Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số đã tạo ra những bước tiến mới trong nền kinh tế hiện đại. Theo đó, kinh tế số cùng sự phát triển mạnh mẽ của NFT (Non-fungible token) đang dần mở ra những giải pháp marketing mới cho nhà tiếp thị. 


Cùng tìm hiểu về xu hướng NFT trong các chiến dịch truyền thông, quảng cáo! 


NFT là gì?


Non-fungible token (tạm dịch: Token không thể thay thế, viết tắt: NFT) là một đơn vị dữ liệu được lưu giữ trên blockchain (sổ cái kỹ thuật số). Trong đó, mỗi NFT có thể đại diện cho một tập tin độc nhất vô nhị, vì vậy, chúng không thể hoán đổi cho nhau. Hay nói cách khác, NFT là những vật không thể trao đổi tương đương. Quyền sở hữu và tính hợp lệ của chúng có thể được theo dõi và xác minh từ thời điểm dữ liệu được tải lên nền tảng blockchain. Điều này tạo nên đặc tính “hiếm” của NFT. Tuy nhiên, không phải NFT nào cũng có giá trị cao.


NFT có thể tồn tại dưới nhiều dạng tệp kỹ thuật số như tác phẩm nghệ thuật, âm thanh, video, vật phẩm trong trò chơi điện tử và các tác phẩm sáng tạo khác. Nhờ vào tính “độc nhất vô nhị”, chúng có thể được bán hoặc đấu giá lên đến hàng triệu đô la. NFT đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, người yêu nghệ thuật, game thủ và những người đam mê công nghệ từ khắp nơi trên thế giới. Bức tranh “Everydays - The First 5000 Days” của họa sĩ Mike 'Beeple' Winkelmann được bán với giá kỷ lục 69,3 triệu USD là một ví dụ cho việc NFT “khuynh đảo” giới công nghệ trong thời gian qua. 


 Bức tranh “Everydays - The First 5000 Days” của họa sĩ Mike 'Beeple' Winkelmann


NFT: định hình lại tiếp thị thương hiệu trong nền kinh tế sáng tạo


Theo một cuộc khảo sát của Adweek-Harris Poll, trong số 81% người “biết” về NFT, có đến 40% người cho rằng NFT là thuật ngữ “quen thuộc” với họ. Bên cạnh đó, khảo sát chỉ ra rằng Millennials là đối tượng có nhiều khả năng đầu tư vào NFT và kiếm được hơn 100.000 USD từ việc sưu tầm. Đồng thời, những người tham gia khảo sát có quan tâm đến việc mua NFT thường thích mua vật phẩm này dưới dạng bài hát (36%), tác phẩm kỹ thuật số (35%) và video (33%). Ngày càng nhiều người biết và có hứng thú với việc sở hữu một NFT.


Bức tranh NFT "Hoa mai may mắn" của họa sĩ Việt Xèo Chu thu về gần 23.000 USD - mức giá cao kỷ lục tại Việt Nam


Về bản chất, NFT được định giá bởi chính chiến lược marketing của người phát hành. Các thương hiệu muốn nâng giá thầu và giá bán của NFT đều cần đến sự trợ giúp của các chuyên gia có kinh nghiệm. Họ sẽ là người xây dựng cộng đồng người dùng, thu hút những người có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội, đồng thời tận dụng hiệu quả content marketing (tiếp thị nội dung) và các phương tiện truyền thông mạng xã hội. Từ đó, thương hiệu có thể “kích thích” nhu cầu sở hữu vật phẩm sưu tầm của khách hàng. Bên cạnh đó, NFT còn có thể đa dạng hóa chiến lược marketing trên một số khía cạnh: 


- NFT cung cấp trải nghiệm người dùng mới, gia tăng mức độ nhận biết và sự ưa thích thương hiệu. Trong chiến lược marketing, các thương hiệu có thể sử dụng công nghệ NFT để cung cấp quà tặng được “cá nhân hóa”, phiếu mua hàng,... cho khách hàng.


- NFT mở ra một nguồn doanh thu hoàn toàn mới cho các thương hiệu. Thương hiệu có thể mở bán NFT ở dạng kỹ thuật số hoặc như một phần bổ sung cho một sản phẩm vật lý. Nắm bắt điều này, các thương hiệu Coca-Cola, PepsiCo,... bắt đầu phát hành NFT áp dụng chúng trong chiến dịch truyền thông, quảng cáo.


- Thương hiệu có thể sử dụng nguồn thu từ NFT vì mục đích từ thiện. Đây không chỉ là một cách hay để thương hiệu truyền tải các thông điệp vì cộng đồng mà còn là một chiến lược thu hút người tiêu dùng hiệu quả. Bởi lẽ, những thương hiệu có mục đích kinh doanh nhân văn thường được tin tưởng bởi người tiêu dùng hiện đại, nhất là những khách hàng thuộc thế hệ Y và Z - đối tượng hiểu biết về công nghệ. 


