Các thương hiệu công nghệ tuần vừa qua có gì thú vị? Không thể bỏ lỡ những tin tức nổi bật trong series Adnews Tech của Advertising Vietnam ngay sau đây:


1. TINDER HỒI SINH CHẾ ĐỘ "DESK MODE", TẠO ĐIỀU KIỆN CHO NGƯỜI DÙNG HẸN HÒ TRONG GIỜ LÀM VIỆC NGAY TRÊN MÁY TÍNH



Theo một khảo sát gần đây của Tinder, 30% người dùng đã tìm kiếm đối tượng hẹn hò trong lúc họp, 47% người dùng thích trò chuyện với đối tượng trong giờ làm việc tại công ty. Nắm bắt được thói quen này, mới đây Tinder đã chính thức ra mắt tính năng "Desk Mode" giúp người dùng ngụy trang ứng dụng thành công cụ văn phòng.


Khi người dùng bật tính năng này, họ sẽ nhìn thấy một icon nhỏ hình chiếc cặp ở góc trên cùng bên trái màn hình desktop. Nếu nhấp vào biểu tượng đó, một trang web tìm kiếm tương tự như Google mang tên "Meeting Notes" (tạm dịch: Ghi chú cuộc họp) sẽ được bật lên nhằm che giấu giao diện của Tinder. Do đó, người dùng có thể "giả vờ" làm việc chăm chỉ trong khi đang tìm kiếm đối tượng hẹn hò trên ứng dụng.


Đại diện phát ngôn của Tinder cho biết họ đã thử nghiệm tính năng này vào năm 2017. Tuy nhiên, Tinder mới chính thức trình làng "Desk Mode" đúng vào National Intern Day (ngày thực tập quốc gia) 28/07 vừa qua để giúp những Intern mới đi làm có thể sử dụng Tinder bất kỳ lúc nào. 


Theo Design Taxi


2. GOOGLE MEET CHO PHÉP LIVESTREAM LÊN YOUTUBE, BIẾN NHỮNG BUỔI HỌP THÀNH PHÁT SÓNG TRỰC TIẾP ĐẾN CÔNG CHÚNG



Theo thông cáo báo chí được đưa ra mới đây trên trang Google Blog, những người dùng của bộ công cụ điện toán đám mây cho doanh nghiệp Google Workspace sẽ được cung cấp tính năng khả năng truyền tải trực tiếp (livestream) video họp nhóm hoặc hội nghị công ty trên ứng dụng gọi video Google Meet lên nền tảng Youtube.


Tính năng trên là động thái mới nhất từ Google nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận đến nhiều đối tượng hơn, “mời” mọi người tham gia cuộc họp, thảo luận, webinar hoặc hội nghị. Trước đây để truy cập vào những buổi họp, người tham gia phải được mời qua đường link và phải cài ứng dụng trên smartphone hoặc truy cập vào trang web riêng. Với thay đổi mới, các công ty có thể mời tất cả mọi người tham gia thông qua một nền tảng YouTube duy nhất.


Google cho biết người tham gia hội họp qua YouTube sẽ có tùy chọn tạm dừng, tua lùi hoặc xem lại video sau khi cuộc họp trực tuyến kết thúc. Để sử dụng được tính năng kênh YouTube của doanh nghiệp phải được cấp quyền để tổ chức livestream. Quá trình phê duyệt có thể lên đến 24 giờ. 


Tính năng truyền tải video Google Meet lên Youtube hiện được triển khai tuần tự đến từng thị trường. Người dùng có thể cập nhật ứng dụng Google Meet và YouTube lên phiên bản mới nhất để sử dụng tính năng.


Tổng hợp


3. GIÁM ĐỐC INSTAGRAM ĐƯA RA PHẢN HỒI SAU LÀN SÓNG 200.000 CHỮ KÝ KÊU GỌI “NGỪNG TRỞ THÀNH TIKTOK”



Trong thời gian qua cư dân mạng đã chia sẻ sự ủng hộ của họ đối với chiến dịch kêu gọi Instagram “ngừng cố gắng trở thành TikTok”, khi CEO Meta Mark Zuckerberg đã thông báo các nền tảng mạng xã hội của công ty sẽ được cập nhật một số thay đổi trong thời gian tới và Instagram sẽ được áp dụng đầu tiên, với những bài đăng từ người lạ sẽ được ưu tiên hiển thị bởi thuật toán dựa vào thói quen và sở thích của người dùng, hay các nội dung dạng video sẽ được ưu tiên hiển thị hơn. 


