Trong những năm trở lại đây, livestream bán hàng đã trở thành một hình thức mua sắm quen thuộc của người dùng Việt Nam. Đây là hình thức phát trực tuyến phiên bán hàng, mang đến cho doanh nghiệp và nhãn hàng một kênh giải trí kết hợp mua sắm hiệu quả. Điểm hấp dẫn của các phiên livestream này là hàng loạt “deal” độc quyền, giá cả ưu đãi cùng sự góp mặt của hàng trăm thương hiệu uy tín. Trước đó, hình thức này đã bắt đầu phổ biến rộng rãi vào cuối năm 2021, đầu năm 2022 với sự góp mặt tiêu biểu của các sàn thương mại điện tử nổi tiếng như Shopee, Lazada, TikTok Shop,...


Sàn livestream: 'Nơi gặp gỡ' của các sản phẩm từ cao cấp đến bình dân  


Trước đây, livestream bán hàng thường gắn liền với các cửa hàng nhỏ lẻ hay các thương hiệu giá rẻ, tập trung vào kích thích nhu cầu mua sắm tức thời. Tuy nhiên, hình thức này đang ngày càng phát triển khi thu hút sự tham gia của cả những thương hiệu cao cấp với sản phẩm giá trị lên đến hàng chục triệu đồng.


Điển hình là phiên livestream bán xe điện VinFast trên TikTok, vào tháng 3/2024. Trong 4 giờ phát sóng, VinFast đã giới thiệu và bán 5 mẫu xe máy điện thuộc hệ sinh thái di chuyển thuần điện của mình, với mức giá dao động từ 15-55 triệu đồng. Phiên livestream thu hút đông đảo người xem, với lượng người truy cập cùng lúc lên đến 5.000 người, mang về doanh thu ít nhất 1,4 tỷ đồng. Trên thực tế, VinFast không phải thương hiệu tiên phong trong xu hướng livestream bán hàng cao cấp. Trước đó, nhiều thương hiệu lớn như Xiaomi, Samsung, Sulwhasoo,... đã thành công trong việc giới thiệu và bán các sản phẩm giá trị từ vài triệu đồng thông qua các KOLs, người nổi tiếng trên các nền tảng livestream. 


Phiên livestream bán xe điện VinFast trên TikTok vào tháng 3/2024


Hơn hết, hình thức này cũng đang dần "gia nhập" vào các thương hiệu Châu Âu, với sự xuất hiện của Rihanna trong buổi livestream quảng bá thương hiệu Fenty Beauty tại Trung Quốc vào tháng 5 vừa qua. Rihanna đã tham gia livestream trên nền tảng Douyin (phiên bản Trung Quốc của TikTok), trực tiếp trang điểm cho người mẫu và giới thiệu về công dụng của các sản phẩm Fenty Beauty. Thương hiệu này đã tham gia vào thị trường Hồng Kông và Macau từ năm 2019, nhưng đến tháng 4/2024 mới chính thức ra mắt tại Trung Quốc.


Sự kiện “Rihanna livestream” được lan truyền rầm rộ khắp mạng xã hội các nước châu Á, trong đó có Việt Nam 


Livestream dần trở thành hình thức bán hàng hiệu quả cho các sản phẩm nông sản tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, những buổi livestream bán hàng với số lượng sản phẩm tiêu thụ bất ngờ đã góp phần hỗ trợ doanh thu nông sản bản địa. Tiêu biểu như phiên livestream bán được 72 tấn cam chỉ trong một buổi sáng ở Nghệ An, thu hút hơn 3,3 triệu lượt xem, 10.000 lượt tương tác. Hay buổi livestream bán ra hơn 50 tấn vải ở Bắc Giang sau 4 giờ livestream,... đã mở ra cách thức bán hàng mới cho những người nông dân.


