⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Thế giới liên tục chuyển mình, đẩy con người vào yêu cầu tìm ra một trật tự mới – trật tự của sự hỗn loạn

 ⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Trong thế giới phân mảnh nhưng tồn tại những kết cấu chặt chẽ, niềm tin trở thành một nền tảng, là sự dẫn dắt và định hướng để người ta không lạc lối. Vấn đề đặt ra ở đây là tin vào điều gì? Nhất là khi chúng ta đã chịu đựng quá nhiều sự đớn đau khi những hình mẫu lãnh đạo trước đó sụp đổ trong giai đoạn khủng hoảng.

 ⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Niềm tin trước hết nên bắt đầu chính bản thân chúng ta. Mỗi người cần là lãnh đạo của chính mình. Khả năng lãnh đạo của con người không phải là một tài năng thiên bẩm, nó hoàn toàn là một khả năng có thể tạo dựng. Việc tạo dựng khả năng này sẽ có, khi bạn thỏa mãn 2 yếu tố, (1) quản trị bản thân, (2) quản trị kẻ khác.

 ⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Ảnh: Võ Tấn Phượng Hồng

 ⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Quản trị bản thân

 ⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Công cụ để hiểu bản thân mình

Quản trị bản thân không phải là việc đưa bản thân vào một lối sống nghiêm ngặt. Bạn cứ ăn cái gì bạn muốn (nhưng nhớ là cái gì nhiều cũng không tốt). Sự quản trị bản thân là kiểm soát chính mình chứ không phải là kiềm chế chính mình. Để có thể quản trị, trước nhất là hiểu rằng - “tôi là ai?”.

 ⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Đa phần, mọi khổ đau trong đời sống con người đến từ sự bất an, và vô tri về chính mình. Chúng ta khao khát một sự thấu hiểu, xác tín, tôn trọng, giúp đỡ từ kẻ khác. Nghịch lý thay, lại loay hoay với chính những mong đợi của chính mình. Biết về mình chính là bước đầu tiên để giúp người khác hiểu về bản thân mình. Những công cụ có thể hỗ trợ bạn trong việc hiểu chính mình (critics yourself) là: tự soi chiếu chính mình; nhận những lời góp ý từ người chúng ta tin tưởng; hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để tự cải thiện. Thử liệt kê ra 3 điểm mạnh, 3 điểm yếu của mình. Nếu trong đầu bạn là một khoảng trống, không sao, ngồi xuống, bình tâm và thử suy nghĩ thật sâu để tìm ra. Con người thường dễ biết những điều mình không giỏi hơn, bởi lẽ việc tìm ra điểm mạnh cần phải có sự xác tín (đến từ cộng đồng, xã hội, qua tương tác). Chúng ta luôn luôn dễ đắm mình vào những thất bại và tự ti về những điểm yếu, tuy nhiên hãy tập những thói quen nhìn vào thành tựu ngắn hạn và phân tích những lí do tôi làm được chuyện đó.


Ảnh: Võ Tấn Phượng Hồng

 ⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Tôi có gì hơn người ta?

Thử ngẫm câu chuyện sau: Anh Đăng Khoa cho rằng bản thân có những đặc điểm của một người Châu Á điển hình trên đất Mỹ. Giỏi toán ư? Có hàng ngàn người khác giỏi hơn anh. Chăm chỉ ư? Bất kì một người nào cũng chăm chỉ để giữ cho mình một vị trí ở Silicon Valley. Vậy, điều gì làm anh thực sự nổi bật, hay chính xác hơn tổ hợp nào từ những điểm mạnh – yếu đã tạo ra anh?

 ⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Câu trả lời có rất nhiều phiên bản, điều khiến anh nổi bật lại chính là khả năng tạo ra không khí tích cực trong nhóm – điều mà chỉ khi cấp trên nhận xét anh mới nhận ra. Nhưng tất nhiên, sự tích cực không phải là điều kiện cần, chính quá trình tự soi chiếu và cho phép bản thân có không gian để phát triển ngay cả khi gặp trở ngại, mới là điều kiện đủ - khiến anh trở thành anh hiện tại.

 ⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Ảnh: Võ Tấn Phượng Hồng

 ⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Hiểu mình rồi, vậy thì sao nữa?

Những điều cần thiết để quản trị chính mình đến từ sự hoà hợp giữa:

  • Chăm sóc bản thân (the body)
  • Lấp đầy cuộc sống bằng suy nghĩ tích cực tỉnh táo (the emotions)
  • Cho mình khoảng không gian tập trung vào điều quan trọng (the minds)
  • Và sẵn sàng từ bỏ những điều tiêu cực (the spirit).

