“Stress (căng thẳng) là một phần tự nhiên của ngành quảng cáo và sự thật này tồn tại mãi mãi”, Jeff Howle - Phó Chủ tịch cao cấp kiêm Giám đốc bộ phận Văn hoá và Hội nhập của agency EP+Co khẳng định. “Nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng các agency có quyền khiến tình trạng stress tại nơi làm việc trở nên nghiêm trọng hơn. Trên thực tế, trách nhiệm của agency là quản lý khối lượng công việc cùng sức khoẻ của nhân viên nhằm hướng tới mục đích cuối cùng: giúp doanh nghiệp hoạt động trơn tru.”


Áp lực từ deadline, kỳ vọng của khách hàng, mong đợi từ cấp trên, khả năng phối hợp khi làm việc nhóm,...là những nguồn cơn hàng đầu gây nên căng thẳng tại môi trường làm việc của các agency, ảnh hưởng sâu sắc đến sức khoẻ tinh thần của nhân viên. Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng nổ trên toàn thế giới vào năm 2020 đi đôi với sự mất cân bằng trong công việc và cuộc sống khi ai cũng bị buộc phải làm việc từ xa, những câu hỏi xoay quanh sự tác động của công việc lên sức khoẻ tinh thần nhân viên ngày càng được bàn luận nhiều hơn nữa. 


Các agency trên toàn cầu đang nỗ lực phát triển các chương trình chăm sóc sức khoẻ tinh thần nhân viên


Thời điểm trước khi diễn ra đại dịch, hầu hết agency đều phụ thuộc vào các Chương trình Hỗ trợ nhân viên (EAP) từ một bên thứ ba khi muốn cải thiện sức khoẻ tinh thần cho nhân sự. EAP bao gồm các hoạt động giúp nhân sự điều trị tâm lý và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề khó giải quyết mà họ gặp trong công việc, cuộc sống hàng ngày hay đơn thuần do tâm lý vốn tiêu cực đến từ bên trong. Phil Schermer, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Project Healthy Minds (tổ chức phi lợi nhuận cung cấp các dịch vụ điều trị tâm lý), tiết lộ rằng những chương trình như EAP dù đã được cá nhân hoá giữa các công ty, nhưng vẫn hiếm khi được nhân sự tin dùng.


Nhằm cải thiện thực tế này, nhiều agency hiện nay đã phát triển ứng dụng nội bộ riêng, hạn chế tối đa sự can thiệp từ bên thứ ba. Điển hình, VMLY&R cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý qua Ginger, Initiative triển khai nhiều buổi trị liệu miễn phí trên Nivati, McCann dùng Talkspace và Headspace với mục đích giảm căng thẳng và chăm sóc tinh thần cho nhân viên. Nhiều agency hỗ trợ nhân viên sử dụng ứng dụng Calm (phần mềm về thiền định và cải thiện giấc ngủ) với mức giá được chiết khấu hoặc miễn phí 100%. Ngoài ra, số ít agency như McCann và Initiative mời hẳn các chuyên gia hay bác sĩ về thể chất và tinh thần đến tham dự các cuộc hội thảo chuyên môn. Dĩ nhiên, nhân viên của họ được khuyến khích tham gia những sự kiện này. Các chủ đề của những buổi hội thảo cũng rất đa dạng: sức khoẻ tinh thần, phương pháp lãnh đạo bằng sự đồng cảm, cách quản lý tình trạng kiệt sức (burn-out),... “Những hoạt động như vậy không thể giảm thiểu khối lượng công việc. Tất nhiên, công việc thì luôn luôn còn đó, nhưng những hoạt động này có thể giúp nhân sự agency quản lý công việc tốt hơn, đảm bảo rằng họ đủ năng lực và sức khoẻ để vượt qua mọi thử thách ở nơi làm việc” - Kimberly Miller, Giám đốc Phát triển chiến lược kinh doanh & Trải nghiệm khách hàng (CXO) tại Initiative kết luận. 


Nhiều agency tìm đến các ứng dụng hỗ trợ như Calm để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân viên


Một giải pháp nổi bật khác của các agency là xây dựng đội ngũ các chuyên gia về sức khoẻ tinh thần. Đội ngũ này có trách nhiệm trò chuyện, tư vấn, trị liệu tâm lý cho các nhân viên khác. Như vậy, họ sở hữu khả năng giải quyết nhiều vấn đề mang tính riêng tư và đặc trưng trong nội bộ từng công ty. Tori Young, Copywriter cấp cao tại Arnold Worldwide (công ty con của tập đoàn Havas), chỉ ra rằng hầu hết nhân viên đều không xem công ty là một không gian an toàn nơi mà họ được quan tâm, thấu hiểu và đồng cảm hết mình. Do đó, suy nghĩ rằng “đội ngũ chuyên gia nội bộ cũng chỉ là nhân sự của công ty” khiến nhân sự không sẵn sàng chia sẻ mọi vấn đề của họ cho chuyên gia để tiếp nhận tư vấn.


