Với sứ mệnh kết nối con người trên toàn thế giới, các nền tảng mạng xã hội đã góp phần mở ra những phương thức tiếp cận khách hàng mới mẻ cho nhà tiếp thị, trong số đó có Meme Marketing. Xuất phát từ Meme - nội dung hài hước, thâm thúy được tạo ra dưới dạng GIF, video, bài đăng văn bản và hình ảnh, Meme Marketing đã trở thành một công cụ hữu ích giúp thương hiệu tạo sự gần gũi với khách hàng mục tiêu.


Meme Marketing là hình thức tiếp thị sử dụng meme để quảng bá câu chuyện thương hiệu. Tuy đã tồn tại lâu trong văn hóa sử dụng mạng xã hội và quen thuộc với Millennials và Gen Z, nhưng đến thời gian gần đây, meme mới được sử dụng như một loại hình marketing cụ thể. Với đặc tính dễ lan tỏa trong cộng đồng người dùng, Meme Marketing là một phương thức kết nối và tăng tương tác với khách hàng đơn giản mà không kém phần thú vị. Mời độc giả tìm hiểu thêm về Meme Marketing tại đây.


Một báo cáo về hành vi sử dụng mạng xã hội của YPulse chỉ ra rằng:

  • 55% người thuộc nhóm 13-35 tuổi chia sẻ meme hàng tuần và 30% chia sẻ meme hàng ngày.
  • 74% người dùng gửi meme đến mọi người để cùng nhau giải trí và 53% dùng meme khi bình luận hoặc khi nhắn tin.
  • 38% người dùng theo dõi các tài khoản chuyên đăng tải meme.


Như vậy, đa phần người dùng mạng xã hội có sở thích xem meme như một phương cách để giải trí hàng ngày. Nắm bắt điều này, các marketer đã nhận thấy những tiềm năng mà Meme Marketing có thể đem lại cho thương hiệu khi được thực thi đúng cách.



Thực thi Meme Marketing “trúng insight” sẽ lan tỏa thông điệp thương hiệu nhanh chóng


Người dùng không chỉ tương tác với meme mà còn có xu hướng chia sẻ đến những người dùng xung quanh. Tạo ra được những meme thành công sẽ giúp thông điệp của thương hiệu được lan tỏa rộng rãi, nhanh chóng một cách tự nhiên. Đây là lí do vì sao marketer thường tận dụng loại nội dung sáng tạo và hài hước này trong chiến lược marketing. Ngoài ra, thực thi Meme Marketing không tiêu tốn quá nhiều công sức. Hình thức tiếp thị này giống như một bữa ăn với nhiều thịnh soạn được bày biện sẵn: marketer chỉ cần chọn loại meme phù hợp và gia giảm theo khẩu vị cá nhân - đưa câu chuyện của riêng thương hiệu vào đó. Đồng thời, thương hiệu cần thấu hiểu insight của khách hàng mục tiêu để sáng tạo nội dung meme phù hợp và hiệu quả.


Những điều thương hiệu nên lưu ý để tối ưu Meme Marketing


1. Giữ vững tính chính danh thương hiệu


Meme được lan truyền rất mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp với tính chất của thương hiệu. Vì vậy, marketer nên chọn lọc những meme vừa thể hiện được sự chân thực của thương hiệu vừa đảm bảo tính giải trí đối với khách hàng mục tiêu. 


2. Không công kích bất kỳ cá nhân, tổ chức nào


Thương hiệu cần đảm bảo không sử dụng những meme bao hàm lời chế giễu, lăng mạ hay buộc tội đến bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, bởi điều này có thể mang đến những rắc rối không đáng. Lời khuyên là đừng sử dụng meme nếu chưa suy nghĩ thấu đáo về hàm ý, tính chất của các hình ảnh trong đó.


3. Nắm rõ luật “bất thành văn” của meme


Meme là một công cụ hữu hiệu để đưa thương hiệu đến gần với khách hàng. Dưới đây là một số nguyên tắc ngầm khi sáng tạo meme:

  • Viết thật ngắn gọn và súc tích
  • Không cố thể hiện sự hài hước một cách thiếu tự nhiên
  • Sử dụng chữ có kích thước lớn, dễ đọc
  • Đảm bảo meme gốc vẫn dễ dàng được nhận ra ngay cả khi đã có sự tùy chỉnh cho phù hợp với thương hiệu
  • Không nên cố gắng thay đổi ý nghĩa của meme để tránh gây khó hiểu cho khách hàng
  • Hạn chế đưa CTA (lời kêu gọi hành động) vào meme.


