AI tạo sinh (Gen AI) được hiểu là các thuật toán có khả năng sản xuất nội dung mới, bao gồm văn bản, hình ảnh, video và âm thanh. Những sản phẩm ứng dụng công nghệ này có thể tạo ra kết quả tương tự như sản phẩm do con người sáng tạo. Công nghệ này đang được nhiều quốc gia áp dụng và dự báo sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. 


Để khai thác tối đa tiềm năng của Gen AI và giảm thiểu rủi ro, các marketer cần trang bị những kiến thức cần thiết về công nghệ này, đồng thời xây dựng những chiến lược marketing linh hoạt để thích ứng với những thay đổi liên tục của thị trường.


Sự nở rộ của việc tích hợp Gen AI trong thời đại kỹ thuật số


Kỹ thuật số vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng quảng cáo tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của MAGNA, tổng doanh thu quảng cáo kỹ thuật số dự kiến sẽ tăng 11,1% so với năm ngoái, đạt 103 tỷ USD vào năm 2024. Trong đó, công cụ tìm kiếm đóng vai trò quan trọng nhất, chiếm 47% thị phần và dẫn đầu tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Úc Hàn Quốc. Điều này cho thấy tìm kiếm không chỉ là một công cụ tiếp thị quan trọng mà còn đang không ngừng phát triển, đòi hỏi các nhà tiếp thị phải luôn cập nhật để tận dụng tối đa cơ hội.


Báo cáo của MAGNA cho thấy, công cụ tìm kiếm (Search) chiếm tỷ lệ đầu tư cao nhất trong các thị trường quảng cáo lớn tại khu vực APAC


Công cụ tìm kiếm vẫn là cổng vào chính để người tiêu dùng tiếp cận thông tin. Tại khu vực APAC, dù Google thống trị ở hầu hết các thị trường, các nền tảng địa phương như Baidu (Trung Quốc) và Naver (Hàn Quốc) vẫn giữ vị thế dẫn đầu tại thị trường của mình. Cuộc đua để cung cấp trải nghiệm tìm kiếm tốt nhất càng trở nên cạnh tranh hơn khi công nghệ Gen AI (AI tạo sinh) đang phát triển mạnh mẽ. Cả Google, Baidu và Naver đều tích cực tích hợp các tính năng AI vào sản phẩm của mình. 


Điển hình, Google vừa mở rộng tính năng AI Overview ra nhiều thị trường hơn, bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia. Tính năng này được kỳ vọng mang đến cho người dùng trải nghiệm tìm kiếm trực quan, tương tác hơn, đồng thời cung cấp các câu trả lời toàn diện cho những câu hỏi phức tạp.


Tại Ấn Độ, Google đã điều chỉnh tính năng AI Overview để hỗ trợ cả tiếng Anh và tiếng Hindi, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng. Đồng thời, để tận dụng xu hướng tìm kiếm bằng giọng nói ngày càng phổ biến, AI Overview còn được tích hợp khả năng chuyển văn bản thành giọng nói và trả lời trực tiếp các truy vấn thoại. Bên cạnh đó, Google cũng đang thử nghiệm tích hợp quảng cáo vào phần kết quả của AI Overview, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ liên quan một cách tự nhiên hơn.


AI Overview là những câu trả lời được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo, xuất hiện khi người dùng thực hiện tìm kiếm trên Google, giúp họ dễ dàng truy cập thông tin được trích dẫn trong câu trả lời 


Mặt khác, Baidu đang dẫn đầu cuộc cách mạng tìm kiếm với Ernie (文心一言), một mô hình ngôn ngữ AI tiên tiến. Ernie được xây dựng trên nền tảng đồ thị kiến thức khổng lồ, bao gồm các thông tin đa dạng từ khoa học, xã hội đến kinh tế. Nhờ đó, Ernie không chỉ cung cấp kết quả tìm kiếm chính xác mà còn có khả năng trình bày thông tin một cách mạch lạc, liên kết, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận kiến thức. Hiện tại, Ernie đã trải qua nhiều phiên bản nâng cấp và phiên bản 3, ra mắt vào năm 2019, là một trong những thành tựu đáng kể của Baidu trong lĩnh vực AI.


