2023 được đánh giá là một thời điểm khó khăn khi mà “làn sóng” sa thải đang dần lan rộng ở khắp mọi nơi trên thế giới và đến nay vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo dữ liệu từ trang Layoffs.fyi, chỉ tính riêng năm 2023, toàn thế giới đã có hơn 127.000 nhân sự từ hơn 470 công ty công nghệ bị buộc thôi việc.
Thế nhưng, mặc cho những biến động liên tục của thị trường lao động, các doanh nghiệp hiện nay đang bắt đầu đối mặt với một “làn sóng” mới khi hàng loạt nhân sự chủ động rời bỏ công việc của mình. Thực chất, tình trạng nghỉ việc sau Tết Nguyên Đán đã diễn ra trong nhiều năm gần đây và thậm chí phổ biến đến mức mọi người vẫn hay truyền tai nhau “Tháng 3 là mùa nhảy việc”.
Muôn vàn lý do và lo toan phía sau quyết định “nhảy việc” của nhân sự
Lý giải về tên gọi “mùa nhảy việc”, nhiều người cho rằng sau Tết (thường là giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm) là thời điểm hội tụ đủ những yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hoà” phù hợp để các nhân sự tìm kiếm một cơ hội mới.
Trước hết, đầu năm là thời điểm mà các công ty có xu hướng bắt đầu những đợt tuyển dụng mới để đáp ứng nhu cầu mở rộng hoặc thay thế nhân viên cũ. Ở các thời điểm khác trong năm, nhân sự thường có tâm lý e ngại vì số lượng công ty tuyển dụng không nhiều hoặc không có headcount cho vị trí mà mình mong muốn. Trong khi đó, giai đoạn sau Tết lại là lúc mà họ có tâm lý thoải mái hơn khi quyết định nhảy việc bởi các công ty liên tục mở các đợt tuyển dụng mới và tạo nhiều cơ hội hơn cho các ứng viên tìm kiếm môi trường thích hợp.
Đầu năm là dịp nhiều nhân sự nộp đơn xin nghỉ việc với tâm lý "năm mới, khởi đầu mới"
Anh Trung Tín, PR Account Trainee tại TBWA Group Vietnam cho biết thông thường các nhân sự có xu hướng “bám trụ” trong công việc ít nhất là qua tháng 3 để nhận thưởng Tết cùng các khoản lương, thưởng sau một năm cống hiến. Khoản tiền này có thể được sử dụng như một “quỹ dự phòng” hỗ trợ nhân sự trong thời gian tìm kiếm môi trường mới. “Bên cạnh đó, nhiều người vẫn thường chọn dịp đầu năm để ‘reset’ lại bản thân, công việc và bắt đầu những dự định mới. Bản thân mình cũng vừa trải qua một khoảng thời gian hoàn tất thủ tục bàn giao và nghỉ việc sau Tết. Qua thời gian dài làm việc, mình nhận thấy bản thân cần ‘tạm nghỉ’ để tìm hiểu về thế mạnh và những điểm yếu của bản thân, từ đó có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cả về kiến thức, sức khỏe tinh thần lẫn thể chất trước khi thật sự sẵn sàng cho một khởi đầu mới.”, anh nói.
Kể về trải nghiệm của bản thân, chị Huyền Trân, cựu nhân sự tại Aideem JSC chia sẻ: “Sau khi trải qua một kỳ nghỉ Tết kéo dài, ngoài việc nghỉ ngơi và tận hưởng thì mình đã có một khoảng thời gian đánh giá lại sự nghiệp và đưa ra quyết định tốt hơn cho tương lai. 3 tuần kể từ khi quay trở lại làm việc sau Tết, mình quyết định nộp đơn xin nghỉ vì muốn phát triển bản thân ở lĩnh vực mới. Điều bất ngờ là sau khi chia sẻ với đồng nghiệp, mình đồng thời cũng biết được rằng họ cũng có ý định nghỉ việc. Như vậy, trong cùng một thời gian sau Tết, nhân sự tại công ty cũ của mình đều có quyết định ‘ra đi’ hàng loạt.”
"Mặc dù thị trường tuyển dụng sau Tết có sự cạnh tranh gay gắt, mình vẫn quyết định nghỉ việc khi đã cân nhắc thật kỹ mong muốn phát triển của bản thân", chị Huyền Trân chia sẻ
Cảm giác “nhẹ nhõm” hậu nghỉ việc của nhân sự thường đi kèm với muôn vàn nỗi lo và áp lực khác khi thị trường tuyển dụng sau Tết diễn ra không kém phần sôi động và mang tính cạnh tranh vô cùng gay gắt. Theo báo cáo của công ty tư vấn Mercer, trong năm 2021, có đến 75% doanh nghiệp tại Việt Nam tuyển dụng mới sau Tết, đặc biệt là ở các lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ và sản xuất. Điều này đã tạo ra những áp lực cho phía nhân sự bởi số lượng vị trí tuyển dụng có thể sẽ không đủ để đáp ứng số lượng các ứng viên đang tìm việc ngoài kia.