Tuy nhiên, cho dù agency có áp dụng giải pháp nào đi chăng nữa, theo các nhân sự ngành quảng cáo từ cấp dưới đến cấp lãnh đạo thì yếu tố quan trọng nhất giúp duy trì sức khoẻ tinh thần tại nơi làm việc chính là: khả năng hỗ trợ lẫn nhau giữa các cá nhân và giá trị mà công ty có thể trao cho nhân viên. Nhìn chung, các sáng kiến của công ty nhằm mục đích cải thiện sức khoẻ tinh thần thường không thành công vì cấp lãnh đạo không khảo sát ý kiến và nhu cầu của nhân sự trước khi triển khai. Đây chính là lỗi sai lớn nhất khi công ty muốn phát triển các hoạt động vì nhân viên như hoạt động chăm sóc sức khoẻ tinh thần, theo Garret Garcia, Chủ tịch của agency PPK.


Đảm bảo nhân viên được nghỉ ngơi hợp lý sẽ giảm thiểu tình trạng kiệt sức


Quay trở lại thời điểm bùng nổ mạnh mẽ nhất của Covid-19 và người dân toàn cầu bắt đầu phải học cách làm quen với nó, “đại dịch từ chức” cũng diễn ra gần như đồng thời. Kiệt sức, cảm giác mất cân bằng, thiếu động lực quay trở lại làm việc là những lí do khiến nhân sự đồng loạt xin nghỉ việc tại các công ty. Thực tế, nhiều nhân sự tại agency thường do dự khi xin nghỉ phép, hoặc nghỉ phép nhưng không dám hoàn toàn tận hưởng ngày nghỉ đó. Jeff Howle cho biết EP+Co đã tiến hành theo dõi cách sử dụng thời gian nghỉ phép của nhân viên, nhằm cải thiện tình trạng nghỉ phép ít hơn mức quyền lợi tối thiểu. 


Nghỉ ngơi không đủ khiến nhân viên kiệt sức và mất động lực làm việc


Nếu muốn nhân viên có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ, trước tiên, các nhà lãnh đạo phải xác định lý do tại sao nhân viên không cho phép bản thân được nghỉ ngơi. Craig Atkinson, CEO của Code3, giải thích: “Mọi người cảm giác rằng nếu họ không thể xuất hiện bất kể khi nào đồng nghiệp cần tới họ, cả thế giới sẽ sụp đổ” Họ sợ để lại gánh nặng cho đồng nghiệp vì khối lượng công việc nặng nề, vì họ mang quá nhiều trách nhiệm hoặc vì văn hoá công ty “độc hại” khi không tôn trọng thời gian nghỉ ngơi cá nhân của nhân viên. Do đó, ngay cả khi nghỉ ngơi, nhân sự vẫn giữ liên lạc và có mặt ngay lập tức trong những trường hợp khẩn cấp. Cảm giác tội lỗi vì nghỉ ngơi hiện rất phổ biến trong xã hội hiện nay, không riêng gì ngành quảng cáo.


Chính vì thế, một công ty có trách nhiệm phải loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực và tâm lý “năng suất độc hại” (toxic productivity) của nhân viên. Nếu không, về dài hạn, tình trạng kiệt sức và căng thẳng ở nhân viên sẽ trở thành hệ quả tất yếu, từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng đầu ra của công việc. Chưa kể, khi kiệt sức, nhân viên rất dễ đưa ra quyết định xin nghỉ việc, gây tổn thất đáng kể đến công ty. Noelle Griffin, Copywriter tại 22Squared, cho biết: “Đặc biệt đối với các công việc sáng tạo, việc nghỉ ngơi đúng cách - dù chỉ một lúc, rồi quay lại công việc sẽ giúp ích rất nhiều.”


Đảm bảo rằng toàn bộ nhân viên được tiếp xúc với khách hàng ở một mức độ phù hợp


Làm việc thường xuyên với khách hàng là một phần không thể thiếu trong agency, và trách nhiệm này được gánh vác bởi toàn bộ đội ngũ nhân sự. Trách nhiệm ràng buộc giữa hai bên, áp lực thời gian và kỳ vọng quá lớn từ khách hàng cũng góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhân viên. Các agency trên thế giới đã làm gì để đối phó với thực tế này? 


Một là, hãy phân chia công việc phù hợp và đều đặn cho từng nhân viên. Điều này vừa đảm bảo mỗi nhân viên không phải làm việc quá sức, vừa giúp công việc được triển khai trơn tru và hiệu quả hơn. Garret Garcia cho biết PPK hiện đang sử dụng phần mềm quản lý dự án được kiểm tra hàng ngày. Ngay khi nhận được thông báo rằng có nhân viên đang phải gánh vác quá nhiều việc từ phần mềm, các cấp lãnh đạo sẽ cơ cấu lại khối lượng công việc. Jeff Howle nói: “Các agency đang chịu áp lực phải cung cấp dịch vụ nhanh và hiệu quả hơn. Đó chính là một thách thức lớn dành cho agency khi muốn cân bằng khối lượng công việc với nguồn lực hiện có. Tuy nhiên, thách thức này không nên đè nặng lên đội ngũ nhân tài. Thay vào đó, họ phải được hỗ trợ bởi một cơ cấu công việc phù hợp từ công ty.”


