Một câu hỏi muôn thuở: Tại sao chơi game thì thích hơn là đi làm? Lý do có lẽ là vì game tạo ra niềm vui, có giải thưởng (ngay lập tức), và gây nghiện vì người ta cứ muốn chơi thêm nhiều lần nữa. Nhận thấy áp dụng mô hình game sẽ giúp thay đổi suy nghĩ và hành vi người dùng, các thương hiệu đã tích cực áp dụng chiến lược này, tạo thành một khái niệm từng là buzz-word một thời: Gamification. 


Chẳng mấy ai giảm tốc độ chạy xe nếu có người ra lệnh, nạt nộ hay luyên thuyên những điều sáo rỗng. Nhưng nếu gợi ý họ tham gia một trò chơi, luật là chạy xe dưới 25 km/h và phần thưởng là 100 USD, những tay lái xe kỳ lạ thay sẽ ra giữ vô lăng sao cho kim đồng hồ không nhích nổi qua số 25.


Ở trên chính là ví dụ rõ ràng nhất cho khái niệm Gamification. Theo diễn giải của Lexio, Gamification dùng để chỉ việc áp dụng cơ chế game với các yếu tố điển hình như tính điểm, độ cạnh tranh, luật chơi,... vào các hoạt động không phải game như chiến dịch, cách vận hành của một tổ chức, sự kiện cộng đồng,... 


Momo từng áp dụng chiến lược Gamification làm tăng lượng giao dịch gấp 10 lần ngày thường.


Theo Deck of Brilliance, bản chất của Gamification là cung cấp cho người dùng một mục tiêu để hướng tới, dùng phần thưởng thực tế và thức thời để khen ngợi những nỗ lực đã bỏ ra. Đặc điểm của con người là tìm kiếm niềm vui, mong muốn được làm điều phi thường và sẵn sàng cộng tác với người khác. Chính vì đánh vào những bản tính đó, Gamification sẽ giúp người làm quảng cáo tăng tỉ lệ tương tác, mức độ hạnh phúc và lòng trung thành của người dùng, lớn hơn nữa là khiến họ phá bỏ những thói quen xấu và hình thành những thói quen tốt một cách hoàn toàn tự nguyện.  


Dưới đây là 4 chiến dịch nổi bật đã áp dụng Gamification hiệu quả và tạo ra những ý nghĩa thực sự cho người dùng. 



The Fun Theory - Volkswagen


Hệ thống đo tốc độ có phải những thiết bị bảo vệ sự an toàn cho người đi đường? Trên lý thuyết là vậy, nhưng hầu hết người lái xe không hề nghĩ theo hướng đó. Họ nghĩ rằng cảnh sát là “những gã đàn ông tuýt còi có khả năng làm họ mất tiền” và camera bắn tốc độ là “những con mắt bắt lỗi mọi lúc mọi nơi”. Vậy nên việc tuân thủ giao thông ở một số nơi trên thế giới giống như hành động đối phó, chứ thực tình người tham gia giao thông cũng không muốn… nề nếp như vậy. 


Nhận thấy sự ác cảm của tài xế với camera bắn tốc độ, Volkswagen bắt tay với đơn vị quảng cáo DDB tổ chức cuộc thi tìm ra giải pháp thú vị nhất cho vấn đề này. Rốt cuộc, Kevin Richardson là người thắng cuộc với ý tưởng The Speed Camera Lottery (Tạm dịch: Xổ số Camera Tốc độ). Ý tưởng nôm na là lắp đặt hệ thống camera ở các con đường, các camera này sẽ chụp và xuất vé tốc độ cho cả người phạm luật lẫn không phạm luật. Nhưng thay vì nhận vé phạt, những người chạy đúng tốc độ sẽ nhận một tờ xổ số với phần thưởng là toàn bộ số tiền phạt thu được từ những chiếc xe chạy quá tốc độ. 

 

Nhận thấy sự ác cảm của tài xế với camera bắn tốc độ, Volkswagen bắt tay với đơn vị quảng cáo DDB thực hiện ý tưởng The Speed Camera Lottery.


Chỉ trong ba ngày đặt máy tại Stockholm, Thụy Điển, camera của Volkswagen đã ghi lại tốc độ của 24.857 xe ô tô chạy qua. Trước khi máy được đặt ở đó, tốc độ trung bình trong khu vực là 32 km/ h (20 dặm/ giờ). Sau khi máy hoạt động, tốc độ giảm xuống còn 25 km/ h (15 dặm/ giờ). 



Hope Soap - The Safety Lab


Ở khu vực Nam Phi, mỗi năm có hàng nghìn người tử vong vì thương hàn, tiêu chảy, viêm phổi và dịch tả. Đây đều là những căn bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ, nhưng những người dân ở đây chưa ý thức được tầm quan trọng của việc giữ sạch cho chính mình. 


