Nền tảng thương mại điện tử SaaS (Software as a Service) là mô hình phân phối dịch vụ dưới dạng một phần mềm phục vụ mục đích kinh doanh thương mại điện tử. Nói một cách đơn giản hơn, nhà cung cấp tạo ra một phần mềm giúp xây dựng hệ thống thương mại điện tử và doanh nghiệp sẽ phải trả một khoản chi phí nhất định để sử dụng dịch vụ này.


Hiện nay, các nền tảng thương mại điện tử SaaS đã và đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để khởi động kinh doanh thương mại điện tử cho thương hiệu vì đặc tính đơn giản, có thể triển khai thương mại điện tử nhanh chóng với chi phí thích hợp.


Haravan 

Haravan là một nền tảng xây dựng hệ thống thương mại điện tử hỗ trợ bán hàng đa kênh phổ biến nhất hiện nay. Được chính thức ra mắt vào năm 2014, Haravan mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử chuyên nghiệp với chi phí hợp lý.

HaravanHaravan là một nền tảng thương mại điện tử hỗ trợ bán hàng đa kênh phổ biến hiện nay

Giao diện

Haravan cung cấp một kho giao diện đa dạng, chuẩn UI/UX để doanh nghiệp có thể lựa chọn theme phù hợp với phong cách, hình ảnh của thương hiệu. Đồng thời giao diện dành cho quản trị viên (admin) cũng được nhiều doanh nghiệp đánh giá là dễ sử dụng, có hỗ trợ tiếng Việt nên không gặp nhiều khó khăn khi sử dụng. Tuy nhiên, để tăng số lượng tài khoản admin thì doanh nghiệp phải trả thêm chi phí.


Chức năng

Haravan sở hữu một kho ứng dụng phong phú, hỗ trợ bán hàng đa kênh cho doanh nghiệp từ POS (Point of Sales – Bán tại cửa hàng), thương mại mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram), sàn thương mại điện tử (Tiki, Shopee, Lazada, Sendo) cho đến website doanh nghiệp. 


Thêm vào đó, Haravan còn tích hợp các tiện ích khác để tối ưu hóa hành trình mua hàng của người dùng như quản lý giỏ hàng, dịch vụ thanh toán (Momo, Moca, VNPay, Visa…), vận chuyển (GHN, GHTK, Ninja Van…).


Tuy nhiên, mức độ của các chức năng sẵn có của Haravan chỉ dừng lại ở mức vừa đủ để doanh nghiệp có thể kinh doanh online thuận lợi chứ chưa đủ hoàn hảo để đi đường dài. Vì Haravan là nền tảng SaaS nên doanh nghiệp khó có thể tùy biến hoặc mở rộng các tính năng nằm ngoài hệ sinh thái của Haravan.


Thời gian

Bằng các thao tác kéo thả và lựa chọn đơn giản trên Haravan, doanh nghiệp chỉ mất khoảng 30 phút để sở hữu website thương mại điện tử với đầy đủ chức năng cần thiết để kinh doanh trực tuyến.


Chi phí

Để sử dụng Haravan, doanh nghiệp cần chi trả một khoản chi phí nhất định hằng tháng, dao động từ 200.000 VNĐ – 3.000.000 VNĐ tùy theo nhu cầu doanh nghiệp:

  • Standard: 200.000 VNĐ/tháng phù hợp với nhà bán hàng cá nhân
  • Pro: 600.000 VNĐ/tháng dành cho doanh nghiệp muốn triển khai Omnichannel
  • Grow: 1.500.000 VNĐ/tháng với ưu điểm tự động hoá các chương trình chăm sóc và bán lại khách hàng cũ
  • Scale: 3.000.000 VNĐ/tháng giúp kiến tạo tập khách hàng trung thành.

Hiện nay, Haravan ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam, nhất là mô hình B2C hoặc doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm low-involvement (ít cân nhắc) bởi khả năng triển khai nhanh với mức phí hợp lý. Một số doanh nghiệp đang sử dụng Haravan có thể kể đến như Vinamilk, Juno, L’Oréal. 


Shopify

Shopify là nền tảng thương mại điện tử được thiết kế trên mô hình SaaS dành cho các cửa hàng trực tuyến và hệ thống điểm bán lẻ. Shopify được cộng đồng kinh doanh thương mại điện tử quốc tế ưa chuộng vì đặc tính dễ sử dụng, thời gian xây dựng nhanh và chi phí khởi điểm phù hợp.

ShopifyShopify là nền tảng SaaS được thiết kế dành cho các cửa hàng trực tuyến và hệ thống điểm bán lẻ

Giao diện

Về phía giao diện người dùng, Shopify cung cấp nhiều theme đẹp mắt, tương thích tốt trên đa thiết bị, phù hợp với nhiều lĩnh vực. Về giao diện quản trị viên, Shopify cũng được đánh giá dễ sử dụng, có cung cấp phiên bản tiếng Việt phục vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tương tự như Haravan, doanh nghiệp phải nâng cấp gói dịch vụ để tăng số lượng tài khoản admin.


