Thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng công nghệ mới, nơi trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò then chốt. Trong cuộc đua khốc liệt này, hai cường quốc nổi lên với sức mạnh vượt trội: Mỹ - "Đại bàng" sải cánh trên bầu trời công nghệ, và Trung Quốc - "Rồng" thức giấc với tham vọng bá chủ. Liệu "Đại bàng" có còn giữ vững ngôi vương, hay "Rồng" sẽ vươn lên thống trị?


Vào tháng 10 năm 1957, Liên Xô đã phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trái Đất, Sputnik 1. Con tàu này có kích thước không lớn bằng một trái banh, nhưng nó đã thúc đẩy Hoa Kỳ lao vào cơn sốt nghiên cứu và đầu tư, để cuối cùng thành công đưa con người lên Mặt Trăng. Sáu mươi năm sau, thế giới có thể đã chứng kiến "khoảnh khắc Sputnik" thứ hai. Nhưng lần này, không phải nước Mỹ nhận được lời cảnh tỉnh, mà là Trung Quốc; và mục tiêu không phải là khám phá không gian, mà là tạo ra trí tuệ nhân tạo.


“Vệ tinh Sputnik thứ hai” xuất hiện dưới dạng AlphaGo, hệ thống AI do DeepMind thuộc sở hữu của Google phát triển. Năm 2017, AlphaGo đã đánh bại kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới Ke Jie người Trung Quốc vào năm 2017. Sự kiện này được gọi là chuông cảnh tỉnh của đất nước tỷ dân, bởi từ 2017 cho đến nay, Tencent Ping An đã nổi lên như những "lá cờ đầu" của AI tạo sinh Trung Quốc. Hai ông lớn công nghệ này đã và đang đổ nguồn lực khổng lồ vào nghiên cứu và phát triển AI, từ đó cho ra đời những sản phẩm có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với Chat GPT của OpenAI. Ngay sau đó, AlibabaBaidu cũng đã cho ra mắt chương trình LLM của riêng mình để thách thức các đối tác ở Mỹ. 



Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc cũng đã được chứng minh qua báo cáo của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) phát hành vào tháng 7/2024. Theo đó, số lượng bằng sáng chế AI tạo sinh của Trung Quốc gấp 6 lần Mỹ, với hơn 38.000 bằng sáng chế được nộp trong giai đoạn 2014-2023. Điều này cho thấy rõ ràng tham vọng và quyết tâm của Trung Quốc trong việc dẫn đầu lĩnh vực công nghệ mang tính cách mạng này. 



"Rồng" đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với "Đại bàng", mở ra một chương mới không chỉ trong cuộc cách mạng công nghệ, và thay đổi cả cấu trúc quyền lực địa chính trị một cách cơ bản.


Cùng với những thông tin trên báo chí, mạng xã hội, khi tham khảo cuốn sách AI Superpowers: China, Silicon Valley, and the New World Order (Các siêu cường AI – Trung Quốc, Thung lũng Silicon và Trật tự thế giới mới) của tác giả Kai-Fu Lee - Tiến sĩ ngành Khoa Học Máy Tính từ Đại Học Carnegie Mellon, từng nắm giữ những vị trí điều hành tại các công ty công nghệ lớn như Microsoft, Apple, Google trước khi thành lập Sinovation Ventures - quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc, người đọc sẽ được cung cấp cái nhìn toàn diện về cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo đang diễn ra trên toàn cầu, và phân tích chuyên sâu về cuộc chiến AI giữa hai cường quốc lớn mạnh nhất thế giới. 


Khi 'Rồng' thức giấc, 'Đại bàng' có còn làm chủ cuộc chơi?


Kai-Fu Lee, trong cuốn sách AI Superpowers, đã khắc họa một bức tranh tương phản rõ nét về hai thế giới AI: Thung lũng Silicon vô cùng sôi động và Trung Quốc đầy hoài bão.


Chỉ chưa đầy 2 tháng sau màn đối đầu cờ vây lịch sử của AlphaGo và Ke Jie , chính phủ Trung Quốc đã công bố một kế hoạch với mục tiêu tới năm 2030 sẽ trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo toàn cầu về trí tuệ nhân tạo, dẫn đầu cả về các lĩnh vực lý thuyết, công nghệ, lẫn ứng dụng. Đây là một tham vọng vô cùng thực tế. Bởi hiện tại, Trung Quốc có tất cả các yếu tố cần thiết để vượt lên trước, bao gồm nguồn tài trợ mạnh mẽ của chính phủ, tài nguyên dữ liệu dồi dào, lực lượng kỹ sư công nghệ lớn mạnh, cộng đồng nghiên cứu năng động và một xã hội dường như đã sẵn sàng cho sự thay đổi công nghệ. 


