Ngành quảng cáo đang bước vào một giai đoạn thay đổi nhanh chóng với sự phát triển của công nghệ và xu hướng mới. Những công nghệ như AI tạo sinh và sự thay đổi liên tục trong cách tiếp cận tiếp thị đòi hỏi các lãnh đạo agency phải đối mặt với vô số áp lực mới. Không chỉ cập nhật xu hướng, họ còn phải đối mặt với các thách thức nội bộ như duy trì văn hóa doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.


Tại Tuần lễ Quảng cáo New York 2024 (Advertising Week New York 2024), trang AdAge đã tổ chức buổi thảo luận cùng với các nhà lãnh đạo của một số Agency về những thách thức mà họ phải đối mặt trước thềm năm 2025. Những thách thức này đang buộc các nhà lãnh đạo phải điều chỉnh nhanh chóng để không chỉ theo kịp thị trường mà còn giữ chân được nhân tài trong bối cảnh ngành quảng cáo ngày càng cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc đảm bảo chiến lược tiếp cận khán giả đa dạng cũng là yếu tố quan trọng, đặc biệt là khi xu hướng tiêu dùng ngày càng phức tạp.


1. Duy trì văn hóa công ty


Trong môi trường ngành quảng cáo ngày càng cạnh tranh với sự xuất hiện của nhiều agency độc lập, việc duy trì một văn hóa công ty đặc trưng trở nên khó khăn hơn. Điều này không chỉ giúp agency trở nên khác biệt mà còn thu hút khách hàng và giữ chân nhân viên.


Ví dụ, Arnold - một agency thuộc sở hữu của Havas đã gặp thách thức lớn trong việc duy trì văn hóa khi họ mở rộng đội ngũ lên đến 100 nhân viên trong vòng một năm qua. George Sargent - CEO của Arnold, đã nhấn mạnh rằng việc duy trì văn hóa công ty nhưng đồng thời cho phép văn hoá này phát triển theo sự thay đổi của công ty là một trong những ưu tiên hàng đầu của họ.



Tương tự, Burrell Communications Group đã phải đối mặt với việc duy trì văn hóa công ty sau khi trải qua thay đổi về quyền sở hữu. Bà Vicki Bolton - phó chủ tịch cấp cao của Burrell, cho biết rằng mối quan hệ với công ty mẹ trước đây là Publicis Groupe chủ yếu mang tính chất tài chính và không mang lại nhiều lợi ích cho Burrell. Sau khi công ty được chuyển giao cho một nhóm đầu tư nhân, Burrell vẫn đang trong quá trình xác định cách duy trì văn hóa trong bối cảnh một phần nhân viên làm việc từ xa. Bên cạnh đó bà Bolton còn thừa nhận rằng họ vẫn chưa tìm ra giải pháp hoàn hảo cho việc kết nối và cộng tác trong môi trường làm việc có nhiều hình thức như làm việc từ xa, trực tiếp làm việc tại văn phòng,...


Một ví dụ khác là Initiative - một agency thuộc IPG, đã yêu cầu nhân viên đến văn phòng ít nhất ba ngày một tuần để duy trì sự kết nối và cộng tác giữa các nhân sự. Stacy DeRiso - CEO của Initiative tại Mỹ, lý giải cho quyết định này rằng những tương tác vô hình tại văn phòng mang lại sự gắn kết mà làm việc từ xa khó có thể thay thế. 


2. Giữ chân nhân tài


Lĩnh vực quảng cáo luôn nổi tiếng với tỷ lệ thay đổi nhân viên cao và đây là một trong những thách thức mà các lãnh đạo agency luôn phải đối mặt. Sự thay đổi nhanh chóng trong ngành đang tạo áp lực lớn lên nhân viên, khiến việc giữ chân họ trở nên khó khăn hơn.


Caroline Winterton - CEO của adam&eveDDB, chia sẻ rằng tốc độ thay đổi của những xu hướng hiện đang "đè nặng" lên nhân viên, dẫn đến những khó khăn trong việc giữ chân họ. Đối với RPA, một agency độc lập, việc không có mạng lưới lớn để chia sẻ gánh nặng công việc khiến việc giữ chân nhân viên trở nên phức tạp hơn. Ông Joe Baratelli - Giám đốc sáng tạo và phó chủ tịch điều hành của RPA, thừa nhận rằng thách thức lớn nhất của họ là giữ chi phí thấp cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo nhân viên không bị quá tải. 


Theo nhiều lãnh đạo của các agency trong buổi thảo luận, họ đều nhấn mạnh rằng họ đã phải tạo ra những "khoảnh khắc vui vẻ" cho nhân viên để giảm bớt áp lực. Trong bối cảnh khách hàng yêu cầu ngày càng nhiều trong khi lợi nhuận bị thu hẹp, việc giữ cho môi trường làm việc vui vẻ và tích cực trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.