Vào năm 2023, hơn 50 tấn vải tại Bắc Giang đã được bán ra sau 4 giờ livestream


Các chiến dịch livestream bán hàng phổ biến trên nền tảng thương mại điện tử 


Hiện nay, các nền tảng thương mại điện tử đã và đang áp dụng các chiến dịch livestream dựa trên nhu cầu thị trường, đồng thời gia tăng hiệu quả bán hàng cho thương hiệu, bao gồm: 


  • Chiến dịch toàn sàn (Chiến dịch Mega Sale và chiến dịch tháng): Các chiến dịch định kỳ với quy mô lớn nhất, diễn ra vào các dịp đặc biệt như Mega Sale (3.3), Mega Sale (6.6), Mega Sale (9.9),... thường có sự tham gia của nhiều nhà bán hàng và thương hiệu uy tín, cùng với các chương trình ưu đãi và voucher hấp dẫn.
  • Chiến dịch thương hiệu (Brand Campaign): Dành riêng cho một hoặc nhiều nhãn hàng, được tổ chức theo lịch trình phát triển của thương hiệu. Các chiến dịch này thường được gọi là "Ngày Siêu Thương Hiệu" (Super Brand Day/ Grand Opening Day/ New Arrival/ Brand Day). 
  • Chiến dịch ngành hàng (Cat Day): Tập trung vào một hoặc nhiều ngành hàng cụ thể, giúp thúc đẩy doanh số bán hàng cho các sản phẩm trong ngành hàng đó, thường được tổ chức theo chủ đề hoặc trong các trung tâm mua sắm.
  • Chiến dịch cộng đồng (Chợ phiên Ocop mỗi tuần): Hỗ trợ các sản phẩm nông sản và đặc sản địa phương lên các sàn thương mại điện tử, góp phần quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ kinh doanh nhỏ. 


Shopee triển khai chương trình 11.11 thông qua chuỗi livestream, minh họa cho loại “Chiến dịch toàn sàn”


‘Cơn sốt’ livestream bán hàng không có dấu hiệu ‘hạ nhiệt’


Với sự đa dạng trong các chiến dịch livestream của nền tảng thương mại điện tử, người dùng có thể dễ dàng bắt gặp vô số phiên livestream bán hàng với chủ đề và chương trình khuyến mãi khác nhau. Theo thông tin từ AccessTrade Việt Nam 2024, bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng. Điều này giúp tệp khách hàng của doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với nhiều ưu đãi độc quyền, đồng thời mở rộng trải nghiệm mua sắm và gia tăng khả năng tiết kiệm.


Bên cạnh đó, theo báo cáo phân tích thị trường thương mại điện tử Việt Nam do YouNet ECI công bố vào cuối năm 2023, Shopee dẫn đầu thị phần doanh thu với 72,7%. TikTok Shop của TikTok đứng ở vị trí thứ hai với 17,2%, Lazada xếp thứ ba với 9%, và Tiki chiếm 1,1% thị phần còn lại. Đáng chú ý, dù mới gia nhập thị trường vào quý 4/2022, TikTok Shop đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu vô cùng ấn tượng. 


Báo cáo phân tích thị trường thương mại điện tử Việt Nam do YouNet ECI công bố vào cuối năm 2023 


Thói quen mua sắm mới của người tiêu dùng là yếu tố góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cho sự gia tăng của các phiên livestream bán hàng, và cả sự phát triển của các sàn thương mại điện tử. Trong nửa năm 2024, khoảng 95% người mua sắm trực tuyến đã mua hàng từ các phiên livestream trong suốt 3 tháng đầu năm 2024, với khoảng thời gian trung bình một người dành ra để xem các buổi livestream bán hàng lên đến 13 giờ/tuần (theo báo cáo của NIQ). Hình thức mua sắm giải trí - Shoppertainment, kết hợp độc đáo giữa mua sắm và giải trí thông qua các phiên livestream đang được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. 


Ngoài ra, cũng trong báo cáo "Shoppertainment 2024: Tương lai của Tiêu dùng và Thương mại châu Á-Thái Bình Dương" do TikTok phát hành, số lượng người tiêu dùng thường xuyên tìm kiếm sản phẩm trên các nền tảng sáng tạo nội dung tăng gấp 1,9 lần so với các công cụ tìm kiếm truyền thống. Xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục tăng trong 1-2 năm tới, khi 93% người tiêu dùng mong muốn duy trì hoặc tăng cường trải nghiệm mua sắm kết hợp giải trí trên các nền tảng sáng tạo nội dung số.


Doanh nghiệp và người bán hàng đang có sự thay đổi nhanh chóng trong việc bắt kịp công nghệ kinh doanh mới. Đây có thể bước đệm quan trọng nếu các doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường lớn và chinh phục người tiêu dùng, đồng thời cũng khẳng định hiệu quả vượt trội của hình thức livestream bán hàng trong thời đại công nghệ số.  


Như Quỳnh



Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.