Chiến dịch đến nay đã kêu gọi gần 200.000 chữ ký trên trang Change.org, những người ủng hộ cho rằng họ không muốn Instagram trở thành phiên bản mới của TikTok, thay vào đó họ yêu cầu Instagram trở về với đúng tiêu chí hoạt động từ lúc thành lập: mạng xã hội ưu tiên nội dung hình ảnh. Những người nổi tiếng như Kylie Jenner và Kim Kardashian cũng đã chia sẻ sự đồng tình của họ trên trang Instagram cá nhân cho chiến dịch trên. Được biết ngay từ lúc ra mắt, các bài đăng trên TikTok gợi ý cho người dùng bằng thuật toán, thay vì chỉ hiển thị bài đăng từ bạn bè như những ứng dụng mạng xã hội khác.


Trong khi chiến dịch trên vẫn chưa mất độ "nóng", giám đốc Instagram Adam Mosseri mới đây đã “xoa dịu” cư dân mạng bằng cách đăng tải video giải thích về những thay đổi ‘có vẻ giống TikTok’ trên nền tảng Instagram, bao gồm:

  • Bài đăng hiển thị tràn màn hình: Mosseri cho biết tính năng chỉ đang ở giai đoạn thử nghiệm và “chưa đủ tốt để tung ra chính thức”.
  • Thuật toán hiển thị nội dung video nhiều hơn: Mosseri thừa nhận Instagram đang tập trung vào những nội dung video, tuy nhiên ông nói thêm “bài đăng dạng ảnh vẫn là nhân tố chủ đạo và là một phần di sản của Instagram”. 
  • Gợi ý bài đăng từ người lạ bằng thuật toán: Mosseri cho rằng Instagram luôn cố gắng gợi ý những bài đăng phù hợp nhất cho người dùng và đây là cách hiệu quả nhất giúp bài đăng từ các nhà sáng tạo nội dung được vươn đến nhiều người dùng. Ông đã gợi ý hãy thêm bạn bè vào danh sách Yêu Thích (Favorite) để bài đăng từ họ được ưu tiên hiển thị.


Hiện tại những thay đổi trên đang được Instagram và Facebook thử nghiệm và triển khai với một số nhóm người dùng nhất định. Trong tương lai các thay đổi sẽ sớm có mặt đến tất cả người dùng. 


Tổng hợp


4. NETFLIX RA MẮT TRÒ CHƠI THỰC TẾ ẢO TĂNG CƯỜNG, GIÚP NGƯỜI HÂM MỘ HOÁ THÂN THÀNH NHỮNG NGƯỜI CHƠI SQUID GAME



"Squid Game" (Trò chơi con mực) là bộ phim truyền hình Hàn Quốc miêu tả một trò chơi sinh tồn bí ẩn. Với kinh phí 21,4 triệu USD, "Squid Game" đã mang về lợi nhuận hơn 890 triệu USD cho Netflix, đồng thời tạo ra làn sóng hóa trang, cosplay vào lễ hội Halloween năm ngoái. Nhằm hiện thực hóa bộ phim và mang đến những trải nghiệm độc đáo cho người hâm mộ, Netflix đã hợp tác với công ty công nghệ Immersive Gamebox trình làng trò chơi thực tế ảo tăng cường lấy cảm hứng từ "Squid Game".


Trò chơi kỹ thuật số nhập vai "Squid Game" sẽ diễn ra tại các địa điểm khác nhau tại Hoa Kỳ và châu Âu như Dallas, Houston, Chicago, Denver, London,... Trò chơi này kéo dài trong một tiếng và có thể chơi với số lượng từ 2 đến 6 người trên 16 tuổi. Người chơi có thể cạnh tranh với bạn bè để sống sót qua 6 thử thách lấy cảm hứng từ bộ phim là "Red Light, Green Light", "Dalgona", "Tug of War", "Marbles", "Glass Bridge" và "Squid Game". Để tham gia, người chơi cần phải đăng ký trên trang web của Immersive Gamebox và chi trả mức phí từ 24,99 USD đến 39,99 USD (tương đương 580 đến 940 nghìn đồng).


