“Cá nhân hóa” trong Marketing: “Share a Coke” trở thành chiến dịch ‘để đời’ của Coca-Cola, VIB tối ưu hóa chi tiêu qua thẻ theo từng phân khúc khách hàng

Xu hướng marketing cá nhân hóa (Personalized Marketing) đã trở thành tiêu chuẩn mới trong hoạt động kinh doanh của các thương hiệu ngày nay. Thay vì chỉ đơn thuần bán sản phẩm, các doanh nghiệp đang tích cực xây dựng những mối quan hệ bền vững với khách hàng. Và yếu tố cốt lõi để làm được điều này chính là việc tạo ra những tương tác cá nhân hóa. 


Ban đầu, chỉ có những doanh nghiệp lớn mới có đủ nguồn lực để thực hiện chiến lược này. Nhưng ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận và tận dụng lợi ích của marketing cá nhân hóa.  



Marketing cá nhân hóa (Personalized Marketing) được hiểu là quá trình tạo ra những thông điệp và trải nghiệm được thiết kế riêng cho từng khách hàng. Bằng việc tận dụng các dữ liệu chi tiết về khách hàng, từ nhân khẩu học đến hành vi trực tuyến, thương hiệu có thể xây dựng những thông điệp và trải nghiệm được "đo ni đóng giày" cho từng người. Quá trình này bắt đầu từ việc thu thập thông tin, sau đó phân tích để hiểu rõ hơn về khách hàng, và cuối cùng là tạo ra các chiến dịch marketing phù hợp và hiệu quả.


Chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Sephora tại Pháp ứng dụng marketing cá nhân hóa, khi áp dụng công nghệ định vị để khách hàng có thể "tự sử dụng" trước mỹ phẩm rồi mới đưa ra quyết định mua hàng 


Mục tiêu cốt lõi của marketing cá nhân hóa là đặt khách hàng lên trung tâm và mang đến cho họ những giá trị thực sự. Thay vì những thông điệp chung chung, doanh nghiệp sẽ tạo ra các nội dung được cá nhân hóa dựa trên sở thích và nhu cầu của từng người. Điều này giúp khách hàng cảm thấy được quan tâm và thấu hiểu, từ đó tăng cường sự gắn kết với thương hiệu. 


Theo nghiên cứu Seasonal Holidays Study năm 2024, do YouGov thực hiện dưới sự ủy nhiệm của Meta, có đến 96% người mua sắm theo dõi các nhà sáng tạo nội dung cho biết họ đã mua một sản phẩm thông qua quảng cáo cá nhân hóa trên mạng xã hội. Họ thậm chí còn sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua các mặt hàng cá nhân hoá. Báo cáo của Statista vào năm 2023 cho biết 81% khách hàng Gen Z ưa chuộng các sản phẩm mang tính cá nhân hóa.


Nghiên cứu của Seasonal Holidays Study chỉ ra rằng người tiêu dùng thích trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa và tin nhắn liên quan 


Các thương hiệu cũng nhanh chóng nhận thấy sự tăng trưởng vượt bậc về doanh số khi cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm cho khách hàng. Theo báo cáo của Exploding Topics vào năm 2023, 89% marketer đã đạt được ROI (Return on investment) tích cực từ việc sử dụng nội dung cá nhân hóa. Hơn nữa, báo cáo của McKinsey cho thấy các công ty đầu tư vào cá nhân hóa sản phẩm và dịch vụ đã tăng trưởng doanh thu lên đến 40% so với đối thủ.


Có thể thấy, khách hàng ngày nay không chỉ đơn thuần tìm kiếm sản phẩm, mà còn tìm kiếm những trải nghiệm mua sắm độc đáo. Và việc cá nhân hóa thông điệp truyền thông chính là cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu đó. Khi nhận được những thông tin phù hợp với sở thích và nhu cầu của mình, khách hàng sẽ cảm thấy được quan tâm và trân trọng, từ đó tăng cường sự gắn kết với thương hiệu. Mặt khác, khách hàng cũng sẽ có xu hướng giới thiệu thương hiệu cho người thân và bạn bè của mình.



