Theo báo cáo của Nielsen Media Research, thế giới đang có hơn 500.000 thương hiệu với 2.000 danh mục sản phẩm. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt, làm thế nào để thương hiệu có thể gây ấn tượng và khắc sâu hình ảnh của mình trong tâm trí khách hàng? Câu trả lời nằm ở bộ nhận diện hình ảnh (visual identity), bởi việc sở hữu bộ nhận diện nhất quán có thể giúp thương hiệu tăng khả năng cạnh tranh hơn gấp 3,5 lần.
Bộ nhận diện hình ảnh là gì?
Bộ nhận diện hình ảnh là sự thể hiện trực quan của một thương hiệu, bao gồm những yếu tố như:
- Thiết kế đồ họa - Phông chữ
- Logo
- Bảng màu
- Thiết kế cửa hàng
- Bao bì
- Đồng phục
- Tờ rơi/tài liệu quảng cáo
- Biển quảng cáo
- Các ấn phẩm truyền thông và Print ads
Chuyên gia xây dựng thương hiệu của Influence Tree đã chia sẻ về tầm quan trọng bộ nhận diện hình ảnh đó là “khuếch đại thông điệp của thương hiệu, giúp người tiêu dùng có lý do tại sao họ nên tin tưởng vào sản phẩm và thương hiệu".
Hệ thống nhận diện của Uniqlo được “bản địa hóa” dựa trên đặc tính của tiếng Việt
Theo Adobe, cốt lõi của bộ nhận diện thương hiệu nằm ở logo, màu sắc và type.
- Màu sắc: Bảng màu của doanh nghiệp cần phải phù hợp với những gì mà họ đang cố gắng truyền tải. Một nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu màu sắc CCICOLOR cho biết, 62% đến 90% quyết định của người tiêu dùng dựa trên màu sắc. Chẳng hạn như Hermès đã chọn màu cam để đại diện cho những sản phẩm thời trang xa xỉ của thương hiệu.
- Logo: Logo là sản phẩm trực quan bao gồm hình ảnh hoặc chữ, hoặc kết hợp cả hai nhằm giúp khách hàng nhận dạng thương hiệu và góp phần truyền tải sứ mệnh của thương hiệu.
- Type: Trong thiết kế, type được hiểu là con chữ. Tỷ lệ con chữ, phông chữ và cách sắp xếp văn bản cũng ảnh hưởng đến bộ hình ảnh nhận diện của thương hiệu.
Starbucks gắn liền với hình ảnh “nàng thơ” Siren và màu xanh lá cây đặc trưng
Nhìn chung, hệ thống hình ảnh nhận diện chính là những gì người tiêu dùng nhìn thấy về thương hiệu trong đời sống hàng ngày. Xây dựng hệ thống hình ảnh nhất quán không chỉ giúp thương hiệu tạo được sự khác biệt trên thị trường cạnh tranh mà còn thể hiện tính chuyên nghiệp, từ đó nâng cao nhận thức của khách hàng về thương hiệu. Bộ nhận diện còn là công cụ quảng bá hữu hiệu, tạo điều kiện cho thương hiệu tiếp cận đối tượng mục tiêu.
Làm thế nào để xây dựng hệ thống hình ảnh nhận diện hiệu quả?
1. Xác định bản sắc thương hiệu
Brand Essence, hay còn gọi là bản sắc thương hiệu, là tập hợp các khái niệm như giá trị cốt lõi, sứ mệnh và tầm nhìn thương hiệu để xác định những gì thương hiệu đại diện và hướng tới trong tương lai. Hầu hết các thương hiệu lớn đều có một bản sắc riêng biệt. Nhờ bản sắc thương hiệu, doanh nghiệp có thể miêu tả được tính cách, vai trò của mình một cách nhất quán và chân thực. Qua đó, họ sẽ gợi lên suy nghĩ, cảm xúc và xây dựng lòng tin, lòng trung thành của khách hàng.
Đơn cử như Spotify luôn sử dụng những tông màu nổi bật, tươi vui như xanh lá, xanh mint, tím hồng để thể hiện phong cách đặc trưng của họ. Điều này đã được thể hiện xuyên suốt từ nền tảng ứng dụng, billboard quảng cáo đến các ấn phẩm. Thay vì chỉ là một dịch vụ công nghệ phục vụ các bài hát, mục tiêu của Spotify là truyền tải sự phong phú và sống động như nền văn hóa âm nhạc mà họ mang đến, đồng thời thể hiện khả năng giao tiếp với khán giả theo những cách thức đa dạng hơn.
