Content Marketing được tạo ra với mục đích thu hút đúng đối tượng độc giả mục tiêu của thương hiệu. Vì thế, các thương hiệu sẽ sử dụng Content Marketing như một phương thức tiếp thị hiện đại nhằm mang đến những nội dung phù hợp và hữu ích cho khách hàng.


Thế nhưng ông Gavin Jordan - Giám đốc Xuất bản của Open Mic cho rằng, hầu hết nội dung mà marketer tạo ra chưa hẳn là những gì mà người dùng đang mong muốn tìm kiếm. Theo ông, sự khác biệt giữa nội dung phổ biến (viral) và nội dung không hiệu quả chính là mức độ phù hợp. Các marketer cần đặt câu hỏi rằng đối tượng mục tiêu quan tâm đến điều gì, họ tìm kiếm và muốn tương tác với cái gì. 


Nhằm giúp marketer lên chiến lược nội dung, ông Jordan đã dự đoán 5 xu hướng tiếp thị nội dung sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2023!


1. Thương mại Điện tử


Một báo cáo gần đây của Morgan Stanley đã dự đoán rằng Thương mại Điện tử có thể đạt 36% tổng doanh số bán lẻ vào năm 2026 khi người dùng ưu tiên hình thức mua sắm nhanh chóng và tiện lợi hơn. Và khi mức độ phổ biến của Thương mại Điện tử tăng lên, sự cạnh tranh giữa các thương hiệu bán lẻ trực tuyến cũng sẽ trở nên khốc liệt hơn.


Báo cáo từ Morgan Stanley


Do đó, việc đa dạng hóa các nội dung trên các nền tảng Thương mại Điện tử sẽ mang đến nhiều ưu thế cho thương hiệu trên thị trường. Đơn cử như thương hiệu có thể ứng dụng quảng cáo chứa nội dung có thương hiệu (branded content ads), quan hệ đối tác với người sáng tạo (creator partnerships), quảng cáo thăm dò ý kiến ​​và VR cũng như quan hệ đối tác về nội dung (content partnerships) để quá trình mua sắm của người dùng trở nên thú vị hơn, đồng thời thúc đẩy họ mua các sản phẩm có trong cửa hàng. 


2. Metaverse và Gaming


Vào tháng 10/2021, CEO Mark Zuckerberg đã chính thức đổi tên Facebook thành Meta nhằm khẳng định tham vọng thoát khỏi khái niệm mạng xã hội thông thường, hướng đến một thế giới kỹ thuật số mới mang tên "metaverse". Kể từ thời điểm đó đến nay, hàng loạt thương hiệu đã thực hiện các chiến dịch thu hút người dùng tương tác, trao đổi, mua sắm trực tiếp trên nền tảng ảo này. Ngoài ra, thế giới trò chơi (gaming) cũng đang phát triển mạnh mẽ. 


Các chuyên gia cho rằng Metaverse và Gaming đang cùng nhau tạo nên một "siêu vũ trụ", đưa người dùng tiến đến kỷ nguyên Web3. Một số nhà phân tích cũng dự đoán metaverse sẽ có giá trị đến 800 tỷ USD, vượt xa cột mốc 478,7 tỷ USD vào năm 2020. Bên cạnh đó, số lượng game thủ trên toàn thế giới dự kiến chạm đến con số đáng kinh ngạc là 3,2 tỷ người vào năm 2024. Vì thế trong năm tiếp theo, không khó để dự đoán rằng các nhà tiếp thị sẽ đổ dồn sự chú ý vào hai lĩnh vực này.


Sự phát triển của metaverse do các nhà nghiên cứu dự đoán


Khi các nhà sản xuất trò chơi điện tử như Roblox, Microsoft, Activision Blizzard, Electronic Arts,... tiếp tục nâng cấp các tựa game hiện có thành thế giới trực tuyến 3D, các thương hiệu có thể tăng mức độ tương tác với người dùng và bán hàng. Một số thương hiệu đã thực hiện chiến dịch quảng cáo trong trò chơi. Thị trường Gaming được dự đoán sẽ đạt 412,9 tỷ USD vào năm 2024, trong đó doanh thu từ việc bán phần mềm, dịch vụ và quảng cáo trong trò chơi có thể chiếm khoảng 70% tổng quy mô thị trường.


Dự đoán về thị trường Gaming


Mới đây, thương hiệu Listerine đã thiết lập trò chơi nhập vai Complexo để bắt kịp xu hướng Gaming. Trong trò chơi, Listerine đã tạo ra một tình huống dở khóc dở cười rằng tất cả mọi người trong thành phố sẽ thức dậy với một hơi thở... hôi thối được miêu tả qua làn khói màu xanh bốc ra từ miệng của họ. Chính hơi thở kinh khủng này đã dẫn đến việc mọi người dần xa cách nhau, các mối quan hệ tan vỡ, thậm chí là dẫn đến các cuộc chiến "đẫm máu". Có thể thấy, thế giới trong trò chơi trở nên hỗn loạn và căng thẳng chỉ vì hơi thở của người dùng có mùi hôi. Qua đó, Listerine đã nhấn mạnh rằng: "Một hơi thở hôi thối có thể dẫn đến ngày tận thế".


Vậy làm thế nào để dừng lại những cuộc chiến điên rồ này? Trong trò chơi, các máy bán hàng tự động của Listerine sẽ được đặt tại các hiệu thuốc và một số địa điểm ngẫu nhiên. Người dùng cần tìm được những máy bán hàng này để mua nước súc miệng Listerine, giúp hơi thở trở nên thơm mát và dễ chịu hơn. Từ đó, những trận cãi vã và cuộc chiến căng thẳng sẽ dừng lại. 



