Thăng chức là một trong những mục tiêu quan trọng của nhiều nhân sự trên con đường phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, đối với một số người, việc được đề bạt lên chức vụ cao hơn lại giống như “lời nguyền” chấm dứt chuỗi ngày vô tư, thoải mái của họ ở vị trí công việc quen thuộc. 


“Bị” thăng chức, nhân sự từ chối vì “sai thời điểm”


Thông thường, ở những cấp bậc dưới Manager, nhân sự có thể mất trung bình từ 1 đến 2 năm để được đề bạt lên vị trí cao hơn. Tuy nhiên, con số này cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố liên quan đến kỹ năng, môi trường làm việc, khả năng phát triển và sự cố gắng của mỗi người. Khi promote (thăng chức) đến vào thời điểm chưa “chín muồi”, một số nhân sự sẽ có xu hướng từ chối lời đề nghị vì chưa sẵn sàng đảm đương trách nhiệm mới.


Anh Thừa Hòa - Digital Marketing chia sẻ: “Sau 5 tháng làm việc chính thức ở vị trí Digital Marketing Executive, mình được đề xuất lên làm Senior. Ban đầu, mình rất vui và tự hào khi những cống hiến, đóng góp và thành tích cá nhân được ban quản lý ghi nhận. Tuy nhiên, những băn khoăn về vị trí mới, trách nhiệm mới cũng đồng thời xuất hiện. Mình cảm thấy chưa đúng thời điểm để giữ một chức vụ cao hơn nên đã từ chối thăng chức. Hiện tại, mình vẫn muốn dành nhiều thời gian hơn cho bản thân để làm những việc yêu thích, chẳng hạn như học thêm một kỹ năng mới hoặc ngôn ngữ mới. Ngoài ra, mình cũng đang chạy những dự án cá nhân.”


Được đề bạt khi bản thân còn nhiều dự định dang dở, anh Thừa Hòa lựa chọn từ chối cơ hội thăng tiến này vì muốn dành nhiều thời gian hơn cho cuộc sống cá nhân


Ngoài ra, một số nhân viên còn e ngại thăng tiến vì sợ vướng vào những thị phi chốn công sở. Chị Bảo Châu - Graphic Design Manager cho biết: “Những rào cản tâm lý trong việc thăng tiến có thể đến từ nhiều yếu tố. Chẳng hạn như nhân sự sợ mất đi tính hòa nhập của team vì những ‘drama’ về việc ai xứng đáng hơn trong công sở. Mình từng biết một bạn mới ra trường khoảng hơn một năm thì được promote lên làm Content Leader. Tuy nhiên, bạn ấy đã từ chối cơ hội này vì những anh chị khác trong nhóm đã ‘lời qua tiếng lại’ sau lưng.”


Đề bạt là "cơ hội" hay "gánh nặng"?


Những nỗi lo về khả năng thích ứng với nhiệm vụ được giao, sự thay đổi đột ngột trong vai trò và trách nhiệm khiến lời đề bạt dễ trở thành gánh nặng, thay vì là một cơ hội tốt đối với sự nghiệp của nhiều người. Dù chần chừ, hoang mang trước quyết định đề bạt, không phải nhân sự nào cũng đủ quyết tâm để từ chối những cơ hội thăng tiến tốt. Sau một khoảng thời gian đảm đương vị trí mới, các nhân sự đã có thêm thời gian để nhìn nhận về những nguyên nhân đằng sau nỗi sợ thăng tiến.


Làm việc ở vị trí Junior Copywriter khoảng một năm trước khi được đề bạt, chị Thảo Anh - Senior Copywriter chia sẻ: “Nhận được tin bản thân có cơ hội lên một trí cao hơn, cảm xúc của mình là hơi bất ngờ, thậm chí còn không hiểu vì sao mình lại được thăng chức. Bởi vì ở thời điểm ấy, mình đang thoải mái với vị trí công việc hiện tại, không quá nhiều áp lực mà mức lương cũng phù hợp, chỉ cần làm đúng và đủ những gì mình được giao. Bên cạnh đó, mình không muốn chịu trách nhiệm cũng như buộc phải xử lý những điều vượt ngoài tầm kiểm soát.”


Cùng chung nỗi sợ phải gánh thêm trách nhiệm khi “bị” thăng chức, chị Thu Hiền - Marketing Manager tại HTG cho biết: “Trước kia, ở vị trí là một nhân viên Marketing tổng hợp, mình đã quen với việc ‘chinh chiến’ độc lập. Do đó, khi được sếp đề nghị tự tuyển và training thêm 1-2 bạn intern sau hơn một năm làm việc, mình có phần chần chừ, không muốn làm leader vì càng lên cao, nhân sự sẽ càng có nhiều ‘nghĩa vụ’. Thay vì chỉ quản lý công việc cá nhân, mình còn phải chịu trách nhiệm cho cả một tập thể. Điều này khiến mình cảm thấy bị áp lực do chưa trang bị đủ kỹ năng mềm.” 


