Hoạ sĩ 10 tuổi Đức Sinh: Theo gia đình du mục để mỗi vùng đất là một nguồn cảm hứng mới

Mới đây, Maybe This Art Should Be Known đăng tải một bộ sưu tập tranh vẽ minh họa bằng màu nước. Chỉ trong vòng 1 ngày, bộ tranh thu hút 1,5 nghìn lượt thích và những bình luận khen ngợi về nét vẽ. “Khi xem những nhân vật nguệch ngoạc trong tranh, tôi tưởng tượng ra cả một bộ phim hoạt hình”, hay “Biểu cảm các nhân vật đa dạng và độc đáo, như thể mỗi bức hình đều có một cốt truyện riêng”, một số bình luận để lại dưới bộ sưu tập. Người cầm cọ phía sau bộ tranh đó là Đức Sinh, cậu bé 10 tuổi theo gia đình du mục và thực hành nghệ thuật ở mọi nơi mình đặt chân tới. 



Đức Sinh là một unschool boy và dành toàn thời gian cho lĩnh vực nghệ thuật. Em thử nghiệm nhiều thể loại khác nhau như vẽ minh hoạ, lắp ráp mô hình trên đa dạng chất liệu bao gồm giấy, cát, phấn tiên, đất sét, giấy lụa, bìa carton. Mỗi tác phẩm của Đức Sinh là một thế giới, mà qua đó, những nhà sáng tạo “người lớn” chợt nhớ lại những vẻ đẹp vốn đã trôi vào quên lãng. 

 


Đức Sinh đam mê sáng tạo, thậm chí cả khi em còn chưa biết định nghĩa sáng tạo là gì. Bắt đầu vẽ từ năm 4 tuổi, Đức Sinh có thói quen mang theo giấy bút mỗi lần ra ngoài để “gặp cảnh vật đẹp, hình ảnh hay ho” thì vẽ lại. Thói quen đó tập cho em khả năng quan sát, để ý đến mọi chuyển động đời sống đang diễn ra xung quanh. Đó có thể là đồi núi, ngọn hoa, là một người em vừa gặp qua, hay một đêm trăng sáng sao khi em vừa tản mát. Một đứa trẻ thì dễ thẩm thấu và rung cảm trước những vẻ đẹp, và điều đó đúng với Đức Sinh khi mỗi sự vật đối với em đều có thể khơi mào sáng tạo. 



Cũng giống như những nhà sáng tạo "người lớn", Đức Sinh có những thói quen riêng của mình trước khi vẽ tranh, lắp ráp mô hình hay làm bất cứ công việc sáng tạo nào. Chẳng hạn với tranh vẽ, Đức Sinh và mẹ sẽ cùng chọn không gian như đồi núi, sông suối, rừng cây, miễn là phù hợp để có được những cảm hứng. Âm nhạc cũng là một “cây cầu” đưa em vào thế giới sáng tạo. “Em không thích nghe nhạc thiếu nhi. Thỉnh thoảng nghe nhạc hoà tấu, pop hay Đen Vâu trong khi vẽ”, đó là cách mô tả về tâm hồn lớn của Đức Sinh. 


“Nhà thực hành” tí hon Đức Sinh xem sáng tạo là hơi thở, vì em làm nó mỗi ngày, không gượng ép, không gồng mình. Mọi ý tưởng, cảm hứng và cả những thao tác tay đều đến với em rất tự nhiên. Học vẽ từ mẹ - vốn là hoạ sĩ, Đức Sinh được sống trong nghệ thuật mỗi ngày. Em chơi và học ở xưởng Art HAI VE CHAI của gia đình, nơi bố mẹ mở lớp dạy vẽ cho trẻ em. Em lớn lên với những tác phẩm đẹp, ngồi nghe bạn bè, bố mẹ nói những câu chuyện về nghệ thuật và sáng tạo. Có thể nói, Đức Sinh chính là một ví dụ cho việc “Tạo môi trường tiếp xúc với nghệ thuật mỗi ngày chính là cách tốt nhất để giỏi lên”. 



Sáng tạo như hơi thở. Một nhà sáng tạo có thở ra thì phải có hít vào. Với Đức Sinh, để tạo ra một sản phẩm sáng tạo có hồn thì việc chọn thẩm thấu điều gì vào người rất quan trọng. Đức Sinh được nghe những câu chuyện về nghệ thuật, được nhìn thấy công việc mỗi ngày của mẹ. Và điều đó đã làm nên chất sáng tạo của riêng em. 