The Safety Lab đã hợp tác với tổ chức phi chính phủ Blikkiesdorp4hope để giới thiệu xà phòng Hope đồng thời nâng cao nhận thức về vệ sinh tay và tạo thói quen rửa tay cho trẻ em ở Blikkiesdorp - một khu định cư không chính thức thuộc Western Cape, Nam Phi. Để tạo thói quen rửa tay cho trẻ em, The Safety Lab đã sử dụng các thanh xà phòng chứa món đồ chơi nhỏ bên trong và vì xà phòng trong suốt nên có thể thấy được nhưng không… lấy được. Cách duy nhất để trẻ lấy đồ chơi là phải sử dụng hết xà phòng. 


Chiến dịch đã đem lại phần thưởng nhỏ cho bọn trẻ là một món đồ chơi, nhưng phần thưởng lớn cho Nam Phi lại là một tia hi vọng về quốc gia khỏe mạnh.


Luật chơi đơn giản này lại tạo ra kết quả to lớn: Các thanh xà phòng đã góp phần giúp giảm 75% bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và giảm 70% bệnh tật. Cuối cùng, phần thưởng nhỏ cho bọn trẻ là một món đồ chơi, nhưng phần thưởng lớn cho Nam Phi lại là một tia hi vọng về quốc gia khỏe mạnh.


Các thanh xà phòng chứa món đồ chơi nhỏ bên trong và vì xà phòng trong suốt nên có thể thấy được nhưng không… lấy được.



Zamzee - The Game That Gets Kids Moving


Các ứng dụng công nghệ, điện thoại thông minh đã vô tình làm trẻ em lười vận động, gây ra các bệnh lí về tim mạch, béo phì, tiểu đường ở trẻ. Nhận thấy có thể làm gì đó để cải thiện tình hình, công ty công nghệ Zamzee đã bắt tay với HopeLab cho ra đời App cảm biến hoạt động Zamzee, dùng để đo lượng thời gian trẻ em vận động trong ngày. App cảm biến này có thể sử dụng trên điện thoại hoặc trên website, được thiết kế như một giao diện game với đầy đủ qui luật và quà thưởng nếu trẻ em đạt được hạn mức vận động tối thiểu trong ngày (do ba mẹ tự đặt ra). 


Lance Henderson, Giám đốc điều hành của Zamzee cho biết: “App cảm biến hoạt động Zamzee là một cách thú vị và hấp dẫn để biến hoạt động thể chất trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của trẻ”. Kết quả là, chỉ sau 6 tháng kể từ khi ra mắt, Zamzee đã tăng mức độ hoạt động thể chất ở 448 trẻ em lên 59% và giảm các nguy cơ bệnh tim và bệnh tiểu đường. 


App cảm biến hoạt động Zamzee là một cách thú vị và hấp dẫn để biến hoạt động thể chất trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của trẻ.



Shadow Wifi - Liga Contra El Cancer


Chán đe dọa người dùng bằng cách kể lể các tác hại của tia UV, Liga Contra El Cancer quyết định… tặng luôn cho người dân một món quà miễn là họ né xa nắng mặt trời gắt gỏng. Cụ thể, Liga Contra El Cancer hợp tác với agency Happiness triển khai hoạt động Shadow Wifi (Tạm dịch: Wifi bóng râm), với luật đặt ra là chỉ những người dùng ở trong bóng râm thì mới truy cập được mạng wifi này. Bằng cách này, Liga Contra El Cancer vừa khuyến khích người dân không phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời trong những tháng mùa hè, vừa có được một lượng lớn email do người dùng tự nguyện cung cấp để phổ cập những kiến thức về ung thư da, tia UV và các giải pháp ngăn chặn. Sáng kiến ​​này đã được triển khai tại Peru, và sau đó mở rộng ra thành chiến dịch quốc tế được thực hiện tại New Zealand và San Francisco.


Luật chơi của Shadow Wifi là chỉ những người dùng ở trong bóng râm thì mới truy cập được mạng wifi này.


Geoffrey Hantson, Giám đốc sáng tạo của Happiness, cho biết: “Thời đại này người dùng đã chán nghe rồi, họ muốn đi thẳng vào hành động và đó chính xác là những gì Shadow WiFi đang làm. Chúng tôi không chỉ nói với mọi người về sự nguy hiểm của tia UV, mà còn cung cấp cho họ hẳn một lý do để tránh nó càng xa càng tốt: WiFi miễn phí”


Liga Contra El Cancer không chỉ nói với mọi người về sự nguy hiểm của tia UV, mà còn cung cấp cho họ hẳn một lý do để tránh nó càng xa càng tốt: WiFi miễn phí.


Ngăn ngừa ung thư da, giảm tốc độ lái xe trên đường, khuyến khích trẻ em vận động và rửa tay bằng xà phòng. Đó đều là những vấn đề được xếp vào hạng… vĩ mô, dễ nhắc nhưng chẳng mấy khi giải quyết được hoàn toàn vì quá phức tạp. Bằng cách biến chúng thành những trò chơi, có cạnh tranh và có phần thưởng, những vấn đề đã được đơn giản hóa và khiến người dùng tự nguyện làm theo, tạo ra những ảnh hưởng vừa ý nghĩa vừa tức thời. 


Theo Deck of Brilliance

Hằng Trần/Advertising Vietnam