Chiến dịch "Share a Coke" của Coca-Cola là một ví dụ điển hình về sự sáng tạo trong tiếp thị cá nhân hóa. Bằng cách in khoảng 800 cái tên phổ biến lên vỏ chai, Coca-Cola đã khơi gợi sự tò mò và khuyến khích khách hàng tìm kiếm những chai có tên của mình. Không dừng lại ở đó, thương hiệu này còn tạo điều kiện cho khách hàng tự do sáng tạo bằng cách cho phép họ tùy chỉnh nhãn chai thông qua một ứng dụng trên Facebook. Sự tương tác hai chiều này đã giúp Coca-Cola tạo nên một cộng đồng người hâm mộ gắn bó và trung thành.


Khởi đầu từ năm 2011 tại Úc và nhanh chóng lan rộng sang 123 quốc gia khác, "Share a Coke" mang đến ý tưởng đầy sáng tạo, khi thay thế logo truyền thống trên chai bằng những tên riêng phổ biến


Bắt đầu từ Úc vào năm 2011, chiến dịch nhanh chóng trở thành một hiện tượng toàn cầu. Chỉ trong một thời gian ngắn, chiến dịch đã lan rộng đến 123 quốc gia. Đến năm 2014, “Share a Coke” tạo nên cơn sốt thực sự tại Việt Nam, trở thành chủ đề được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội. Bằng việc cho phép khách hàng tìm thấy chính mình trên mỗi chai Coca-Cola, chiến dịch đã khơi gợi những cảm xúc tích cực như tò mò, thích thú và thậm chí là sự phấn khích, tạo nên một trải nghiệm mua sắm đáng nhớ.


Tại Việt Nam, chiến dịch “Share a Coke” có tên “Trao Coca-Cola, kết nối bạn bè”, ra mắt từ ngày 09/06/2014 và gây được tiếng vang rất lớn


Dù mang đến trải nghiệm cá nhân hóa cao cho khách hàng bằng việc in tên lên bao bì, Coca-Cola vẫn đảm bảo hiệu quả sản xuất tối đa. Việc lựa chọn những cái tên phổ biến nhất đã giúp công ty duy trì quy trình sản xuất hàng loạt, không gây gián đoạn và tiết kiệm chi phí đáng kể. Nhờ đó, Coca-Cola có thể giữ nguyên mức giá sản phẩm, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận sản phẩm mà không phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào.



Bằng cách phân tích sâu sắc các yếu tố như độ tuổi, hành vi tiêu dùng và thói quen thanh toán của khách hàng, Ngân hàng Quốc tế VIB thiết kế riêng biệt các dòng thẻ phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đối với giới trẻ dưới 30 tuổi, VIB cho ra đời các sản phẩm thẻ tín dụng như Financial Free Online Plus 2in1. Người trẻ có thể thoải mái rút tiền mặt và nhận những ưu đãi hoàn tiền lên đến 6% khi chi tiêu quốc tế và 3% trong nước.


Ở nhóm khách hàng từ 30-35 tuổi, với những cột mốc quan trọng như lập gia đình và nuôi con, nhu cầu chi tiêu thường tập trung vào gia đình. VIB giới thiệu thẻ Super Card, VIB Cash Back Family Link mang đến ưu đãi hoàn tiền đến 15% cho các hoạt động mua sắm trực tuyến, giúp khách hàng tối ưu hóa chi tiêu cho gia đình. Đối với những khách hàng từ 35 tuổi trở lên, nhu cầu trải nghiệm những dịch vụ cao cấp và khẳng định vị thế bản thân là điều tất yếu. Do đó, VIB cho ra mắt thẻ Travel Élite giúp khách hàng tiết kiệm đáng kể chi phí khi chi tiêu ở nước ngoài.


