Không chỉ để bán hàng, PR - Quan hệ công chúng còn có nhiều mục tiêu và nhóm đối tượng khác nhau, vừa có thể là nội bộ hoặc bên ngoài công ty. Điều quan trọng đó là các công ty cần liên tục giao tiếp với các nhóm đối tượng này để xây dựng và quảng bá thương hiệu. Nhưng bằng cách nào và mỗi đối tượng sẽ có những chiến thuật tiếp cận phù hợp ra sao?


Mời bạn đọc tìm hiểu trong bài viết dưới đây được biên dịch từ cuốn ebook “Advertising: An Integrated Marketing Communication Perspective 4e (trang 452 - 458)”.  


1. Nhân viên


Duy trì tinh thần làm việc và công nhận nỗ lực của nhân viên là những mục tiêu chính của PR. Các phương thức giao tiếp với nhân viên mang tính cá nhân vừa có thể trang trọng như một cuộc họp nội bộ, vừa có thể thân mật như một bữa tiệc Giáng sinh.


Một số phương pháp để công ty giao tiếp hiệu quả với nhân viên như:

- Intranet: mạng lưới chia sẻ thông tin, hệ thống làm việc nội bộ

- Thông báo Email

- EDM (E-direct mails): thư điện tử trực tiếp

- Newsletter: Bản tin email

- Bảng thông báo

- Các sự kiện tuyên dương, trao thưởng cho nhân viên 

- Tổ chức cuộc họp/báo cáo hàng năm

- Các sự kiện xã hội như team building, chơi bowling cùng công ty…


2. Cổ đông



Trên đây là Báo cáo thường niên của hãng hàng không Qantas (Úc). Thoạt đầu bạn sẽ nghĩ báo cáo này chỉ để cung cấp các thông tin tài chính cho các cổ đông và thị trường chứng khoán. Nhưng thực tế, báo cáo thường niên cũng là một kênh giao tiếp được sử dụng để thông báo và giải thích lý do tại sao công ty hoạt động tốt hoặc không, đưa ra kế hoạch trong tương lai và cung cấp thông tin khác ngoài những con số.


Chẳng hạn như Yum! Brands - công ty sở hữu các thương hiệu KFC, Pizza Hut và Taco Bell phát hành báo cáo thường niên của công ty qua một bức thư của CEO Greg Creed. Lá thư “đặc biệt” này làm rõ những năng lực cốt lõi, lợi thế cạnh tranh và những ​​insight vượt khỏi “giới hạn” của một bản báo cáo tài chính. Các nhà đầu tư và các bên liên quan khác có thể vừa có thể xem xét các chỉ số tài chính, vừa nhận biết các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR).


Ngoài ra, báo cáo thường niên cũng là một phương thức để ngăn chặn các vấn đề tiềm ẩn trong quan hệ công chúng. Ví dụ vào năm 2017, Chủ tịch kiêm CEO của McDonald’s - Steve Easterbrook đã gửi bức thư đi kèm với báo cáo thường niên của công ty ghi nhận các cam kết thúc đẩy tính bền vững trong nguyên liệu thịt bò, cải tiến bao bì và nâng cấp dinh dưỡng. Những tuyên bố này giúp giảm bớt những quan ngại của cổ đông và người tiêu dùng về chất thải, đồng thời thu hút các khoản đầu tư và đẩy mạnh lợi thế thương mại.


Chủ tịch kiêm CEO McDonald’s - Steve Easterbrook

 

3. Người tiêu dùng


Đây là nhóm đối tượng của PR liên quan trực tiếp với quảng cáo - marketing. Người tiêu dùng là những cá nhân hoặc công ty đang tìm kiếm thông tin, mua hoặc trải nghiệm các sản phẩm - dịch vụ trên thị trường. Từ góc độ Quan hệ công chúng, một tổ chức mong muốn duy trì lợi thế thương mại trong mắt người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng hoặc nhà cung cấp cho rằng công ty của bạn không đề cao ý thức về mặt xã hội, họ sẽ tìm đến thương hiệu khác. Từ đây, một tổ chức sẽ tìm cách hiểu rõ người tiêu dùng về nhận thức, thái độ, hành vi hoặc dự định của họ để thực hiện chiến dịch PR. 


4. Cộng đồng


Cộng đồng không chỉ là những đối tượng nằm trong phạm vi ảnh hưởng bởi các hoạt động của công ty mà thậm chí còn vượt khỏi ranh giới địa lý. Các hoạt động quan hệ cộng đồng có thể liên quan đến giáo dục, thay đổi nhận thức,… Ví dụ như chương trình giáo dục giới tính cho giới trẻ của Durex tại các trường Đại học.


Buổi trò chuyện của Durex về giáo dục giới tính tại Trường Đại học Quốc tế (IU)  


5. Các tổ chức dân sự 


Các khoản tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận và các buổi phát biểu về công ty trong các tổ chức xã hội đều góp phần tạo thiện chí với công chúng. 


