Gen Z hay nhảy việc, Gen Z không thích những công việc áp lực, Gen Z ngại cống hiến, Gen Z có cái tôi lớn…, rất nhiều định kiến đang được gán cho Gen Z trong môi trường công sở. Đặc biệt, cụm từ “Thích Bật Sếp” nổi lên như một đặc điểm để mô tả Gen Z trong văn hoá doanh nghiệp. Hãy cùng tìm hiểu sự thật về lời đồn đại đang bủa vây giới trẻ này. 


Có tồn tại hay không văn hoá “bật sếp” của Gen Z?


Gen Z là thế hệ trẻ được sinh ra từ khoảng năm 1997 tới 2012. Những Gen Z đời đầu đã tốt nghiệp đại học và bắt đầu hành trình xây dựng sự nghiệp của mình. Lớn lên trong môi trường số hóa giúp các bạn trẻ sở hữu kỹ năng công nghệ xuất sắc và khả năng nhanh chóng tiếp thu, áp dụng công nghệ mới vào cuộc sống và công việc. Do được phát triển trong một môi trường hiện đại, đề cao kỹ năng linh hoạt và sáng tạo, Gen Z là một thế hệ có cá tính mạnh, cái tôi lớn và muốn khẳng định bản thân và luôn thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ, ý kiến của mình.



Điều đó ảnh hưởng khá nhiều đến phong cách làm việc của thế hệ này nói chung. “Bật sếp” là một hành vi có cùng bản chất với “Phản biện”, tuy nhiên, phản biện là đánh giá và thảo luận vấn đề theo hướng đa chiều, sẵn sàng chấp nhận cái mới với thái độ lịch sự tôn trọng và mục đích là hợp tác cùng phát triển. Phản biện sai cách sẽ dễ bị hiểu lầm thành “cãi”, “bật”, kiêu ngạo, thiếu kỷ luật, thích chống đối và kéo theo những mâu thuẫn không đáng có.


Một trong các vấn đề của Gen Z khi hoà nhập vào môi trường doanh nghiệp là khả năng giao tiếp hạn chế. Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, kết nối với nhau chủ yếu qua các nền tảng internet, khả năng giao tiếp trực tiếp bị suy giảm. Các bạn trẻ với cá tính mạnh mẽ nhưng lại chưa thực sự hoàn thiện đủ đầy về giao tiếp, bản lĩnh, tư duy xã hội cũng như ý thức văn hoá doanh nghiệp. Điều này khiến cho Gen Z dễ trở thành đối tượng dễ lên tiếng “bật sếp” hơn.


Mặt khác, rất nhiều nhân sự trẻ cho rằng “bật sếp” thực tế rất hiếm xảy ra ở môi trường làm việc mà chỉ là một content vui do chính Gen Z tạo ra để "câu view" trên mạng xã hội. Với khả năng tư duy đa dạng và không giới hạn, các bạn trẻ phóng tác những trải nghiệm từ cuộc sống xung quanh để sáng tạo ra các nội dung độc đáo trên các mạng xã hội như TikTok, Facebook… 



Mai L., Account Supervisor chia sẻ: “Cũng như các 'trend' khác thì bật sếp cũng là 1 trào lưu được các bạn creative nghĩ ra nhằm làm truyền thông. Ví dụ như kênh Schannel hay xây dựng nội dung video về các mối quan hệ trong công ty theo xu hướng hài nhây”.


Không nên vội vàng gán mác cho một thế hệ


Thực tế, Gen Z là một thế hệ tài năng, sáng tạo, bản lĩnh và dám nghĩ dám làm. Họ có những suy nghĩ, cá tính, định hướng của riêng mình và không ngại tìm cách thể thực hiện ý kiến cá nhân. Ở thế hệ nào cũng sẽ có những cá nhân khác biệt về tính cách. Vì thế thật khó để quy chụp và đánh đồng một đặc điểm cho một bộ phận giới trẻ.



Quỳnh N., Senior PR của một agency về phim chia sẻ: “'Bật sếp' có thể là chuyện thường xuyên xảy ra với Gen Z nhiều hơn so với là những thế hệ khác, nên mọi người thường phóng đại lên và gắn mác cho một thế hệ như vậy. Nhưng chắc chắn không phải Gen Z nào cũng thế, 'bật sếp' còn phụ thuộc vào tính cách mỗi người, cá tính mạnh cũng chỉ là mẫu số chung.”


Gen Z văn minh sẽ biết đối nhân xử thế ra sao cho hợp lý, họ sẽ biết cách lắng nghe, góp ý và phản biện. Các bạn trẻ cũng quen với môi trường mạng xã hội nơi các bạn được chia sẻ suy nghĩ một cách công khai, nhận phản hồi ngay lập tức. Do đó, Gen Z luôn kỳ vọng rằng ý kiến của họ được lắng nghe và tôn trọng tại nơi làm việc.


T., Account Manager với gần 10 nhân viên Gen Z dưới chướng bật mí rằng khi có vấn đề với cấp trên, các bạn trẻ thường có nhu cầu được chia sẻ câu chuyện, tìm kiếm sự đồng cảm nhiều hơn là tìm kiếm tranh cãi với sếp. 


Cũng theo Mai L., môi trường agency khá khắc nghiệt và bận rộn, những trend vui vẻ như “Bật sếp” chỉ là để người ta thấy mình trong đó và đồng cảm, nhưng để thực hành thì ít ai dám.


Cẩm Ngọc, Account cho rằng chuyện Gen Z "bật sếp" xuất phát từ việc thế hệ mới được cung cấp nhiều kiến thức về leadership (khả năng lãnh đạo). "Cũng vì được phổ cập và cập nhật liên tục nhiều kiến thức hiện đại nên cá tôi các bạn cao, cũng như sự thật là tâm lý Gen Z nhạy cảm hơn các thế hệ khác", Cẩm Ngọc chia sẻ.


Theo Ngọc, khoảng cách thế hệ là nhân tố tạo ra những "truyền thuyết" sai lệch về thái độ Gen Z trong công việc. Bạn nói: "Những sếp thế hệ cũ đôi khi hay bảo thủ hoặc cách làm việc khác với các bạn bây giờ. Cá nhân tôi không thích cách hành xử sốc nổi. Tôi chưa bao giờ bật sếp, cao lắm là đưa ra ý kiến và quan điểm. Vì cơ bản doanh nghiệp là của họ. Miễn sếp giỏi và giàu kinh nghiệm, tôi sẽ chấp hành hết".



Không thể phủ nhận, thế hệ Z có tư duy nhạy bén và sức và không giới hạn, họ có khả năng tìm kiếm, sử dụng các nguồn tài nguyên trực tuyến để phát triển các kỹ năng mới. Biết cách nhìn nhận vấn đề đa chiều khách quan và không ngừng trau dồi kiến thức là điều kiện tiên quyết để phát triển bản thân. Bằng cách đó, các bạn trẻ có thể tạo ra những xu hướng độc đáo trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram, Facebook với nguồn năng lượng tích cực và lan tỏa những thông điệp đúng đắn. 


Nội dung: Phuc Nguyen

Minh hoạ: Huy Mai