Một nguyên nhân khác của hội chứng trì hoãn thăng tiến, chị Bảo Châu cho rằng, đó chính là nỗi sợ khi “bơi” ra khỏi vùng an toàn, lo rằng bản thân chưa đủ năng lực, trách nhiệm để làm tốt công việc, cũng như được sự công nhận của những nhân viên khác. “Hoặc đơn giản hơn là vì các nhân sự thích guồng công việc hiện tại và không muốn có thêm áp lực. Không phải chỉ Gen Z mới có suy nghĩ này, các nhân sự thuộc thế hệ 9x hay 8x cũng thế. Họ muốn tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Đây là lựa chọn riêng về sự nghiệp của mọi người,” chị cho biết. 


Theo chị Bảo Châu, nhân sự không nhất thiết phải "ép" bản thân chấp nhận thăng tiến, vì đây là quyết định riêng đối với sự nghiệp của mỗi người


Niềm vui thời “làm lính” và cơ hội mới khi “làm quan”


Sự thay đổi về chức vụ luôn mang lại nhiều tác động đến cuộc sống và công việc của các nhân sự. Đặc biệt, trong giai đoạn mới được thăng tiến, một số người thường khó tránh khỏi cảm xúc lưu luyến đối với vị trí công việc cũ. Chị Bảo Châu chia sẻ: “Mình nhớ cảm giác được cầm bút vẽ lên wacom, được ra ngoài cùng team ‘chinh chiến’. Còn khi lên leader rồi, mình thường phải ‘chôn chân’ với những cuộc họp bất tận. Nhất là trong dịp đầu năm cần reset lại kế hoạch, cả tháng mình chỉ ra vào cửa phòng họp mà thôi. Bên cạnh đó, mình còn bắt đầu nhận thấy rõ những ranh giới nhất định. Các bạn nhân sự mới vào đang trò chuyện vui vẻ, trông thấy mình thì tự dưng trở nên nghiêm túc. Những cuộc tám chuyện với đồng nghiệp cũng dần không còn nữa.”


Còn đối với chị Thu Hiền, điều đáng nhớ nhất khi còn là một nhân viên chính là “đặc quyền” được suy nghĩ đơn giản, chỉ quản lý chính mình, không phải lo toan chuyện người khác. Nhưng với vai trò của một leader, chị cần tự ý thức trang bị một phong thái chuẩn, tư duy cũng phải sâu rộng hơn. “Mình đã sống và làm việc kỷ luật hơn, đi làm sớm hơn, làm việc kỹ tính hơn. Bởi vì nếu muốn quản lý người khác thì chính mình phải trở thành phiên bản chuẩn chỉnh nhất có thể. Người quản lý đâu thể đòi hỏi nhân viên không được đi trễ, trong khi chính mình còn chưa thể đi làm sớm.”


Thăng chức là một bước tiến lớn để các nhân sự có thêm cơ hội phát triển bản thân và thử sức ở những vai trò quan trọng hơn


Bên cạnh những lưu luyến thời còn “làm lính”, các nhân sự cũng có cho mình nhiều trải nghiệm mới mẻ ở chức vụ cao hơn. Chị Bảo Châu đã được tham gia vào các vấn đề có tính vĩ mô hơn, gặp gỡ thêm nhiều “cá lớn” trong ngành. Đối với chị, lên chức không phải chỉ dừng lại ở việc áp dụng và truyền đạt kinh nghiệm của bản thân cho cấp dưới, mà còn phải học hỏi, lắng nghe, tiếp thu nhiều hơn.


Trải qua một khoảng thời gian thích nghi với vị trí mới, chị Thu Hiền chia sẻ: “Mình được tiếp xúc với nhiều đối tác là quản lý hay chủ doanh nghiệp. Việc được giao lưu, học hỏi với những người giỏi hơn đã giúp mình phát triển rất nhiều, cả về suy nghĩ, thế giới quan, lẫn lộ trình sự nghiệp hiện tại.” 


Sau một thời gian làm việc, những cơ hội thăng tiến sẽ luôn mở ra cho những nhân sự có thành tích và khả năng xứng đáng. Vậy đâu là thời điểm mà họ sẽ gạt bỏ những lo ngại về trách nhiệm, áp lực để hoàn toàn sẵn sàng cho một chức vụ cao hơn? Chị Thu Hiền cho biết: “​​Đối với mình, thời điểm không quan trọng, thứ quyết định nhân sự có sẵn lòng thăng chức hay không chính là tâm lý mỗi người. Bởi vì nếu cơ hội đến nhưng bản thân không đón nhận, sợ hãi và chùn bước, thì nhân sự sẽ không bao giờ đủ sẵn sàng. Để có thể chủ động nắm bắt cơ hội thay vì bị động đón nhận như trước, mình đã phải lên lộ trình phát triển cho bản thân, cũng như những kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cần phải trang bị thêm.”


Nội dung: Phương Anh

Minh hoạ: Huy Mai