Ngoài câu chuyện cạnh tranh, bản thân nhân sự trong mùa nhảy việc cũng thường xuyên trong trạng thái “quay cuồng” và bận rộn với “vòng lặp” tìm việc - ứng tuyển - phỏng vấn. “Trước khi nghỉ việc mình có rất nhiều thứ để lo, từ việc lập kế hoạch phát triển bản thân cho đến cùng lúc tìm hiểu rất nhiều công ty để cân nhắc và lựa chọn. Đến lúc bắt đầu tìm việc mới, mình gần như bị ‘choáng váng’ trước loạt thông tin tuyển dụng dày đặc. Bản thân mình phải tự sàng lọc các công ty phù hợp. Để tăng khả năng trúng tuyển, mình cũng phải điều chỉnh CV cho phù hợp với mỗi công ty trước khi gửi. Vào những ngày đó, mình cứ gửi CV rồi tham gia phỏng vấn gần như liên tục. Bất chấp những khó khăn đó, mình vẫn quyết tâm nghỉ việc để có một khởi đầu mới đúng đắn hơn với định hướng nghề nghiệp của mình.” - chị Huyền Trân chia sẻ.
Nhà tuyển dụng đau đầu đối phó với “làn sóng” nghỉ việc
Đồng tình với nhận định “tháng 3 là mùa nhảy việc”, anh Thái Trương, Recruitment Consultant cho biết: “Quan sát từ phía nhà tuyển dụng cho thấy sau Tết là khoảng thời gian mà nhiều cá nhân có xu hướng tìm kiếm cơ hội việc làm mới, bằng chứng là các group tuyển dụng nhận được rất nhiều đơn xin việc ở nhiều ngành nghề khác nhau, nền tảng LinkedIn cũng đồng thời chứng kiến nhiều nhân sự chuyển sang trạng thái ‘open to work’ (tìm kiếm việc làm)”.
Anh Thái Trương cho biết người lao động trẻ ngày nay có xu hướng chú trọng nhiều hơn đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, góp phần khiến tình trạng "nhảy việc" diễn ra thường xuyên hơn
Nghỉ việc sau Tết vốn là một hiện tượng không mới trong những năm gần đây. Trong khi nhiều nhân sự mang trong mình tâm lý “năm mới, khởi đầu mới”, một số nhà tuyển dụng lại cảm thấy khoảng thời gian sau Tết là một “cơn ác mộng” khi phải liên tục đi tìm lời giải cho “bài toán” tìm người. Theo anh Thái Trương, sau Tết là giai đoạn mà rất nhiều dự án và kế hoạch của các công ty được triển khai. Vì thế, việc nhân sự hiện tại xin nghỉ sẽ ít nhiều ảnh hưởng, làm chậm tiến độ công việc của các bộ phận chuyên môn. Đồng thời, bộ phận HR cũng phải đối mặt với một “bài toán khó” khi phải đầu tư thời gian vào việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới để phù hợp với các dự án hiện tại. Điều rủi ro hơn là những nhân viên mới trong giai đoạn đang thử việc cũng có nguy cơ bỏ việc bất cứ lúc nào nếu cảm thấy không phù hợp. Hệ quả là tất cả các bộ phận đều phải bắt đầu quy trình tuyển dụng lại từ đầu.
Anh Nguyễn Danh Thành, CEO tại một agency chuyên cung cấp dịch vụ quảng bá cho các thương hiệu thuộc khu vực Đại học Quốc gia (Thủ Đức) cho biết những năm trước đây, anh từng chứng kiến nhiều nhân viên của mình bày tỏ nguyện vọng thôi việc sau kỳ nghỉ Tết. “Đôi khi lỗi không nằm ở công ty mà xuất phát từ chính mong muốn thay đổi môi trường làm việc và tìm kiếm cơ hội tốt hơn của nhân sự. Ở cương vị một người quản lý, tôi hoàn toàn hiểu và tôn trọng quyết định từ phía nhân sự của mình. Điều tích cực là các nhân sự này đều ‘ra đi’ với một tinh thần đầy thiện chí và có trách nhiệm. Nhờ đó mà công ty có cơ sở để tiến hành những quy trình tuyển dụng mới và bảo đảm việc vận hành được diễn ra trơn tru, hiệu quả”, anh bày tỏ.
"Mùa nhảy việc" là một thách thức lớn đối với các nhà quản lý khi phải luôn có kế hoạch về mặt nhân sự để đảm bảo hiệu suất công việc
Đối với một môi trường có nhịp độ nhanh và thường xuyên có sự luân chuyển nhân sự như lĩnh vực quảng cáo, anh Nguyễn Danh Thành chia sẻ rằng bản thân luôn có sự tính toán và sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra, bao gồm việc lên chiến lược sử dụng nhân sự ngắn hạn, thuê ngoài (outsource) hay liên kết với các đơn vị cung cấp giải pháp nhân sự để đối phó với “làn sóng” nghỉ việc sau Tết và tiết kiệm thời gian, công sức cho mỗi đợt tuyển dụng.
Minh hoạ: Huy Mai
Nội dung: Thảo Vy - Thanh Thanh