Mỗi loại thẻ của VIB đều có một đặc trưng riêng phù hợp với từng nhu cầu của khách hàng


Với chiến lược cá nhân hóa, hoạt động kinh doanh thẻ của VIB đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Số lượng giao dịch và tổng chi tiêu qua thẻ liên tục tăng cao, lần lượt đạt hơn 8,5 triệu lượt 28.000 tỷ đồng chỉ trong Quý 1/2024. Ở năm 2023, số lượng thẻ VIB đã đạt hơn 710.000 thẻ, cùng với tổng chi tiêu ấn tượng hơn 91.000 tỷ đồng.


Chiến lược cá nhân hóa của Spotify đã giúp nền tảng này trở nên độc đáo và thu hút hàng triệu người dùng trên toàn thế giới. Bằng cách tận dụng thuật toán thông minh, Spotify đã tạo ra những danh sách phát nhạc được cá nhân hóa cao, đáp ứng sở thích âm nhạc của từng người dùng như như “Discover Weekly” hay “Your Top Mixes”. Nền tảng này dựa vào lịch sử nghe nhạc của người dùng để phân tích sở thích âm nhạc, từ đó gợi ý những bài hát mới thuộc cùng thể loại hoặc tạo ra các bản mix độc đáo từ những bài hát yêu thích của người dùng.


Với Discover Weekly của Spotify, người dùng có thể thưởng thức 30 bài hát hợp với sở thích được tổng hợp vào mỗi thứ 2


Vào cuối năm 2020, Oreo đã tạo nên một cơn sốt khi cho ra mắt OreoID trên website, cho phép người dùng tự thiết kế những chiếc bánh Oreo độc đáo theo sở thích cá nhân. Với OreoID, khách hàng có thể thỏa sức sáng tạo, từ việc lựa chọn trong số 8 loại nhân bánh khác nhau, kết hợp với các hạt kẹo màu sắc bắt mắt, cho đến việc thêm hình ảnh và những lời nhắn ý nghĩa. Điều này không chỉ mang đến những chiếc bánh Oreo độc đáo mà còn tạo ra một trải nghiệm mua sắm thú vị và đáng nhớ.




Trong những năm gần đây, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng tạo ra nhiều tác động tích cực trong ngành Marketing. Với khả năng phân tích và học hỏi dữ liệu khổng lồ, AI đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi để cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. Từ việc tùy chỉnh nội dung trang web, email marketing cho đến việc tạo ra các quảng cáo phù hợp với từng đối tượng, AI giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng và cung cấp những giải pháp phù hợp, nâng cao hiệu quả của các chiến dịch marketing.


Việc sử dụng các công cụ như ChatGPT để tạo ra các bài viết hay nội dung cho các chiến dịch email marketing, giúp thương hiệu cá nhân hóa nội dung dựa trên dữ liệu về hành vi và sở thích của người dùng


Thực tế, Personalized Marketing không phải là một khái niệm mới mẻ. Nhiều thương hiệu lớn đã chứng minh được hiệu quả của chiến lược này trong việc chinh phục khách hàng. Để làm được điều đó, điều quan trọng là thương hiệu cần thể hiện sự thấu hiểu và tôn trọng đối với từng khách hàng. 


Hơn hết, một chiến lược tiếp thị cá nhân hóa thành công cũng đòi hỏi thương hiệu phải luôn lắng nghe và phản hồi ý kiến của khách hàng, dù là tích cực hay tiêu cực. Việc này giúp thương hiệu không ngừng cải thiện sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.


Như Quỳnh


Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.


“Cá nhân hóa” trong Marketing: “Share a Coke” trở thành chiến dịch ‘để đời’ của Coca-Cola, VIB tối ưu hóa chi tiêu qua thẻ theo từng phân khúc khách hàng

Như Quỳnh

Như Quỳnh

Content Writer | Advertising Vietnam

06 Thg 09 2024

Lưu

Cùng chuyên mục