Mục tiêu của Spotify là truyền tải sự phong phú và sống động như nền văn hóa âm nhạc mà họ mang đến cho khán giả
2. Nắm bắt các nguyên tắc thiết kế
Hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong cách người tiêu dùng nhìn nhận về thương hiệu. Vì thế, chúng cần được xây dựng dựa trên những nguyên tắc thiết kế bài bản, đơn cử như quy tắc về màu sắc, bố cục, kích thước để tạo nên hình ảnh chỉn chu và chuyên nghiệp.
Một ví dụ về Analogous color combinations (Phối màu tương đồng): Kết hợp từ 2 đến 5 màu nằm liền kề nhau trên vòng tròn màu
Tetradic color combinations (Phối màu chữ nhật): Kết hợp từ 2 cặp màu tương phản thành một hình chữ nhật
3. Sáng tạo một câu chuyện
Người tiêu dùng có xu hướng tin vào những câu chuyện có thật và hành động thực tế hơn là những lời nói hoa mỹ. Đó là lý do vì sao những hình ảnh nhận diện nên tập trung vào khai thác câu chuyện về thương hiệu. Một câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn sẽ khiến khách hàng ghi nhớ và nhận diện thương hiệu tốt hơn. Và quan trọng là họ thực sự đồng cảm cũng như quan tâm đến thương hiệu như những người bạn.
Trong lần tái định vị thương hiệu lần 2, Viettel đã lựa chọn màu đỏ là màu sắc chủ đạo cho thương hiệu để tạo ấn tượng nổi bật và trẻ trung sau khi nghiên cứu thị trường. Màu đỏ của chữ Viettel mang ý nghĩa của màu cờ sắc áo và tình yêu đất nước. Logo cũng được sử dụng cách viết thường nhằm thể hiện sự cởi mở, thân thiện. Hai dấu ngoặc kép lớn được lược bỏ nhằm thể hiện sự cởi mở, kết nối, cộng hưởng. Thông qua lần tái định vị thương hiệu này, Viettel cũng chuyển mình trở thành nhà cung cấp dịch vụ số thực sự.
Bộ nhận diện thương hiệu mới của Viettel được ra mắt vào tháng 1/2021
4. Thống nhất phong cách
Đối với một thương hiệu nhỏ, việc duy trì tính nhất quán về mặt hình ảnh rất đơn giản. Tuy nhiên, khi nhu cầu quảng bá thương hiệu ngày càng tăng, các sự kiện, chiến dịch sẽ diễn ra liên tiếp có thể gây ra nhiều khó khăn cho bộ phận Creative và Design duy trì sự thống nhất trong phong cách hình ảnh của thương hiệu. Vì thế, một bản hướng dẫn về phong cách thương hiệu (brand guideline) trên hệ thống doanh nghiệp có thể giúp đội ngũ sáng tạo và thiết kế bám sát và nhất quán trong hình ảnh hơn.
5. Điều chỉnh hình ảnh theo từng phương tiện truyền thông
Theo một nghiên cứu, 86% các marketer đồng ý rằng phương tiện truyền thông là yếu tố quan trọng khi lựa chọn hình ảnh cho các chiến dịch. Mỗi nền tảng đều có một "luật chơi" riêng, đòi hỏi marketer phải nắm rõ yêu cầu về chất lượng nội dung hay thông số hình ảnh để tối ưu hoá hiện diện của thương hiệu: TikTok phổ biến với hình thức video ngắn, Instagram có thế mạnh về hình ảnh, stories, trong khi Facebook lại nổi bật với các activation (phương thức kích hoạt thương hiệu) trực tuyến. Vì thế, tùy vào từng kênh mà các nhà thiết kế cần điều chỉnh màu sắc, phông chữ, kích thước,... xuất hiện nhất quán trên tất cả các kênh của thương hiệu.
Đơn cử như Airbnb luôn truyền cảm hứng cho khách hàng thực hiện những cuộc phiêu lưu, du lịch bằng cách đăng tải những hình ảnh về các địa điểm du lịch ở khắp nơi trên thế giới. Tùy theo từng kênh (website, Instagram, Facebook,...), Airbnb sẽ sử dụng những hình ảnh có kích thước phù hợp để truyền tải thông điệp.
Ảnh từ website của Airbnb
Ảnh từ Instagram của Airbnb
--------------------
Bài viết có tham khảo các nguồn dưới đây:
- Why Your Brand Needs A Strong Visual Identity [+ 5 Examples to Inspire You]
- What’s In A Brand? How To Define Your Visual Identity
Kim Ngọc / Advertising Vietnam