Chức năng

So với Haravan thì Shopify đa dạng tính năng và tiện ích bổ sung hơn, từ quản lý đơn hàng, sản phẩm cho đến việc phân tích và lên chiến lược kinh doanh, marketing cho doanh nghiệp. 


Tuy nhiên, với một vài chức năng chuyên biệt thì doanh nghiệp sẽ phải trả thêm chi phí hoặc “chấp nhận” không có trên website vì Shopify không thể tùy biến hoặc mở rộng như các nền tảng mã nguồn mở.


Thời gian

Tùy thuộc vào mức độ phức tạp của hệ thống mà mỗi doanh nghiệp sẽ có một khoảng thời gian nhất định để làm quen với Shopify nhưng nhìn chung thì doanh nghiệp sẽ không tốn nhiều thời gian khi xây dựng website, trung bình mất từ 1 – 2 ngày. 


Chi phí

Được xem là một “ông lớn” trong nền tảng SaaS nên Shopify đã phát triển nhiều gói dịch vụ giúp doanh nghiệp dễ dàng lựa chọn:

  • Basic Shopify: $29/tháng phù hợp với những doanh nghiệp mới, có doanh số bán hàng chưa đáng kể.
  • Shopify: $79/tháng phù hợp với những doanh nghiệp bán hàng trực tuyến đang trên đà tăng trưởng.
  • Advanced Shopify: $299/tháng phù hợp với những doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng quy mô và cần các công cụ báo cáo, phân tích nâng cao.

Ngoài ra, Shopify còn phát triển thêm các gói dịch vụ khác để phục vụ đa dạng nhu cầu doanh nghiệp:

  • Shopify Lite: $9/tháng thích hợp với doanh nghiệp muốn thêm nút bán hàng và dịch vụ thanh toán trên website hoặc blog sẵn có.
  • Shopify Plus: $2000/tháng cung cấp giải pháp thương mại điện tử nâng cao cho các doanh nghiệp lớn cần xử lý một lượng đơn hàng lớn.

Shopify đang ngày càng mở rộng và nâng cấp dịch vụ để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả và là nền tảng phù hợp cho các doanh nghiệp B2C. Tuy nhiên, chi phí phát sinh hằng tháng lại là trở ngại lớn vì doanh nghiệp phải chi trả thêm khá nhiều để sử dụng thêm các tiện ích bổ sung. Các doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng Shopify như Sony Việt Nam, Vsmart và DHC Việt Nam.


BigCommerce

BigCommerce là nền tảng SaaS được ra mắt vào năm 2009 nhưng đã gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng phát triển hệ thống thương mại điện tử. Mặc dù sinh sau đẻ muộn hơn so với các nền tảng khác nhưng BigCommerce không hề kém cạnh trong hệ thống chức năng, kho giao diện và hiệu năng của website.BigCommerce

BigCommerce là nền tảng SaaS nổi tiếng cộng đồng thiết kế website thương mại điện tử

Giao diện

BigCommerce cung cấp nhiều giao diện mẫu, vừa đẹp mắt vừa tương thích với hành vi người tiêu dùng, trong đó bao gồm 12 phiên bản miễn phí và hơn 160 phiên bản tính phí. Phần giao diện quản trị viên của BigCommerce được đánh giá đơn giản, dễ sử dụng và giúp doanh nghiệp dễ dàng thiết lập website thương mại điện tử nhanh. Tuy nhiên, BigCommerce vẫn chưa có phiên bản tiếng Việt nên các doanh nghiệp cần lưu ý tuyển dụng và đào tạo nhân sự có trình độ tiếng Anh để phát triển và quản lý website.


Chức năng

Trong các gói dịch vụ mà BigCommerce cung cấp đã đầy đủ các chức năng và tiện ích bổ sung để doanh nghiệp có thể khởi động kinh doanh trực tuyến hiệu quả. Tuy nhiên, khả năng tùy chỉnh và mở rộng tính năng của BigCommerce còn nhiều hạn chế, dẫn đến hậu quả là doanh nghiệp không thể điều chỉnh theo nhu cầu riêng để xử lý các bài toán về đặc thù ngành.


Thời gian

Thời gian để triển khai một website trên BigCommerce khá nhanh, một phần nhờ vào các thao tác kéo-thả của tính năng Page Builder. Thời gian trung bình để xây dựng website trên BigCommerce là 1-2 ngày.


