Tuyển dụng nhân sự là một quy trình gồm nhiều bước khác nhau, kéo dài từ vòng lọc CV đến tiến hành phỏng vấn, gọi điện trao đổi và cân nhắc gửi offer (thư mời nhận việc). Tuy nhiên, quy trình này không phải lúc nào cũng đi đến kết thúc tốt đẹp vì sẽ có những trường hợp cả nhân sự lẫn HR quay sang… “ghost” nhau. 


Nhân sự nhận “cú lừa” trước ngày đi làm


“Ghosting” là hành động ngắt liên lạc và biến mất mà không để lại lời giải thích nào. Từ một hiện tượng phổ biến trong các mối quan hệ tình cảm, “ghosting” bỗng xuất hiện nhiều hơn trong quy trình tuyển dụng. Theo kết quả khảo sát thực hiện vào năm 2021, có 75% trong số 1.500 người lao động toàn cầu tiết lộ rằng họ từng bị công ty “ghost” sau khi phỏng vấn, hay hiếm hoi hơn là ngay trước ngày on board (ngày đầu tiên nhận việc). 


25% người tìm việc cho biết họ ngắt liên lạc với nhà tuyển dụng ngay sau vòng phỏng vấn đầu tiên


Ngọc Huỳnh, Junior Content Writer kể lại rằng bản thân từng nhận “vố lừa" từ công ty. “Mọi thứ vẫn diễn ra suôn sẻ theo hình thức, cuộc phỏng vấn vẫn tốt đẹp và mình thậm chí còn nhận được cả thư mời nhận việc. Thế nhưng đến sát ngày on board, mình đột ngột nhận được tin báo rằng công ty huỷ kết quả tuyển dụng", Ngọc Huỳnh nói. 


Thu hồi offer đột ngột sẽ gây nhiều bất lợi cho nhân sự. Thứ nhất là lãng phí sức lực và thời gian di chuyển. Thứ hai là bị hụt hẫng về mặt tinh thần vì "bản thân ứng viên đã đặt nhiều kỳ vọng vào vị trí sắp tới". Nghiêm trọng hơn, vì đã nhận lời mời từ nhà tuyển dụng nên đồng nghĩa nhân sự bị lỡ mất những cơ hội nghề nghiệp khác, hay thậm chí là với chính công việc đang làm vì đã lỡ thông báo nghỉ việc. 


HR bẽ bàng vì ứng viên tiềm năng “biến mất” 


Không chỉ ứng viên, HR cũng chịu nhiều nỗi khổ khi bị ghost ngay trong những bước cuối cùng của quy trình tuyển dụng. Trong khảo sát thực tế năm 2021, 28% người tìm việc thừa nhận rằng họ đã ghost các nhà tuyển dụng của mình, 46% các nhà tuyển dụng đồng ý việc ghosting trong tuyển dụng đang trở nên phổ biến hơn. 


Theo chị Xuân Yến, HR Excutive cho biết, có 2 dấu hiệu thường thấy ở một nhân sự sắp “ghost" nhà tuyển dụng. Một là thái độ “thờ ơ, lạnh nhạt" khi nhà tuyển dụng liên lạc. Hai là ứng viên chưa nhận lời ngay mà chần chừ hoặc dời ngày on board. “Việc kéo dài thời gian on board thường là do nhân sự muốn phỏng vấn thêm hoặc chờ phản hồi từ các công ty khác để có nhiều lựa chọn hơn", chị Xuân Yến nói. 


Theo chị Xuân Yến, ứng "thờ ơ, lạnh nhạt" khi nhà tuyển dụng liên lạc chính là dấu hiệu sớm của việc ghosting


Hiện tượng ghosting xảy ra ở tất cả các giai đoạn của quá trình tuyển dụng. Trong đó, 3 điểm rơi phổ biến nhất có thể kể đến là:


  • Hẹn gặp phỏng vấn: Ứng viên đợi sát giờ mới thông báo không tham gia phỏng vấn hoặc thậm chí là "lẳng lặng biến mất".  


  • Giai đoạn gửi offer: Ứng viên chần chừ, yêu cầu thêm thời gian để suy nghĩ hoặc kéo dài ngày on board chính là những dấu hiệu cho thấy ứng viên đang chờ offer từ các bên khác.  


  • Giai đoạn gần đến ngày on board: Đây là lúc "ghosting" làm đau lòng nhà tuyển dụng nhất. Quy trình tuyển dụng tốn nguồn lực và thời gian, khi tưởng mọi thứ đã sẵn sàng rồi thì ứng viên tiềm năng lại bất ngờ huỷ kèo phút chót. 


“Ghosting” được cho là hành vi xấu đối với công ty và nhà tuyển dụng. “Khi một ứng viên tiềm năng biến mất vào phút cuối, điều đó cũng đồng nghĩa chúng tôi buộc phải chuyển sang một nhân sự ít hoàn hảo hơn, hoặc tệ hơn nữa là ‘bắt đầu tuyển dụng’ lại từ đầu. Việc này gây tốn kém nhiều chi phí tuyển dụng cho công ty, công việc cũng bị trì trệ vì chưa tìm thấy nhân sự phù hợp ngay lập tức”, chị Xuân Yến nói. 


Các “ghoster" rất dễ rơi vào danh sách đen của nhà tuyển dụng


Theo các nhân sự HR, hành động ghosting cho thấy rất nhiều điều về thái độ và hành vi ứng xử của ứng viên. “Biến mất trước ngày on board chứng tỏ ứng viên đó không có trách nhiệm trong lời nói và hành động của mình. Trước đó, nhân sự đã có thời gian cân nhắc, đã trao đổi rõ ràng và đi tới thống nhất với HR về lương và quyền lợi, vì vậy việc ứng viên biệt tích trước ngày on board là không chấp nhận được”, chị Lê Hậu, Recruitment Consultant nói. 


"Biến mất trước ngày on board chứng tỏ ứng viên đó không có trách nhiệm trong lời nói và hành động của mình", Lê Hậu nói


Đồng quan điểm trên, chị Xuân Yến cho rằng “ghosting" nhà tuyển dụng là cách hành xử thiếu chuyên nghiệp. “Tuyển dụng là một quy trình win - win, hai bên cùng có lợi. Công ty tìm người phù hợp và ứng viên tìm công việc lý tưởng. Cách ứng xử im lặng, âm thầm biến mất và không thông báo một lời nào cho HR dù đã nhận offer thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp và sự không tôn trọng với ‘đối tác’ của mình”, chị Xuân Yến cho biết. 


Chị Xuân Yến cũng cho biết thêm rằng một khi ứng viên để lại ấn tượng xấu với một nhà tuyển dụng thì “tiếng xấu” rất dễ lan truyền. “Một khi ứng viên để lại ấn tượng xấu với một nhà tuyển dụng thì có thể rất nhiều nhà tuyển dụng khác cũng biết. Điều này sẽ ảnh hưởng tới những cơ hội nghề nghiệp của ứng viên đó trong tương lai. Vì thế, dù đã nhận offer nhưng nếu cảm thấy không còn phù hợp, thì hãy từ chối offer một cách văn minh hơn, thông báo với công ty, chia sẻ với bộ phận tuyển dụng về lý do huỷ offer của mình sớm nhất có thể, hạn chế để đến phút 90”, chị nói. 


Minh hoạ: Huy Mai

Nội dung: Hằng Trần