Trước đó, vào tháng 5 năm nay, trong khi Google giới thiệu tính năng AI Overview, Baidu cũng không hề kém cạnh khi tiết lộ rằng 11% kết quả tìm kiếm cốt lõi của họ đã được tạo ra bằng AI. Hơn nữa, Baidu còn ứng dụng AI tạo sinh để kết nối các truy vấn tìm kiếm với quảng cáo một cách thông minh hơn. Nhờ đó, người dùng nhận được những kết quả tìm kiếm và quảng cáo phù hợp hơn, trong khi nhà quảng cáo có thể tiếp cận đối tượng mục tiêu hiệu quả hơn. 


Tập đoàn Baidu của Trung Quốc chính thức tham gia cuộc đua toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI), khi hoàn thành thử nghiệm nội bộ dự án kiểu ChatGPT có tên là “Ernie Bot” vào tháng 03/2023


Để củng cố vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ tìm kiếm tại Hàn Quốc, Naver đã ra mắt phiên bản thử nghiệm của CUE:, một công cụ tìm kiếm AI tạo sinh vào tháng 09/2023. Được xây dựng dựa trên nền tảng HyperCLOVA X - mô hình ngôn ngữ lớn hàng đầu của Naver, CUE: mang đến một cách tiếp cận mới mẻ, cho phép người dùng tương tác với thông tin một cách tự nhiên hơn thông qua giao diện đàm thoại. Đáng chú ý, CUE: được thiết kế để bổ sung cho hệ sinh thái tìm kiếm hiện có của Naver, nhằm mang đến cho người dùng những trải nghiệm tìm kiếm đa dạng và phong phú hơn.


Điểm độc đáo của CUE: nằm ở khả năng kết nối liền mạch với các dịch vụ khác trong hệ sinh thái Naver. Bằng cách tích hợp sâu với Naver Shopping, Naver Place và các dịch vụ khác, CUE: giúp người dùng chuyển đổi mượt mà từ việc tìm kiếm thông tin đến thực hiện các hành động như mua sắm, đặt chỗ hay thanh toán. Người dùng có thể hoàn thành mọi công việc một cách nhanh chóng và tiện lợi ngay trên một nền tảng duy nhất, thay vì phải chuyển đổi qua lại giữa nhiều ứng dụng khác nhau.


CUE: là dịch vụ hiểu các truy vấn dài và phức tạp với nhiều ý đồ, đồng thời cung cấp kết quả tìm kiếm ba chiều bằng cách sử dụng thông tin mới nhất và đáng tin cậy cần thiết để tạo ra câu trả lời


Nhìn chung, các công cụ tìm kiếm truyền thống như Baidu và Naver không còn là những lựa chọn duy nhất đối với người dùng. Tùy theo nhu cầu tìm kiếm, ngày càng nhiều người dùng hiện nay chuyển sang tìm kiếm trực tiếp trong các ứng dụng hoặc nền tảng mạng xã hội để có kết quả phù hợp hơn. Vì thế, không có gì bất ngờ khi các gã khổng lồ thương mại điện tử như Alibaba và đối tác mạng xã hội Tencent cũng đang ứng dụng AI để nâng cao trải nghiệm tìm kiếm trong các ứng dụng và hệ sinh thái của họ.