Cân bằng khối lượng công việc ngay từ đầu không phải trách nhiệm của nhân sự


Hai là, hãy giữ mối quan hệ lành mạnh và minh bạch giữa khách hàng và nhân viên thuộc mọi cấp bậc. Kimberly Miller nói rằng những yếu tố cần thiết giúp gắn kết mối quan hệ giữa khách hàng hàng và agency chính là: tôn trọng, thấu hiểu và đồng cảm. Nếu làm được điều này, agency sẽ giảm bớt gánh nặng cho các nhân sự cấp thấp, cho phép họ dành nhiều thời gian hơn để làm những gì họ giỏi. “Yếu tố gây stress dễ thấy nhất đối với những người làm trong ngành quảng cáo chính là áp lực về thời gian và mong đợi quá cao từ phía khách hàng. Thú thật, khi gặp những trường hợp đó, tôi cảm thấy an tâm hơn rất nhiều nhờ những nhân sự có thể giao tiếp rõ ràng, hiệu quả và có trách nhiệm với khách hàng, từ đó đặt ra những cam kết và deadline có tính thực tế và khả thi hơn cho đội ngũ nội bộ” - Stephen Lintner, Giám đốc sáng tạo của Fitzco, đề xuất giải pháp xây dựng mối quan hệ lành mạnh giữa khách hàng và đội ngũ nhân sự của agency. Nếu trong agency không tồn tại một nhân sự có khả năng giao tiếp tốt với khách hàng như vậy thì “các nhân sự cấp thấp sẽ là người phải vất vả chiến đấu với những yêu cầu lố bịch từ khách hàng” - theo Arnold’s Young, trợ lý của Craig Atkinson. Chính điều này tiếp tục tạo ra áp lực chồng áp lực cho nhân sự, khi vừa phải loay hoay tìm cách “chiều lòng” khách hàng, vừa phải cân bằng khối lượng công việc của bản thân. 


Quản lý cấp trung đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần của nhân viên


Trang bị toàn diện chương trình hỗ trợ sức khoẻ tinh thần nhưng lại bỏ qua hành vi của người quản lý trong quá trình làm việc với nhân viên sẽ tạo ra “lỗ hổng” lớn trên quá trình cải thiện tâm lý nhân sự của agency. Trở thành người quản lý, nhân sự cần biết giao tiếp cởi mở, lắng nghe nhân viên, kiến tạo môi trường làm việc thoải mái và đề cao sự trao quyền, minh bạch và kịp thời trong phản hồi thông tin. Chỉ có vậy, nhân viên mới sẵn sàng chia sẻ, tin tưởng khi làm việc cùng, tinh thần cũng nhờ đó mà luôn tích cực và đầy thiện chí. 


Quản lý cấp trung là mắt xích quan trọng của công ty trong quá trình cải thiện sức khoẻ tinh thần nhân sự


Mặt khác, nhân sự thuộc cấp quản lý cũng cần được đào tạo thích hợp để trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn - và trách nhiệm này thuộc về công ty. Đôi khi, agency có thể cân nhắc thuê ngoài người hỗ trợ chăm sóc nhân viên để giảm bớt gánh nặng cho người quản lý. 


Đảm bảo sự minh bạch và kịp thời trong việc đặt ra kỳ vọng và đánh giá hiệu quả công việc với nhân viên


Mô hình làm việc kết hợp đã đặt áp lực giao tiếp minh bạch, nhanh chóng và kịp thời lên các công ty. Ngoài ra, công ty cũng có ít cơ hội có thể gặp gỡ và đào tạo trực tiếp nhân sự của mình - điều sẽ ảnh hưởng đến mối liên kết giữa hai bên. Hãy đảm bảo rằng dù nhân viên đang làm việc từ xa hay trực tiếp, họ cũng đều nắm chắc và chính xác mọi kỳ vọng của công ty. “Thành công ở công ty được định nghĩa như thế nào? Thang đo hiệu quả công việc của công ty là gì? Với từng vị trí công việc, công ty mong đợi điều gì ở nhân viên và điều đó sẽ mang lại giá trị gì cho công ty? Cung cấp những thông tin này cho nhân viên càng cụ thể càng tốt.” - Craig Atkinson giải thích. Theo ông, việc hiểu rõ về kỳ vọng của ty giúp nhân viên tự tin, tích cực và sẵn sàng đóng góp hơn. Giải pháp cụ thể được đề xuất là thường xuyên tổ chức các cuộc họp và buổi đánh giá công việc không chính thức giữa các nhà quản lý từ cấp trung đến cấp cao với nhân viên cấp dưới. Hãy đảm bảo đó là cuộc họp có sự đối thoại hai chiều, khuyến khích sự giao tiếp chân thực của nhân sự.


Theo Campaign Asia

Trang Ngọc