NFT “Nyan Cat” của nghệ sỹ Chris Torres đã được bán với giá 590 nghìn USD


Một khía cạnh mang tính cách mạng của NFT là chúng có thể thay đổi cách thức phân phối và kiếm tiền của trên các nền tảng kỹ thuật số. Hiện tại, hầu hết nội dung kỹ thuật số đang được kiếm tiền thông qua các nền tảng như Facebook, YouTube. Những nền tảng này đóng vai trò là người trung gian giữa người sáng tạo và người tiêu dùng, đồng thời là nhà phân phối nội dung. Mặc dù người sáng tạo vẫn sở hữu bản quyền đối với tác phẩm của họ, nhưng họ phải nhường một phần quyền sở hữu cho các nền tảng và thậm chí là khán giả. Với đặc tính “độc nhất”, NFT sẽ giúp các nhà sáng tạo và các thương hiệu thu được toàn bộ lợi nhuận cho riêng họ.


Mối liên hệ giữa NFT và metaverse


Trong lần tái cấu trúc thương hiệu Facebook, Mark Zuckerberg chia sẻ NFT là một phần trong kế hoạch xây dựng metaverse của Meta. sự kết hợp của nhiều yếu tố công nghệ, bao gồm thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), tiền ảo (cryptocurrency) và video, metaverse là nơi người dùng "sống" trong một vũ trụ kỹ thuật số. Tại đây, các nhân vật đại diện (avatar) của người dùng có thể tương tác tại nơi làm việc, giải trí, gặp gỡ tại văn phòng, đi xem hòa nhạc và thậm chí là thử quần áo. Trong đó, NFT sẽ đóng vai trò quan trọng trong metaverse. Người dùng có thể sở hữu, mua và bán các nhân vật, tấm vé xem buổi biểu diễn hay các vật phẩm tích lũy và sưu tầm dưới dạng NFT.


Meta thông báo sẽ hỗ trợ NFT trong metaverse của họ


NFT đang tạo nên nền tảng cho thế giới ảo. Mặc dù trong thời điểm hiện tại, metaverse vẫn còn non trẻ và các thương hiệu vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi, NFT vẫn được xem là điểm xuất phát lý tưởng để các thương hiệu bắt đầu “dấn thân” vào lĩnh vực này.


NFT - xu hướng mới trong chiến dịch quảng cáo


1. Coca-Cola


Nhân ngày Quốc tế Hữu nghị vào cuối tháng 7 vừa qua, Coca-Cola đã hợp tác với công ty sáng tạo 3D Tafi để ra mắt buổi đấu giá NFT đầu tiên của thương hiệu. Hoạt động này nhằm kỷ niệm tình bạn của Coca-Cola với đối tác 53 năm của họ - Thế vận hội Đặc biệt (Special Olympics International). Đồng thời, đây là “lời chào” của thương hiệu với metaverse - nơi Coca-Cola cho rằng tình bạn sẽ được hình thành theo những cách mới trong thế giới đặc biệt này. 




Coca-Cola đã tạo ra một bộ sưu tập NFT bao gồm: Friendship box (hộp Tình bạn), chiếc áo khoác bong bóng Coca-Cola, trình hiển thị âm thanh (sound visualizer) và thẻ Tình bạn. Sản phẩm này được đấu giá lên đến 575 nghìn USD và được quyên góp cho Thế vận hội Đặc biệt.


2. PepsiCo


Lay’s - Thương hiệu khoai tây chiên của PepsiCo đã hợp tác với nền tảng tài sản kỹ thuật số Project Ark ở Romania, cho ra mắt một bức tranh NFT vào đầu tháng 9/2021. Với tiêu đề “Share smiles with Lay’s” (Tạm dịch: Chia sẻ nụ cười với Lay’s), bức tranh được tạo nên bởi hơn 3000 bức ảnh ghi lại nụ cười của mọi người trên khắp thế giới.



Kết quả, NFT của Lay’s thu về hơn 300 nghìn USD từ phiên đấu giá. Số tiền này đã được quyên góp cho cho bốn tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong về giáo dục, sinh thái và xã hội của Romania.


3. Tổ chức Bảo tồn quốc tế


Tháng 10 vừa qua, Tổ chức Bảo tồn quốc tế (Conservation International) đã bắt với agency Publicis, Peru để sáng tạo một bộ sưu tập nghệ thuật crypto (tiền điện tử) có tên “Conservation NFTs” - tái hiện hình ảnh của các loài vật trong rừng Alto Mayo. Mỗi bức tranh đi cùng với chú thích cụ thể về đặc điểm, số lượng còn lại và nguy cơ của chúng.