Việc biết được cách chính mình tư duy, môi trường nào khiến bạn thoải mái, giờ làm việc nào hiệu quả, những từ ngữ nào có thể động viên bạn, tất cả sẽ giúp bạn gia tăng hiệu quả và hiệu suất công việc. Hơn nữa, thấu hiểu được giá trị cốt lõi (core values) là điều có thể định hướng được chiến lược phát triển và cung cấp thông tin cho quá trình duy lý trước khi hành động hay đưa ra quyết định từ chính phiên bản nguyên gốc của chính bạn. Ngoài ra, giá trị cốt lõi - thứ cho phép biết mình thuộc về nơi đâu - sẽ giúp bạn có thể lên kế hoạch cho một sự nghiệp thành công.


Khi biết được mình thuộc về nơi đâu sẽ dẫn đến câu hỏi thứ hai: “tôi đóng góp cho giá trị tổng của tổ chức như thế nào?” Và tất nhiên, việc biết nơi tôi thuộc về còn cho phép chúng ta đưa ra quyết định dừng lại hoặc bỏ qua những điều không phù hợp. Đôi khi quyết tâm từ bỏ lại mang đến sự bình yên.

 ⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Quản trị người khác⠀⠀

 ⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Không cần thích nhau, chỉ cần hiểu nhau là được

Yếu tố thứ hai cần có để xây dựng khả năng lãnh đạo chính là quản trị kẻ khác. Một người lãnh đạo tốt không bắt buộc phải là người làm chuyên môn xuất sắc, bởi lãnh đạo là sự dẫn dắt và định hướng niềm tin của người trong nhóm. Nhất là trong khủng hoảng, một hình mẫu lãnh đạo cần thiết là người có khả năng “chạm đến” sự rung cảm của thành viên trong nhóm.


Đây cũng chính là điều khác biệt tiên quyết giữa lãnh đạo và quản lý. Trong khi quản lý có nhiệm vụ duy trì sự ổn định và định hướng thành viên thực hiện đúng đầu mục ngắn hạn (task), lãnh đạo lại là người gây ảnh hưởng và thúc đẩy kiến tạo mục tiêu dài hạn (goal). Bởi lẽ, con người là động vật duy lý nhưng bị điều khiển bởi cảm xúc. Lý trí cho phép chúng ta hành động, cân nhắc chọn lựa, nhưng cảm xúc và động lực gắn với lý tưởng mới là điều khiến chúng ta kiên trì.

 ⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Quản trị kẻ khác, do đó cần nền móng vững chắc của sự thấu hiểu, trí thông minh xúc cảm (emotional intelligence), để tạo tiền đề xây dựng quan hệ giữa các thành viên trong tổ chức. Mối quan hệ vững chắc giữa lãnh đạo và các thành viên sẽ giúp công việc trôi chảy hơn, thúc đẩy nhiều đóng góp cho tổ chức hơn. Vậy để làm được điều đó, lắng nghe không là chưa đủ, chúng ta cũng cần mở một cánh cửa bước vào thế giới của người khác, và mở cánh cửa của chính chúng ta để người khác bước vào.

 ⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Vậy rồi sếp tôi, ổng làm gì cả ngày? 

Ảnh: Reddit

 ⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Thế rồi tôi có làm lãnh đạo được không?

Câu trả lời là có. Tuy nhiên, không có công thức nào để bạn đi theo cả. Điều tốt là chúng ta vẫn có thể phát triển bản thân theo những đức tính cơ bản sau:

  • Có lý tưởng: chỉ khi đó bạn mới có thể dẫn dắt thành viên tạo ra sự ảnh hưởng.
  • Hãy chăm chỉ: để bản thân luôn phát triển tốt hơn.
  • Xác định ảnh hưởng của bản thân: Người lãnh đạo có thể thay đổi toàn bộ hệ thống, nên việc cân nhắc ảnh hưởng là điều quan trọng. Một lãnh đạo tốt là người có thể mang lại lợi ích tổng hoà cho tổ chức, hơn là một người giỏi nhưng chỉ mang lại xung đột.
  • Hãy lắng nghe: từ đồng nghiệp, cấp trên, người bạn tin tưởng, những người tin bạn, đối tác… để hiểu người khác và điều hòa các mối quan hệ hợp lý.
  • Đừng ngại thay đổi: Lãnh đạo tìm kiếm sự cải tiến để thay đổi - trong trạng thái rối loạn, người lãnh đạo phải tìm ra cơ hội để thay đổi và xây dựng trật tự mới.
  • Hãy trao quyền: Không có gì tốt hơn một người lãnh đạo có niềm tin vào thành viên. Niềm tin là một trạng thái được xây dựng thông qua tương tác hai phía. Hãy tin và sẽ được tin.

 ⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Ảnh: Võ Tấn Phượng Hồng

 ⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Becoming a leader

Quản lý là một danh hiệu, nhưng lãnh đạo là một hành trình. Lãnh đạo là một khái niệm không cố định, vì vậy bạn cũng cần chấp nhận đó là một tiến trình luôn thay đổi, và đòi hỏi sự phát triển không ngừng. Hãy bắt đầu bằng việc hỏi chính bản thân một câu “Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo như thế nào?”.


 ⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀

Học viên Nguyễn Minh Châu - Trường học Phát triển Việt Nam