4. Áp dụng ngay khi meme chưa hạ nhiệt


Thời điểm lý tưởng để đăng tải meme là khi nó vẫn còn đang “sốt” trong cộng đồng. Khi sự quan tâm dành cho meme ấy đã giảm xuống, thương hiệu sẽ khó lòng tạo ra được sức hút với khách hàng như kỳ vọng. Bất cứ lúc nào marketer nhận thấy tiềm năng của một meme trong việc truyền tải thông điệp thương hiệu, hãy áp dụng ngay! Đây là thời cơ tốt nhất để kể câu chuyện của thương hiệu và lôi kéo sự tương tác của khách hàng.


5. Chỉ sử dụng khi thực sự hiểu ý nghĩa của meme


Các mẫu meme gốc nổi tiếng có thể giúp thương hiệu truyền tải thông điệp một cách dễ dàng. Do đó, thương hiệu không nhất thiết chạy theo các xu hướng meme khi chưa hiểu ý nghĩa hoặc cách truyền đạt tốt nhất về mặt nội dung. 


Muôn màu Meme Marketing trong cách thương hiệu kể chuyện


Nhiều thương hiệu đã tích cực áp dụng Meme Marketing trên các kênh truyền thông và gặt hái thành công. Cùng điểm qua những sáng tạo của các thương hiệu trong hình thức marketing thú vị này.


1. Kai Collective


“Đó có phải là sản phẩm của Kai Collective không?”, “Đúng vậy!”, “Ok, từ giờ chúng ta là bạn”


Kai Collective - thương hiệu thời trang có trụ sở tại London, Anh đã thêm chữ và hình ảnh sản phẩm áo vào meme gốc để tạo ra phiên bản của riêng mình. Thương hiệu khẳng định một cách dí dỏm: các cô gái cùng yêu thích sự thời thượng của Kai Collective sẽ trở nên đôi bạn “hợp cạ” nhanh chóng.


2. Strong Black Lead của Netflix


Cuộc chiến tâm lý giữa tôi và bộ phim tôi muốn xem với các kế hoạch cuối tuần khác


Đội ngũ truyền thông của Netflix đã làm rất tốt trong việc tạo ra meme riêng cho thương hiệu. Từ ý tưởng của các meme nổi tiếng, Netflix tái tạo chúng bằng những khung hình trong phim dựa trên bối cảnh của meme gốc. Qua đó, Netflix không chỉ tạo ra nội dung “trúng insight” của đa số khách hàng mà còn kết hợp quảng bá bộ phim sắp ra mắt trên nền tảng.


Chiến dịch quảng cáo cho Bird Box — bộ phim kinh dị được sản xuất và phát hành trên Netflix cũng đã sử dụng những meme vui nhộn, dễ hiểu để tiếp cận người xem.


“Sao bạn xem tin nhắn của tôi rồi mà không trả lời vậy?”, “Hả? Ai biết gì đâu?”


3. Gucci


“Khi bạn có đồng hồ mới và phải khoe ngay lập tức”


Thương hiệu thời trang xa xỉ Gucci cũng đã hòa mình vào trào lưu “chế meme” để quảng bá sản phẩm đồng hồ mới và tiếp cận tệp khách hàng Gen Z. Chiến dịch đạt tổng 120 triệu lượt tiếp cận (tính đến năm 2017) và trở thành một trong những case study “kinh điển” khi nói về Meme Marketing.


4. Pepsi



Chiến dịch “Best Coke Ever?” để quảng bá Coke Zero Sugar đã giúp CoCa-Cola nâng doanh số đáng kể, trở thành loại soda bán chạy thứ 7 tại Mỹ trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, Coke Zero Sugar nhận không ít phản ứng trái chiều trên mạng xã hội vì sự đổi mới hương vị. Nhân cơ hội, Pepsi đã “tuyên chiến” với Coca-Cola bằng meme trên nhằm lôi kéo khách hàng “từ bỏ” Coke Zero Sugar để đến với Pepsi Zero Sugar. Động thái này của Pepsi đã khơi mào một “cuộc chiến cola” thú vị và thu về nhiều phản ứng tích cực từ cộng đồng người dùng Twitter.


Giữ sự chừng mực trong Meme Marketing: Vui thôi, đừng vui quá!


Sự kiện tàu Ever Given chắn ngang kênh đào Suez, gây ra tác động xấu đến chuỗi cung ứng thế giới từng là đề tài “chế meme” trên các phương tiện truyền thông. Những tưởng sẽ gây ấn tượng với khách hàng và quảng bá thành công sản phẩm Double Whopper, Burger King lại vô tình gây ra nhiều phản ứng tiêu cực. Xem chi tiết về lần "bắt trend" tai tiếng này tại đây.


Print-ads gây ra làn sóng dư luận tiêu cực cho Burger King


-------

Bài viết có tham khảo các nguồn dưới đây:


Tường Minh | Advertising Vietnam