Chi phí 

Hiện tại, BigCommerce đang hỗ trợ 3 giải pháp trọn gói và 1 giải pháp theo yêu cầu:

  • Gói Standard: $29,95/tháng phù hợp với doanh nghiệp có doanh số trên $50,000
  • Gói Plus: $79,95/tháng phù hợp với doanh nghiệp có doanh số trên $180,000
  • Gói Pro: $299,95/tháng phù hợp với doanh nghiệp có doanh số trên $400,000 
  • Gói Enterprise: Dành cho các doanh nghiệp có doanh số lớn và chi phí sẽ dựa trên doanh số bán hàng trực tuyến của thương hiệu.

Từ đó, BigCommerce sẽ tính thêm chi phí dựa trên doanh số bán hàng trực tuyến của doanh nghiệp. 


Nhìn chung, BigCommerce không hề kém cạnh Haravan và Shopify trên mọi phương diện, vấn đề lớn nhất hiện tại có lẽ chính là nền tảng này vẫn chưa hỗ trợ tiếng Việt cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trong thời điểm hiện tại, BigCommerce sẽ phù hợp hơn với các doanh nghiệp Startup hoặc SME vì chi phí hợp lý với đầy đủ tính năng cần thiết hơn so với 2 nền tảng trên.


Nền tảng thương mại điện tử SaaS nào phù hợp với doanh nghiệp?

Kế thừa ưu điểm của nền tảng thương mại điện tử saas, cả 3 nền tảng Haravan, Shopify và BigCommerce đều có các đặc điểm chung là hệ thống sẵn có, dễ sử dụng, đa dạng giao diện và đầy đủ tính năng để triển khai thương mại điện tử nhanh với chi phí hợp lý trong thời gian đầu.

nền tảng thương mại điện tử SaaS3 nền tảng Haravan, Shopify và BigCommerce đều kế thừa ưu điểm của nền tảng thương mại điện tử SaaS

Để tận dụng lợi thế cạnh tranh về mặt chi phí và các chức năng được thiết kế tương thích với hành vi người tiêu dùng Việt Nam, doanh nghiệp có thể cân nhắc sử dụng Haravan nếu chỉ kinh doanh trong nước.


Ngược lại, nếu có mục tiêu mở rộng kinh doanh quốc tế, doanh nghiệp có thể suy xét Shopify và BigCommerce. Hiện tại, Shopify sở hữu đa dạng chủ đề theme và chức năng cho doanh nghiệp lựa chọn hơn. Đồng thời Shopify được đánh giá hỗ trợ live chat 24/7 tốt hơn, sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề nhanh chóng. Nhờ thế mà Shopify sẽ phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô lớn và doanh số cao.


Về phần BigCommerce, nền tảng này đóng gói các chức năng trong các giải pháp hợp lý hơn và không bị giới hạn số lượng quản trị viên như Shopify nên sẽ thích hợp với doanh nghiệp có quy mô vừa hoặc nhỏ.


Nhưng về đường dài, việc sử dụng các nền tảng thương mại điện tử SaaS như Haravan, Shopify, BigCommerce sẽ gặp một số bất cập sau:

  • Trùng lặp ý tưởng giao diện: Do sử dụng giao diện được cung cấp sẵn nên sẽ dễ bị trùng với các website khác, không thể hiện được nét riêng của thương hiệu.
  • Khó tùy chỉnh chức năng: Các nền tảng này có khả năng tùy chỉnh không cao như các nền tảng mã nguồn mở, doanh nghiệp chỉ có thể lựa chọn các tùy chọn sẵn có và tùy chỉnh ở mức độ cho phép. Trong tương lai, để phát triển các các chức năng nâng cao và chuyên biệt theo đặc thù sản phẩm, ngành hàng phục vụ cho nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng và sự phát triển theo thời gian của doanh nghiệp, việc phải chuyển đổi sang nền tảng mã nguồn mở như Magento, OpenCart, WooCommerce… sẽ hao tốn nhiều thời gian và ngân sách.
  • Phí đội phí: Do chi trả theo tháng nên càng sử dụng lâu, chi phí sử dụng website càng cao. Thêm vào đó, Shopify và BigCommerce còn tính thêm phí tính dựa trên doanh thu bán hàng trực tuyến. 
  • Không sở hữu mã nguồn: Một khi chấm dứt hợp đồng với các nền tảng này, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không còn được sử dụng mã nguồn của website và phải chấp nhận việc bắt đầu xây dựng lại từ đầu trên nền tảng mới. Việc chuyển đổi nền tảng không chỉ tốn thời gian chi phí mà còn dễ dẫn đến việc thất thoát dữ liệu hoặc sai lệch số liệu.

*Bài viết được viết bởi Diem Le - chuyên viên Digital Marketing tại SECOMM. Bài viết gốc được đăng tải tại Blog của SECOMM.