Người lao động dành trung bình 48 tiếng mỗi tuần để làm việc tại văn phòng. Ngần ấy thời gian là đã đủ để những mối quan hệ đồng nghiệp phát triển thành bạn bè thân thiết. Thế nhưng, viễn tưởng có bạn “tâm giao” tại văn phòng lại không thực sự “màu hồng” như nhiều người vẫn nghĩ. 


1. Càng gắn bó với đồng nghiệp, đi làm càng hạnh phúc 


Theo nghiên cứu do CNBC Make It trích dẫn, có mối quan hệ chất lượng với đồng nghiệp xung quanh sẽ làm tăng mức độ hạnh phúc của nhân sự. Nhân viên gắn bó với đồng nghiệp sẽ có khả năng tập trung cao hơn, thậm chí còn tạo hiệu suất công việc gấp đôi so với những người “đơn côi lẻ bóng” hoặc thiếu gắn bó sâu sắc với đồng nghiệp.


Chị Thảo Ly, Copywriter tại VBA - ADK cho biết: “Những nhân sự công sở dành 1/3 thời gian tuổi trẻ để có mặt tại công ty. Việc gắn bó với đồng nghiệp sẽ quyết định mức độ hạnh phúc trong 1/3 khoảng thời gian đó”. Khác với bạn bè trái ngành, đồng nghiệp là những người không cần hẹn cũng phải gặp. Mức độ và chất lượng tương tác khác nhau. “Tôi không phải nhọc công kể lại toàn cảnh vấn đề, vì đồng nghiệp đã chứng kiến tường tận sự việc và có khả năng đưa ra những lời khuyên chính xác nhất”, chị Thảo Ly nói. 


"Đồng nghiệp đã chứng kiến tường tận mọi vấn đề trong công việc và có khả năng đưa ra những lời khuyên chính xác nhất", chị Thảo Ly nói


Có bạn bè công sở giúp nhân viên đi làm trong trạng thái thoải mái và tích cực, bởi họ có cảm giác “thuộc về" một cộng đồng nào đó. “Bạn sẽ không cô đơn mỗi lần đặt trà sữa hay đồ ăn trưa. Thậm chí còn có thêm người để nhờ vả mỗi lần cần lấy hàng Shopee mà không có mặt tại văn phòng. Kể cả khi có tranh cãi trong công việc, ‘tri kỷ’ cũng sẽ đứng về phía bạn, bênh vực hoặc chí ít là an ủi”, chị Thảo Ly cho biết.  


Những tưởng cuộc sống văn phòng sẽ bình lặng trôi qua như thế. Tuy nhiên, đời thực lại không giống như là mơ. 


2. Bất lực vì phải gánh “task" giúp bạn


Mặc cho những lợi ích của việc kết bạn công sở, Amy Cooper Hakim, một chuyên gia tổ chức doanh nghiệp nêu quan điểm rằng nhân sự không nên quá thân thiết với đồng nghiệp của mình. “Sẽ có lúc nhân sự rơi vào tình huống khó xử, chẳng hạn như mắc kẹt với một đồng nghiệp thân thiện nhưng chểnh mảng trong công việc", Hakim nói. 


Nhân sự mắc kẹt với đồng nghiệp chểnh mảng trong công việc


Từng gặp phải vấn đề oái ăm này, Phương Thảo, Accountant Staff cho biết bản thân từng phải “gánh task" giúp bạn. “Lúc bình thường, tụi mình vẫn chơi chung với nhau rất vui vẻ. Nhưng hễ đụng tới công việc, mình lại có cảm giác bản thân phải gồng gánh tất cả các task, kể cả những task không nằm trong trách nhiệm của mình. Thỉnh thoảng, mình cảm thấy bất bình lẫn bất lực vì tình huống đùn qua đẩy lại này ở công ty", Phương Thảo chia sẻ. 


Trong văn phòng, việc các nhân sự quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau là một điều đáng hoan nghênh. Thế nhưng anh Kha Minh, Account tại Purpose.Ant cho biết sự giúp đỡ đó có thể vô tình đưa nhân sự vào tình thế khó xử. “Tôi có thể lắng nghe nhiều khía cạnh đời sống của đồng nghiệp, từ chuyện tình cảm, gia đình đến các vấn đề về sức khoẻ tâm lý. Nhưng là một nhân sự Account trực tiếp làm việc với khách hàng, tôi phải 'đứng mũi chịu sào' khi khách hàng thấy chất lượng sản phẩm không như mong đợi. Lúc đấy, tôi đâu thể nói vì đồng nghiệp của tôi gặp vấn đề tình cảm, gia đình có chuyện đột xuất. Trong một môi trường làm việc, kể cả đồng nghiệp có là bạn bè, thì cũng phải đảm bảo tính chuyên nghiệp cao khi giao tiếp với nhau"


Trong một môi trường làm việc, kể cả đồng nghiệp có là bạn bè, thì cũng phải đảm bảo tính chuyên nghiệp cao khi giao tiếp với nhau


Trong khi đó, chị Thảo Ly từng đau đầu vì không biết phải góp ý thế nào để đồng nghiệp không bị phật lòng. “Tình trạng như vậy xảy ra có thể là do đồng nghiệp dựa dẫm vào tình bạn, “đánh tráo” khái niệm bạn bè với công việc. Họ nghĩ rằng trước sau gì cũng có người giúp đỡ cho mình, hoặc du di cho lỗi lầm họ đang có, hoặc sẽ nói đỡ cho họ trước mặt sếp lớn”, chị nói.


