Nhân sự cần biết “quyền lợi công sở” bắt đầu xuất hiện ngay từ buổi phỏng vấn giữa mình và công ty, nhưng tâm thế người xin việc thường đắn đo, thậm chí “overthinking” về việc có nên trao đổi với nhà tuyển dụng về lương bổng, phúc lợi hiện tại của nhân viên. Sự đắn đo này thậm chí kéo dài không hồi kết trong suốt quá trình bạn làm việc tại công ty. 


“Overthinking" (suy nghĩ quá mức) đã và đang trở thành căn bệnh trầm kha của giới trẻ, là quá trình liên tục đánh giá và đau khổ về những suy nghĩ “liệu mình quyền lên tiếng cho lợi ích của bản thân” trong một doanh nghiệp. Mọi vấn đề lớn, nhỏ qua cách nhìn của người mắc “bệnh” overthinking đều trở nên nghiêm trọng. Một nghiên cứu còn chỉ ra rằng, suy nghĩ quá mức khiến vùng vỏ não trước trán hoạt động quá nhiều gây ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề.


Vì sao chúng ta - thế hệ trẻ được mọi người nhìn nhận “táo bạo”, “mạnh dạn” và làm trong ngành agency vô cùng sôi động nhưng lại mang một nỗi tự ti khi mong muốn đòi quyền lợi cho bản thân? Phải chăng “nỗi niềm overthinking” xuất phát từ sự thiếu năng lực của chính mình hay đơn giản là nỗi sợ bị đánh giá bởi đồng nghiệp?


Tâm lý “nỗ lực giữ im lặng” vì sợ đồng nghiệp đánh giá, sợ sếp khiển trách 


Nỗ lực giữ im lặng - nghe có vẻ trái ngược nhau nhưng đây chính xác là tâm lý chung của chúng ta. Thay vì đốc thúc bản thân hãy nói ra quyền lợi thì nhân sự lựa chọn “Thôi, mình cố gắng chạy deadline hì hục là được rồi, quyền lợi gì tầm này". Thế rồi họ chọn cho qua và tiếp tục im lặng vì quyền lợi của mình. 



Suy nghĩ này sẽ thường xuất hiện với những người trẻ mới bắt đầu dấn thân vào môi trường công sở. Nhân sự là tấm chiếu mới đầy nỗi sợ im lặng: sợ sếp phê bình, sợ đồng nghiệp bàn tán, sợ không được ưu ái, sợ bị xa lánh… Thật ra, chẳng có nỗi sợ nào cả, chỉ là bạn đang suy nghĩ quá mức. Chúng ta không hề cô đơn bởi các nghiên cứu liên tục chỉ ra rằng nhân viên ngại lên tiếng và thậm chí có tới 50% nhân viên giữ im lặng tại nơi làm việc. Tại sao lại như vậy và làm cách nào chúng ta có thể giúp mọi người nói lên ý kiến của mình tại nơi làm việc một cách hiệu quả hơn?


Theo D.T.L - Account Executive tuổi đời 1 năm tại một agency chia sẻ: "Tôi là một account chấp mọi khách hàng khó tính, tôi không hề gặp khó khăn trong việc “facing khách hàng” nhưng lại cảm thấy hết sức căng thẳng khi nghĩ đến việc cần trao đổi quyền lợi của mình khi cần lên lương để trang trải chi phí cuộc sống và thỏa mãn công sức OT ngày đêm. Khi đối mặt với vấn đề này, tôi thường rơi vào trạng thái “overthinking”, suy nghĩ muôn vàn lý do để trao đổi với manager nhưng kết quả là im lặng. Tôi sợ bị đánh giá tuổi nghề còn ít mà đòi hỏi quyền lợi".


Đấu tranh tâm lý giữa “im lặng” hay “lên tiếng”


Đúng là cuộc chiến sinh tồn tại agency chưa bao giờ là dễ dàng. Sự phát triển tâm sinh lý từ đó mà cũng được tôi luyện qua những kiếp nạn để rồi chúng ta đã trải qua giai đoạn “mầm non rụt rè im lặng” đến với ranh giới chuẩn bị lên tiếng vì quyền lợi của mình.



Chính nhờ những lần đấu tranh với “overthinking” để có được “thinking” loại bỏ “over” mà người trẻ hiểu rằng thứ giết chết quyền lợi của mình chỉ là những suy nghĩ tiêu cực không đáng có. 


Xét về khía cạnh quyền lợi công sở, khi tiến đến giai đoạn phân vân giữa im lặng hay lên tiếng, nhân sự đã sớm nhận thức được giá trị đóng góp của mình cho công ty và dần hình thành danh sách quyền lợi cần phải “đòi” từ doanh nghiệp. 


Vượt rào “overthinking”, quyết định “lên tiếng” vì quyền lợi của chính mình 


Khi quyết định lên tiếng cho những gì mình cống hiến thời gian qua, khi hiểu rõ mình đã làm được gì cho công ty và còn đóng góp nhiều hơn thế trong tương lai, xin chúc mừng bạn đã “đắc đạo”. 





Bạn cảm thấy như thế nào về khoảnh khắc có thể nói ra những tâm tư, nguyện vọng của mình với sếp, đấu tranh vì quyền lợi của bản thân? 


Bạn Hoàng Nam - Designer 24/7 có tuổi đời 5 năm tại một agency kia bày tỏ: "Bản thân mình là một designer chuyên trị những deadline gấp bất chấp khách hàng “em ơi” vào 1,2h sáng. Đây là 'signature' của mình nên mình hoàn toàn có quyền đòi thêm benefit cho những ngày tháng cày ngày cày đêm và mình rất thẳng thắn khi chia sẻ vấn đề này với cấp quản lý". 


Để tiếp thêm động lực cho những nhân sự đang phân vân, hãy nhớ rằng chúng ta đang kinh doanh sức lao động của bản thân, không ngần ngại khi trao đổi quyền lợi, lợi ích của mình với doanh nghiệp. 


Nhân sự được phép “overthinking” về những giá trị của bản thân khi “sinh tồn” tại agency như: kỹ năng, chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm… những điều này được sử dụng để giải quyết công việc cho công ty thì đi kèm một mức quyền lợi xứng đáng. 


Nội dung: Phuc Nguyen

Minh hoạ: Huy Mai