Người hâm mộ nay đã có thể hoá thân thành những người chơi Squid Game mà không phải trải qua cảm giác "chết chóc"


Đặc biệt, trò chơi được tích hợp công nghệ theo dõi chuyển động 3D (3D motion-tracking visors) và màn hình cảm ứng để điều hướng, do đó người chơi không cần đeo kính thực tế ảo (headset) nặng nề. Người chơi sẽ bước vào một căn phòng được bao quanh bởi màn hình cảm ứng chuyển động độc quyền của Immersive Gamebox để bắt đầu trò chơi. Họ cần hoàn thành thử thách để bước vào vòng tiếp theo. Mỗi khi người chơi thua cuộc, họ sẽ mất một lượt tham gia. Ngược lại, nếu chiến thắng thử thách, người chơi sẽ nhận được tiền thưởng. Trò chơi sẽ kết thúc khi tất cả mọi người bị loại và chỉ còn một người sống sót duy nhất chiến thắng. “Squid Game” phiên bản trò chơi thực tế ảo tăng cường sẽ chính thức mở cửa vào ngày 21/09 sắp tới.


Ông Will Dean, Giám đốc Điều hành của Immersive Gamebox cho biết, họ muốn tái hiện lại chương trình nổi tiếng nhất của Netflix ở định dạng hoàn toàn mới để cung cấp trải nghiệm mới lạ cho người hâm mộ. "Mọi người luôn tìm kiếm những cách thức mới mẻ và độc đáo để tiếp tục xem các nội dung yêu thích của họ", ông chia sẻ.


Vì đây là một thỏa thuận được cấp phép nên doanh thu từ trò chơi "Squid Game" cũng sẽ được tính cho Netflix. Trước đây, nền tảng cũng từng xây dựng trải nghiệm nhập vai cho người dùng với bộ phim "Stranger Things" và "Bridgerton" tại nhiều địa điểm khác nhau ở Mỹ và Anh.


Theo TechCrunch


5. META RA MẮT CHƯƠNG TRÌNH CHIA SẺ DOANH THU TỪ ÂM NHẠC, MANG ĐẾN THU NHẬP CHO CẢ NGƯỜI LÀM SÁNG TẠO VÀ NHẠC SĨ



Meta đang tìm cách giúp người sáng tạo sử dụng nhiều loại nhạc hơn trong video clip của họ, đồng thời cung cấp một nguồn doanh thu khác cho các nghệ sĩ. Do đó, tập đoàn đã ra mắt chương trình "Music Revenue Sharing" (tạm dịch: Chia sẻ doanh thu từ âm nhạc) trên nền tảng Facebook vào ngày hôm qua 25/07.


Bất cứ khi nào người dùng sử dụng các bài hát được cấp phép vào video, họ sẽ nhận được 20% mức chia sẻ doanh thu, phần còn lại sẽ thuộc về chủ sở hữu bản quyền âm nhạc và tập đoàn Meta.


Trước khi đăng tải bất kỳ nội dung video nào lên Facebook, người dùng nên kiểm tra thư viện nhạc được cấp phép (Licensed Music library) để tìm kiếm các bài hát đủ điều kiện tham gia chương trình "Chia sẻ doanh thu từ âm nhạc." Sau đó, tất cả nội dung của người tạo video phải đáp ứng các chính sách kiếm tiền, Tiêu chuẩn Cộng đồng và nguyên tắc âm nhạc của Facebook. Đồng thời, video của họ phải đủ điều kiện nhận quảng cáo trong luồng (in-stream ads), có thời lượng từ 60 giây trở lên,...


