Thị trường Fintech Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á với sự gia tăng về số lượng và chất lượng các công ty. Tuy nhiên, cơ cấu ngành hiện tại vẫn chưa đồng đều, chủ yếu tập trung vào mảng thanh toán kỹ thuật số, chiếm 31,1% tổng số công ty Fintech. Dù lĩnh vực này thu hút phần lớn nguồn vốn đầu tư và có sự tăng trưởng ấn tượng, nhiều công ty lớn như MoMo, ShopeePay và ZaloPay vẫn báo lỗ do chi phí thu hút khách hàng cao.


Đối với tỷ trọng thảo luận theo nhóm Ngành Fintech, “Tiền ảo/blockchain” chiếm hơn 79% chứng tỏ sức hút về tiền ảo và blockchain vẫn luôn đạt sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng. Bên cạnh đó, “Thanh toán điện tử” cũng thu về lượng thảo luận chiếm hơn 13% tổng lượng thảo luận trên mạng xã hội với sự kiện 3 ví điện tử phổ biến hàng đầu tại Việt Nam ký kết hợp tác với Tập đoàn Visa.


Với sự kiện ký kết vừa qua, bảng xếp hạng Công ty Thanh toán điện tử theo mức độ phổ biến trên Mạng xã hội có sự tăng trưởng đột biến:

  • Momo sau sự việc vướng phải ồn ào bị khách hàng phản ánh tự kích hoạt 'Ví trả sau' và phát sinh thanh toán không rõ ràng đã quay trở lại dẫn đầu bảng xếp hạng với điểm Total Score cao 121,7. Trong tháng 5, MoMo lần 2 nhận giải Kênh thanh toán được yêu thích nhất do độc giả bình chọn tại Vietnam Game Awards 2024. Và ký kết hợp tác với Công ty cổ phần chứng khoán CV ra mắt sản phẩm Chứng khoán.
  • VTC Pay đạt vị trí với điểm Total Score 42,55. Theo sát MoMo, VTC Pay ghi dấu ấn khi nằm trong top 5 kênh thanh toán được yêu thích nhất, thuộc hạng mục The Golden Gear trong đêm trao giải Vietnam Game Awards. Bên cạnh đó, VTC Pay cũng tạo hình ảnh tích cực khi đồng hành cùng chương trình “Tiếp sức trẻ em khuyết tật tới trường".
  • VNPay vừa qua cũng vướng phải sự cố sập hệ thống bán vé Liveshow My Soul 1981 mùa 3 của Mỹ Tâm dẫn đến điểm sắc thái tiêu cực tăng cao.Trong tháng 5, VNPay cải thiện hình ảnh thương hiệu trên mạng xã hội với sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện cùng Vietcombank và các hoạt động Livestream.



Trong thời gian qua, thị trường fintech Việt Nam đã chứng kiến nhiều sự kiện nổi bật và xu hướng đáng chú ý. Mặc dù việc giao dịch tiền kỹ thuật số vẫn bị cấm tại Việt Nam, số lượng người dân sở hữu và giao dịch tiền số vẫn rất lớn, xếp thứ hai toàn cầu chỉ sau UAE, với khoảng 21 triệu người, chiếm 21,2% dân số. Ngành fintech tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, dự báo đạt giá trị 18 tỷ USD vào năm 2024. Báo cáo về Triển vọng thị trường Fintech toàn cầu 2024 cũng nhấn mạnh rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là xu hướng chủ đạo, ảnh hưởng sâu rộng đến ngành. Ngoài ra, Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển của các lĩnh vực như fintech xanh, blockchain trong chuỗi cung ứng và tài chính phi tập trung (DeFi), cùng với các giải pháp cung cấp vốn linh hoạt cho doanh nghiệp, đặc biệt là các SMEs.