Các Agency tại Việt Nam cũng duy trì sự kết nối giữa các nhân viên và công ty bằng cách cho họ một môi trường làm việc tự do sáng tạo nhưng vẫn trong khuôn khổ, đồng thời còn tổ chức các hoạt động team building. Nhờ đó, họ không chỉ giữ được văn hóa đặc trưng của mình mà còn cải thiện tinh thần làm việc của nhân viên trong giai đoạn đại dịch và sau đó. 


3. Tiếp cận đa dạng tệp khách hàng


Theo Adage, với 44% dân số Hoa Kỳ thuộc các nhóm đa văn hóa và tỷ lệ này dự kiến sẽ tiếp tục tăng, việc đầu tư vào việc tiếp cận các khán giả đa dạng trở thành một yếu tố then chốt để các thương hiệu phát triển. Trong bối cảnh này, nhiều nhà tiếp thị vẫn chưa nhận thức được đầy đủ tiềm năng của chiến lược tiếp thị đa văn hóa, mặc dù những nhóm tiêu dùng này sở hữu sức mạnh chi tiêu lớn và thường có xu hướng trung thành với các thương hiệu gắn bó với cộng đồng của họ.


Vicki Bolton từ Burrell đã nhấn mạnh rằng nhiều nhà tiếp thị vẫn chưa thực sự hiểu được tầm quan trọng của tiếp thị đa văn hóa. Bà cho biết rằng những người tiêu dùng đến từ các nhóm đa văn hóa có sức mạnh chi tiêu lớn và thường trung thành với các thương hiệu hỗ trợ cộng đồng của họ. Điều này có nghĩa là các thương hiệu cần phải đầu tư nhiều hơn vào việc hiểu và kết nối với những nhóm khách hàng này nếu họ muốn mở rộng thị phần.


Trong đó, tại thị trường Việt Nam có đa dạng các nhóm khách hàng khác như từ độ tuổi, giới tính cho đến văn hóa vùng miền. Các thương hiệu lẫn agency có thể triển khai chiến dịch quảng cáo của mình với nhiều định dạng phù hợp với nhiều tệp khách hàng. 


Nổi bật là chiến dịch “Cầu đủ là được” của Nestle nhân dịp Tết Nguyên Đán năm 2024, theo đó, thương hiệu đã triển khai chiến dịch tập trung vào 3 nhóm đối tượng chính như: Gia đình, Học sinh - Sinh viên, Nhân viên văn phòng. Từ đó, cho ra mắt các video TVC có nội dung phù hợp và cá nhân hoá dựa trên nhóm đối tượng này. Nhờ việc bao quát được tối đa tệp khán giả, chiến dịch của Nestle đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng, website tạo lời chúc thu hút sự tham gia của gần 45.000 gia đình Việt. 



Một ví dụ khác là nhiều thương hiệu tại Việt Nam thường cho ra mắt các TVC với cùng một nội dung nhưng sử dụng giọng đọc khác nhau cho thị trường miền Bắc và miền Nam, giúp tối ưu hóa sự tiếp cận đối với khán giả địa phương. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc hiểu và đáp ứng sở thích, văn hóa vùng miền trong các chiến dịch quảng cáo.


Thương hiệu Surf triển khai TVC tiếp cận đa vùng miền 


4. Sử dụng AI tạo sinh


AI tạo sinh đang mở ra những cơ hội lớn cho ngành quảng cáo, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức pháp lý và lo ngại về sự an toàn. Một số công ty quảng cáo như Supernatural, đã tìm cách sử dụng AI một cách sáng tạo để giải quyết các vấn đề liên quan đến dữ liệu khách hàng, chẳng hạn như sử dụng mô hình tương tự để tránh vi phạm dữ liệu bệnh nhân.


Ông John Elder - CEO của Supernatural, cho biết rằng AI tạo sinh sẽ không thay thế con người trong việc tạo ra ý tưởng sáng tạo, mà chỉ giúp giảm bớt những công việc nhàm chán. Tuy nhiên, những nhân viên không nắm bắt được cách sử dụng AI có thể sẽ bị tụt lại phía sau.


Stacy DeRiso từ Initiative cũng nhấn mạnh rằng AI không phải là mối đe dọa mà là một công cụ hỗ trợ nhân sự làm cho công việc dễ dàng hơn. Bà cho rằng AI sẽ loại bỏ những công việc không mang lại niềm vui, cho phép nhân viên tập trung vào những nhiệm vụ sáng tạo và thú vị hơn.


Các lãnh đạo agency đang phải đối mặt với một loạt thách thức khi năm 2025 đang đến gần, từ việc duy trì văn hóa, giữ chân nhân tài, đến việc tiếp cận các khán giả đa dạng và tận dụng AI. Để vượt qua những thách thức này, họ cần phải linh hoạt, sáng tạo và luôn sẵn sàng thay đổi để thích nghi với môi trường ngành ngày càng biến động.

Kim Yến


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!