Bước tiến đầu tiên đến metaverse của Listerine đã thành công thu hút sự chú ý của các game thủ trong trò chơi. Chỉ trong 24 giờ đầu tiên, thử thách đã đạt 100 lần phát sóng trực tiếp và đạt 3,8 triệu lượt xem.


3. Dữ liệu và quyền riêng tư


Vào đầu năm nay, Google đã thông báo hoãn việc loại bỏ/chặn cookie của bên thứ ba trên Chrome đến năm 2024. Tập đoàn cho biết điều này sẽ giúp các thương hiệu có thêm thời gian đổi mới chiến lược phát triển, tập trung vào quyền riêng tư của người dùng. Thế nhưng bất chấp tất cả sự trì hoãn này, các chuyên gia cho rằng một ngày nào đó việc Google chặn cookie cũng sẽ xảy ra.


Bên cạnh đó, việc Apple phát triển tính năng bảo mật App Tracking Transparency (ATT) của Apple đã buộc các nhà quảng cáo phải "xin phép" người dùng trước khi thu thập bất kỳ dữ liệu nào về họ. Điều này đã đặt ra một thử thách cho các thương hiệu và nhà quảng cáo rằng "Làm thế nào họ có thể tiếp tục thu thập, đo lường và sử dụng dữ liệu của người dùng?". Vào năm 2023, các marketer buộc phải tìm kiếm một phương thức mới để thực hiện điều này.


Tính năng bảo mật dữ liệu người dùng của Apple


Một cuộc khảo sát của Google đã tiết lộ rằng 76% marketer đang sử dụng Marketing Attribution (Tiếp thị Phân bổ). Đây có thể được xem là chiến lược giúp marketer theo dõi các chiến dịch truyền thông xã hội tác động đến doanh số bán hàng như thế nào. Qua đó, marketer có thể đánh giá liệu các hoạt động tiếp thị của mình đã thực sự thúc đẩy lưu lượng truy cập đến trang web, gia tăng số lượng khách hàng tiềm năng và đơn hàng bán ra,... hay chưa. Để có thể đo lường việc phân bổ tiếp thị, marketer có thể sử dụng các công cụ hoặc nền tảng phân tích như Google Analytics để theo dõi dữ liệu.


Ngoài ra, ông Gavin Jordan cũng cho biết việc sáng tạo nội dung đủ thú vị và hấp dẫn sẽ giúp thương hiệu nổi bật trên thị trường. Để có thể thu hút người dùng, nội dung của thương hiệu cần có cá tính riêng, dễ tiếp cận và toàn diện.


4. Audio


Âm thanh là một công cụ quan trọng của marketing, tồn tại ở nhiều hình thức như bài hát, lời thoại, nhạc nền,... Với xu hướng tiêu thụ nội dung ngày nay, audio content (nội dung âm thanh) ngày càng trở nên phổ biến, được áp dụng rộng rãi trong các chiến dịch của các thương hiệu. Trong năm 2022, số lượng người nghe podcast đã liên tục gia tăng. Theo Oberlo, hiện có 424,2 triệu người lắng nghe podcast trên toàn thế giới. Con số này dự kiến sẽ chạm ngưỡng 504,9 triệu người vào năm 2024. Điều này đã chứng minh podcast là một "mảnh đất" tiềm năng để các nhà tiếp thị khai thác và phát triển. 


Báo cáo từ Oberlo về số lượng người nghe podcast năm 2019 - 2024


Tuy nhiên, không chỉ riêng podcast mà nhiều nội dung âm thanh khác cũng có tiềm năng phát triển. Với sự bùng nổ về số lượng game thủ trên toàn cầu, các thương hiệu có thể áp dụng các quảng cáo âm thanh trong trò chơi. Theo nghiên cứu của AudioMob và YouGov, 75% game thủ thích quảng cáo âm thanh hơn là video vì định dạng này mang đến trải nghiệm mượt mà, không làm gián đoạn quá trình chơi game. 


5. Influencer Marketing


Thời gian qua, công chúng đã chứng kiến nhiều sự thay đổi trong vai trò của Influencer Marketing. Từ việc adidas "chia tay" Kanye West, hàng loạt thương hiệu cắt đứt mối quan hệ hợp tác với những nghệ sĩ vướng bê bối đã khiến người dùng ngày càng hoài nghi về việc các thương hiệu sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo. Ngoài ra, các thương hiệu cũng dần mất đi sự tự tin về những giá trị mà những Influencer có thể tạo ra. 



Điều này đã dẫn đến sự phát triển của các Virtual Influencer - những người có ảnh hưởng ảo. Mặc dù đây chỉ là những thực thể ảo được tạo ra từ công nghệ máy tính nhưng sức ảnh hưởng của Virtual Influencer là có thật. Báo cáo của The Influencer Marketing Factory vào tháng 3/2022 đã cho thấy, 58% người tham gia khảo sát có theo dõi ít nhất một nhân vật ảo trên các nền tảng mạng xã hội, 35% người đã từng mua các sản phẩm/dịch vụ do Influencer ảo quảng bá. Bên cạnh đó, có đến 27% người theo dõi Influencer ảo vì các nội dung mà họ truyền tải. Do đó, các thương hiệu sẽ có thêm nhiều lựa chọn khi áp dụng chiến lược Influencer Marketing.


Theo The Drum

Kim Ngọc