3. “Mối quan hệ đồng nghiệp dễ chịu nhất là khi cả hai cùng tạo ra thành phẩm tốt" 


Mắc kẹt trong tình huống oái ăm trên, mỗi nhân sự có một cách giải quyết khác nhau. Phương Thảo cho rằng, kể cả khi đồng nghiệp rất thân thiện và tốt bụng ở ngoài đời, việc đùn đẩy trách nhiệm hoặc làm việc kém hiệu quả vẫn cần được giải quyết tức thời để không gây ra hậu quả quá lớn. “Khi mọi thứ bắt đầu quá tải, mình trao đổi thẳng thắn với đồng nghiệp để tìm hiểu lý do. Nếu sau khi góp ý mà tình hình không được cải thiện, mình sẽ báo lại với trưởng nhóm hoặc quản lý để họ có biện pháp can thiệp kịp thời”, Phương Thảo nói. 


maxresdefault.jpg (1280×720)

Sẽ có một số người cảm thấy ngại góp ý với đồng nghiệp vì sợ mất lòng


Sẽ có một số người cảm thấy ngại góp ý với đồng nghiệp vì sợ mất lòng. Thế nhưng theo đánh giá của chị Thảo Ly, đó là một cách làm việc cảm tính. “Khi gặp phải tình huống đồng nghiệp thân thiết với mình nhưng làm việc kém hiệu quả, việc tốt nhất nên làm chính là cùng ngồi lại để giải quyết và tìm ra giải pháp khắc phục. Nếu mang danh bạn bè mà để hai người cùng bị cuốn vào vấn đề với nhau, thì đó là một mối quan hệ không lành mạnh", chị Thảo Ly chia sẻ.  


Ghien-review-Tien-den-05jpg.jpg (1280×720)

Nếu mang danh bạn bè mà để hai người cùng bị cuốn vào vấn đề với nhau, thì đó là một mối quan hệ không lành mạnh


Trong khi đó, anh Kha Minh gợi ý cách giải quyết theo hướng “Chữa cháy trước, góp ý sau". Cụ thể, anh nhận diện những điểm mạnh-yếu của đồng nghiệp, sau đó tìm cách bù đắp và hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả công việc trước mắt. 


Theo nhân sự tại agency, chất kết nối của mọi mối quan hệ công sở luôn là “công việc”. “Đồng nghiệp gặp gỡ và trao đổi với nhau vì công việc. Đây cũng là chủ đề phổ biến trong mọi câu chuyện phiếm. Thậm chí có những cặp bạn 'công sở' còn hẹn nhau đi chơi cuối tuần, nhưng quanh quẩn rồi cũng lại quay về nói chuyện pitching, dự án và những sự kiện đã diễn ra tại văn phòng trong tuần qua". 


tunnel-bromance.jpg (1200×675)

Nhận diện những điểm mạnh-yếu của đồng nghiệp, sau đó tìm cách bù đắp và hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả công việc trước mắt


Vì công việc là chất kết dính giữa các đồng nghiệp với nhau, vậy nên mối quan hệ dễ chịu nhất tại chỗ làm chính là khi cả hai cùng tạo ra thành phẩm tốt. “Mọi người không đi làm với mục đích là kết được nhiều bạn mới, mà để phát triển bản thân và tạo nên thu nhập trong cuộc sống. Trong quá trình đó, nhân sự mới kết duyên với nhiều người bạn đồng điệu về chí hướng và con đường đang đi", chị Thảo Ly cho biết.


Chị cũng nói thêm rằng, dù có ở trong công ty có văn hoá “nhân viên hỗ trợ lẫn nhau", nhân sự vẫn nên hiểu rằng họ được trả lương để đảm bảo hiệu quả công việc, chứ không phải được trả lương để vào làm bạn với đồng nghiệp. “Vì vậy dù mối quan hệ dù là bạn bè hay cơm không lành canh không ngọt, bạn vẫn phải ưu tiên công việc là trên hết. Và nếu đồng nghiệp của bạn cứ dựa vào việc là bạn bè của nhau khiến bạn khó xử trong công việc, bạn nên xem lại đó có phải là mối quan hệ tích cực đối với bạn hay không, và liệu có nên duy trì tình bạn với một người không hiểu cho vấn đề mình đang gặp phải trong công việc hay không”, chị Thảo Ly kết luận. 


Minh hoạ: Huy Mai

Nội dung: Hằng Trần