãng đăng tải dày đặc những hình ảnh món ngon và trải nghiệm đầy lý thú của khách hàng, trong khi kênh YouTube là nơi nhãn hiệu khơi gợi cảm xúc yêu thương qua những video xúc động về tình thân, về cách McDonald’s kết nối mọi người trong từng khoảnh khắc. Trên tất thảy, các nội dung vẫn truyền tải tính nhất quán và tinh thần thương hiệu, song cũng đảm bảo sự mới mẻ, “hợp gu” cho các đối tượng người dùng qua các nền tảng khác nhau. 


Lời kết


Truyền thông xã hội luôn là một địa hạt rộng lớn với vô vàn cơ hội để thử nghiệm và tạo nên sự khác biệt cho các nhãn hàng. Những nhà tiếp thị, truyền thông thông minh cần lưu ý đến những xu hướng chủ đạo và áp dụng lối tư duy mới mẻ, linh hoạt để có thể gặt hái thành công cho thương hiệu, nhãn hàng và chính mình trong năm 2023!