6. Chính phủ


Nhiệm vụ của PR đặt trong mối quan hệ với chính phủ có nhiều hình thức. Thông qua vai trò công vụ (public affair), công ty có thể tác động đến các chính sách hoặc quyết định của chính phủ và các cơ quan ở cấp địa phương, nhằm tránh các bất lợi về sản phẩm - dịch vụ mà công ty đó đang kinh doanh. Một trong những phương thức đó là vận động hành lang (lobby). 


Mặt khác, khi chính phủ thực hiện đưa ra các chính sách có liên quan đến ngành hàng của công ty, công ty cũng sẽ khởi động các chiến dịch truyền thông để giáo dục công chúng.


Khi các quy định về giãn cách xã hội được áp dụng, Gojek ra mắt GoCar Protect để hỗ trợ các y bác sĩ


7. Các nhóm tài chính


Ngoài các cổ đông hiện tại, công ty còn nhắm đến các cổ đông tiềm năng khác thông qua các chương trình PR. Chẳng hạn như cố vấn tài chính, các tổ chức cho vay, quỹ đầu tư,… có thể mang lại các nguồn tài trợ mới cho công ty. Công ty có thể áp dụng các hình thức giao tiếp với các nhóm tài chính này thông qua thông cáo báo chí, báo cáo thường niên, phát biểu trong các sự kiện quan trọng hoặc giao tế (interpersonal communication).


Từ đây, chúng ta có thể đưa ra các chiến thuật PR, từ truyền thông lan truyền (earned media) cho đến những ý tưởng tập trung vào các mối quan hệ.


Các chiến thuật PR


- Các hoạt động hướng đến cộng đồng: Giúp nâng cao hình ảnh công ty thông qua việc trở thành thành viên của các tổ chức cộng đồng, tài trợ, đặt các cửa hàng hoặc thành lập dự án cộng đồng tại địa phương,…


Grab và Quỹ Hy Vọng chung tay mang 15.000 suất ăn đến với những người khó khăn trong dịch COVID-19


- Các bài phát biểu: Đây là cơ hội để các nhà lãnh đạo kết nối với những khán giả mục tiêu. Có thể là các bài phát biểu trong các buổi họp thường niên, sự kiện kinh doanh, nhận lời phỏng vấn với các bên báo chí… Người viết nội dung cần đưa ra các thông điệp chính dễ hiểu, dễ nhớ, thu hút sự chú ý, đồng thời tạo ra tác động về phản ứng hoặc hành vi của người nghe. 

Phát biểu của ông Lê Quang Minh - Giám đốc VTV Digital với Advertising Vietnam về chiến dịch "Tôi đi bầu cử"


- Trang tin tức: Để kết nối với công chúng, nhiều doanh nghiệp và cơ quan chính phủ đã tạo ra một trang tin tức trên website của họ, tập hợp các thông cáo báo chí, bản tin, bài phát biểu và hình ảnh, ngoài ra còn đưa ra cách tìm kiếm thông tin về tổ chức thông qua các form liên hệ. 


- Chiến dịch hướng đến lối sống của người tiêu dùng để thu hút dư luận: Trước đây, Panadol đã từng tung ra Rapid Handipak, sản phẩm dành cho khách hàng nữ ở độ tuổi thành niên. Trong quá trình quảng bá sản phẩm, Panadol đã hợp tác với cơ quan quan hệ công chúng, Pulse Communications, để nghiên cứu về những chiếc túi xách cho biết điều gì về tính cách của nữ chủ nhân. Điều này đã nhận được hưởng ứng tích cực từ công chúng vì nỗ lực của nhãn hàng tìm hiểu về phong cách sống của người tiêu dùng. 


- KOL (viết tắt của Key opinion leaders): Các chiến dịch PR có thể tận dụng sự hợp tác với các KOL để đưa ra bình luận hoặc gợi ý về nhãn hàng nhưng cần xem xét về chuyên môn, lĩnh vực hoạt động liên quan và uy tín của họ. Trong một số trường hợp, các KOL có thể đồng thời là Influencer hoặc Micro-influencer, chủ yếu khác biệt ở mức độ chuyên môn mà các nhãn hàng cần cân nhắc trước khi hợp tác thay vì chỉ tập trung về lượng reach hoặc khả năng kết nối của họ. 


Hiền Hồ và Thiều Bảo Trâm là 2 KOL sáng giá trong chiến dịch “Trải Trái Trải Phải” của VIB x ZEE


- Nội dung âm thanh và video: Các nội dung âm thanh và video tham gia thúc đẩy các cuộc thảo luận trên mạng xã hội và các hoạt động truyền thông của thương hiệu.


MV Ví MoMo x Bùi Công Nam | Chuyển Tiền MoMo Liền (Phiên bản đặc biệt)


- Các cuộc họp mặt và thuyết trình: Về phía nội bộ, tổ chức các cuộc họp để thảo luận các vấn đề của công ty, xây dựng quan hệ giữa các thành viên, thuyết trình các nghiên cứu về insight,…


Ngọc Anh / Advertising Vietnam

Theo Sách "Advertising: An IMC Perspective 4e"