Một điều đặc biệt là khi sở hữu bức tranh NFT này, chủ nhân sẽ có quyền truy cập vào tọa độ vị trí thực của loài vật đó trong Google Earth. Những bức tranh có mức giá khoảng 0,18 ETH (một loại tiền điện tử), tương đương với gần 18 triệu VNĐ. Toàn bộ số tiền bán tranh sẽ được gây quỹ bảo tồn Alto Mayo. 


Một số bức tranh NFT tiêu biểu trong dự án


4. TikTok


Đầu tháng 10 vừa qua, TikTok công bố sẽ phát hành những bộ sưu tập kỹ thuật số từ nội dung trên nền tảng dưới dạng NFT với tên gọi “TikTok Top Moments”. Các sản phẩm NTF của TikTok sẽ được hợp tác sản xuất cùng các công ty công nghệ như COIN ARTIST, x0r, RTFKT, Grimes,....


TikTok kết hợp cùng những TikToker nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu như Lil Nas X, Bella Poarch, Brittany Broski và Curtis Roach để cho ra mắt những NFT đầu tiên. Theo đó, người hâm mộ có thể đấu giá để sở hữu những sản video NFT này.

Video nổi tiếng của TikToker, ca sĩ Bella Poarch là một trong những NFT đầu tiên của TikTok

 

Một số NFT được đấu giá trong dự án "TikTok Top Moments"


5. Louis Vuitton


Để kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà sáng lập thương hiệu, Louis Vuitton cho ra mắt tựa game “Louis: The Game” lấy cảm hứng từ câu chuyện thành lập và phát triển của thương hiệu. Trò chơi tích hợp công nghệ blockchain để ra mắt 30 NFT miễn phí, trong đó 10 tác phẩm được thiết kế bởi nghệ sĩ kỹ thuật số Mike 'Beeple' Winkelmann - chủ nhân của bức tranh NFT có giá kỷ lục nói trên.

 



Một số hình ảnh trong tựa game

 

6. Alibaba

 

Hưởng ứng ngày lễ mua sắm 11/11, tập đoàn Alibaba cho ra mắt Triển lãm Nghệ Thuật Metaverse trên ứng dụng di động Tmall, Taobao của Alibaba. Triển lãm trưng bày 8 bộ sưu tập giới hạn dưới dạng NFT từ các thương hiệu khác nhau như Burberry và Kiehl’s. Khi người dùng mua một sản phẩm vật lý thuộc phiên bản giới hạn Double 11 (như khăn quàng cổ Burberry), họ sẽ có cơ hội nhận được một “bộ sưu tập kỹ thuật số” hoặc NFT miễn phí.



Bên cạnh đó, Alibaba còn thực hiện chiến dịch Bản giao hưởng Metaverse Double 11 với nguồn cảm hứng từ Beethoven. Các nhạc sĩ sẽ chơi các nhạc cụ ảo (dưới dạng NFT) có gắn tên thương hiệu như kèn Bobbi Brown hoặc trống Coca-Cola. Người tiêu dùng có thể mua các sản phẩm ảo này với ứng dụng thanh toán Alipay.

 

7. ASICS

 

Tháng 7 vừa qua, thương hiệu giày ASICS tạo ra bộ sưu tập ASICS Sunrise Red NFT với 189 sản phẩm, bao gồm 20 NFT cho mỗi chiếc giày thuộc phiên bản giới hạn. Ngoài ra, bộ sưu tập còn có phiên bản NFT “Gold Edition” độc nhất với màu vàng kim loại sang trọng. 



ASICS thông báo tất cả số tiền thu được từ cuộc đấu giá trực tuyến sẽ được sử dụng để hỗ trợ tài năng nghệ sĩ kỹ thuật số mới nổi thông qua Digital Goods Artist-In-Residence Program (tạm dịch: Chương trình Nghệ sĩ Kỹ thuật số). Chương trình thành lập để thúc đẩy sự hợp tác giữa thương hiệu với các nghệ sĩ kỹ thuật số để dẫn đầu làn sóng NFT trong tương lai.

 

8. Taco Bell

 

Vào tháng 3/2021, thương hiệu bán Taco nổi tiếng Taco Bell đã công bố bộ sưu tập NFT mang tên “Transformative Taco” (tạm dịch: Bánh Taco biến hình). 25 NFT trong bộ sưu tập này đã được “tẩu tán” chỉ trong nửa giờ.




Giá mỗi tác phẩm NFT của Taco Bell được bán với giá 10 ETH, tương đương với khoảng 18 nghìn USD. Tất cả số tiền thu được sẽ được chuyển đến Học bổng Live Más thông qua quỹ Taco Bell.

 

---

Bài viết có tham khảo các nguồn dưới đây:

- NFT Marketing: Everything You Need to Know to Get Started

- The Rise of NFTs and What It Means for Marketers

- NFTs Reshape Brand Marketing In The Creator Economy

 

Tường Minh | Advertising Vietnam