Ngoài ra, khoảng thời gian trải nghiệm thực tế đã cho em vốn sống đa màu sắc hơn ở độ tuổi vừa bước sang 10. “Em là một unschool boy và dành toàn thời gian cho vui chơi, sáng tạo nghệ thuật. Em đang trong cuộc hành trình du mục của gia đình. Có lúc em ở giữa rừng núi, có lúc em đặt chân tới những vùng nông thôn xa xôi”, câu viết mô tả lại hành trình của Đức Sinh trong việc nuôi dưỡng tâm hồn sáng tạo. 


“Mỗi khi Đức Sinh theo gia đình đến một chỗ ở mới thì khoảng thời gian đó sẽ tính bằng tháng chứ không phải ghé chơi 1 2 ngày rồi về. Chính vì vậy, em được trải nghiệm thực tế, tiếp xúc và quan sát thiên nhiên. Em thẩm thấu và khám phá xúc cảm của mình cho những sự vật đó. Khi có nền tảng tốt về nghệ thuật rồi, một người sáng tạo dù là người lớn hay trẻ con vẫn cần thêm cảm nhận về thực tế nữa. Hai điều đó cộng hưởng lại với nhau mới tạo ra một tác phẩm chứa đựng nội hàm và giá trị tâm hồn cao”, mẹ Đức Sinh, cũng là một hoạ sĩ cho biết.  


Bộ tranh mới nhất vẽ trên chất liệu phấn tiên chính là một ví dụ cho sự cân bằng giữa phần hồn và kỹ thuật vẽ chắc tay. Đó là bức tranh Ngài chủ tịch với con gà trống oai vệ ngậm điếu tẩu, là Bé Già với nhân vật chính là chú ếch xanh khoanh hai tay. Theo chia sẻ của gia đình, Đức Sinh tập trung nuôi dưỡng cảm xúc trước, rồi sau đó mới hình thành quy trình và kỹ thuật. “Sự hồn nhiên rất quan trọng. Vẽ đẹp không phải là ưu tiên số một đối với trẻ con. Một tâm hồn đẹp, trong sáng, thuần khiết là điều cần nuôi dưỡng và giữ gìn ở các con.” 



Nhắc đến câu chuyện “unschool", ba mẹ Đức Sinh cho rằng đó chỉ là một phương pháp giáo dục. “Trong hệ thống giáo dục sẽ có hai hướng đi: Một là đào tạo cho những đứa trẻ lớn lên đủ kiến thức và kỹ năng để phục vụ một nhu cầu nào đó của xã hội. Hai là, mỗi một đứa trẻ sinh ra thì nên tìm thấy nội lực bên trong và biến nội lực đó thành đam mê. Khi lớn lên, chúng được sống đúng với đam mê của mình mà không phải loay hoay đi tìm”. 





Thời điểm vàng để nuôi dưỡng trí sáng tạo chính là trước 10 tuổi. Đến độ tuổi 9,10, bản ngã đang bắt đầu hình thành và khó nuôi dưỡng được nội lực. Một đứa trẻ tiếp cận nghệ thuật - sáng tạo sẽ khác hẳn với người lớn. “Trẻ con thì tò mò, thích khám phá, và mọi thứ chúng tiếp nhận hoàn toàn trong sáng, tự nhiên không qua một lăng kính phán xét nào. Trong khi đó, người lớn tiếp cận sáng tạo bằng Trí, bằng những kiến thức hiểu biết trước đó. Họ đã trải qua một quá trình dài nghe người khác chỉ dạy cái nào là đẹp, cái nào là xấu, sáng tạo là gì, và sáng tạo thế nào thì hay. Dần dà, họ mất dần sự tự do trong sáng tạo”. 


Nói về hành trình nuôi dưỡng nội lực từ câu chuyện của Đức Sinh, anh Trần Thế Phục (bố của bé) nói rằng sẽ gồm 3 bước lớn: 



  • Tìm ra nội lực: Nội lực ở đây chính là năng khiếu. Một công việc mà bạn làm dễ dàng, không gượng ép, không cần nỗ lực. 


  • Biến nội lực thành đam mê: Tạo môi trường cho con thực hành, rèn luyện và phát huy năng khiếu. Luôn truyền cảm hứng và cổ vũ động viên để con đam mê với việc con làm. 


  • Động viên, cổ vũ cho đam mê và sự thành công của con để con được sống trọn vẹn với đam mê đó.


Nhìn nhà chế tác “tí hon” Đức Sinh, có lẽ nhiều người làm nghệ thuật sực nhớ ra rằng, họ từng có một thời sáng tạo vì tâm hồn chứ không dùng nhiều trí óc. 



Hoạ sĩ 10 tuổi Đức Sinh: Theo gia đình du mục để mỗi vùng đất là một nguồn cảm hứng mới

Hằng Trần

Hằng Trần

Content Creator | Advertising Vietnam

13 Thg 11 2022

Lưu

Cùng chuyên mục