Thung lũng Silicon thì luôn được ví như "cái nôi" của công nghệ, nơi những Facebook, Google, Apple, Microsoft, Alphabet đã vươn lên trở thành "gã khổng lồ" trong thế giới số. Sức mạnh công nghệ của Mỹ được vun đắp bởi tinh thần đổi mới sáng tạo, nơi các doanh nhân được khuyến khích phá vỡ giới hạn và theo đuổi những ý tưởng độc đáo, chứ không chỉ đơn thuần là kiếm tiền.




Trung Quốc, ngược lại, động lực phát triển công nghệ lại xuất phát từ khát khao làm giàu. Các doanh nhân Trung Quốc được miêu tả là những người thực dụng, nhanh nhạy và không ngại "sao chép" để đạt được mục tiêu. Tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) càng thúc đẩy họ phải làm việc chăm chỉ, không ngừng cải thiện và chớp lấy mọi thời cơ để vươn lên.


Động cơ cốt lõi của các công ty khởi nghiệp Trung Quốc không phải là danh tiếng, sự vẻ vang, hay sứ mệnh làm thay đổi thế giới. Với họ, làm giàu là mục tiêu tối thượng, và việc làm giàu bằng cách nào không quan trọng.




Tuy nhiên, cả hai mô hình này đều có những thế mạnh và hạn chế riêng. Thung lũng Silicon có thể mất dần lợi thế khi chi phí nhân sự ngày càng tăng cao, trong khi Trung Quốc lại đối mặt với những rào cản về đổi mới sáng tạo và vi phạm quyền riêng tư. Ví dụ, nước Mỹ luôn lấy luật lấy công dân làm trung tâm", trong khi Trung Quốc lại áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho mọi người tại bất kể nơi nào, từ việc xác định người di chuyển tới đâu cho đến ai đang làm gì. 


Kai-Fu Lee nhận định rằng, trong khi Thung lũng Silicon vẫn trung thành với con đường đổi mới sáng tạo, thì Trung Quốc lại chú trọng vào tốc độ và khả năng thích ứng. Sự thực dụng này đã mang lại cho Trung Quốc những thành công ngoạn mục. Họ đã xây dựng nên những "đế chế" công nghệ khổng lồ như WeChat, Alibaba, Baidu, DJI, SenseTime, hay Tencent, với quy mô và tốc độ phát triển khiến cả thế giới phải trầm trồ. Câu chuyện về GrouponMeituan chính là minh chứng rõ nét cho sự khác biệt này, khi thương hiệu lớn như Groupon của Mỹ chỉ có vốn hóa thị trường chưa đến nửa tỷ USD, trong lúc đó Meituan, bản sao của công ty này, được định giá ở mức đáng kinh ngạc là 140 tỷ USD


Sức mạnh AI: Thay đổi cán cân quyền lực thế giới


Lee lập luận rằng AI đang kiến tạo một trật tự thế giới mới, nơi những "siêu cường AI" như Mỹ và Trung Quốc sẽ nắm giữ quyền lực then chốt. PwC ước tính rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ nắm giữ 70% trong số 15,7 nghìn tỷ USD mà AI sẽ bổ sung vào GDP toàn cầu vào năm 2030, riêng Trung Quốc sẽ mang về 7 nghìn tỷ USD. 


Trong cuộc chơi quyền lực này, các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ trở thành "kẻ thua cuộc". Lợi thế về lao động giá rẻ - bệ phóng truyền thống của nhiều nền kinh tế - sẽ không còn nhiều ý nghĩa khi AI và tự động hóa lên ngôi. Sản xuất và dịch vụ sẽ ngày càng được thực hiện bởi máy móc thông minh, khiến các nước đang phát triển mất dần khả năng cạnh tranh.


Lee cảnh báo rằng, nếu không chủ động nắm bắt cơ hội và thích ứng với AI, các nước đang phát triển có thể rơi vào vòng xoáy của sự phụ thuộc và lạc hậu. Họ sẽ phải nhập khẩu công nghệ từ các "siêu cường AI", mất đi khả năng tự chủ về kinh tế và chính trị. AI không chỉ là một cuộc cách mạng công nghệ, mà còn là một cuộc chuyển dịch quyền lực toàn cầu. Và trong cuộc chơi này, không có chỗ cho sự chủ quan hay chậm trễ.


Diệu Anh


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!