“Đi đâu cũng thấy rap” - Đây có lẽ là câu nói cửa miệng của đa số mọi người trong dịp Tết năm nay. Cùng với thành công của chương trình “Rap Việt” và “King Of Rap”, các thương hiệu cũng nhanh chóng bắt trend và lồng ghép nhạc rap vào trong quảng cáo. Hơn 20 MV quảng cáo Rap ồ ạt ra mắt trong dịp Tết Tân Sửu có lẽ là minh chứng cho sự nhanh nhạy có phần quá đà này, khiến một bộ phận khán giả tỏ ra khó chịu vì “quá tải Rap.”

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Liệu sự khó chịu của công chúng có đang bóp chết một thể loại âm nhạc vừa chớm nở hoa?

Đã bao giờ bạn thắc mắc, vì sao có những con đường chỉ bày bán một mặt hàng duy nhất? Chẳng phải khách hàng chỉ ghé mua 1-2 tiệm quen thuộc rồi đi thôi sao? 

Tuy nhiên, việc hòa mình vào đám đông xu hướng lại chính là nước đi khôn khéo của các thương hiệu. Bởi lẽ khách hàng thường tìm đến chuỗi các cửa hàng tương tự nhau để thỏa sức lựa chọn. Thương hiệu vừa không cần tốn công để tăng nhận thức, lại vừa có được lượng tiếp cận ổn định.

Hiện tượng này cũng tương đồng với xu hướng Rap Quảng cáo năm nay. Những TVC nhạc rap liên tục ra mắt đã trở thành một nền tảng quảng cáo rap, mà ở đó các thương hiệu dù không “tai to mặt lớn” cũng được đề cập đến trong các cuộc thảo luận.

Những câu rap vần điệu có thể gây ấn tượng ở lần đầu tiên, nhưng nếu nghe nhiều lần sẽ không còn vui tai nữa.

Tuy vậy, cần phải khẳng định rằng, chính những vần điệu này mới là chiếc chìa khóa mở ra tâm trí của khán giả. Một sự thật mà Marketer nào cũng nên nắm rõ chính là: Não người luôn thích xâu chuỗi những sự việc rời rạc. Chỉ với vài ngôi sao, chúng ta đã tự nhìn thấy cả bầu trời trước mắt. Có thể nói, việc gieo vần trong bài rap là đang nhắm vào đặc điểm này của não người. 

Vô hình trung, những câu rap gãy gọn sẽ tự động dựng nên một bức tranh hoàn chỉnh trong tâm trí người tiêu dùng. Đây hẳn là điều mà nhiều thương hiệu đang tìm kiếm: Lời rộng ý chật - Truyền tải thông điệp đầy đủ bằng phương thức nhanh gọn và dễ ăn vào tâm trí nhất.

Tuy TVC Rap ra mắt với số lượng chóng mặt, mỗi sản phẩm là một dấu ấn riêng. Điều này là hiển nhiên bởi lẽ mỗi Rapper có một cá tính. Phong cách âm nhạc, thần thái, thương hiệu của họ đều khác nhau và cũng từ đó mang đến hình ảnh đặc trưng của thương hiệu.

Nói quảng cáo Việt đang “lạm dụng” nhạc Rap có đôi phần khiên cưỡng, khi có những TVC Rap vẫn thành công khi đáp ứng cả tinh thần Rap lẫn hồn cốt thương hiệu. Mỗi TVC như “Đi Về Nhà” (Honda), “MLEM MLEM” (Chinsu), “Đàn Ông Không Nói” (Sting),... là một tác phẩm hoàn chỉnh với cá tính riêng và tiếp cận các tệp khách hàng đa dạng, phong phú.

Lịch sử nhạc Rap không dài, nhưng cũng không ngắn. Kể cả ở Việt Nam, thế hệ 9x hẳn vẫn còn nhớ như in những cú hit như “Khu Tao Sống” (Karik ft. Wowy), “Thu Cuối” (Mr. T x Yanbi x Hằng Bing Boong)... 

Tuy nhiên, các nghệ sĩ rap thường chỉ đóng vai trò “làm nền” cho ca sĩ hát chính. Những bài rap toàn diện cũng cần một thời gian dài để chứng minh thực lực. Nhạc Rap rõ ràng là một tài nguyên giàu có về cảm xúc lẫn chất liệu, vậy mà phải chật vật nhiều năm để tìm chỗ đứng trên thị trường nhạc Việt.

Hai chương trình “Rap Việt” và “King Of Rap” không chỉ là thành công, mà còn là sự công nhận đối với dòng nhạc này. Công chúng đã thừa nhận giá trị của nhạc Rap và đây là một bước đi khởi sắc. Những Rappers chật vật bán chữ kiếm tiền cũng nhìn thấy tương lai ở chính đam mê của mình.

Vậy mà, công chúng quả là con dao hai lưỡi. Ca ngợi đấy, rồi hạ bệ đấy. Phải chăng khán giả cần nhìn về phía các Rapper với một tâm thế cảm thông hơn? Sự ủng hộ của chúng ta biết đâusẽ mang đến một diện mạo mới cho nền âm nhạc Việt những năm đến.

Tạm kết

Việc lên kế hoạch hợp tác với các thí sinh / giám khảo những cuộc thi Rap cũng tốn không ít thời gian. Có lẽ vì thế mà khi các thương hiệu nhận ra “Đường đua quảng cáo Rap có vẻ đông” thì sản phẩm đã trên đường xuất xưởng. 

Làm Marketer thật sự quá khó, vì đến “bắt trend” cũng cần có nghệ thuật. Nhưng làm khán giả thì chúng ta có nhiều tự do hơn. Chán ghét hay đón nhận đều phụ thuộc ở bản thân người xem cả. Chính vì thế, sự vị tha của khán giả đối với xu hướng này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với sự phát triển của nhạc Rap - một thể loại âm nhạc đầy tâm sự và sức mạnh truyền thông.

---

‘TET MOI’ là dự án được thực hiện bởi The API’s Tales và RAPtnk, nhằm tạo nên sân chơi để kết nối các bạn trẻ đam mê sáng tạo trong lĩnh vực truyền thông - giải trí. Dự án bao gồm các ấn phẩm truyền thông đa phương tiện như: M/V ca nhạc, Poster, Thông cáo báo chí, Báo ngắn, Social Post,...

Xem thêm ở đây.

---

Bài viết được đóng góp bởi đội ngũ của API.

Nội dung: (Tiếng Việt) Hồng Ân

Ảnh bìa: Khương Duy

Thiết kế: Văn Thanh

---

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:

Email: [email protected]

Trang chủ: https://www.facebook.com/theapitales

Đường dây nóng: (+84)938327709 (Van Thanh Mr.)

(+84)702440636 (Giang Dang Ms.)