Nếu video đủ điều kiện tham gia chương trình, người dùng sẽ nhận được thông báo xác nhận trên Creator Studio và Hộp thư Hỗ trợ (Support Inbox). Tiến trình thu nhập sẽ được cập nhật trong Creator Studio. Được biết, tính năng đã bắt đầu triển khai từ hôm nay tại Mỹ và sẽ tiếp tục mở rộng đến các quốc gia khác trong những tháng tới.


Chương trình được xem là động thái mang đến lợi ích cho người sáng tạo, chủ sở hữu bản quyền âm nhạc và cả những người hâm mộ. 


Theo Meta


6. GOOGLE RA MẮT CÔNG CỤ MỚI GIÚP MINH BẠCH CÁC CHI PHÍ CÔNG NGHỆ QUẢNG CÁO



Vào thứ 4 27/07, ông Allan Thygesen - Chủ tịch của Google tại Châu Mỹ và các đối tác toàn cầu đã công bố công cụ “Conforming Gross Revenue” (tạm dịch: Xác nhận tổng doanh thu), một giải pháp giúp minh bạch các chi phí công nghệ quảng cáo. Công cụ sẽ tiết lộ tất cả số tiền mà các marketer chi cho quảng cáo lập trình (programmatic ads) có đến tay các nhà xuất bản (Publisher) hay không.


Khi các nhà quảng cáo cần phương tiện để quảng bá sản phẩm, các nhà xuất bản (Publisher) sẽ giúp họ phân bổ quảng cáo đến với người dùng. Nhà xuất bản quảng cáo có thể là các kênh truyền hình, các trang Blog, webisite báo chí tin tức… Nói một cách đơn giản, nhà xuất bản quảng cáo là nơi sẽ hiển thị quảng cáo của doanh nghiệp hướng tới tập khách hàng cụ thể. Vai trò của nhà xuất bản là quản lý khoảng không quảng cáo, đấu giá quảng cáo trực tuyến, dữ liệu và các dịch vụ khác. Theo báo cáo của eMarketer, ước tính vào cuối năm 2022, quảng cáo lập trình sẽ chiếm 72% tổng chi tiêu cho quảng cáo hiển thị kỹ thuật số và dự kiến đạt 155 tỷ USD.

Công cụ mới của Google sẽ giúp minh bạch chi phí quảng cáo giữa nhà xuất bản và marketer, đảm bảo số tiền mà marketer chi bằng với số tiền nhà xuất bản nhận được. Nhà xuất bản có thể sử dụng tính năng "Revenue Verification Report" (tạm dịch: Báo cáo xác minh doanh thu) để kiểm tra tổng số tiền mà marketer đã chi cho quảng cáo lập trình. Sau đó, nhà xuất bản có thể đối chiếu số tiền trên báo cáo với số tiền thực sự mà mình nhận được để đảm bảo không có khoản phí ẩn nào được thực hiện.


Công cụ "Confirming Gross Revenue" chỉ sử dụng những dữ liệu cần thiết để xác định số tiền mà marketer chi và số tiền nhà xuất bản nhận được. Ngoài ra, tất cả các dữ liệu khác của người dùng vẫn được bảo mật. Tuy nhiên, công cụ này hiện chỉ có sẵn cho các nhà xuất bản sử dụng Google Ad Manager và các quảng cáo được mua thông qua nền tảng Display và Video 360 của công ty. Trong vài tháng tới, Google sẽ liên hệ với các đối tác để mở rộng phạm vi sử dụng công cụ. Nhiều chuyên gia vẫn cho rằng công cụ minh bạch chi phí quảng cáo của Google sẽ củng cố vị thế và uy tín của công ty trong lĩnh vực quảng cáo lập trình.


Hiện nay, các marketer đang tìm kiếm các thông tin chi tiết để hiểu rõ về chuỗi cung ứng quảng cáo và cách mua phương tiện truyền thông hiệu quả hơn. Esra Bacher, đối tác quản lý và trưởng nhóm đầu tư lập trình tại GroupM chia sẻ rằng các sàn giao dịch quảng cáo cần tuân thủ các tiêu chuẩn về minh bạch phí quảng cáo, quyền riêng tư và các vấn đề khác cho marketer.


Theo AdAge


Đón xem tin tức mới nhất về thị trường công nghệ hàng tuần trên fanpage Advertising Vietnam!