Vào tháng 10/2023, Alibaba đã giới thiệu Tongyi Qianwen (通义千问), một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) tiên tiến. Ngay lập tức, Alibaba đã ứng dụng Tongyi Qianwen và tạo ra Taobao Ask, nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến trên Taobao. Cụ thể, người dùng có thể đặt câu hỏi về sản phẩm một cách tự nhiên và nhận được các đề xuất chi tiết, bao gồm cả hình ảnh, video và âm thanh. Từ đó, người dùng có thể dễ dàng tìm thấy sản phẩm ưng ý và hoàn tất quá trình mua sắm một cách nhanh chóng.


Đầu năm nay, Tencent cũng chính thức ra mắt Yuanbao - trợ lý ảo thông minh được phát triển dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn Hunyuan. Điểm độc đáo của Yuanbao nằm ở khả năng truy cập trực tiếp vào kho tàng thông tin khổng lồ trên WeChat - siêu ứng dụng của Tencent với gần 1,4 tỷ người dùng hoạt đồng hàng tháng. Nhờ đó, Yuanbao có thể cung cấp cho người dùng những thông tin chính xác và cập nhật nhất từ các tài khoản được xác minh trên WeChat, vượt xa khả năng của các công cụ tìm kiếm truyền thống.


Cơ hội và thách thức của Gen AI khi ứng dụng vào quảng cáo và tiếp thị 


Sự phát triển mạnh mẽ của AI tạo sinh tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang định hình lại cách người dùng tìm kiếm thông tin. Thay vì phải lướt qua nhiều trang web và bài viết khác nhau, người dùng ngày càng có xu hướng tương tác với các chatbot AI để tìm kiếm câu trả lời một cách trực tiếp và nhanh chóng. Chỉ với một câu hỏi, người dùng có thể nhận được thông tin đầy đủ, bao gồm cả các gợi ý và đề xuất liên quan, giúp quá trình tìm kiếm trở nên hiệu quả hơn.


Cuộc cách mạng tìm kiếm do AI tạo ra đặt ra những thách thức và cơ hội mới cho các marketer. Để tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ này, doanh nghiệp cần đầu tư vào việc sản xuất nội dung chất lượng cao, đa dạng về hình thức (văn bản, hình ảnh, video). Đặc biệt, nội dung sở hữu và được tối ưu hóa sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu trên các nền tảng tìm kiếm dựa trên AI. Bởi vì, các công cụ tìm kiếm này có khả năng tổng hợp và trình bày thông tin một cách toàn diện, bao gồm cả quảng cáo, đánh giá và bài viết, tạo ra một trải nghiệm liền mạch cho người dùng. 


Việc ứng dụng AI vào chatbot hỗ trợ nhiều hoạt động marketing, điển hình là chatbot AMI của VNPT có thể phân tích và dự đoán dựa trên đoạn hội thoại của người dùng, sau đó trò chuyện với người dùng theo ngôn ngữ hội thoại tự nhiên


Hơn nữa, việc tập trung thông tin nghiên cứu và so sánh vào một nguồn duy nhất đòi hỏi các marketer phải đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của nội dung. Để làm được điều này, các thương hiệu cần xác định rõ thế mạnh và kiến thức chuyên sâu của mình, từ đó xây dựng nội dung độc đáo và có giá trị. Bằng cách cung cấp thông tin giá trị và chính xác, các thương hiệu không chỉ thu hút được sự tin tưởng của người tiêu dùng mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh trong môi trường tìm kiếm ngày càng thông minh. 


Một nguy cơ khác khi AI ngày càng được sử dụng để tối ưu hóa nội dung là sự đồng nhất hóa các kết quả tìm kiếm. Điều này đòi hỏi các thương hiệu phải tạo ra những điểm khác biệt rõ ràng để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Trong bối cảnh AI và tìm kiếm trả phí phát triển mạnh mẽ, việc đầu tư vào SEO và tối ưu hóa nội dung trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Điều này giúp các thương hiệu không chỉ tăng khả năng hiển thị mà còn xây dựng một trải nghiệm thương hiệu ấn tượng và khác biệt cho người dùng.


Như Quỳnh (Theo Campaign Asia)


Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.